Từ thất bại của Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao Asean tới việc
Ba tây (Brazil) hủy chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng chứng minh sự mất uy
tín quốc tế của chế độ độc tài toàn trị !
Âu Dương Thệ - Chủ tịch
nước và Chủ tịch Đảng CS Trung quốc Hồ Cẩm Đào thăm Kampuchia từ 30.3
tới 2.4, chấm dứt đúng một ngày trước khi Hội nghị cấp cao Asean lần thứ
20 kéo dài hai ngày khai mạc ở Nam vang vào 3-4.4. Hồ Cẩm Đào đã yêu
cầu Hun sen „đừng thúc đẩy các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên
Biển Đông "quá nhanh” để tránh cho vấn đề trở nên phức tạp thêm." ([1]) Tại sao ông Đào đã chọn vào dịp này để thăm Kampuchia và ảnh hưởng của nó như thế nào với VN và Asean?
Năm nay Kampuchia là Chủ tịch Asean, một cộng đồng gồm 10 nước ở Đông
Nam Á. Trong tư cách là Chủ tịch Asean nên nước chủ nhà Kampuchia có
nhiều quyền trong việc định chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao.
Chính vì thế, do áp lực của Bắc kinh Thủ tướng Kampuchia Hun sen đã
không để cho vấn đề tranh chấp biển Đông vào trong nghị trình làm việc
của Hội nghị cấp cao này. Thông cáo chung về chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào
tại Kampuchia còn đã được phân phát cho các phái đoàn Asean và các nhà
báo quốc tế theo dõi Hội nghị cấp cao Asean. Điều này càng cho thấy thái
độ cao ngạo của Bắc kinh đối với cả Asean và quốc tế đến mức độ như thế
nào!
Như vậy đối với các quan sát viên chính trị và an ninh ngoại giao, việc
đích thân đi thăm Kampuchia vào đúng dịp Hội nghị cấp cao của Asean họp ở
Nam vang của Hồ Cầm Đào đã cho thấy một số việc nhìn từ quan điểm của
những người đứng đầu Bắc kinh:
1. Vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay đã trở thành ưu tiên hàng
đầu trong chính sách an ninh và ngoại giao của Bắc kinh không chỉ đối
với khu vực mà cả quốc tế. Muc tiêu trước sau như một của Bắc kinh là
không để quốc tế hóa vấn đề biển Đông, trong đó tìm cách gạt siêu cường
Mĩ ra, coi đây là vấn đề song phương giữa Trung quốc và các nước liên
hệ. Đồng thời cố tìm cách trì hoãn việc thảo luận một hiệp ước hữu hiệu
và khả thi giữa Asean và Trung quốc về tranh chấp biển Đông đã được hai
bên đồng ý về nguyên tắc trước đây 10 năm (2002).
2. Để thực hiện mục tiêu ưu tiên này Bắc kinh đã coi thường những
thông lệ ngoại giao quốc tế, không cần đếm xỉa tới nguyên tắc tôn trọng
độc lập và chủ quyền của các nước, ngay cả với nước thân hữu của Trung
quốc. Cụ thể nhất ở đây là đã ép Thủ tướng Hun sen, chủ tịch Asean,
không được đưa vấn đề biển Đông vào nghị trình làm việc, tức là dùng Hun
sen chia rẽ và phá uy tín của Asean trên thế giới. Đây là một hành
động vô cùng ngạo mạn của nhóm cầm đầu Bắc kinh.
3. Nhưng đây còn là một thất bại rất lớn cho nhóm cầm đầu CSVN,
vì từ một thân tín do CSVN dựng lên trước đây gần 30 năm nhưng nay Hun
sen đã ngả vào lòng Bắc kinh vì các khoản viện trợ lớn của Trung quốc
cho Kampuchia. Hành xử theo tâm lí của anh trọc phú đồng bạc đánh bạt
tất cả, nên Bắc kinh đang chứng minh cho Asean và các nước trên thế giới
về chủ thuyết, trong thời bình sức mạnh kinh tế-thương mại mới có sức
mạnh quyết định. Điều này lại càng có giá trị với VN, vì quan hệ kinh
tế-thương mại giữa VN-Trung quốc dựa trên „quan hệ Bắc-Nam" một
chiều và thâm hụt ngoại thương của VN với Trung quốc ngày càng gia tăng,
hiện đã lên trên 10 tỉ USD, nên đẩy VN lệ thuộc Trung quốc ngày càng
nhiều.
