Vụ
tranh chấp đất đai tại một vùng xa ở Nghệ An, xảy ra từ năm 2002, đến
nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa vì người dân kêu ca là bị oan sai
với mức tiền hỗ trợ trưng thu đất không thỏa đáng.
Ảnh do thính giả gửi RFA
Công an cản trở không cho người dân vào Tỉnh Ủy
Nội vụ câu chuyện được
Thanh Trúc trình bày như sau.
Lấy đất cho công ty Thành
Nam thuê
Đó là vụ đuổi đất tại xóm
Lạc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Từ năm 1996, khoảng ba chục
hộ dân tại nơi này, do không có đất canh tác, đã tự động dẹp rừng phá rẫy và trồng
cây để kiếm sống.
Một cư dân tại xóm Lạc
Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Sĩ Hân, cho biết:
Đất của nhà em trồng cây gần thu hoạch được rồi mà họ vô họ đòi múc ngang chứ không đền bù, chỉ đòi đuổi và lấy trắng không.
Ông Hoàng Sĩ Hân
"Khi chúng em lên thì
chưa có ai làm cả, chúng em trồng một số cây tràm nhiều rồi, sắn khoai trồng
cũng nhiều rồi. Tất cả là ba mươi hộ dân. Có hộ lên đầu tiên thì năm 95, 96. Em
lên năm 2001. Số hộ vào trước đó, khi lên là mua lại đất của dân tộc, còn như
em vào trong xa thì tự khai hoang. Chúng em không xin phép vì khi nớ có cái tổng
đội Thanh Niên Xung Phong 6 là người ta cho phép đi.
Năm 2002 họ vào họ nói
là đất của họ. Đất của nhà em trồng cây gần thu hoạch được rồi mà họ vô họ đòi
múc ngang chứ không đền bù, chỉ đòi đuổi và lấy trắng không. Khi trước thì họ nói
đền bù mà một nhà một triệu hai triệu chi đó thì không đáng kể, không thể chấp
nhận được.”
Một cư dân khác, ông Hoàng
Sĩ Oanh, bổ túc:
"Thì dân Lạc Thành
chúng tôi lên đó khai hoang. Sau khoảng vài ba năm thì có doanh nghiệp Thành
Nam là lên xin thầu đất. Họ vào họ xin mô ở mô ở trên cấp trên chúng tôi không
hiểu. Sau đó họ vào họ kê khai.”
Một dân oan Nghệ An khiếu kiện hôm 15/4/2010. Ảnh do thính giả gửi RFA
Ông Hoàng Sĩ Oanh nói lúc
đó dân rất mừng vì nghĩ rằng khi chính quyền cho kê khai tức là đất canh tác của
họ được hợp thức hóa. Vấn đề nảy sinh ở đây là mọi sự kê khai không đúng với thực
tế:
"Là bởi họ nói là kê
khai để đóng thuế. Dân thì sợ đóng thuế nhiều là bởi vì đất khai giữa rừng giữa
rú nên khai không đúng diện tích. Đất thì nhiều mà chúng tôi kê khai thì ít.
Sau đó, khoảng hai
ngày, họ mời về xã Lan Thành để giải phóng mặt bằng, để cho công ty doanh nghiệp
Thành Nam thuê đất để trồng cây nhiên liệu. Họ nói dân khai hoang tự do, nên dù
có đền bù hỗ trợ thì cũng không đáng kể, không bao nhiêu cả, mỗi nhà một triệu
một triệu rưỡi là nhiều nhất. Anh em chúng tôi ở đó không ai giao cả.”
Không giải quyết mà còn bắt
đánh
Các nông dân xóm Lạc Thành
nhiều lần gởi đơn khiếu nại lên cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhưng hoàn toàn
không được giải quyết:
"Tháng Ba 2009 huyện đội
và công an hai xã lên giải quyết. Họ nói đất của công ty Thành Nam chừ thu lại,
cho dân 15,5 hec ta thôi. Chúng tôi không nhất trí là bởi vì một cái cây chúng
tôi trồng bao nhiêu họ cũng không nói giá, chỉ nói qua hỗ trợ thôi. Không hiểu
là hỗ trợ thế nào, mà đất chúng tôi khai hoang cũng không biết giá cả thì hỗ trợ
cho chúng tôi bao nhiêu một mét vuông?”
