Thứ Ba, 23 tháng 3 2010
Tờ
The Nation của Thái Lan hôm 22/3 đã cho đăng một bài xã luận, trong đó
nhận định rằng ‘sớm muộn, vấn đề biển Đông cũng thay thế Miến Điện, trở
thành thách thức lớn nhất của ASEAN dưới sự lãnh đạo của Việt Nam’.
Nhật
báo được coi là hàng đầu của Thái Lan còn cho rằng kể từ khi nhậm chức
chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt
Nam tỏ ra ‘kín đáo’ và ‘không đối đầu’ khi giải quyết tình hình chính
trị tại Miến Điện. Tờ báo này cũng đánh giá rằng ‘một sáng kiến mới về
Miến Điện, đặc biệt là trước cuộc tuyển cử sắp tới, sẽ khó có thể xảy
ra, nếu không nói là không thể’.
Trả lời phỏng vấn VOA Việt
Ngữ hôm 23/3, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của Học
viện Quốc phòng Australia, cho rằng ‘ASEAN sẽ không có sự lựa chọn và
tổ chức này phải đối mặt với cả hai vấn đề đó’.
Ông Thayer cho
biết: "Giờ thì đã rõ là sẽ không có một cuộc bầu cử tự do và công bằng
ở Miến Điện như theo tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ và Australia chấp thuận, nên
chuyện này sẽ còn dai dẳng trong thời gian tới. Trong khi đó, mặc dù
cho rằng Biển Đông là tranh chấp nội bộ của các nước, nhưng vấn đề này
cũng đã trở thành mối quan tâm của các nước trong ASEAN, mà điển hình
là việc các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và Việt Nam đã
mua sắm tàu ngầm, còn Indonesia thì đang tính tới việc đó. Tôi nghĩ đó
là phản ứng của các nước trước việc Trung Quốc tăng cường khả năng hải
quân trên đảo Hải Nam. Trong ba năm vừa qua, tranh chấp ở biển Đông
không còn là vấn đề song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh."
Nhật
báo của Thái Lan cũng cho rằng năm nay, ASEAN sẽ phải đối phó với vấn
đề ‘cấp bách’ là Biển Đông. Sự thiếu hụt các biện pháp xây dựng lòng
tin giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tranh chấp giờ trở
thành ‘một vết thương’ trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc.
Theo
The Nation, ‘sau 15 năm làm thành viên của ASEAN, Việt Nam đã xác định
được vị trí và thanh thế như một lực đẩy cho các nước thành viên mới
như Lào, Miến Điện và Campuchia’.
Nhật báo của Thái Lan đánh
giá rằng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh nhanh chóng trong phạm vi
khu vực và toàn cầu khiến ‘bất kỳ cuộc thảo luận nào về hành động của
ASEAN trong tương lai sẽ khó tìm được sự đồng thuận’.
Về vấn đề này, giáo sư Carl Thayer cho rằng điều đó phụ thuộc vào ‘tài ngoại giao’ của Việt Nam.
Ông
Thayer nói: "ASEAN là một tổ chức khu vực có quyền tự quyết, nên họ có
thể tự quyết định các vấn đề của mình. Ba nước mạnh mẽ tuyên bố chủ
quyền ở biển Đông trong ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia,
và cả một nước nhỏ hơn là Brunei. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước khác
trong khối có ủng hộ ba nước này nhằm đạt được sự đồng thuận hay không.
Điều này có liên quan tới cả Miến Điện. Hà Nội khá mềm mỏng với Miến
Điện và đã để cho nước này theo đuổi những mục tiêu riêng của họ. Ngoài
ra, bản thân Miến Điện cũng vấp phải các vấn đề trong mối quan hệ với
Trung Quốc. Rồi còn có Lào nữa. Cho nên điều đó sẽ gia tăng số nước ủng
hộ Việt Nam. Tôi nghĩ sẽ sớm có sự đồng thuận, nhưng vấn đề là làm sao
thúc đẩy các nước khác tiến tới mục tiêu đó."
Trong phần cuối
của bài xã luận, The Nation đặt câu hỏi: ‘Liệu ASEAN có can đảm và cùng
tập hợp lại để đàm phán với Trung Quốc như khối này từng làm hay không?
Hay tốt hơn hết là giữ nguyên và không gây xáo động vấn đề này như
trước đó?
Trả lời cho câu hỏi này, tờ báo cho rằng Hà Nội sẽ
‘mạnh mẽ đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy Tuyên bố chung về
ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (Declaration of Conduct of
Concerned Parties in South China Sea).
Về nhận định này, ông
Carl Thayer nói: "Tôi từng phát biểu tại một cuộc hội thảo về Biển
Đông, quy tụ các chuyên gia khắp thế giới, ở Hà Nội hồi năm ngoái rằng
quan điểm của phía Trung Quốc là ASEAN hãy tìm sự đồng thuận ở trong
khối trước khi tiếp xúc với Bắc Kinh. Phản ứng mạnh mẽ có lẽ là từ
Indonesia khi có đề xuất cho rằng cần phải tạo thành một khối các nước
ASEAN để đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và tốt hơn hết
là nên có 11 nước (10 nước ASEAN và Trung Quốc) tham gia đàm phán.
Ngoài ra, hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố chung về
ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (Declaration of Conduct of
Concerned Parties in South China Sea), nhưng lại không đi tới thỏa
thuận về quy tắc ứng xử Biển Đông, mà trên lý thuyết, ASEAN muốn đạt
được điều này. Trên cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam nên tìm cách tái
khởi động lại đàm phán về vấn đề này với Trung Quốc, nhằm biến tuyên bố
chung, vốn chưa hoàn toàn thỏa mãn, sang các giải pháp mang tính bắt
buộc thi hành. Tôi nghĩ sẽ khó để đạt được một sự đồng thuận cao từ
ASEAN đối với vấn đề đó, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Đây
là một nhiệm vụ ngoại giao khó khăn đối với Việt Nam."
Nguồn: The Nation, VOA's Interview
|