Phạm Trần
Mỗi
lần nhắc đến Hồ Chí Minh, những người có chức có quyền trong lãnh đạo
Cộng sản Việt Nam lại khăn nón, áo thụng nối hàng vái nhau và mượn lời
họ Hồ để phán bảo cán bộ, đảng viên "phải” thế này, thế nọ nhưng chính
bản thân họ lại chưa bao giờ biết xám hối trước đồng bào và chiến sỹ về
những hành động phản dân, hại nước của mình.
Lần kỷ niệm 120 năm ngày sinh của họ Hồ năm nay cũng không đi ra ngoài "tập quán” cố hữu này.
Hãy nghe Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng nói tại lễ mít tinh ngày 18-5 (2010) ở Hà Nội : "Dân
tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí
Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân
tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta". Công lao của Người với dân
tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường
cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi
sáng...”
"...Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
thể hiện một cách rõ ràng trong từng lời nói và việc làm của Người.
Người nói "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh", "xã
hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt",
"một xã hội đảm bảo cho đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng
chưa từng thấy, đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và
ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do,
hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng". Người
còn nói : "Chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là
một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là
nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu chung nói rõ thực chất của chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam là vì dân tộc, vì con người. Đó cũng là động
lực, là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân quyết tâm phấn đấu xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.”
Đó là lý tưởng, là
kim chỉ nam của họ Hồ đã dậy đảng viên khi còn sống và lớp lãnh đạo sau
họ Hồ cũng đã làm và đang làm , nhưng hãy nhìn lại chặng đường dài 80
năm từ ngày thành lập đảng và 64 năm có mặt của Nhà nước, những người
Cộng sản Việt Nam đã làm cho "dân giàu, nước mạnh” chưa hay sau 2 cuộc
chiến tàn khốc huynh đệ tương tàn do chính họ Hồ và đảng gây ra cho
nhân dân và sau 24 năm "đổi mới”, xã hội ngày nay đã " càng tiến, vật
chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”, hay người dân đã có
"cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do” chưa?
Ở Việt Nam ngày nay,
Mạnh có biết đã có bao nhiêu cán bộ, đảng viên có quyền cao chức trọng
không có chỗ giữ tiền, giấu vàng mà phải tẩu tán ra nước ngòai trong
khi đại đa số dân lao động, nông dân, ngư dân đang thiếu ăn, thiếu mặc
và con cái họ không được học đến nơi đến chốn và người gìa không có chỗ
nương thân như HCM mong ước?
Vậy mà Mạnh vẫn nhởn nhơ nhắc lại lời HCM dạy cán bộ, đảng viên rằng :
"Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn
thể nhân dân lao động chứ không phải mưu cầu cho lợi ích riêng của một
nhóm người nào, của cá nhân nào". "Nhiệm vụ của Đảng là một lòng, một
dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân
dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác". "Đảng ta là đạo đức, là văn
minh", "một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng
triệt để". "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức
cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", "suốt đời làm
người con trung thành của Đảng, người đày tớ tận tuỵ của nhân dân"
Giá
chi HCM còn sống để thấy đám bầy tôi, hậu duệ của mình đã trắng trợn
phản bội mình, phản bội đồng bào và vong ơn bạc nghĩa với những người
đã nằm xuống như thế nào trong xã hội ngày nay khi họ để quyền lợi cá
nhân trên quyền lợi tập thể, đã coi những ai "cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư” là kẻ thù, những thứ kỳ đà cản mũi cần phải lọai ra khỏi
hàng ngũ?
Hãy tính số chống "quốc nạn” tham nhũng, lãng phí từ khi có Luật năm 2005 thì rõ.
Còn
chuyện cán bộ đảng viên "trung thành với đảng”, hay "người đày tớ tận
tụy của nhân dân” ư? Tất nhiên là rất trung thành và cần phải "trung
thành” để có chỗ tựa mà làm ăn, chạy chức chạy quyền và xà xẻo được
như đã chứng minh từ ngày có nền "kinh tế thị trường theo định hướng xã
hội chủ nghĩa”. Nhưng nói chuyện cán bộ đảng viên làm "đầy tớ” của
nhân dân, hay luôn luôn mang theo cẩm nang gìn giữ mối liên hệ "máu
thịt với nhân dân”, hoặc làm sao để cho xứng đáng theo châm ngôn "cán
bộ đi trước, làng nước theo sau” trong thời đại của thế kỷ 21 thì đã
lỗi thời lắm rồi.