Mấy ngày sau nhà em trên đường đi làm về
thì cả vợ cả con là bị nó đón đường nó đập... Nhà em chống lại, bỏ chạy
vào nhà của ông tổng đội gần ở đó để trú. Sau đó nhà em bị công an bắt,
nó còng hai tay lại, để cho dân Động Cầu ở đó đập nhà em túi bụi.
Ông Hoàng Sĩ Hân
Những người dân quê trong
vụ tranh chấp đất tại xóm Lạc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ
An còn kêu rằng thoạt đầu thì ông chủ tịch xã Hùng Thành có lên tiếng bênh vực
cho họ, thế nhưng nay ông đổi hẳn thái độ, buộc họ phải giao đất để cho công ty
Thành Nam trồng cây nhiên liệu.
Chuyện gần đây nhất là một
số nông dân bị người của công ty Thành Nam chận đánh khi đi làm về. Sau đó bốn
người bị công an bắt. Một trong bốn người đó là ông Hoàng Sĩ Hân mà chính người
vợ của ông cũng bị rượt đánh:
"Mới đây họ đưa máy vào
họ múc ngang họ làm ranh giới, sau đó họ lấy quyền tự quyết định họ múc luôn. Mấy
ngày sau nhà em trên đường đi làm về thì cả vợ cả con là bị nó đón đường nó đập.
Tức là người bảo vệ doanh nghiệp, anh Phương là đội trưởng, đến gây sự và đánh
chúng tôi. Nhà em chống lại, bỏ chạy vào nhà của ông tổng đội gần ở đó để trú.
Sau đó nhà em bị công an bắt, nó còng hai tay lại, để cho dân Động Cầu ở đó đập
nhà em túi bụi. Nhà em hoảng quá rồi van lạy khi nớ họ mới dừng.
Em thì bị bắt giam trên
huyện hai ngày, sau đó họ cho về, nhưng biết rằng anh Quế, anh Duyên, anh Trọng
là cũng bị bắt.”
Bao giờ cũng vì dân?
Công an cản trở dân không cho vào tỉnh ủy. Ảnh chụp ngày 15 tháng 4, 2010 do người dân cung cấp
Sau khi nghe câu chuyện từ
các nông dân xóm Lạc Thành, đường dây điện thoại được nối về xã Hùng Thành để
có thể tiếp xúc với ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Phúc, người mà dân ở đó kể là
lúc đầu thì đứng về phía họ nhưng sau lại nghiêng về phía công ty Thành Nam. Rất
tiếc sau nhiều lần gọi mà không liên lạc được.
Chúng tôi đã gọi cho ông
bí thư đảng ủy xã Hùng Thành, ông Nguyễn Duy Ái:
Ô. Nguyễn Duy Ái:Chuyện chi thì chị về đây rồi
giải quyết, bây giờ không trả lời qua điện thoại nhé!
Thanh Trúc:Chỉ muốn hỏi những người đó có phải thật sự
là dân oan hay không mà thôi. Phía chính quyền giải quyết như thế nào cho họ?
Ô. Nguyễn Duy Ái:Chính quyền đây bao giờ cũng
giải quyết vì dân cả. Chị ở nơi khác chị chưa hiểu được tình hình, chị hỏi như
thế thì ai mà trả lời được.
Thanh Trúc:Tại vì không hiểu thì mới hỏi thưa ông. Có
phải thật sự họ là dân oan hay không?
Ô. Nguyễn Duy Ái:Xin báo cáo với chị là chính
quyền ở đây bao giờ cũng giải quyết vì dân cả.
Thanh Trúc:Nhưng họ nói rằng đất của họ đền bù không xứng
đáng với công sức họ bỏ ra khai thác lâu nay. Nếu ông nói chính quyền luôn luôn
giải quyết vì dân thì có cách nào để giúp cho họ, để họ không cảm thấy không bị
oan ức, bị thiệt thòi?
