Việt Bảo
Nếu như những năm trước, khoản tiền thưởng Tết
luôn phản ánh một phần uy tín và hiệu quả kinh doanh của tờ báo trong lòng bạn
đọc thì năm vừa qua, điều này đã thay đổi. Cuộc đổi ngôi trong bảng xếp hạng
các tờ báo… không chỉ xáo trộn tận gốc làng báo về mặt nhân sự, mà thực sự đã
đạt được hiệu quả mong ước: báo chí không còn là chính mình nữa.
Có một ngôi sao đã qua đời
Trước khi có cuộc thay đổi lớn, tờ T.T luôn là
"đỉnh” cả về chất lượng lẫn doanh thu nói chung. Số tiền thưởng tết của TTnhiều
năm khiến dân làm báo phát thèm khi phóng viên ít nhất lãnh năm, bảy chục
triệu. Đặc biệt, đối với các báo Bắc, nơi mà… cho đến nay nhuận bút của nhiều
tờ báo vẫn chỉ vài chục ngàn/bài báo thì khoản tiền đó quả thực khổng lồ.
Mặc dù so với "con cá mập” CATP, tiền thưởng tết
của TT có thể không cao bằng, nhưng với mức nhuận bút cao hơn hầu hết các báo,
đi kèm với đòi hỏi chất lượng bài vở nghiêm ngặt và uy tín gần như được mặc
định trong làng báo, TT quả là tờ báo mà người làm báo nào cũng ao ước.
Song, vị trí ngôi sao đó đã tụt hạng rất thấp sau
khi TT có những thay đổi quay ngoắt về nội dung thời gian qua. Những bài viết
có tính phát hiện, sức chiến đấu mạnh mẽ cùng sự "đeo bám” kiên nhẫn, thúc đẩy
xã hội giải quyết cho đến tận cùng sự việc đã không còn mấy. Mất đi ưu điểm, TT
cũng không còn là chọn lựa hàng đầu của nhiều độc giả coi báo chí là người bạn
nghiêm túc. Thông tin đáng đọc nhất trên tờ báo chính trị xã hội thuộc hạng nhất
hồi nào, bây giờ là những .. tư vấn sức khỏe. Cuồng đến nỗi có ngày tờ báo đã
giật vedette tựa bài "Nguy hại khi đi nâng ngực” khiến giáo sư Trần Hữu Dũng
phải rên hừ hừ trên trang mạng viet-studies.info.
Lượng phát hành sụt giảm, nhiều lần bị… chắc TT cũng
phải tốn không ít tiền để "xức dầu”. Chẳng hiểu thế nào, chỉ biết dù lượng
quảng cáo vẫn dày, nhưng kết quả cuối cùng là tết Kỷ Sửu, trung bình phóng viên
TT chỉ được lãnh chừng 30 triệu-con số quá thấp so với thương hiệu TT.
Dù không có tiềm lực kinh tế mạnh bằng TT, nhưng
năm vừa qua, nhiều tờ báo ở phía Nam cũng thưởng được PV đến mức ấy. Ví dụ như
PLTP, Thời báo KTSG , TN , CAND…Quả thực, ngôi sao đã tắt.
Báo Bắc: Những bí mật ai cũng biết
Tiền thưởng lìu tìu nhất ở mức độ gây ngạc nhiên
nhất là ĐV. Sinh sau đẻ muộn, nhưng từ báo tuần vọt lên ngay báo ngày trong chỉ
một năm, ĐV thời đầu đã khiến các báo khác mắt tròn mắt dẹt đặt dấu hỏi về đại
gia đứng sau lưng, khi dám mạnh tay trả cho phóng viên mới về khoản lương gần
chục triệu, nhuận bút gấp đôi gấp ba mặt bằng…. Tổng biên tập ĐV cũng đã
khiến làng báo tò mò khi tờ báo vừa ra mắt được 3 tháng đã xác định đối thủ
cạnh tranh là TT. Tò mò tợn vì với cách làm "nửa nạc nửa mỡ”, kể cả nội dung
lẫn hình thức như ĐV, thì phải một túi tiền cỡ Thạch Sanh cộng với một đầu óc
ngây thơ hoặc siêu việt vĩ đại mới đủ bù đắp cho sự kém hiệu quả đó. Chỉ sau
chưa tròn một năm, dân báo chí đồn ĐV đã làm lỗ của nhà đầu tư cả trăm tỷ đồng.
Ngôi vị hàng đầu trong làng báo ngày mà ĐV từng có
(hay tỏ ra có) tham vọng soán của TT từ lâu đã chỉ còn là trò cười. Tuy nhiên,
mức nhuận bút của ĐV (trung bình 400.000-700.000 đ/bài), thu nhập tháng trung
bình khoảng trên dưới chục triệu, là mức khá so với mặt bằng báo chí nên tuy
nhiều người bỏ đi nhưng nhiều người vẫn còn dùng dằng. Song, mức thưởng năm nay
thì quá tệ: chỉ 1,5 triệu đồng. Sự cào bằng và cách chia doanh thu không thông
minh này (người lao động nào cũng háo hức chờ khoản thưởng cuối năm, ít ra bằng
một tháng thu nhập) thể hiện rõ nét cách điều hành đặc báo Bắc. Mà điều
hành đặc Bắc thì ĐV không thể hứa hẹn gì cho sự lột xác trong năm nay.
