Nếu ví báo chí Việt Nam là một dàn đồng ca thì tất cả các ca sĩ
đã theo đúng đôi tay bắt nhịp của nhạc trưởng, vụ Vinalines được mổ xẻ
tới nơi tới chốn.
Mặc dù tầm cỡ của vụ Vinalines chưa sánh bằng Vinashin, nhưng nó
lại được đặc biệt chú ý trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nổi trội hơn cả
là việc xét lại vị thế chủ đạo nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công
ty và doanh nghiệp nhà nước. Kế tiếp thì xì căng đan Vinalines được
chuyên gia quốc tế nhìn theo lăng kính chính trị. Truyền thông nước
ngoài không ít lần cho rằng, vụ bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội Đặng Thị
Hoàng Yến và vụ truy nã ông Dương Chí Dũng nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản
trị Vinalines, là những dấu hiệu của tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ
Đảng và có thể làm Việt Nam lâm vào tình trạng bất an về chính trị.
Nhà nước và Tập đoàn, trách nhiệm về ai
Trả lời Nam Nguyên, Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao từ Hà Nội nhận định:
"Các cơ quan nhà nước cũng như Quốc hội đã có trao đổi nhiều
về việc vai trò doanh nghiệp nhà nước bây giờ là gì? chứ không thể là
chủ đạo của nền kinh tế nữa. Bây giờ đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp
tư nhân, phần đóng góp lớn vào GDP tổng sản lượng quốc nội là từ khu vực
tư nhân. Như thế doanh nghiệp nhà nước có còn đóng vai trò chủ đạo nữa
hay không là vấn đề cần phải xem xét lại. Nhất là những doanh nghiệp nhà
nước quản lý không tốt, làm ăn không hiệu quả thì cần xem lại tất cả,
không phải chỉ vấn đề tư duy mà còn là thực tế.”
Đọc báo mạng chúng tôi ghi nhận, chiến dịch truyền thông nhắm vào
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines khởi xuất đầu tháng 5, khi các
báo đồng loạt đưa tin Bộ Giao Thông Vận tải có kế hoạch trong vòng 8 năm
sắp tới sẽ bơm 100.000 tỷ đồng để phát triển Vinalines. Tiếp đó các báo
đồng loạt đưa tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra
Vinalines, theo đó Tổng Công ty đã thua lỗ khoảng 1.700 tỷ đồng trong
hai năm 2009 và 2010. Bản báo cáo nói rõ Vinalines sử dụng 23.000 ngàn
tỷ để mua 73 con tàu quá cũ, nhiều tàu không thể đăng ký ở Việt Nam và
phải làm việc đó ở một số quốc gia không có qui định chặt chẽ về an toàn
hàng hải. Kinh doanh vận tải biển của Vinalines từ đội tàu cũ nát nhiều
cái nằm ụ nên đã lỗ nặng. Tuổi Trẻ Online mô tả tình trạng này là
Vinalines khốn đốn vì đội tàu già.
Tuy vậy mấu chốt để Bộ Công an khởi tố vụ án khởi tố bị can với nhóm
lãnh đạo Vinalines lại là vụ mua ụ tàu cũ nát, rồi sữa chữa tiêu tốn 480
tỷ đồng, nhưng cho tới nay ụ nổi không được đưa vào khai thác gây lãng
phí rất lớn. Theo Người Lao Động Online, tối 17/5 nhà chức trách đã khám
xét nhà riêng và bắt giữ ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT,
nguyên Tổng Giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Triều Phó Tổng Giám đốc
Vinalines vì liên quan đến các sai phạm vừa nêu. Riêng ông Dương Chí
Dũng, Cục trưởng Hàng hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines
thì đã bỏ trốn và đến ngày 19/5, Bộ Công an đã ra lệnh truy nã đặc biệt
và chuẩn bị nhờ Interpol truy nã quốc tế.
...sai phạm ở tập đoàn gắn với lợi ích
nhóm. Theo lời ông, vụ bắt giữ nhiều lãnh đạo Vinalines phản ánh thực
trạng của quản lý tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước có
rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng. Từ đó đặt ra câu hỏi cần sửa đổi
luật pháp như thế nào và trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu chứ
không thể nói sai phạm là của một mình Vinalines.
Báo điện tử Pháp Luật
Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM trích lời
TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định rằng, sai phạm ở
tập đoàn gắn với lợi ích nhóm. Theo lời ông, vụ bắt giữ nhiều lãnh đạo
Vinalines phản ánh thực trạng của quản
lý tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước có rất nhiều khuyết
điểm nghiêm trọng. Từ đó đặt ra câu hỏi cần sửa đổi luật pháp như thế
nào và trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu chứ không thể nói sai
phạm là của một mình Vinalines.
Vẫn theo Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, cho tới nay
chưa thấy làm rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong vụ
Vinashin cũng như Vinalines hiện nay. Ông đặt câu hỏi tại sao có thể kéo
dài sai phạm lâu đến vậy, Vinalines đã phung phí ngân sách để mua lại
tàu cũ. TS Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý là việc tái cấu trúc doanh
nghiệp Nhà nước, Tập đoàn Kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước đòi hỏi quyết
tâm chính trị thật lớn vì các tập đoàn này có gắn với lợi ích nhóm. Theo
TS Lê Đăng Doanh, có thể khẳng định rằng để các sai phạm kéo dài như
vậy chắc chắn có một sự bao che từ đâu đó. Các tập đoàn kinh tế với
những khoản thua lỗ lớn như vậy hiện nay đang là một gánh nặng cho nền
kinh tế, gây ra rất nhiều nợ nần cho Nhà nước chứ không phải là một thế
mạnh của nền kinh tế. TS Lê Đăng Doanh kêu gọi Quốc hội đưa những vấn đề
vừa nêu ra thảo luận nghiêm túc tại kỳ họp này.
