Đỗ Đăng Liêu
Vào ngày 3 tháng 1 năm 2011 vừa qua, nhân buổi họp định kỳ lần thứ 16
của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ) tại Genève, Thụy Sĩ, Thứ
trưởng bộ Ngoại giao Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam (CSVN) Phạm
Bình Minh đã thông báo là Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân Quyền
của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016.
Trong nhiều năm qua, việc nhà nước CSVN vi phạm nhân quyền là điều mọi
người nói đến hàng ngày, từ người dân oan thấp cổ bé miệng, những nhà
đấu tranh dân chủ, tới những tổ chức nhân quyền quốc tế và những quốc
gia dân chủ Tây phương.
Trên thế giới có tổng cộng 120 nhà bất đồng chính kiến trên mạng (cyber
dissidents) đang bị cầm tù thì 100 trong số đó là người Việt Nam, Trung
Quốc và Iran.
Vì vậy, người ta tự hỏi tại sao với một "thành tích" tệ hại như vậy mà
CSVN, thay vì lặng lẽ vuốt mặt áp dụng câu châm ngôn "tốt khoe, xấu
che" cho tiện việc mà lại còn cố đấm ăn xôi cho thêm trơ trẽn!
Vậy Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ) là gì mà khiến CSVN thèm thuồng như vậy?
HĐNQ LHQ (tiếng Anh là United Nations Human Rights Council) là một cơ
cấu do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lập ra vào ngày 15/3/2006 thay thế
Ủy Ban Nhân Quyền Liên hiệp Quốc bị chấm dứt hoạt động vào cùng năm sau
khi bị chỉ trích là đã để cho những quốc gia có nhiều hành động vi phạm
nhân quyền làm thành viên và thao túng Ủy Ban.
HĐNQ có 47 quốc gia thành viên, được chia theo khu vực địa lý, gồm 13
nước ở Châu Phi, 13 nước ở Châu Á, 6 nước ở Đông Âu, 7 nước ở Tây Âu và
8 nước ở Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbe, được bầu chọn lần đầu vào
ngày 9/5/2006, với nhiệm kỳ 3 năm.
Đáng lưu ý là trong số 47 thành viên hiện nay có Trung Quốc, Cuba là
hai trong số những nước có nhiều tai tiếng về vi phạm nhân quyền. Hoa
Kỳ và Việt Nam chưa từng là thành viên của HĐNQ. Vào ngày 1/3/2011 vừa
qua, Đại Hội Đồng LHQ đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của
Libya vì vi phạm nhân quyền.
HĐNQ đã lập một cơ cấu là Ủy Ban Cố Vấn, gồm 18 nhân sự, với số lượng
nhân sự được chia theo khu vực địa lý, có nhiệm vụ cố vấn cho HĐNQ
trong mọi lãnh vực về nhân quyền. 18 thành viên của Ủy Ban Cố Vấn là
những chuyên gia với kiến thức và kỹ năng chuyên biệt cao. HĐNQ quan
tâm đến vấn đề nhân quyền trong nghiã rộng bao gồm nhiều lãnh vực như
công lý, truyền thông, những hình thức nô lệ, vấn đề thổ dân, dân tộc
thiểu số, khủng bố, vấn đề giam cầm tùy tiện, ...
HĐNQ cũng tiến hành những thủ tục đặc biệt để điều tra nhân quyền được
tiến hành bởi cá nhân các chuyên gia hay những nhóm chuyên gia do HĐNQ
chỉ định. Để gia tăng sự khách quan trong việc làm của họ, những chuyên
gia này không nhận thù lao.
Một trong những việc làm quan trọng của HĐNQ là thực hiện những báo cáo
thường kỳ, 4 năm một lần (mỗi năm HĐNQ duyệt xét 48 quốc gia), về tình
trạng (vi phạm) nhân quyền tại 192 quốc gia thành viên của LHQ. Những
báo cáo này dựa phần lớn trên những dữ kiện do các tổ chức phi chính
phủ (NGO) cung cấp. Tình trạng của mỗi quốc gia được báo cáo và thảo
luận tại HĐNQ trong một buổi họp dài 3 giờ đồng hồ.
Kể từ khi được thành lập, HĐNQ đã nhiều lần bị các quốc Tây phương chỉ
trích là quá thiên vị, vì quá chú tâm kết án nước Do Thái mà bỏ lơ tình
trạng vi phạm nhân quyền tại nhiều quốc gia khác như Bắc Hàn, Ba Tư, Cu
Ba, Burma, Việt Nam, ... đúng ra cần phải quan tâm nhiều hơn. Cũng đã
có nhiều nhận định là HĐNQ và cơ chế tiền nhiệm là Ủy Ban Nhân Quyền đã
bị các quốc gia Ả Rập và Trung Quốc lũng đoạn, thao túng. Hoa Kỳ, dưới
thời của Tổng Thống George W Bush đã quyết định không tham gia vào HĐNQ
cũng vì lý do nói trên. Dù không phải là thành viên nhưng Hoa Kỳ vẫn
giữ vị trí quan sát viên và tài trợ cho HĐNQ. Nhưng đến Tháng 9, 2007
thì Hoa Kỳ quyết định cắt đứt tài trợ cho HĐNQ. Tuy nhiên, vào Tháng 3,
2009, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố là Hoa Kỳ thay đổi quyết
định và sẽ tham gia vào HĐNQ.
Nhận định chung thì HĐNQ, qua 6 năm làm việc, đã tỏ ra không có khả
năng đáp ứng những mong đợi của nhiều người, và thiếu khả năng đối đầu
với những vi phạm nhân quyền ở nhiều quốc gia thành viên của LHQ.