Nhưng, cũng báo Bắc, đặc biệt lại là báo Đảng…,
ngạc nhiên thay, HNM lại có khoản thưởng đáng ao ước với đại đa số báo Bắc. Họ
thưởng 1 tháng thu nhập + 13 triệu đồng +1 triệu đồng lì xì. Quan-lính chỉ khác
nhau khoản 1 tháng thu nhập, còn 14 triệu còn lại ai cũng như ai. Tính ra, PV
ãnh khoảng 20 triệu đồng đến hai mấy triệu.
…
HNM cũng là tờ báo "phát hành bí mật”. Sài Gòn là
mảnh đất màu mỡ của báo chí, nhiều tờ báo tỉnh như CM cuối tuần, BD cuối tuần
cũng lấy đất phát hành chủ yếu là Sài Gòn, nhưng với HNM (vị thế như SGGP) thì
không có ai (ngoài những người làm HNM) đã hân hạnh nhìn thấy tờ báo ngoài sạp,
nói gì đến đọc nó. Có thể, vị trí báo Đảng của thủ đô đã tạo cho HNM tầm cao
rất oách trong khi kiếm quảng cáo chăng, chứ sống bằng tiền bán báo thì chắc cả
quan lẫn lính chết đói từ lâu.
Ngậm miệng ăn tiền
PNTP là một bí mật đã được bật mí khác. Tờ báo
dành cho phụ nữ này, sau khi Tổng biên tập TT bị thuyên chuyển, nhiều năm qua
đã rất tích cực thay đổi bộ mặt, từ những nội dung xã hội nóng bỏng sang cực kỳ
"ngoan hiền”.
Chủ trương chỉ nói những gì vô hại, tỷ như chuyện
ngoại tình, chuyện nữ công, chuyện nuôi con, chuyện nấu ăn, chuyện giữ chồng,
làm đẹp .. PNTP được làng báo Sài Gòn phong ngôi vị "báo công an trong làng báo
phụ nữ” (báo CATP ngày xưa nổi tiếng lá cải), chỉ có tác dụng… làm ngu phụ nữ
chứ không hề vẽ được chân dung người phụ nữ đương đại.
Nhưng đó lại là chiêu ăn tiền. Kệ, ai muốn làm anh
hào mặc họ, PNTP không bao giờ đi trệch khỏi lề (lề phải?) và tha hồ vơ
tiền. Quảng cáo (các sản phẩm dành cho nữ) thu vô không hết, ban biên tập chủ
trương chia sạch, chả việc quái gì nộp thuế cống hiến nhà nước. Cách chia cũng
rất "chị em”: tỷ thứ tiền, kể cả tiền son phấn, tiền… vệ sinh, tiền xăng, ăn
trưa, điện thoại, nghỉ mát.. đến hộp chén đĩa, chai dầu ăn… cứ làm báo PNTP là
được chia liên tục. Nhuận bút cũng thuộc hàng TOP: có những bài viết góc tư
trang, loàng xoàng cũng đến hơn triệu đồng. Ngược lại, bài viết "chiến đấu”,
góc cạnh, thời sự … không có chỗ ở tờ báo này, dù là báo cách nhật. An toàn!
Tuyệt đối!
Tiền thưởng chính thức đâu vào tầm 60-70 triệu cho
cấp quản lý. Thông tin này hoàn toàn chưa chính xác, vì chị em, vốn rất giỏi
tính toán trốn thuế, còn ti tỉ khoản khác.
"Ấm” như vậy nên chẳng mấy ai dám xa rời tổ cúc cu PN. Cũng chẳng khi nào báo
PN đăng thông báo tuyển người mà chỉ rỉ tai, vì đâu có ai nghỉ mà cần kiếm
nhiều người. Cứ "âm thầm” trong … ánh sáng của tiền, những cây viết PN hầu hết
đều đã gắn chặt với nơi này đến mức… thành tinh, bài viết ngày càng cũ mòn trì
độn trong lớp vỏ lấp lánh nhiều tiền lắm bạc. Một chốn kiếm tiền tốt, hoàn toàn
không phải để làm nghề.
Điều đó đã thành chủ trương kiên định của ban biên
tập PN.
Nhưng gây choáng thực sự là VNE.
"Làm như chính phủ, ăn ngủ như nhân dân”
Phóng viên VNE xoàng nhất được thưởng khoảng 30
triệu đồng, phóng viên viết nhiều đăng nhiều: khoảng 60-70 triệu đồng, còn quản
lý, cỡ phụ trách ban thôi đã hơn trăm triệu. Thư ký tòa soạn vài trăm triệu.
