Vũ Quốc Ngữ (danlambao) - Hãy
"xuống đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng ta không thể biểu
tình, nhất là biểu tình yêu nước, ở trên vỉa hè mãi. Cuộc sống là sự đấu
tranh không ngừng, nếu chúng ta bằng lòng với những gì mình có và không
phấn đấu, chúng ta sẽ chẳng đi được xa. "Dân chủ không phải là món quà
của Thượng đế", chúng ta phải đấu tranh mới có....
*
Hai lần biểu tình gần đây nhất ở
khu vực Hồ Gươm, ngày chủ nhật 24 tháng 7 và 07 tháng 8 gặt hái nhiều
thành công sau hai tuần liên tiếp bị trấn áp bởi lực lượng an ninh của
thành phố Hà Nội. Số lượng người tham gia tương đối đông, có đến năm bảy
trăm người với đủ thành phần, nhân sỹ có, công chức, sinh viên, người
lao động ở các công ty tư nhân, người lao động tự do, hưu trí và nông
dân. Có cả người từ các tỉnh thành khác về Hà Nội chỉ để hoà mình vào
buổi xuống đường.
Sau buổi họp báo của Trung tướng
Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh kiêm Giám đốc
Công an Hà Nội, lực lượng an ninh và cảnh sát của Hà Nội đã có thái độ
mềm mỏng hơn với người biểu tình. Cũng phải thôi, chúng tôi tuần hành ôn
hoà, có gì đâu mà phải bố trí lực lượng nhiều để đối phó với chúng tôi?
Chúng tôi đâu có ý định gây rối kia chứ!
Trường Sa, Hoàng Sa mới cần đến
lực lượng cơ động, các khu công nghiệp như nhà máy bauxite ở Đăk Nông và
Lâm Đồng, hay các dự án nhiệt điện và phân đạm ở Bình Dương, Cà Mau hay
Ninh Bình và Hải Phòng mới cần tăng cường lực lượng an ninh, vì nơi đó
có hàng nghìn công nhân Trung quốc đang sinh sống, và rất nhiều tên Tàu
khựa chưa có giấy phép lao động. Sẽ có ý nghĩa với an ninh quốc gia hơn
nếu các chiến sỹ an ninh tập trung vào những nơi ấy, xem người Tàu ngoài
sản xuất ra còn làm gì nữa mà tiến độ các công trình luôn chậm trễ vậy.
Đã có nhiều bài viết về thành
công và những nét đẹp của hai cuộc tuần hành gần đây nhất nên tôi xin
được phép không nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói đến mặt hạn chế của chúng. Đó
là việc biểu tình được tiến hành ở trên vỉa hè vòng quanh Hồ Gươm. Tại
sao chúng ta không dám xuống đường thực sự? Ta sợ cảnh sát ngăn cản, đàn
áp?
Tôi không nghĩ là nếu ta đi
xuống lòng đường thì cảnh sát sẽ trấn áp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang
đau đầu giải thích với công luận thế giới và trong nước về vụ trấn áp
người biểu tình ngày 17 tháng trước, chắc sẽ không dám ra lệnh mạnh tay
với người biểu tình yêu nước.
Trước kia nhà nước chỉ cho là
"tụ tập yêu nước", nhưng tướng Nhanh đã công nhận là biểu tình yêu nước,
mà đã là biểu tình thì phải được tiến hành một cách đàng hoàng ở dưới
lòng đường, cớ sao chúng ta cứ phải đi trên vỉa hẻ? Trên thế giới có
nước nào người biểu tình chỉ đi trên vỉa hè? Ngay ở Việt Nam, các cuộc
meeting, tuần hành hay thị uy đều được tiến hành ở các quảng trường hay
trên đường phố kia mà. Tuần hành chống ma tuý, mại dâm còn được trống
dong cờ mở ầm ĩ, lẽ nào biểu tình yêu nước lại chỉ được đi trên vỉa hè?!
Hãy nhớ là những buổi tuần hành
đầu tiên trong tháng Sáu đều được tiến hành dưới đường phố Hà Nội. Ngày
mùng 3 tháng 7, do chúng ta không muốn bị gây khó dễ nên đã đi lên vỉa
hè để tiến nhanh tới Nhà Hát lớn để đọc Tuyên cáo. Nhưng rồi từ đó,
chúng ta chỉ đi trên vỉa hè, không dám đi xuống lòng đường. Thật là
buồn.
Trước buổi diễu hành ngày 7
tháng Tám, tại tượng đài Lý Thái Tổ, tôi đã đề nghị đoàn biểu tình đi
xuống lòng đường, nhưng nhiều người gạt đi, cho là gây cản trở giao
thông (?).
Ta đâu có ý định tràn hết lòng
đường ! Chúng ta chỉ đi nửa đường thôi, và trật tự, thì làm sao gây cản
trở giao thông? Có chăng, làm giao thông chậm lại chut xíu, chả chết ai
cả. Sẽ đẹp biết bao nếu ta đi hai hoặc 3 hàng dưới lòng đường.
Yêu nước cũng phải đàng hoàng
chứ. Ai lại đi trên vỉa hè, du khách quốc tế, các hãng thông tấn đưa tin
đến người xem truyền hình trên thế giới, họ sẽ cười chúng ta, sẽ chê
trách Nhà nước Việt Nam, rằng đến biểu tình chống xâm lược mà phải dấm
dúi thế thì buồn lắm!
Tôi và mấy anh bạn trẻ cầm biểu
ngữ, vì muốn cho khách qua đường thấy nội dung của biểu ngữ nên cứ đi
men sát vỉa hè. Nhiều khi gặp thùng rác, gốc cây hay đơn giản là khách
vãng lai, lại phải tránh, đến là phiền.
Hôm chủ nhật vừa rồi, thời tiết
không nóng nực lắm, nhưng cuộc tuần hành tan hơi sớm. Nếu ta đi vào các
phố khác, chứ không chỉ quanh Hồ Gươm, thì có lẽ thu hút được nhiều sự
chú ý hơn.
Biểu tình chống Trung quốc xâm
lược thực sự đã gây sự chú ý,thức tỉnh lòng yêu nước của hàng triệu
người. Số người tham gia trực tiếp ngày càng tăng. Đó là cái tốt về
lượng. Chúng ta cần phát triển về chất, trong đó có việc đi biểu tình
dưới lòng đường phố một cách đàng hoàng. Và chúng ta cũng nên có tiếng
nói về việc chính quyền bắt bờ người yêu nước như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ,
Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên ... và một số sinh viên công giáo gần
đây.
Tôi đề nghị các vị nhân sỹ, các
bậc cao niên, hãy dẫn đầu và "xuống đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa
bóng. Chúng ta không thể biểu tình, nhất là biểu tình yêu nước, ở trên
vỉa hè mãi. Cuộc sống là sự đấu tranh không ngừng, nếu chúng ta bằng
lòng với những gì mình có và không phấn đấu, tôi e rằng chúng ta sẽ
chẳng đi được xa.
Tôi rất tâm đắc với câu "Dân chủ không phải là món quà của Thượng đế", chúng ta phải đấu tranh mới có.
Hà Nội ngày 9 tháng 8