Những gánh nặng của đất nước
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, GSTS Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng nhận định rằng:
"Những tập đoàn kinh tế nhà nước giống như những sân sau của
các quan chức, họ tìm cách rút ruột và nền kinh tế của đất nứơc không
có triển vọng phát triển được, vì nạn tham nhũng kinh khủng quá đối với
nước Việt Nam. Bây giờ các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành gánh nặng
cho đất nước với cơ chế này thì đây là một ổ tham nhũng.”
Đối với vấn đề quyền lợi nhóm thể hiện ở các tập đoàn kinh tế tổng
công ty nhà nước, nhất là khi những vụ sai phạm đổ vỡ được thông tin
trên báo chí, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định,
"Cần phải xem lại chuyện đề bạt chỉ định
ai vào vị trí nào, trong trường hợp của Vinalines, làm sao mà một ông
giám đốc của một công ty con làm ăn không ra gì lại được đưa lên làm
Tổng giám đốc công ty mẹ.”
Việc bổ nhiệm như thế là bất cập, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng ở
Việt Nam bên hành pháp không thực sự quyết định cho chức vụ Tổng giám
đốc hay Cục trưởng mà là bên Đảng làm. Đề bạt ai làm cái gì, trước hết
phải có quyết định của bộ phận qui hoạch cán bộ của Đảng, bên Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:
"Như vậy Đảng cũng nên xem xét phương pháp qui hoạch như vậy có
đúng không, nó có vấn đề gì, tại sao nó như thế. Có phải là quyền lợi
nhóm hay không, có vấn đề tiêu cực mua quan bán chức hay không. Chuyện
đó đã được nêu ra rồi bây giờ là giải quyết thôi.”
Thanh Niên Online ngày 22/5 trích lời
ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương nói
rằng, việc bổ nhiệm cán bộ chưa công khai minh bạch, cần phải có qui
định cụ thể gắn trách nhiệm từng cá nhân trong mỗi khâu của qui trình bổ
nhiệm cán bộ, từ giới thiệu, tham mưu, đề bạt cho đến người ký quyết
định bổ nhiệm.
Theo VietnamNet, hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp Nhà nước
bị thua lỗ, tuy nhiên mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước lại
cao hơn 12 lần so với doanh nghiệp các khu vực khác. Qui mô vốn chủ sở
hữu của các tập đòan, tổng công ty nhà nước là hơn 70 ngàn tỷ đồng, lợi
nhuận trứơc thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt
13,1% thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại. Xin nhắc
lại, Vinashin Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy của nhà nước đã làm thất
thoát 84.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD.
Những tập đoàn kinh tế nhà nước
giống như những sân sau của các quan chức, họ tìm cách rút ruột và nền
kinh tế của đất nứơc không có triển vọng phát triển được, vì nạn tham
nhũng kinh khủng quá đối với nước Việt Nam. Bây giờ các tập đoàn kinh tế
nhà nước trở thành gánh nặng cho đất nước với cơ chế này thì đây là một ổ tham nhũng
GSTS Nguyễn Thế Hùng
Giám sát phải có toàn quyền
Khi có đổ vỡ hay nợ nần thua lỗ của khu vực doanh nghiệp nhà
nước, báo chí và chuyên gia thường đặt vấn đề về hoạt động giám sát và
tính hiệu quả của nó. Bên cạnh nhiều cơ chế khác, Quốc hội được cho là cơ quan có quyền lực giám sát cao nhất. GSTS Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng nhận định:
"Quốc hội mình đâu phải tam quyền phân lập, Quốc hội cũng bị chỉ đạo
bởi Bộ Chính trị, người ta bảo gì làm nấy chứ có độc lập đâu, làm sao
mà giám sát được. Giám sát phải có toàn quyền, thứ nhất không một ai có
thể phế truất anh nếu anh không vi phạm pháp luật, thứ hai anh phải có
quyền tiếp cận thông tin để giám sát, nếu anh không thể tiếp cận thông
tin lại có thể bị người ta phế truất thì làm sao giám sát được.”
Trong các diễn biến mới nhất bắt nguồn từ các vụ Vinalines Vinashin, theo Tuần VietnamNet Bộ Tài chính vừa trình qui chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả họat động đối với doanh nghiệp Nhà nước, theo đó sẽ có cơ chế giám sát đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước.
Khác với những qui định đã có từ trước liên quan tới việc giám sát, qui chế mới
được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tiết lộ là xây dựng trên nguyên
tắc "ở đâu có vốn và tài sản nhà nước thì ở đó cần có giám sát hiệu
quả”. Qui chế mới qui định 2 nội dung: giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động. Khi qui chế này
được ban hành thì đối tượng doanh nghiệp nhà nước bị giám sát được mở
rộng, gồm doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, doanh nghiệp có cổ phần nhà
nước chi phối và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.
Nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị tái cơ cấu nền kinh tế, thay
đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà
nước. Trong hiện tại, theo ông Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội nguyên
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu trên báo Đất Việt Online ngày
23/5/2012, việc phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải
thực tế đòi hỏi. Do đó Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả như việc các
tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, công nghệ què
quặt, khả năng quản trị hạn chế, khiến cho kinh doanh không hiệu quả.