***
Theo dõi quan hệ giữa Bắc kinh và Hà nội trong các năm gần đây thì thấy
nổi bật ý đồ là, Bắc kinh đang kết hợp thế mạnh kinh tế-thương mại,
ngoại giao và quan hệ riêng với những người có quyền lực ở Hà nội với
sức mạnh quốc phòng để làm sức ép với những người cầm đầu CSVN phải chấp
nhận các yêu sách ngang ngược trên biển Đông chỉ có lợi cho Trung quốc
nhưng lại vô cùng bất lợi cho VN. Để thăm dò thái độ trung thành của ông
Trọng với Bắc kinh tới mức độ nào, đầu năm 2011 ngay sau khi Nguyễn Phú
Trọng được cử làm Tổng bí thư ĐCSVN Bắc kinh đã hai lần cho hải quân
Trung quốc đội lốt tầu hải giám xâm nhập hải phận VN và ngăn cản các
hoạt động của VN thăm dò dầu hỏa trên thềm lục địa VN. Trong tư cách là
Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã không có
một hành động trực tiếp thích hợp và hữu hiệu nào để bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên, chỉ để cấp dưới ra tuyên bố phản đối
theo thông lệ. Trong khi Bắc kinh ngang ngược công khai xâm phạm chủ
quyền của VN như thế thì trong mùa hè 2011ông Trọng vẫn cử các phái đoàn
quân sự và ngoại giao sang Bắc kinh chuẩn bị cho chuyến đi Trung quốc
lần đầu tiên trong tư cách Tổng bí thư. Trong đó sự thần phục và quị lụy
đã vượt tới cao điểm khi các phái đoàn tiền trạm của Nguyễn Phú Trọng
đã phải chấp nhận cả các yêu sách của Bắc kinh rất ngang ngược can
thiệp trắng trợn vào nội bộ VN là không cho nhân dân VN, đi đầu là thanh
niên và trí thức, được quyền tổ chức biểu tình phản đối các hành động
xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh. ( [2])
Chỉ khi chấp nhận điều kiện này thì Bắc kinh mới để Nguyễn Phú Trọng
sang. Cao điểm của thái độ cúi đầu thần phục Bắc kinh là kết quả chuyến
đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10.2011. Hai bên đã kí „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa",
theo đó người đứng đầu CSVN chấp nhận các yêu sách của Bắc kinh là các
tranh chấp trên biển Đông, cụ thể là vấn đề Hoàng sa –bị Trung quốc
chiếm của VN vào đầu 1974- chỉ là vấn đề song phương giữa hai nước. Chỉ
hai ngày sau chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng Bắc kinh đã lớn
tiếng cho dư luận thế giới biết lập trường và nội dung „Tuyên bố chung" Trung –Việt ngày 15.10.2011:
"„Tuyên bố chung Trung-Việt" có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc
thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Việt Nam thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước không liên can gì với bên thứ ba."([3])
Sở dĩ Bắc kinh càng tỏ ra ngang ngược vì những người cầm đầu CSVN, đứng
đầu là Nguyễn Phú Trọng, ngày càng tỏ ra nhu nhược và lệ thuộc, không
chỉ giữ thái độ bất động im lặng lạ lùng hoặc tiếp tay trước các hành
động xâm lấn của Bắc kinh, mà còn nhiều dịp đưa ra những tuyên bố vừa
sai lầm vừa không đúng chỗ làm cho dư luận trong nước vô cùng phẫn uất
và đánh lạc hướng quan tâm của các nước trong khu vực, các bè bạn của VN
và dư luận quốc tế.