Theo nhiều cán bộ đảng viên thì chỉ có những
kẻ "đạo đức gỉa” hay vẫn còn lạc hậu, hão huyền mới tiếp tục sống với
lý tưởng của Bác để sống nghèo và chết nghèo. Do đó chuyện người dân
bây giờ bị hành hạ ra sao, bị cán bộ bóc lột đến mấy tầng da thịt thì
đảng biết cả rồi, không cần phải chứng minh cho tốn giấy, hao lời.
DÂN CHỦ VÀ CHỦ DÂN
Cũng trong dịp này, báo chí bên Việt Nam còn nhắc lại lời dạy của HCM rằng:
"Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở
miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng”,
hay "Nếu chúng ta xa rời dân thì chúng ta không còn lí do gì để tồn
tại…” .
Vậy trong đời sống xã hội bây giờ, sau 41 năm ngày
họ Hồ qua đời (1969), người dân đã được tự do mở miệng chưa và đảng,
cán bộ, đảng viên đã xích lại gần dân được bao nhiêu "cây số” rồi?
Đảng
cũng nên giải thích như thế nào khi bắt bỏ tù hàng koạt những người dân
lương thiện chỉ muốn đảng trả lại những quyền tự do của họ có ghi
trong Hiến pháp nhưng bị nhà nước "giữ hộ” từ lâu?
Do đó tình
trạng cán bộ coi dân như tôm tép, là những "con mòng” có bổn phận phải
nuôi mình, hầu hạ mình, sợ hãi mình hơn thời thực dân, phong kiến không
còn là chuyện năm thì mười họa, chuyện lẻ tẻ mà là chuyện đương nhiên
nó phải như thế, không ai được thắc mắc, khiếu nại. Nếu có ai lỡ bướng
bỉnh không nghe là có chuyện, phải bị điều tra, thẩm vấn với trăm ngàn
lý do, luật lệ bất thành văn từ thôn lên đến trung ương!
Vì vậy
chuyện người dân của "nhà nước xã hội chủ nghĩa pháp quyền” bây giờ sợ
công an hơn sợ cọp không còn là chuyện bất bình thường khi cán bộ, đảng
viên coi việc "học tập đạo đức” và "tư tưởng Hồ Chí Minh” là một thủ
tục phải có mặt để khỏi bị kỷ luật hay mất miếng cơm manh áo.
Nhưng hãy nghe tiếp Nông Đức Mạnh : "Công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp vĩ đại, chưa có tiền lệ,
vừa mở đường vừa tiến lên. Trong Đảng có ý kiến khác nhau để tìm tòi
các biện pháp nhằm thực hiện được các mục tiêu của Đảng là cần thiết và
là điều bình thường. Tuy nhiên, có lúc, có nơi đã để xảy ra tình trạng
mất đoàn kết nội bộ. Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa
phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi… là nguyên nhân chủ yếu
gây ra chia rẽ, bè phái.”
Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bổ
túc thêm trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh HCM : "Cùng với những
ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiện nay "Tình trạng suy thoái
về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan
liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Các thế lực thù địch tiếp tục thực
hiện âm mưu diễn biến hòa bình với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh
vi, xảo quyệt để chống phá Ðảng ta và chế độ ta.”
Ô hay, tại sao chuyện cán bộ bê bối cũng có bàn tay "Các thế lực thù địch” và "âm mưu diễn biến hòa bình”?
