(Petrotimes) - Mặc dù nhiều người kỳ vọng bức tranh
kinh tế sẽ sáng hơn trong tương lai gần nhưng theo TS Lê Đạt Chí –
Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận định, phải đến cuối năm 2015, đầu năm
2016 kinh tế mới có thể có chu kỳ tăng trưởng mới.
TS Lê Đạt Chí đưa ra những lý giải cho việc đưa ra kịch bản kinh tế
khá "bi quan” này của ông: Trước hết, tình hình kinh tế thế giới còn khó
khăn, mối đe dọa giảm phát của nền kinh tế Mỹ, các kịch bản tồi tệ cho
khủng hoảng nợ công châu Âu khiến chính phủ những nước này không có đủ
nguồn lực để thực hiện các biện pháp tăng tổng cầu. Trung Quốc có nguồn
lực nhưng họ biết rằng nếu họ kích cầu quá mạnh sẽ có lợi cho các nền
kinh tế phát triển nhiều hơn là nền kinh tế Trung Quốc, do đó Trung Quốc
hiện rất thận trọng trong vấn đề kích cầu và nới lỏng chính sách tiền
tệ.
Chính vì vậy, kinh tế trong nước sẽ còn nhiều khó khăn vì phải chịu
tác động của tình hình kinh tế thế giới. Chúng ta không thể nói "mặc kệ”
tình hình kinh tế thế giới vì chúng ta đang hoạt động trong một nền
kinh tế mở và động lực của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hoạt
động xuất khẩu.
Hiện nay, mặc dù lãi suất giảm nhưng lượng vốn bơm vào trong nền kinh
tế không tăng được vì khó cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh
tế, cơ hội đầu tư giảm.
Lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục sụt giảm, tính đến
tháng 8/2012 đăng ký đầu tư của FDI vào nước ta giảm 43,5% so với cùng
kỳ. Lượng FDI đầu tư hiện nay hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực phân
phối, tiêu dùng vì sự hấp dẫn của các lĩnh vực khác đang giảm dần như:
tài chính, bất động sản…

Đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta thiếu nguồn lực để kích thích kinh tế,
khó có thể kích cầu vì nếu kích cầu trong lúc này có thể khiến cho nhập
khẩu tăng trở lại, điều đó sẽ làm cạn kiệt nguồn lực ngoại hối, trong
khi đó việc này chưa hẳn đã vực dậy được sản xuất trong nước.
TS Lê Đạt Chí nhận định rằng, ở Việt Nam giảm phát đã và đang xuất
hiện và nó sẽ kéo dài, mà hậu quả của giảm phát thì sẽ nặng nề hơn so
với lạm phát. Đây cũng là tình hình chung của kinh tế toàn cầu hiện nay.
Mai Phương