Khoản thưởng khiến cả làng báo choáng váng!
Choáng váng còn vì VNE trước nay không hề được
làng báo xếp vào - thậm chí, hạng chiếu giữa! Tuy cũng có một đội phóng viên đi
thực hiện tin bài, nhưng thông tin chủ yếu của VNE là xào miễn phí từ các báo khác.
Thói "ăn cắp” công khai này từ lâu đã bị các báo vạch vòi và chê cười, nhưng
rồi cũng chẳng có cơ quan nào xử. Cộng với việc thông tin riêng trên VNE cũng
chủ yếu phản ánh đơn giản, không có những cây bút sắc sảo thể hiện được góc
nhìn riêng của mình, hay việc đi vào những điểm nóng xã hội, các báo mặc nhiên
coi VNE chẳng là … cái đinh gì, không đáng xếp vào đối thủ cạnh tranh. Thế
nhưng, chính sự không thèm quan tâm đó của các báo đã làm nên mảnh đất màu mỡ
cho VNE.
Không tốn tiền nuôi một đội phóng viên chăm chỉ và
tòa soạn có tầm cỡ mà chỉ bằng thao tác copy-paste, VNE vẫn có tất cả thông tin
nóng nhất dưới manchette của mình. Cộng thêm trang Ngoisao.net mặc định lá cải,
đưa từ tin nghệ sĩ này bị ho gió đến ca sĩ nọ sắp bỏ chồng (thành thật
mà nói độ giải trí tào lao rất cao), lượng truy cập của VNE cao vọt.
Quảng cáo theo đó đổ về. Đó có thể là nguồn thu chính của VNE khiến họ mạnh tay
chia tiền, vì theo một số doanh nhân trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu của
tổng công ty mẹ FPT trong năm qua không khá lắm.
Là "báo” của một doanh nghiệp, VNE không được mạnh
miệng thông tin như các báo truyền thống khác. Doanh nghiệp cần trang báo riêng
để tự PR mình, để làm phong phú danh sách đầu tư, và đầu tư báo chí thì rõ ràng
khá sang. Nhưng ở đây hoàn toàn không có công việc đúng nghĩa cho người làm
báo. Về VNE và PNTP, có thể tóm gọn: "Làm như chính phủ, ăn ngủ như… nhân dân”.
Muốn kiếm tiền? Mời!
Sex và máu
Lượng truy cập cũng dồn VNN, tờ báo mạng đối thủ
cạnh tranh trực tiếp của VNE đến một sự thay đổi bắt đầu từ trước tết mấy
tháng-mà nhiều người kỳ cựu trong VNN tóm tắt bằng ba chữ: "Sex và máu”.
Một nhà báo của VNN kể: "Báo tuy có nhiều bài
chiến đấu mạnh mẽ vào các điểm nóng của chính trị, thời sự, xã hội mà thậm chí
nhiều tờ báo truyền thống có uy tín bậc nhất không dám đăng, nhưng những bài đó
kén khách quá. Lượng truy cập rất thấp so với VNE”.
Một nhà thơ… được mời về để giúp cải tổ VNN. Thay
đổi đầu tiên là những bài mang tính phản biện, thời sự không được đăng nữa, mà
là "45 phút thăng hoa của cô gái mại dâm hoàn lương”, " Vợ ly dị vì tôi không
giỏi chuyện ấy”, "Bác sĩ đâm nữ y tá hơn 10 nhát vì bị phụ tình”, :”Nữ sinh tự
sướng trong WC nam” (tự sướng: tự chụp hình)….
Phóng viên thời sự, chính trị, xã hội của VNN buồn
như cha chết, nhưng Tổng biên tập sướng, vì sau khi "lá cải hóa” VNN, lượng
truy cập tăng vèo vèo. Tiền cũng theo đó mà rơi rả rích. Tuy nhiên, trên
Facebook, một phóng viên VNN đã bóng gió nói đến cuộc thay đổi ở báo mình bằng
cái tên "cuộc thay đổi ở thông tấn xã Vũ Đại” và bày tỏ sự bất mãn "không cho
phản biện nữa thì làm báo làm gì?”
…………
Ừa, nhưng mà làm báo để làm gì chứ? Trong thời
cuộc này, khi mà muốn đọc những thông tin thực tế, chính xác thì phải đọc trên
blog hoặc những trang diễn đàn tự do, thì làm báo chẳng phải để kiếm tiền thì
gì? Kiếm tiền bát ngát bằng báo lề phải rồi tối về ta… làm báo thực sự trên
blog!
Cung cách này, tôi cũng kiếm tờ báo nào "làm như
chính phủ mà ăn ngủ như nhân dân” mà mần tiền… í quên, mần báo thôi!
Việt Bảo
http://truongduynhat.vnweblogs.com/
|