Ô. Nguyễn Duy Ái:Nhưng mà chị biết oan ức là
thế nào, chị nắm được tinh thần thế nào mà chị nói cái chuyện đó? Xin nói với
chị là chị về đây mới biết điều kiện hoàn cảnh, còn chính quyền ở đây bao giờ
cũng làm việc vì dân cả.
Xin nói với chị là chị về đây mới biết điều kiện hoàn cảnh, còn chính quyền ở đây bao giờ cũng làm việc vì dân cả.
Ô. Nguyễn Duy Ái
Thanh Trúc:Vậy tại sao những người dân này nói chính
quyền xử oan cho họ là sao ạ?
Ô. Nguyễn Duy Ái:Ai nói cái chuyện đó?
Thanh Trúc:Những người dân ở đây. Những người dân lên
khai thác mà bây giờ chính quyền định giải phóng mặt bằng để cho công ty Thành
Nam về hoạt động ở đó.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Công ty Thành Nam hay ở chỗ
nào thì bao giờ chính quyền cũng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Chị
nói thế là chị chụp mũ.
Thanh Trúc:Tôi chỉ nghe nói và thưa lại với ông là một
số người dân ở đây, mà tôi vừa nói chuyện với họ, nói rằng đòi giải phóng mặt bằng
để cho công ty Thành Nam về, mà trả cho họ có một triệu tới một triệu rưỡi gì
đó, tính như vậy không đúng với công sức họ bỏ ra, thì họ kêu oan.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Tôi xin nói chị ở ngoại quốc
chị không hiểu tình hình ở đây. Ở đây toàn bộ tất cả chính quyền bảo vệ quyền lợi
chính đáng của người dân. Chị ở ngoại quốc, chị chưa hiểu được tình hình ở đây.
Nếu chị trực tiếp về đảng ủy và ủy ban của xã Hùng Thành, trực tiếp gặp bí thư
đảng ủy và chủ tịch ủy ban ở đây.
Thanh Trúc:Thì tôi đang được thưa chuyện với ông bí thư
đảng ủy Nguyễn Duy Ái đây.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Vâng, đúng rồi, tôi là bí thư
đảng ủy của xã Hùng Thành này đây.
Thanh Trúc:Thì xin ông cứ giải thích tại sao ban đầu chính
quyền có vẻ là binh vực những người dân này, rồi bây giờ lại đứng về phía công
ty Thanh Nam, đó là lời người dân nói?
Những người "Dân Oan" từ nhiều nơi về Thủ Đô khiếu nại đất đai bị địa phương chiếm đoạt. RFA files.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Xin lỗi chị, người dân nào mà
trực tiếp? Nếu người dân Lạc Thành thì trực tiếp về đây với đảng ủy, nhé. Chị ở
nước ngoài, bên tê là bối cảnh khác, ở đây là bối cảnh khác. Người nào ở đây
nói thế?
Thanh Trúc:Dạ thưa người dân.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Người dân thì người dân, chị
phải nghe hai tai chứ.
Thanh Trúc:Vì thế sau khi nghe người dân xong thì Thanh
Trúc gọi cho ông đây, thưa ông Nguyễn Duy Ái.
Ô. Nguyễn Duy Ái:Thôi nhé, chào chị nhé, có việc
chi là chị về đây trực tiếp, còn ở đây bao giờ cũng phải bảo vệ người dân. Thôi
chào nhé.
Thanh Trúc:Xin cảm ơn ông nhiều.
Hiện tại, nỗi lo của ba chục
hộ dân ở xóm Lạc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là đất
canh tác của họ sắp bị giải phóng mặt bằng sẽ là chuyện không thể tránh khỏi,
trong lúc nguyện vọng của họ là được đền bù thoả đáng, tương xứng với công sức
gian khổ trong bao năm lao động sản xuất.
Kế hoạch về tiền đền bù,
khi nhà nước trưng thu đất của dân vào các dự án hạ tầng, chuyển giao cho doanh
nghiệp thuê hay xây dựng khu công nghiệp, vẫn là vấn đề tranh cãi mà phía người
dân thường kêu ca là họ phải gánh chịu nhiều oan ức và thiệt thòi.