Bùi Tín
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những biểu hiện tiến triển nổi bật,
được dư luận trong nước bàn tán, báo chí khu vực, châu Á và toàn thế
giới bình luận sôi nổi.
Tàu sân bay hạt nhân George Washington,
trọng tải 100.000 tấn, với 85 máy bay chiến đấu và 3.200 binh sỹ, trong
đó 2.400 thuộc không quân, đậu ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, trong khi khu
trục hạm John S.McCain cặp bến Tiên Sa- Quảng Nam ngày 10-8, mở đầu cuộc
thăm hữu nghị nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ 2 nước Việt
Nam – Hoa Kỳ.
Tàu chiến Hoa Kỳ ghé thăm cảng Việt Nam, từ 2 năm
nay không còn là chuyện lạ. Điều mới mẻ là năm nay tàu Hoa Kỳ đến tới
tấp, các mối quan hệ cũng có vẻ đậm đà hơn. Đầu năm nay, 2 tàu tuần tiễu
cứu hộ Safeguard T-ARS50 và Richard E. Byrd T-AKE4 đã được sửa chữa tại
xưởng hải quân Cam Ranh, trong cảng Hòn Khói của Vịnh Văn Phong. Ngay
sau đó tàu bệnh viện của hải quân Mỹ Mercy cặp bến Đà Nẵng để khám bệnh,
cho thuốc, làm phẫu thuật, chữa mắt cho đồng bào và trẻ em địa phương.
Dịp này phái đoàn hải quân Việt Nam đã lên tàu sân bay George Washington,
thăm xã giao và quan sát cuộc thao diễn của nhóm tàu Curtis Wilbur,
Chung Hoon và Mc Campbell ở ngoài khơi 200 dặm. Nhân dịp này, 50 sỹ quan
trẻ của hải quân Việt Nam đã được tập huấn về kiểm soát thiệt hại trong
chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn trên biển và trao đổi kỹ năng hoạt động… Bộ
chỉ huy của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ra thông cáo ghi nhận sự hợp tác đang
phát triển tốt đẹp về quân sự giữa 2 cựu thù nay đã trở thành bạn.
Hải quân QĐNVND chào đón các thuỷ thủ của Khu trục hạm USS John S. McCain viếng thăm Đà Nẵng (Hình AFP)
Những sự kiện trên đây diễn ra ngay sau khi bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Hà Nội và phát biểu
rằng khu vực biển Đông là vùng chiến lược về giao thông quốc tế, quyền
lợi của mọi nước cũng như quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ gắn bó với vùng
này. Chủ trương của Hoa Kỳ là bảo vệ giao thông quốc tế, không ai đe dọa
dùng vũ lực và dùng vũ lực trong khu vực này, các tranh chấp lãnh thổ
lãnh hải phải được giải quyết bởi tập thể các nước liên quan theo con
đường thương lượng đa phương.
Phần lớn các nước Đông Nam Á tán đồng lập trường mạnh mẽ chính đáng của Hoa Kỳ.
Nhiều
tờ báo ở Indonesia, Singapore, Malaysia…lên tiếng bác bỏ yêu sách của
Trung Quốc muốn độc chiếm toàn bộ biển Đông rộng hơn 1 triệu kilomét
vuông, bác bỏ yêu sách hình lưỡi bò của Trung Quốc, chỉ rõ cái hình lưỡi
bò kỳ quặc mang tính chất độc đoán, áp đặt, không có một giá trị pháp
lý hay lịch sử nào. Phần lớn các nước Đông Nam Á cũng bác bỏ chủ trương
thương lượng song phương của Bắc Kinh, một mưu thâm nhằm bẻ gãy từng
chiếc đũa.
Hiện nay theo dõi chặt chẽ tình hình của quan hệ Việt
Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc mọi người Việt Nam yêu nước, quan
tâm đến vận mệnh quốc gia mong muốn được biết thái độ của Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này, khi đi gần đến Đại hội XI là thế nào?
|
Khu trục hạm USS John S. McCain neo tại cảng
Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 10/8/2010
|
Một
khả năng là theo tiếp đường mòn của 20 năm nay, kể từ Đại hội VII năm
1991, nhất là từ sau cuộc gặp bí mật cấp cao ở Thành Đô – Trung Quốc là
ngả hẳn về Trung Quốc, coi TQ là chỗ dựa lớn nhất của Đảng CS VN, là
nhượng bộ các yêu cầu bành trướng của họ, là tình anh em, đồng chí thân
thiết theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ
Thạch gọi đây là thời Kỳ «Bắc thuộc mới». Đến nay, sau 20 năm thực hiện
đường lối đối ngoại ấy, kết quả là gì? lợi ích gì cho nhân dân, cho dân
tộc? Xin mời mọi người Việt Nam ta đánh giá và phát biểu.
