Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-10-24
Trong phiên họp Quốc hội vào sáng Thứ Hai 22, giới lãnh đạo kinh
tế Việt Nam xác nhận những khó khăn và nguy cơ trì trệ kinh tế kéo dài
của xứ này.
AFP photo
Ngân hàng Tiên Phong, một ngân hàng thương mại cổ phần. Ảnh minh họa.
Xuyên qua đó, người ta còn chú ý đến sự nguy ngập của các ngân hàng
dưới một núi nợ xấu. Một trong nhiều nguyên do của tình trạng trên chính
là nạn bể bóng địa ốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nạn bể bóng qua
phần trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực
hiện.
Tăng trưởng chậm
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa
ông, qua lời phát biểu của giới chức lãnh đạo kinh tế trước Quốc hội,
người ta được biết rằng Việt Nam khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng là 5,2%
cho toàn năm nay. Như vậy, kinh tế xứ này sẽ có đà tăng trưởng thấp nhất
kể từ 13 năm qua mà một trong nhiều nguyên do của nạn trì trệ này chính
là khối nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Sở dĩ nợ xấu gia tăng một phần
cũng vì nạn vỡ bóng địa ốc như đã thấy xảy ra tại nhiều quốc gia khác.
Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này ta sẽ đề cập đến vụ bong bóng
đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế Việt Nam bị nguy cơ suy trầm, là có
đà tăng trưởng thấp hơn, và năm nay là năm thứ năm mà Việt Nam đạt mức
tăng trưởng dưới 7%. Tình trạng trì trệ kéo dài này chưa từng xảy ra từ
25 năm nay nên mới đáng lo trong viễn ảnh suy trầm toàn cầu mà chúng ta
đề cập vào tuần trước. Đã vậy, giới kinh tế quốc tế còn dự đoán là từ
nay cho đến năm 2015, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng khoảng 5%
mà thôi. Đó là bối cảnh.
Như cả chục quốc gia khác đã bị từ ba bốn năm nay, Việt Nam đang lãnh
hậu quả của nạn bong bóng đầu cơ bất động sản khi trái bóng bị bể. Về
nguyên nhân sa sút thì ai cũng thấy sự co cụm của thị trường xuất khẩu
Âu Mỹ. Còn lý do nội tại của Việt Nam là sức tiêu thụ kém của thị trường
nội địa đi cùng sự sút giảm của đầu tư, nhưng nguyên nhân quan trọng
nhất chính là sự èo uột của hệ thống ngân hàng, dưới một núi nợ không
sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Khi các ngân hàng bị kẹt vốn và nay phải
lặng lẽ nâng lãi suất huy động thì chẳng những doanh nghiệp khó vay tiền
mà nhiều ngân hàng sẽ vỡ nợ vì mất vốn. Do đó, việc cải tổ hệ thống
ngân hàng, thực tế là tìm cách đắp vốn và xoá nợ, sẽ là yêu cầu khách
quan trong năm tới. Nếu không hoàn tất nổi thì kinh tế còn bị khủng
hoảng nguy ngập hơn nữa.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về nguyên nhân từ đầu, là vì sao mà Việt Nam cũng bị nạn bong bóng đầu cơ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta có hiện tượng chung của rất
nhiều quốc gia là bong bóng đầu tư hay bong bóng kinh tế là khi trị giá
một loại hàng hóa hay tài sản nào đó tăng vọt một cách bất thường. Các
loại bong bóng phổ biến nhất là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, là
nguyên nhiên vật liệu hay nông sản trên thị trường thương phẩm, và
nghiêm trọng nhất, là bong bóng gia cư hay nhà cửa đất đai trên thị
trường bất động sản. Nó nghiêm trọng nhất vì liên hệ đến ngành xây dựng
và cả khu vực phù trợ cho gia cư và có thể gây ra thất nghiệp.
Nguyên nhân phổ biến của hiện tượng bong bóng là tâm lý hồ hởi, là sự
lạc quan thiếu cơ sở khi người ta nghĩ rằng trị giá sẽ tăng mãi nên đầu
cơ theo triển vọng gia tăng đó để kiếm lời mà bất kể đến rủi ro. Một
nguyên nhân chìm và cơ bản nhất của sự hồ hởi đó là khi thấy tiền nhiều
và rẻ, tức là tín dụng dồi dào với lãi suất thấp. Vì vay tiền quá dễ và
tin rằng phân lời đi vay còn thấp hơn kỳ vọng sinh lời nhờ trị giá tài
sản gia tăng, người ta đi vay để đầu cơ và khi giá sụt thì hết trả được
nợ làm ngân hàng kẹt vốn và có thể sụp đổ.