Lập trường sai lầm và thái độ luồn cúi của Nguyễn Phú Trọng không phải
chỉ từ khi ông ta làm Tổng bí thư mà đã có từ lâu. Ở đây chỉ đơn cử một
số tuyên bố và hành động của ông Trọng trong các năm gần đây. Trong năm
2009 giữa khi dư luận trong nước rất lo ngại và bất bình việc nguyên
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để Trung quốc
khai thác bauxit ở Tây nguyên. Việc này khiến cho đại tướng Võ Nguyên
Giáp, công thần cuối cùng còn sống của chế độ, cùng nhiều tướng lãnh đã
về hưu cũng đã phải công khai can gián và nhiều trí thức yêu nước gửi
kiến nghị yêu cầu ngưng ngay quyết định nguy hiểm cho an ninh quốc gia
và rất bất lợi cho môi trường thiên nhiên này. Nhưng trong tư cách là
Chủ tịch Quốc hội, khi ấy Nguyễn Phú Trọng đã dùng diễn đàn Quốc hội về
hùa và bênh vực Bắc kinh lên tiếng kết án những yêu cầu hết sức chính
đáng của tướng Giáp, tướng lãnh và trí thức yêu nước là „những âm mưu của một số thế lực xấu" „chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết nội bộ, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của chúng ta.". Tại buổi họp cuối của Quốc hội ngày 13.6.2009 Nguyễn Phú Trọng đã đe dọa và chụp mũ:
„Chúng ta không thể mơ hồ mất cảnh giác trước những âm mưu của một
số thế lực xấu ở bên ngoài nhân dịp này, lợi dụng công việc này kích
động chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết nội bộ, thậm chí ảnh
hưởng đến quan hệ quốc tế của chúng ta. Chúng ta không cường điệu nhưng
cũng không nên mơ hồ, chủ quan mất cảnh giác. „ ([4])
Mùa hè 2010 tình hình biển Đông ngày một căng thẳng, một số đại biểu
Quốc hội yêu cầu phải đưa vấn đề này ra thảo luận công khai trước Quốc
hội để thông tin đầy đủ cho nhân dân VN và dư luận quốc tế về chính sách
gây hấn và bành trướng của Bắc kinh. Nhưng Nguyễn Phú Trọng cũng tìm
mọi cách gạt đi. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ông Trọng đã
tuyên bố „tình hình biển Đông không có gì mới" và từ đó cấm không cho Quốc hội thảo luận vấn đề rất nóng bỏng và quan trọng này. ( [5])
Trong khi nhiều giới trong nước, từ thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ
và lão thành cách mạng tới đảng viên tiến bộ, lo ngại và vạch trần thái
độ giả nhân giả nghĩa của nhóm cầm đầu Bắc kinh đối với VN thì từ khi
lên làm Tổng bí thư ông Trọng tìm mọi dịp ca ngợi công khai „lòng tốt"
và „thiện chí" của Bắc kinh và sự ưu ái của Hồ Cầm Đào giành cho cá nhân
ông:
„Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như … Đảng Cộng
sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp
Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”!
Gần đây nhất, trong dịp Hội nghị Cán bộ Toàn quốc cuối tháng 2.2012
Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố trước trên 1000 cán bộ cao cấp và báo chí
quốc tế là gọi Bắc kinh là „Bạn" ta ([6]),
giữa khi nhiều ngư dân VN đánh cá trên biển Đông đang bị các tầu hải
quân Trung quốc săn đuổi, cướp bóc và còn đòi tiền chuộc. Cũng vào dịp
này Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo đã nói rõ trước Quốc hội vào đầu
tháng 3 là Trung quốc tăng ngân sách quốc phòng và tối tân hóa quân đội
để „đánh thắng cuộc chiến cục bộ":
„Chúng ta sẽ tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang để
hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng với cốt lõi là khả năng đánh thắng
cuộc chiến tranh cục bộ"([7])
Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu trong điều kiện và hoàn cảnh hiện
nay Ôn Gia Bảo đã ám chỉ tới cuộc chiến chống VN để giành các hải đảo,
chiếm tài nguyên trên biển và giành kiểm soát biển Đông.