Phải
chăng kết quả nhãn tiền là đất nước chìm sâu trong lạc hậu, tham nhũng,
pháp luật không nghiêm, đạo đức băng hoại từ trong đảng ra xã hội, chế
độ độc đảng đối nghịch với quyền dân chủ nên quyền người dân và quyền
con người bị chà đạp khắp nơi. Người đồng chí «tốt» phương Bắc gậm nhấm
nhiều vùng biên giới, nuốt cả quần đảo Hoàng Sa, chiếm nhiều đảo trong
quần đảo Trường Sa, còn cấm đánh cá, bắt, bắn giết ngư dân ta trong vùng
biển ta, độc chiếm hàng chục vạn héc-ta rừng để trồng bạch đàn, keo
…nhằm phá hại chất đất, còn đưa hàng vạn người của họ vào vùng chiến
lược Tây nguyên nhằm khai thác bauxite cho họ… Những hiểm họa kinh khủng
ấy chưa đủ để đánh thức Bộ Chính trị ư?
Nếu Bộ Chính trị vì lợi
ích riêng tư phe nhóm vẫn làm ngơ trước những lời cảnh tỉnh tâm huyết,
thiết tha, nghiêm cách của đông đảo trí thức - kẻ sỹ thời đại, của nhiều
đảng viên có công tâm ở cơ sở, của lớp lớp tuổi trẻ thế hệ mới am hiểu
tình hình nước ta và thế giới, thì việc gì sẽ xảy ra? Chẳng lẽ cả 85
triệu đồng bào ta đều bị bắt làm con tin cho một đường lối đối ngoại cổ
lỗ, sai lầm, ích kỷ, tội lỗi tày đình như vậy, suốt 20 năm rồi, và còn
bao lâu nữa hay sao?
Có một đường lối đối ngoại khác, thông minh,
khôn khéo, là từ chính tự đất nước mình đổi mới trước, đổi hẳn từ hệ
thống độc đảng, độc quyền đảng trị sang hệ thống dân chủ đa đảng trong
trật tự luật pháp, như phần lớn các nước dân chủ trên thế giới, với tự
do đầy đủ cho mọi công dân, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do bầu cử
cho toàn xã hội, hãy bắt đầu như ngay các nước bạn Đông Nam Á gần ta,
như Philippines, Indonesia, Malaysia…, hoặc xa hơn là Đài Loan, Nam
Triều Tiên. Họ thành «rồng», thành «hổ» là do vĩnh biệt chế độ độc đảng
hay quân phiệt, như các chế độ Tưởng Giới Thạch, Pác Chung Hy, Marcos,
Suharto…, chưa nói đến các chế độ dân chủ thuần thục, tại đó an sinh xã
hội, y tế công cộng, giáo dục từ vườn trẻ đến đại học, cao học đều đạt
những đỉnh cao nhất của thế giới..
Từ đổi mới chế độ trong nước
như thế sẽ tất nhiên dẫn đến đường lối đối ngoại kết bạn với mọi nước
dân chủ, càng dân chủ bao nhiêu càng là bạn thân thiết bấy nhiêu. Hoàn
toàn không phải là ta theo Mỹ vì Mỹ giàu, mạnh. Ta thân, kết bạn, liên
minh với mọi nước dân chủ, như với các nước dân chủ láng giềng Đông Nam
Á, châu Á – như Ấn Độ, Nhật Bản, các nước dân chủ trong Liên minh châu
Âu, với nước Úc, New Zealand, với Hoa Kỳ, Canada…ở châu Mỹ.
Vị thế của nước ta sẽ thay đổi hẳn. Vị trí ta ở Liên Hợp Quốc sẽ được cải thiện đáng kể.
Sự hợp tác, giúp đỡ, tương trợ của thế giới đối với ta sẽ tăng gấp bội.
Muốn
có sự chuyển đổi lịch sử, tuyệt vời như trên cần có một sự lãnh đạo
sáng suốt, như thời Minh Trị của Nhật, như tư tưởng Nguyễn Trường Tộ và
Phan Châu Trinh, một tư duy trẻ, khoẻ, một bản năng quả đoán, trên hết
là lòng thương dân đến xót xa nhỏ lệ, yêu nước đến sẵn sàng xả thân vì
nước, vì nghĩa lớn, dẹp hết mọi tham vọng cá nhân về tiền tài, nhà cửa,
đất đai, coi tất cả là phù du trước tương lai của Tổ quốc Việt Nam.