Lý do nội tại của Việt Nam là sức tiêu thụ
kém của thị trường nội địa đi cùng sự sút giảm của đầu tư, nhưng
nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự èo uột của hệ thống ngân hàng,
dưới một núi nợ không sinh lời... Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, tuần trước, khi phân tích hiện
tượng mà ông gọi là "gẫy đòn bẩy" tức là phải trả nợ, ông có nói đến ba
hình thái đi vay. Thứ nhất, khách nợ có thể vay tiền để kiếm lời trong
kinh doanh và phải tìm ra đủ lời để trả nợ, cả vốn lẫn lãi. Thứ hai, có
người đi vay để đầu cơ vì nghĩ là nhờ đầu cơ mà tài sản lên giá thật mau
và nếu thất bại thì lại vay thêm để đảo nợ. Đó là trường hợp rủi ro và
là tai họa khi trái bóng đầu cơ bị vỡ. Sau cùng, còn có loại khách nợ
bất lương, đi vay tiền để dựng lên tháp nợ, là lấy tiền của chủ nợ này
để chiêu dụ chủ nợ khác và sau cùng thì bỏ trốn và để lại một núi nợ.
Chuyện này có xảy ra tại Việt Nam hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cũng có giải thích rằng khi kinh tế
thịnh đạt thì người đi vay để đầu cơ nghĩ là mình khôn. Nhưng khi kinh
tế suy trầm thì trái bóng dễ bị xì và sẽ bể nếu gặp phản ứng hốt hoảng.
Và khi bóng bể thì ảnh hưởng sẽ dội ngược vào kinh tế, có thể từ suy
trầm mà sụt vào suy thoái, hoặc khủng hoảng.
Trở lại chuyện Việt Nam, ta nên nhớ lại sự hồ hởi sảng và lạc quan
tếu vào năm 2007 sau khi xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO
mà chưa có những cải cách cần thiết về cơ chế và khả năng quản lý. Ngay
giữa sự hồ hởi đó, với hậu quả là nạn lạm phát và bong bóng cổ phiếu,
thì thế giới lại bị nạn tổng suy trầm 2008-2009, nhồi trong vụ khủng
hoảng tài chính cũng một phần vì nạn bể bóng gia cư và sự ung thối của
loại tín dụng thứ cấp trên thị trường gia cư. Khi đó, cũng tương tự như
Trung Quốc, Việt Nam quyết định ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế
và chính là hiện tượng tiền nhiều và rẻ mới thổi lên bong bóng. Đấy là
một nguyên nhân thuộc về chính sách, nhưng không là lý do duy nhất.
Do cơ chế
Một khu nhà tại Hà Nội ngưng xây dựng do hết vốn. RFA photo
Vũ Hoàng: Nói như vậy nghĩa là ông còn thấy ra nguyên nhân khác hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế. Nguyên nhân thứ hai thuộc về
cơ chế. Ta không quên là vụ bể bóng và tai họa nợ xấu đã xảy ra cùng
lúc với tình trạng vay mượn dễ dàng đến độ bất cần và vô trách nhiệm của
các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin hay Vinalines.
Do cơ chế quản lý lỏng lẻo với quá nhiều kẽ hở cho các đại gia có thể
dễ dàng thao túng và do chính sách tín dụng hào phóng cho các doanh
nghiệp nhà nước, nhiều người có chức có quyền hoặc thân tộc của họ đã
lập công ty có cái vỏ là tư nhân, hoặc tự đánh bóng mức tín nhiệm về tín
dụng để vay tiền ngân hàng cho các dự án bất động sản có quy mô lớn. Ở
gốc thì họ cướp đất của dân mà không có đền bù thoả đáng, nôm na là
chiếm đoạt tài sản. Ở ngọn thì họ dùng đất đai ấy làm vật thế chấp với
giá thổi phồng và vay được tiền rồi, họ tiếp tục đầu cơ qua những cơ sở
có quyền sở hữu chòng chéo với nhau. Họ kết thành những kén nợ chằng
chịt, bên trong, ai nợ ai và bị ung thối cỡ nào thì chẳng ai biết, kể cả
các ngân hàng hay công ty tài chính đã cho vay tiền.
Vũ Hoàng: Thưa ông, ngoài hai nguyên do thuộc về
chính sách và cơ chế, phải chăng ta còn có loại nguyên nhân thứ ba là
khả năng thẩm định và quản ký rủi ro quá kém của các ngân hàng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chuyện ấy hoàn toàn đúng vì khi cho vay,
ngân hàng đã định giá tài sản đảm bảo cao hơn thực giá, tới khi cố phiếu
hoặc đất đai sụt giá vì trái bóng đầu cơ bị bể thì ngân hàng lâm nạn.
Chúng ta có vấn đề chuyên môn về trình độ nghiệp vụ quá kém và thẩm định
dự án đầu tư quá sơ sài thô thiển. Nhưng ngoài khía cạnh chuyên môn
thật ra dễ hiểu thì còn một vấn đề khác. Nhiều ngân hàng hay công ty tài
chính hoặc tín dụng đánh giá sai rủi ro vì tin vào thế lực của khách nợ
hoặc của những người giữ vị trí chủ chốt ở bên trong. Giữa đại gia với
nhau thì quan hệ về tín dụng hay sở hữu tất nhiên là phải khác. Chính vì
vậy mà người ta càng khó giải quyết việc phân định nợ nần, tái cấu trúc
ngân hàng và quản lý các khoản nợ.
