Phạm Hồng Sơn
(Vài suy nghĩ sau bài viết “Can Chinese Model be replicated?” của Nhân dân Nhật báo online [1])
Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ “bắt chước”
hay “học mót” (sau đây xin gọi chung là “bắt chước”) thường được dùng
để chê bai một đối tượng áp dụng những kỹ năng, kiến thức của người
khác một cách máy móc hay không có hệ thống. Nhưng, trên thực tế, để
xác định rõ việc áp dụng đó có “máy móc” hay “không có hệ thống” và mức
độ của nó đến mức nào luôn là việc không hoàn toàn dễ dàng. Vả lại,
trong nghĩa nguyên thủy, từ “bắt chước” hay “học mót” đã mang một ý
nghĩa tích cực là học lại từ người khác. Xét từ cuộc sống và các nghiên
cứu khoa học hiện tại, khả năng học lại từ môi trường xung quanh hay
khả năng bắt chước từ các các đối tượng khách quan khác là một đặc tính
cơ bản không chỉ có ý nghĩa sống còn mà còn là nhân tố cho sự phát
triển của giới động vật nói chung và loài người nói riêng. Đối với thế
giới loài người việc học lại của nhau, bắt chước nhau từ phạm vi giữa
các cá nhân cho đến các tổ chức hay các quốc gia, dân tộc là điều đã
quá rõ ràng không cần phải chứng minh. Do đó “bắt chước” không phải là
một đặc tính cá biệt của cá nhân nào, dân tộc nào và cũng không thể cấm
được tuyệt đối người khác “bắt chước” (ngay như các luật về bản quyền
tác giả hay các phát minh khoa học cũng chỉ có thời hạn nhất định).
Do đó một sự chê bai bằng từ “bắt
chước” chưa thể nói lên người bị chê bai có thực sự là kém cỏi hay
không. Vấn đề quan trọng hơn và là điều chính yếu là sự “bắt chước” đó
đã mang lại những lợi ích gì hay hậu quả gì cho cá nhân, tổ chức hay
quốc gia, dân tộc. Nếu lợi ích cá nhân, lợi ích dân tộc được củng cố và
phát triển thì dù có bị chê là “bắt chước” hay bị dèm pha như thế nào
chăng nữa chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn được khen là “sáng tạo”, “đổi mới”
nhưng kết quả thực tế lại ngược lại. Và điều cần nói hơn nữa là một cá
nhân được toàn quyền quyết định “bắt chước” hay không “bắt chước” điều
gì trong cuộc sống cá nhân, thì không một cá nhân hay tổ chức đảng phải
nào được toàn quyền quyết định “bắt chước” hay không “bắt chước” bất kỳ
vấn đề gì cho chính sách quốc gia hay mô hình phát triển cho dân tộc.
Tinh thần dân tộc thường rất dễ bị tổn
thương khi bị nhận xét là “bắt chước”, “sao chép” hay “phải biết ơn”.
Nhưng nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ cảm thấy vui vì một câu chê như thế
không thể hạ thấp được danh dự hay thực lực của chúng ta mà đó là cơ
hội để hiểu rõ hơn sự tử tế, sự chân thành của “đối tác” (hay “đồng
chí”) và là lời nhắc để xem lại những điều học hỏi hay không học hỏi
cho chính sách quốc gia trong thời gian đã qua có đúng đắn, có lợi và
có được chấp nhận của dân chúng hay không? Chẳng phải lịch sử Việt Nam
cận đại đã cho thấy dân tộc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khi người
cầm quyền từ chối “bắt chước” người ngoài hay đã phải chịu nhiều sai
lầm khi người cầm quyền dứt khoát “học” theo các “nước anh em”?
Tập trung vào việc xem lại những gì cần
học hỏi (kể cả từ người phê phán, xúc phạm mình) hay không cần học có
lẽ sẽ có lợi hơn thay vì tự ái hay cố tìm cách để chứng minh chúng ta
đã “không bắt chước”. Mang điều tệ hại cho dân tộc rõ ràng là có lỗi
lớn. Nhưng, lảng tránh hay cấm “bắt chước” điều có lợi cho dân tộc cũng
có lỗi không nhỏ hơn.
23/09/2009
© 2009 Phạm Hồng Sơn
[1] Bài viết không có tác giả
trên cơ quan ngôn luận online phiên bản tiếng Anh của Đảng Cộng sản
Trung Quốc, đã được nhiều website Việt Nam dịch ra tiếng Việt: “Liệu hình mẫu Trung Quốc có thể được lặp lại hay không?” (Thông Luận), “Hình mẫu Trung Hoa có thể sao chép được không?” (Bauxite Việt Nam), “Bắc Kinh khen Hà Nội ‘bắt chước giỏi’”, “Phải ‘thực sự nhớ ơn mô hình Trung Quốc’“ (Người Việt)
..
Việt Nam nên mang ơn mô hình của Trung quốc? Trích dịch từ nguồn Can Chinese model be replicated?
People 's Daily Online
Việt Nam là nước mà việc bắt chước mô hình Trung quốc được thành công
và đầy đủ nhất. Và Trung quốc đã không xuất cảng sang hoặc quảng cáo
kinh nghiệm của họ ở Việt Nam.
Việt Nam bắt đầu học hỏi từ Trung quốc vào năm 1986. Khi Trung quốc bắt
đầu cho thi hành chính sách mới trên toàn quốc về cải tổ và mở cửa ra
bên ngoài, thì mối quan hệ Trung-Việt còn nằm ở giai đoạn thấp nhất.
Nhưng kinh nghiệm của Trung quốc, khởi đầu là chế độ các hộ gia đình tự
nhận lãnh trách nhiệm ở vùng nông thôn đã gợi lên sự chú ý rất to lớn ở
Việt Nam
Một học giả kỳ cựu của Việt Nam chuyên nghiên cứu về tình hình Trung
quốc đã nói với giới ký giả ở Hong Kong vào năm 1977 rằng, bà được yêu
cầu nghiên cứu mọi bước đi trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung
quốc, và báo cáo cho Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN như những nguyên
tắc hướng dẫn cho việc đề ra các chính sách của họ từ năm 1986.
Sau khi đưa vào thi hành chế độ các hộ gia đình tự nhận lãnh trách
nhiệm, thì năng suất lúa gạo của Việt Nam nhanh chóng tăng lên gấp đôi
và Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo chính yếu trên thế giới. Hồi
Tháng Mười năm ngoái, trong khi tham dự một cuộc hội thảo tại Hà Nội
về chính sách cải cách và mở cửa của Trung quốc, giới ký giả được báo
cho biết là Việt Nam không những chỉ học hỏi kinh nghiệm cải cách và mở
cửa của Trung quốc, mà còn học hỏi cả lý thuyết xây dựng đảng của Đảng
Cộng sản Trung Quốc cũng như lý thuyết và thực tiễn đấu tranh chống
tham nhũng.
Mới đây, ông Đào Duy Quát, tổng biên tập báo điện tử của Đảng Cộng sản
Việt Nam, đã kết luận về kinh nghiệm cải cách và mở cửa của Trung Quốc
như sau: tìm một con đường phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh trong
nước, duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và giữ gìn khối
đại đoàn kết dân tộc.
Là một nền kinh tế mang nhiều hứa hẹn nhất trong Hiệp hội các Quốc gia
Đông Nam Á, Việt Nam thực ra nên mang ơn mô hình của Trung quốc về sự
phát triển kinh tế mau lẹ và ổn định chính trị của đất nước mình.
|