Cái ác lên ngôi khi chính quyền bất lực!
Phía sau những vụ giết, đốt xe kẻ trộm chó là sự bất lực của bộ máy công
an, chính quyền trong việc điều tra, xử lý hành vi giết người.
Nếu nạn trộm chó gây bất an một thì việc đám đông
đánh chết người trộm chó, đốt xe, ngăn cản công an đưa nạn nhân đi cấp
cứu... đang gây bất an mười. Phía sau nó là sự bất lực của bộ máy công
an, chính quyền trong việc điều tra, xử lý những kẻ giết người; là sự
bất lực của xã hội khi cái ác lên ngôi và mặc nhiên được thừa nhận; là
sự bất lực của công lý khi để người dân tự xử mà không cần đến chính
quyền.
Rõ ràng nạn trộm chó và hành hung những ai dám ngăn cản ở Nghệ An đã
khiến người dân phẫn nộ và bức xúc. Nhưng chia sẻ những bức xúc ấy không
có nghĩa là đồng tình với việc một đám đông giết người ngay trước mắt
chính quyền. Kẻ trộm chó, cho dù côn đồ và hung hãn, thì quyền bất khả
xâm phạm về tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ vẫn được pháp luật bảo
vệ. Và cơ quan công an, kiểm sát, tòa án là công cụ của chính quyền
trong việc bảo đảm những quyền căn bản ấy.
Người dân ở xóm Bùi Bùi, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã
treo xác một chiếc xe của phường trộm chó để răn đe. Ảnh: ĐẮC LAM
Để nạn trộm chó lộng hành tức là trách nhiệm ngăn ngừa, phòng chống tội
phạm của công an và chính quyền còn thấp. Khi người dân tự rào làng,
dựng barie, tự hạn chế quyền tự do đi lại của mình và người khác để ngăn
trộm tức là họ đã tự phát thực hiện những điều mà chỉ có quyền lực công
cộng - Nhà nước - được làm. Điều đó thể hiện sự bất lực của chính quyền
trong việc bảo vệ tài sản nhân dân.
Sở dĩ kẻ trộm - thực ra là cướp - chó tác oai tác quái vì kháng thể của
xã hội trong cuộc chiến chống cái xấu rất thấp. Tội phạm không sợ bị
trừng trị, không sợ bị lên án, đánh mất lòng tự trọng nên thay vì xấu hổ
và lo sợ, chúng quay lại thách thức xã hội, hành hung những người dám
ngăn cản hay bắt giữ.
Tuy nhiên, những con chó dù đắt tiền đến mấy cũng không thể so sánh với
sức khỏe, tính mạng con người. Việc giết kẻ trộm chó, cho dù nhân danh
nỗi căm phẫn, cũng thể hiện bước lùi của xã hội về tính nhân văn và sự
văn minh. Nó gợi nhớ thời sơ khai về pháp luật, khi người ta có thể ném
đá đến chết một tội đồ mà không cần phán quyết của tòa án.
Trách nhiệm của cả xã hội là làm sao để kẻ trộm biết sợ hãi sự lên án.
Trách nhiệm của chính quyền là làm sao để kẻ trộm chó sợ hãi bị bắt giữ
và trừng phạt. Và trách nhiệm lớn hơn nữa của chính quyền là làm sao để
người dân không cần phải rào làng, ngăn đường và không thể hè nhau giết
người, đốt xe và nếu điều đó xảy ra thì phải bắt giữ và trừng trị thích
đáng.
Các nơi khác không như Nghệ An
Tôi là dân Long An và lâu nay tôi cũng rất bức xúc với nạn trộm chó.
Chính tôi đã nhiều lần đề nghị công an xã coi lại có phải do chính quyền
chỉ phạt hành chính nên bọn trộm xem thường luật pháp mà hành động liên
tục. Thế nhưng tôi xin được lưu ý là trước giờ chỗ tôi và nhiều tỉnh
miền Tây Nam Bộ không hề có chuyện đánh chết, đốt xe kẻ trộm chó. Vậy
sao Hà Nội, Hà Tĩnh… và nhiều nhất là Nghệ An, chuyện không hay này cứ
hay xảy ra? Có phải vì người dân ngoài đó không biết kiềm chế sự tức
giận hay vì chính quyền "yếu” quá khiến mạng người được đem ra đánh đổi
với một vài con chó? Đau xót quá!
tranvanthoi@...
Tôi không ưa gì bọn trộm chó nhưng thật tình tôi không tưởng tượng nổi
có nhiều người sẵn sàng hè nhau đánh, giết đồng loại của mình chỉ vì
một, hai con chó chừng chục, trăm ngàn đồng. Mạng người - dù đó là kẻ ác
- cũng đâu thể rẻ rúng vậy!
Công an tỉnh Nghệ An cho rằng trong nhiều vụ đánh chết, đốt xe kẻ trộm
chó trên địa bàn họ đã khởi tố vụ án nhưng không tìm ra bị can vì "đêm
hôm dân trào ra đường biết ai là ai, hỏi không ai khai ra thủ phạm
chính”. Cho tôi chất vấn: Nghiệp vụ điều tra đâu mà sao mấy anh lại dễ
dàng bó tay vậy? Những vụ giết người, hủy hoại tài sản "hội đồng” như
thế này đâu phải mới mẻ gì mà sao tỉnh khác xử được, Nghệ An lại không?
Các anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng chính các anh với thái độ chần
chừ, buông xuôi đã làm cho tội ác lộng hành?
minhha111@...
ĐỨC HIỂN -