Do cơ chế quản lý lỏng lẻo với quá nhiều
kẽ hở cho các đại gia có thể dễ dàng thao túng và do chính sách tín dụng
hào phóng cho các doanh nghiệp nhà nước. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Theo giới nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam
thì khu vực xây dựng và bất động sản có tỷ lệ vay nợ cao nhất hiện nay.
Như vậy, thưa ông khi bong bóng bất động sản bị vỡ thì nợ xấu của ngân
hàng tất nhiên lại còn cao hơn hiện nay, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, mức vay mượn ngân hàng của các
doanh nghiệp đã gia tăng trong thời gian qua và vượt quá bình quân của
nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cho nên yêu cầu trả nợ và hiện tượng
gẫy đòn bẩy là điều dễ xảy ra trong tương lai trước mắt.
Thứ hai là trong loại doanh nghiệp mắc nợ thì các tập đoàn và tổng
công ty nhà nước cũng thuộc loại đáng kể, với tổng số dư nợ của một số
tập đoàn cao gấp bảy tám lần số vốn. Số nợ bình quân của 79 cơ sở quốc
doanh là gần hai lần số vốn.
Thứ ba mới đến loại doanh nghiệp bất động sản và xây dựng ông vừa
nhắc tới: họ đi vay hơn gấp đôi số vốn sở hữu. Khi vay nhiều như vậy thì
phí tổn tài chính tất nhiên bào mỏng mức lời khiến các doanh nghiệp này
càng dễ gặp nguy cơ vỡ nợ. Khi loại doanh nghiệp này mà vỡ nợ thì ngân
hàng mất vốn và công nhân mất việc. Đây là viễn ảnh rất đáng ngại.
Vũ Hoàng: Trong mấy năm vừa qua, có nhiều quốc gia
trên thế giới đã bị khủng hoảng vì nạn bể bóng gia cư và địa ốc, với hậu
quả lan rộng sang lĩnh vực tài chính và ngân hàng và kéo dài hơn nữa
tình trạng suy trầm kinh tế. Thưa ông, tại Việt Nam thì tình hình sẽ ra
sao cho các ngân hàng với số nợ xấu được ước lượng dù chưa chính xác thì
cũng là hơn 8%?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong vụ bể bóng hiện nay, có chừng 15 quốc
gia lâm nạn, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, lẫn nước Anh, Tây Ban Nha hay
Hy Lạp, v.v.... Kinh tế Việt Nam thật ra còn nhỏ yếu và chưa thể sánh
nổi với các nước đó. Vậy mà cái núi nợ khó đòi và sẽ mất lại lên tới mức
đáng ngại là khoảng 10%, theo cách tính lạc quan nhất. Công ty lượng
cấp trái phiếu là Fitch thì ước lượng một con số cao gấp rưỡi là 15%. Tỷ
lệ ấy là một mối nguy cho ngân sách nhà nước và kinh tế quốc dân vì
tương đương với 20 tỷ đô la.
Như dự trù, trong năm tới đây, Việt Nam phải tái cấu trúc lại hệ
thống ngân hàng để kịp thời cứu các doanh nghiệp hiện không thể vay ngân
hàng khi các ngân hàng bị chìm dưới núi nợ xấu. Nhưng trong việc tái
cấu trúc này tất nhiên là phải lập ra công ty quản lý nợ, của nhà nước,
nôm na tung tiền ra mua lại các khoản nợ xấu và chịu lỗ để ngân hàng có
sổ sách kế toán tương đối lành mạnh và quân bình hơn. Trong hoàn cảnh
đó, ngân sách của nhà nước sẽ mất bao nhiêu để cáng đáng một phần của
gánh nợ? Ít ra thì cũng từ bảy đến 10 tỷ đô la. Ngân khoản đó thật ra là
một lỗ hổng quá lớn cho công quỹ.
Vấn đề còn rắc rối hơn vậy vì việc thành lập ra một cơ quan quản lý
nợ như vậy lại không dễ và đòi hỏi nhiều điều kiện về tổ chức, pháp lý
và nghiệp vụ. Cụ thể là lấy vốn ở đâu, do ai quản lý và quyết định theo
tiêu chuẩn nào để không gây thêm ung nhọt tham nhũng? Kết cuộc thì làm
sao sớm hoàn tất những việc này để kịp thời cứu nguy các ngân hàng trước
khi tình hình sa sút hơn trong năm tới? Mà nhà nước càng chậm trễ thì
doanh nghiệp càng khốn đốn, khiến núi nợ xấu càng tăng, ngân hàng càng
dễ sụp đổ và kinh tế càng suy trầm nặng hơn. Nhiều quốc gia Âu Châu có
trình độ tổ chức và nghiệp vụ cao hơn Việt Nam đã mất ba năm cải sửa mà
chưa xong. Chẳng có lý do gì để tin rằng Việt Nam sẽ giải quyết mau
chóng và gọn gàng hơn các nước này. Vì vậy, nếu năm tới mà Việt Nam đạt
được mức tăng trưởng 5% thì đấy đã là phép lạ.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay.
|