Nghị quyết của HĐNQ ấn định rõ là "các thành viên của HĐNQ phải tôn
trọng những tiêu chuẩn cao nhất về việc quảng bá và bảo vệ nhân quyền".
Với một quyết nghị như trên của HĐNQ thì điều người ta tự hỏi trước
tiên là, với "thành tích tồi tệ" về nhân quyền mà ai cũng biết, làm sao
CSVN có đủ tiêu chuẩn để được chọn làm thành viên HĐNQ, và giả thử có
được chọn thì CSVN làm sao có thể chu toàn được bổn phận bảo vệ nhân
quyền trong khi chính họ vi phạm nhân quyền ngày một dữ dội hơn?
Hiện nay, trong tư cách thành viên của LHQ, Việt Nam vẫn thường kỳ bị
HĐNQ duyệt xét về tình trạng nhân quyền mỗi 4 năm một lần. Người ta
thường nói là trách nhiệm càng cao thì càng cần phải làm gương tốt. Câu
nói này chắc khó áp dụng cho CSVN! Nếu các quốc gia bỏ phiếu quyết định
việc cho Việt Nam gia nhập HĐNQ và cho rằng làm như thế là để cho Việt
Nam có cơ hội cải tiến, thì đây là một quan niệm vô cùng nguy hiểm!
Bằng chứng là nhiều quốc gia đã nghĩ sai về CSVN khi mở ra những cơ hội
tốt cho CSVN cải tiến. Thí dụ hiển nhiên nhất là việc bỏ Việt Nam khỏi
danh sách Những Quốc gia Cần Đặc Biệt Quan Tâm (CPC, Countries of
Particular Concern) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Dù với bất cứ lý do nào
thì lẽ ra CSVN cũng nên coi đó là một cơ hội để cải tiến. Nhưng CSVN đã
không đón nhận sự việc như vậy mà ngược lại đã thừa cơ gia tăng đàn áp
tôn giáo mạnh tay hơn trước bất chấp mọi cảnh cáo của Hoa Kỳ và thế
giới. Lý do là CSVN không bao giờ có ý định ngừng hủy diệt tôn giáo. Họ
chỉ lợi dụng cái tiếng "được ra khỏi danh sách CPC" để che đậy việc mà
họ thực sự muốn làm là tiếp tục đàn áp và hủy diệt tôn giáo, chẳng khác
nào kẻ cướp giả danh cảnh sát để dễ lừa thiên hạ!
Các quốc gia dân chủ "suy bụng ta ra bụng người", suy đoán CSVN với đầu
óc dân chủ và lương thiện của mình, không quen nói những điều không
đúng, không thật, nhất là trong thời đại hiện nay mọi chuyện đều có thể
được kiểm chứng dễ dàng. Người cộng sản thì khác hẳn. Họ chỉ nhằm vào
mục đích, bất kể phương tiện, dù dối trá, tàn bạo, dã man miễn mang lại
mục đích thì đều chấp nhận được.
Trong nhiều năm, qua cửa miệng của những con vẹt ngoại giao, từ Phan
Thúy Thanh, Lê Dũng cho tới Nguyễn Phương Nga hiện nay, người ta đã
không khỏi ngao ngán khi nghe những phát biểu láo khoét và trâng tráo
đến lợm giọng của họ. Cho nên, ngày hôm nay, nếu có phải ngao ngán một
lần nữa vì những phát biểu của xếp lớn hơn là Phạm Bình Minh thì cũng
chẳng nên ngạc nhiên. Các máy phát thanh này đều cùng lò sản xuất CSVN
mà ra cả.
Xét như trên, và dựa vào dữ kiện cụ thể về vận hành của HĐNQ trong 6
năm vừa qua, người ta có thể tin là CSVN nộp đơn xin tham gia HĐNQ chỉ
là với ý đồ lợi dụng danh nghiã "thành viên HĐNQ" để che đậy chính hành
động đàn áp nhân quyền của họ. Nếu CSVN thực tâm muốn cải thiện nhân
quyền thì họ chẳng cần nhờ vả bất cứ ai, chẳng cần bất cứ một sự trợ
giúp nào, và chẳng cần phải đợi đến ngày mai vì họ chỉ cần tự chấm dứt
tức khắc những hành động đàn áp nhân quyền. Đơn giản thế thôi! Thành
thử, tất cả những gì khác mà CSVN làm chỉ là những màn trình diễn không
hơn không kém!
Hình ảnh CSVN là thành viên của HĐNQ chỉ là một bức hình phóng lớn của
hình ảnh Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong trách nhiệm chống tham
nhũng ở Việt Nam. Có kẻ cướp nào lại đi bắt chính mình bao giờ! Nếu Đại
Hội Đồng LHQ để cho CSVN tham gia HĐNQ thì đúng là "giao trứng cho ác!"
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài viết, có lẽ chỉ có một câu trả lời xem ra
là hữu lý là đối với cái nhà nước xã hội chủ nghiã CSVN không có dây
thần kinh xấu hổ này thì bất cứ việc gì, dù trơ trẽn lố bịch cách mấy,
họ cũng dám làm miễn là mang lại chút lợi ích nào đó cho chế độ. Họ cố
đấm ăn xôi vì cho rằng vẫn bịt mắt được thiên hạ. Có để cho họ bịt mắt
hay không là trách nhiệm của chúng ta.
@ http://viettan.org/
|