Mới đây ngày 13.4 khi tiếp Thượng tướng Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham
mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng, Tập Cận Bình –người được coi là sẽ
thay Hồ Cẩm Đào vào cuối năm nay- cũng vừa xoa đầu đồng thời dọa nạt
VN:
„Đồng chí Tập Cận Bình phân tích tình hình thế giới, những vấn đề tác
động và gây nhiều khó khăn cho hai nước. Trong bối cảnh đó, quan hệ
chiến lược hai nước Trung Quốc và Việt Nam rất cần thiết, cần phải hợp
tác và đoàn kết vượt qua thách thức. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam
cùng có điểm chung là mục tiêu xã hội chủ nghĩa, có chế độ chính trị
giống nhau, đặc điểm chung độc đáo đó là cơ sở thuận lợi để hai nước
phát triển các mối quan hệ hợp tác đặc biệt." ( [8])
Tướng Tỵ vẫn chỉ biết cúi đầu lập lại lời hứa tiếp tục bịp miệng và cấm
đoán thanh niên và trí thức VN trong các hành động yêu nước chống bành
trướng của phương Bắc:
„Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại đoàn kết, gây
chia rẽ hai nước Việt Nam và Trung Quốc của các thế lực thù địch."([9])
Không những thế, Đỗ Bá Tỵ còn ngớ ngẩn ca tụng sự canh tân của quân đội Trung quốc là bảo vệ „cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới trong đó có VN":
„Trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, Quân đội Nhân dân
Việt Nam luôn mong muốn đất nước Trung Quốc không ngừng phát triển lớn
mạnh, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày càng hiện đại, đóng góp
nhiều hơn cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, trong đó có
Việt Nam." ( [10])
Trong khi đó hiện nay một mặt Bắc kinh gia tăng sức ép với VN, tiếp tục
săn đuổi, bắn giết các ngư dân VN, tịch thu tầu và hải sản, đồng thời
còn bắt ngư dân VN phải nộp tiền phạt việc họ kết án là đã xâm phạm
Hoàng sa là hải đảo „không cần tranh cãi" của Trung quốc. Chủ
trương coi sự chiếm lĩnh quân sự là chuyện đã rồi còn đang được Bắc kinh
tìm mọi cách quốc tế hóa dư luận. Trong những ngày vừa qua họ đã công
khai tuyên bố sẽ mở các tuyến du lịch từ đảo Hải nam tới Hoàng sa, đồng
thời con đe dọa cả Ấn và Nga không được tham gia tìm dầu khí trên các
khu vực biển Đông thuộc thềm lục địa VN. ( [11]) Mục tiêu của họ là để dư luận quốc tế ngày càng thấy rõ chính Trung quốc là người chủ các quần đảo Hoàng sa và Trường sa.
Sở dĩ Bắc kinh đang thách đố công khai và có những hành động ngang ngược tại biển Đông chỉ vì „viên đạn bọc đường"
của Bắc kinh đã thấm sâu khiến người cầm đầu chế độ CSVN đã im lặng
trước hành động xâm lấn của Bắc kinh, lại còn coi Trung quốc là đồng
minh chiến lược và mới đây trước hàng ngàn cán bộ cao cấp coi kẻ thù của
dân tộc là „Bạn". Chính lập trường sai lầm và các tuyên
bố vô trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng đang làm tê liệt ý trí cảnh giác
và tinh thần tranh đấu của quân đội và đảng viên, đồng thời gây hoang
mang trong nhân dân và không thể động viên được dư luận thế giới ủng hộ
lập trường chính đáng của VN.
Cũng chính vì thế, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 20 của Asean vừa qua
tại Nam vang trong đó VN là một thành viên chủ chốt, nhưng Nguyễn Tấn
Dũng cầm đầu phái đoàn đã không nói rõ trước dư luận quốc tế về lập
trường của VN trong vấn đề cực kì quan trọng này. Ông Dũng đã ngập ngọng
sợ sệt bóng dáng Bắc kinh đến nỗi nói nhiều phái đoàn không hiểu, thậm
chí đến cả báo chí lề phải trong nước cũng không biết viết gì về lập
trường của ông Dũng tại Hội nghị. Phải đợi ít ngày sau các viên chức của
Phi luật tân mới giải thích giúp thái độ của ông Dũng tại Hội nghị
này!( [12])
Một khi bạn bè của VN và dư luận quốc tế không hiểu lập trường và ý chí
thực sự của VN trong vấn đề tranh chấp biển Đông thì làm sao họ có thể
ủng hộ tích cực VN được! Đó là lí do tại sao trong vấn đề này vị thế của
VN càng bị yếu !