Xin
được bàn thêm đôi lời cho đủ ý. Với Trung Quốc, xin chớ có lo sợ quá
đáng. Họ rộng lớn, đông dân, phát triển mạnh. Nhưng họ có lắm nhược điểm
nặng nề. Lòng dân bị kềm kẹp nên không an bình. Vấn đề dân tộc với Tân
Cương, Tây Tạng còn tiềm ẩn bất ổn. Vấn đề Pháp Luân Công mà số thành
viên vượt quá số đảng viên cộng sản còn dai dẳng. Vụ Thiên An Môn còn
hậu quả trong lòng trí thức, học giả, sinh viên, thanh niên. Chênh lệch
giữa vùng núi sâu với vùng ven biển là bi đát.
Về kinh tế, chỉ số
cơ bản về giá trị sản phẩm theo đầu người của TQ là khoảng US$3.800
/2009, chỉ bằng 1/10 của Hoa Kỳ. Về quân sự, nhất là về hải quân Trung
Quốc còn kém rất xa Mỹ.
Cho nên Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 đi Mỹ
về khuyên rằng phải tận lực phát triển, nhưng trong vòng gần 50 năm
phải lặng lẽ khắc phục sự lạc hậu, không được phí sức, huênh hoang.
Người Mỹ gọi là phương châm «nín thở qua sông ». Các học giả Mỹ, Đức
nhận định phải đến năm 2020 – 2025, TQ mới lớn lên thực sự, có đủ nanh
dài vuốt nhọn, thành con hổ nguy hiểm.
Cũng cần hiểu rõ chính
sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Các nhà tư duy chiến lược, các
think-tank Mỹ cho rằng tuy Trung Quốc đang «nín thở qua sông», nhưng họ
vẫn lợi dụng Mỹ vướng chân ở Iraq, Pakistan, Trung Đông, để thách thức,
nắn gân Mỹ. Cần nhìn xa, sớm ngăn chặn hiểm họa của những nước cộng sản
cũ, vì khi nội bộ khó khăn, họ gây sự với bên ngoài để mỵ dân, dựng lên
lòng yêu nước để dẹp loạn bên trong. Cho nên Hoa Kỳ phải cứng cỏi, vững
vàng trước mọi thách thức từ Trung Quốc khi nanh vuốt của con hổ ấy còn
non yếu, không chờ khi nó có nanh dài vuốt nhọn thì nguy hiểm cho toàn
thế giới.
Và Mỹ đang mong muốn kết thêm bạn trên cơ sở cùng chung
đối tượng cần cảnh giác và ngăn chặn, cần nhận ra những hiểm họa chung
để kết liên minh.
Các chiến hạm hải quân Mỹ tới tấp cặp cảng
Việt Nam là những tín hiệu tốt, những thông điệp đẹp. Và rất đúng lúc.
Có bạn nào e ngại vì Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh của mình trong lúc hiểm
nghèo, xin hãy trấn tĩnh. Mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay hoàn toàn khác
35 năm trước. Hồi ấy có sự đối lập giữa hành pháp và lập pháp, Quốc hội
trói tay chính phủ, xã hội phân hóa thành 2 phe chủ chiến và phản
chiến. Hiện nay kết bạn ngày càng thân thiết với Việt Nam là một nhu cầu
của đồng thuận quốc gia.
Bộ Chính trị hiện nay xem ra còn lưỡng
lự, suy tính, những bình luận của báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân về
quan hệ Việt - Mỹ còn tẻ nhạt, chưa có quan chức cao cấp nào của Bộ
Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng ra thăm các chiến hạm Mỹ.
Khi có dân
chủ thật sự, khi đã kết liên minh với các nước dân chủ khu vực và thế
giới, Việt Nam sẽ ở vào tư thế độc lập, bình đẳng với nước lớn láng
giềng, buộc họ phải vị nể, không thể lấn lướt hà hiếp nước nhỏ mãi, và
ta cũng sẽ biết chung sống hòa bình, không dại gì mà khiêu khích, gây sự
với ai nhưng cũng không để ai uy hiếp mình, như ông cha chúng ta đã
biết sống như vậy.
VOA
|