Nếu
đảng viên chịu khó làm theo lời "Bác dậy” thì làm gì còn có chuyện như
lời nói của Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc của Tỉnh
Đồng Nai : "Bác định nghĩa chủ nghĩa xã hội rất đơn giản có cơm ăn
áo mặc, trẻ nhỏ được học hành, người già được nghỉ ngơi. Nghe tưởng
chừng đơn giản nhưng chúng ta so vào thế giới phát triển ngày nay hình
như đó vẫn là mục tiêu phía trước chứ không phải những gì chúng ta đã
vượt qua được.” (Tuần Việt Nam, 18-5-2010)
CHUYỆN CŨ - CHUYỆN MỚI
Nhưng
chuyện kể về khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ đảng viên nhân dịp sinh
nhật năm 2010 của họ Hồ cũng giống như mọi năm, không có gì mới hơn vì
tòan là chuyện cũ lập lại.
Chuyện học Bác như nuớc đổ đầu vịt dù đã được các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng bàn đi tán lại từ 20 năm nay rồi.
Nghị
quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 Hội nghị lần thứ 6 BCH TW khoá X "Về
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và
chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" cũng đã chứng minh đảng thất bại
trong Cuộc vận động xây dựng đảng.
Nghị quyết viết : "Nhiều
cấp ủy chưa thực sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng
Ðảng; chưa dành thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo xây dựng, củng
cố tổ chức cơ sở đảng. Không ít tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức và
thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng. Công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối
sống cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa đúng mức, tính định hướng, tính
chiến đấu và tính giáo dục, thuyết phục chưa cao. Năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực
hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước và của cấp ủy cấp trên của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa
đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở; có
tổ chức cơ sở đảng bị mất sức chiến đấu.
"Nhiều cấp ủy, đảng
bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong
Ðảng; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung sinh
hoạt chi bộ chậm đổi mới; chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo
và phong cách, lề lối làm việc; bệnh thành tích còn nặng và khá phổ
biến. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm
sút ý chí phấn đấu, vi phạm nguyên tắc Ðảng, tự phê bình và phê bình
yếu. Tình thương yêu đồng chí bị giảm sút. Tình trạng suy thoái về phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
rất đáng lo ngại; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn xảy
ra ở nhiều nơi nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu
quả.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện
đội ngũ cán bộ, đảng viên còn bị buông lỏng. Cấp ủy và chi bộ chưa nắm
chắc tình hình tư tưởng và phẩm chất của cán bộ, đảng viên; chưa chủ
động dự báo và chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những diễn
biến phức tạp và những vấn đề mới; chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn
ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm.
Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm còn
hình thức, kết quả chưa phản ánh đúng thực chất. Công tác kết nạp đảng
viên còn chú ý nhiều đến số lượng, chưa chú trọng đúng mức đến chất
lượng. Số đảng viên kết nạp ở địa bàn dân cư, là công nhân trong các
thành phần kinh tế còn ít.”
Nhưng đâu phải những chứng hư
tật xấu của người Cộng sản Việt Nam chỉ có từ sau khi họ Hồ qua đời mà
ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã phát giác ra vô số
chứng tật hư đốn của đảng viên.
Văn Thị Thanh Mai đã chứng minh trong một Bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo ngày 10-05-2010 : "Ngay
những năm đầu của cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn
bệnh, những hiện trạng đang tồn tại trong các cơ quan Đảng, Chính phủ,
trong một bộ phận cán bộ đảng viên của Đảng. Đó là tự mãn, tự túc, hiếu
danh, hiếu vị, địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan
liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ
luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa, cô độc hẹp hòi,v.v... và
những khuyết điểm này được nêu ra, được nhắc lại và được chỉ rõ qua Bài
nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa 2/1947, Thư gửi các đồng chí Bắc
Bộ 3/1947, Thư gửi các đồng chí Trung Bộ 1947.”
"Đặc
biệt trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc 10/1947, Hồ Chí Minh đã dành
nói kỹ hơn về những khuyết điểm: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh tham
lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ, bênh "hữu danh vô
thực”, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh tị nạnh, xu nịnh, a dua,
v.v..của một bộ phận cán bộ, đảng viên.”
Như vậy thì có
phải Bác nói Bác nghe không, hay mỗi lần nhắc lại lời Bác dậy thì mặt
trái của đảng lại bị bóc trắng ra cho mọi người thấy?
Phạm Trần (05/010)
|