Không chỉ Nguyễn Tấn Dũng đã bất lực trong việc nói rõ lập trường chính
đáng của VN tại Hội nghị cấp cao Asean mà Nguyễn Phú Trọng cũng đã mất
thế diện vì vừa bị bà Tổng thống Dilma Rousseff thẳng thừng hủy bỏ việc
mời sang thăm Ba tây (Brazil). Mặc dầu trước đó ông Trọng đã rất hãnh
diện thông báo là sẽ sang Ba tây theo cấp Nhà nước, tức là sẽ được tiếp
đón như một quốc trưởng từ 12 tới 15.4. Ông đã chọn chuyến thăm Ba tây
vào đúng dịp sinh nhật thứ 68 của mình (14.4.) với nhiều nhân vật cao
cấp trong Chính phủ và Đảng tháp tùng. Ngày 12.4 Nguyễn Phú Trọng phải
âm thầm từ Cu ba trở về VN mà không có một thông báo chính thức nào. Một
cán bộ trong bộ Ngoại giao VN chỉ xác nhận với BBC, „đây là việc mà ông „chưa thấy trong mấy chục năm làm ngoại giao'."([13]) Trước
đó ngày 9.4 bà Dilma Rousseff đã hội đàm với Tổng thống Mĩ Obama ở Tòa
bạch ốc để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh châu Mĩ La tinh ở Catagena,
Columbia. Sự thất bại nhục nhã về ngoại giao của người cầm đầu chế độ
cho thấy uy tín của Nguyễn Phú Trọng trên thế giới rất yếu, điều này
càng gây bất lợi cho chế độ độc tài toàn trị của CSVN trên chính trường
quốc tế!
***
Trong khi cúi đầu trước tân đế quốc Bắc kinh thì Nguyễn Phú Trọng lại
tìm cách ngăn chặn sự đề kháng của nhân dân VN trước sự xâm lấn của
phương Bắc. Trong năm nay vào các dịp kỉ niệm trận thủy chiến Hoàng sa
19.1 (1974) và Trường sa 14.3 (1988), chiến tranh biên giới 17.2 (1979)
Nguyễn Phú Trọng đã không cho phép nhân dân, bộ đội, thanh niên, trí
thức và báo chí… được quyền thăm viếng các nghĩa trang, tặng quà các
gia đình liệt sĩ, viết bài tưởng niệm. ( [14]) Thậm chí còn ngăn chận không cho chiếu phim „Hoàng sa VN nỗi dau mất mát" của Andre´ Menras (Hồ Cương Quyết) tả về những cảnh giết hại và cướp bóc ngư dân VN của hải quan Trung quốc. ( [15])
Đây là những việc làm rất trái với đạo nghĩa và lương tâm đối với những
chiến sĩ đã hi sinh cho tổ quốc và nguội lạnh trước sự đau đớn của nhân
dân! Trong khi ấy Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ chính trị và Trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương, cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng, lại vẫn cho
báo chí lề phải tiếp tục viết các bài về chiến thắng Ban mê thuột, Quảng
trị …trong dịp tháng 4 kỉ niệm 37 năm sau 1975.
Đúng ra trước sự đe dọa từ bên ngoài thì người cầm đầu chế độ phải thực
hiện chính sách đoàn kết toàn dân. Vì thế chủ trương đối với thù ngoài
thì „khép lại quá khứ" còn với nhân dân mình thì lại vẫn „khơi lại nội thù" nói
lên tính phản động và bất nhân đối với chính đồng bào mình. Vì như cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng xác nhận, tổ chức kỉ niệm 30.4 là khơi hận
nội thù vì trong những ngày này hàng triệu người vui thì cũng hàng
triệu người buồn! Nhưng chủ trương khép lại quá khứ với thù ngoài lại
càng khuyến khích tân đế quốc phương Bắc càng ngang ngược lấn tới và sự
im lặng đáng sợ của Nguyễn Phú Trọng càng làm cho bạn bè của VN trên
thế giới không biết lập trường và thái độ của VN đối với vấn đề tranh
chấp biển Đông như thế nào. Môt khi họ không hiểu thì làm sao có thể ủng
hộ và giúp đỡ VN! Ông Trọng đang làm mất uy tín của VN!
Xét về phương diện trách nhiệm và đạo đức chính trị thì những thái độ và
hành động đối với Bắc kinh của nhóm cầm đầu CSVN hiện nay, đứng đầu là
Nguyễn Phú Trọng, đã chứng tỏ thái độ vô trách nhiệm, làm mất uy tín
quốc gia và danh dự của tổ quốc, vì chỉ muốn bảo vệ địa vị và quyền lợi
bản thân. Trong khi đó đối với các chiến sĩ VN đã hi sinh bảo vệ tổ
quốc thì họ lại vô ơn bạc nghĩa! Như thế họ đã tự đánh mất lương tâm, tư
cách đạo đức chính trị của một chính trị gia. Và chính thế, họ đã đánh
mất tư cách của người cầm quyền!
