Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày mai 17/7/2011 sẽ là cuộc biểu tình thứ 7 liên tiếp, diễn ra trong bối cảnh:
- Cuộc biểu tình ngày 10/7 bị đàn áp và kiên quyết dẹp bỏ.
- Sự cố gắng của các nhân sĩ trí thức để có được cuộc gặp với Bộ ngoại
giao yêu cầu làm rõ những thông tin liên quan đến quan hệ với Trung
Quốc đã không thành công.
- Ngày 5/7 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu có vũ trang của
Trung Quốc tịch thu tài sản và xua đuổi khi đang hoạt động trong
vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, ngày 13/7,
khi tàu PY 90368 đang đánh bắt tại tọa độ 6059 N- 112040 E cách đảo An
Bang 60 hải lý về phía Đông- Nam, bị tàu quân sự nước ngoài bắt giữ
cùng với 9 ngư dân, cho tới nay vẫn chưa có tin tức gì và cũng chưa
thấy Bộ ngoại giao lên tiếng.
Trong bối cảnh đó, chưa thể biết cuộc biểu tình ngày mai sẽ diễn ra như thế nào, thái độ và phản ứng của chính quyền ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những cuộc biểu tình yêu nước đã tạo thế cho Chính phủ trong quan hệ với TQ. Sau vụ tàu thăm dò dầu khí của VN 2 lần bị TQ cắt cáp, sự phản đối của Bộ ngoại giao, của báo chí rất mạnh mẽ đến TQ cũng phải bất ngờ (trước đây tôi vẫn cắt cáp của anh thì không sao, sao lần này anh phản ứng ghê thế?). Ngày 8/6 tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: "Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”.
Có lẽ vì nhận ra vai trò hậu thuẫn tích cực của những người yêu nước nên trong 5 cuộc biểu tình trước, chính quyền tuy có ngăn cản nhưng cũng chừng mực và có phần tạo điều kiện cho cho người dân biểu thị thái độ của mình.
Như vậy, người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngoại giao, báo chí và những người dân yêu nước từng có sự phố hợp rất nhịp nhàng làm cho phía Trung Quốc lúng túng và xuống giọng hẳn. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang”.
Chỉ tiếc rằng, trong chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao sang Trung Quốc ngày 25/6 có những thỏa thuận gì mà sau đó, cuộc biểu tình ngày 10/7 bị dẹp bỏ còn TQ thì hung hăng trở lại. Nếu bản tin 28/6 của Tân Hoa Xã thông tin đúng thì điều này sẽ rất nguy hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của VN và đẩy VN vào thế bất lợi trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Phải nói rằng, thái độ của người dân VN trước vận mệnh của đất nước rất đẹp, rất đáng trân trọng. Mặc dù có nhiều bất bình trước những bất cập trong việc điều hành của Chính phủ như tình trạng bất công, tham nhũng, bảo kê trên dưới, hoạt động kinh tế kém hiệu quả … rất phổ biến nhưng khi Chính phủ có những động thái hợp lòng dân, họ sẵn sàng ủng hộ. Một lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ về chủ quyền đất nước (đã dẫn trên đây) là điều mà toàn thể nhân dân chờ đợi từ lâu đã làm cả nước hân hoan và lập tức được hoan nghênh, hưởng ứng.
Trong những lần biểu tình, thái độ của những người tham gia rất ôn hòa đúng mực, không có manh động, không gây rối trật tự công cộng. Còn việc trông thấy công an đánh người mà kêu lên (như trường hợp chị Trần Thị Nga ở Hà Nam) cũng gọi là gây rối trật tự công cộng rồi bắt đi thì đó không phải là cách hiểu của những người biết chữ.
Ngày mai, cuộc biểu tình lần thứ 7 liên tiếp sẽ xảy ra mà nguyên nhân trực tiếp là Bộ ngoại giao không trả lời bản kiến nghị của 18 nhân sĩ trí thức cùng với việc TQ tiếp tục bắt bớ, tịch thu tài sản và sản phẩm của ngư dân đang hành nghề trong cùng biển VN mặc dù họ luôn cao giọng yêu cầu VN thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã đạt được (mà thỏa thuận những gì đến nay chưa ai biết). Việc trấn áp cuộc biểu tình hôm 10/7 khó có thể làm cho những người yêu nước nhụt chí.
Để ngăn chặn biểu tình yêu nước, nhà chức trách thường nói rằng, việc ấy đã có Nhà nước lo. Vậy thì nhân dân là cái gì, có vai trò thế nào trong sự nghiệp bảo vệ đất nước? Nếu có chiến tranh, ai sẽ là người ra trận, ai là người đóng góp sức người sức của để đánh lại kẻ thù? Chính phủ suy nghĩ thế nào về việc nhà Trần triệu tập Hội nghị Diên Hồng để tập hợp sức mạnh, đồng nhất ý chí sát Thát, đánh tan 3 cuộc xâm lăng của quân Nguyên thời kỳ đó?
Đã có Nhà nước lo? Họ làm như thể các nhà lãnh đạo bao giờ cũng anh minh, dân không phải nghĩ, cứ để Đảng và Nhà nước sáng suốt nghĩ thay. Trên thực tế, Nhà nước do Đảng CSVN lãnh đạo đã phạm nhiều sai lầm. Ai là người đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm sau 10 năm thống nhất?, ai tạo cớ cho TQ cưỡng đoạt Hoàng Sa? v.v… là những bài học nhãn tiền.
Việc đàn áp biểu tình có thể xảy ra ở nơi này nơi khác trên thế giới nhưng có hỏi nơi nào nhà chức trách lại đi đàn áp những người biểu tình chỉ vì muốn bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hòa, muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc như ở VN?
Trước tình hình hiện nay, trước việc nói một đằng, làm một nẻo của TQ, việc đàn áp biểu tình sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Hy vọng rằng tình trạng trấn áp, bắt bớ như cuộc biểu tình chủ nhật tuần trước sẽ không còn xảy ra.
Nguyễn Tường Thụy
http://nguyentuongthuy.wordpress.com/