Thiết tưởng Nguyễn Phú Trọng phải tự soi gương và nhất là phải ra trước
đảng và đứng trước nhân dân nghiêm túc tự phê bình về tư cách tha hóa
đạo đức chính trị của mình với Bắc kinh trong thời gian qua! Các đảng
viên tiến bộ và biết tự trọng cũng như toàn thể nhân dân yêu cầu tại Hội
nghị Trung ương 5 sắp tới Nguyễn Phú Trọng phải thực hiện việc làm vô
cùng cấp bách này một cách minh bạch và công khai!
Vì đối với một cá nhân, tha hóa đạo đức là một nguy hiểm cho chính bản
thân và gia đình. Một chính trị gia nắm vận mệnh cả một nước gần 90
triệu người nhưng chỉ biết lấy địa vị cao hơn lòng tự trọng, cao hơn
quyền lợi dân tộc thì đây chính là một sự THA HÓA ĐẠO ĐỨC CHÍNH TRỊ!
Khi người cầm đầu chế độ chỉ biết cúi đầu với thù ngoài và gian ác với
đồng bào mình, như thế đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất nhân cách,
đánh mất lập trường. Đây là mối nguy hại rất lớn cho cả dân tộc! Nhân
dân đang rất công phẫn. Chính sự tha hóa cả về tư tưởng chính trị và đạo
đức ngay trong tầng lớp lãnh đạo đã được Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận tại
Hội nghị Cán bộ Toàn quốc cuối tháng 2 vừa qua:
„Đứng trên tổng thể mà xét, hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán
nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự
suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng." ( [16])
***
Nói tóm lại, trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Nguyễn Phú Trọng đã đánh
mất lập trường, đánh mất tư cách, quyền hành đã làm tha hóa đạo đức, vì
„viên đạn bọc đường" của Bắc kinh đã thấm vào quá sâu.
Tại Hội nghị Cán bộ Toàn quốc cuối tháng 2.2012 Nguyễn Phú Trọng đã kết
án nghiêm khắc các thói ích kỉ cá nhân, lợi ích nhóm, đồng thời lên lớp
dạy bảo các ủy viên Bộ chính trị và trên một ngàn cán bộ cao cấp là phải
biết giữ tư cách, biết giữ đạo đức, không để ích kỉ cá nhân làm động cơ
hành động…Nguyễn Phú Trọng còn bắt mọi người dưới quyền phải tự soi
gương và xác nhận „cán bộ lãnh đạo…,đặc biệt là người đứng đầu" „phải tự giác, gương mẫu làm trước" „tự kiểm điểm, soi lại mình"([17])
Nguyễn Phú Trọng đang thỏa hiệp vô điều kiện với thù ngoài nhưng lại đàn
áp thanh niên, trí thức và đảng viên tiến bộ. Lập trường cực kì sai lầm
và các hành động chỉ lo củng cố quyền lợi cá nhân cần phải được nghiêm
khắc phê bình ngay trước Hội nghị Trung ương 5 dự tính tổ chức vào tháng
4 này. Nhưng trước hết Nguyễn Phú Trọng phải thực hiện ngay lời hứa
trước hơm 1000 đảng viên là „tự phê bình" nghiêm túc:
„Những việc cần và có thể làm ngay là: Từng cán bộ, đảng viên, trước
hết là từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí
thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều
chỉnh mình" ( [18])
Âu Dương Thệ
Ghi chú:
[1] . Sài gòn tiếp thị 4.4
[3] . Đài Bắc kinh 17.10.2011
[4] . Chính phủ điện tử 13.6.2009
[6] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn tại Hội nghị Cán bộ Toàn quốc ngày 27.2.
[8] . Quân đội Nhân dân 13.4, đài Bắc kinh 13.4
[14]
. Kế hoạch vinh danh, tri ân Liệt sĩ Gạc Ma,Trường Sa bị ngăn chặn, Nhà
báo V.V.T., Blog Nguyễn Xuân Diện 16.3; Blog Phạm Viết Đào và Quê Choa
13-14.3
[15] . André Menras, Hồ Cương Quyết, Xin lỗi vì đã "phá rối” không khí hữu nghị nhưng chịu không nổi! Bauxite VN 13.4
[16] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn tại Hội nghị Cán bộ Toàn quốc ngày 27.2
|