Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - "Nói
cho thật gọn, Hội Nghị Trương Ương 6 đã ''100% thành công rực rỡ'' như
những tiền lệ xa cũng như gần thì theo lẽ phải cười hể hả, cười rú lên
mới bõ công "làm việc khẩn trương nghiêm túc" 15 ngày ròng rả, chứ sao
lại nghẹn ngào nước mắt lưng tròng?"
*
["Nụ cười giữ một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ðời sống
có hạnh phúc thì con người mới hay cười. Nụ cười của người đang hạnh
phúc cũng làm cho người khác vui lây. [1]
Cười là vũ khí chống lại bệnh yếm thế. Ðể chống lại với sự buồn rầu,
tiếng cười có ưu thế hơn nước mắt. Trong lúc xuống tinh thần càng khóc
càng lụy, càng lo rầu khó chịu và mệt mỏi.
Một cuộc nghiên cứu của bác sĩ tâm lý học thuộc trường Ðại Học Illinois
thí nghiệm với 714 người, cho thấy những người biết cười cợt thành công
hơn người hay khóc trong khi phải chống chọi với mọi áp lực của đời
sống"].
Nụ Cười
["Nụ cười làm đẹp cuộc đời, làm vui kẻ khác [2]. Thức ăn nuôi sống cơ
thể nhưng phải mua, trái lại nụ cười "free" làm ta sảng khoái, yêu đời
mà ta chẳng mất xu teng nào cả. Nhưng điều đáng buồn cười là đã trên nửa
thế kỷ nay, dưới ánh sáng mặt trời chân lý, mà đồng bào ta ở bên nhà
vẫn chưa nở được một nụ cười thứ thiệt dù không phải mất tiền mua.
Nụ cười quan trọng như thế nên từ Ðông sang Tây vẫn cho nụ cười là liều
thuốc bổ. Trong các dân tộc trên thế giới có lẽ dân Mẽo cười nhiều nhất,
có lẽ vì họ giầu có, sung sướng luôn luôn không biết chừng. Cái cười
của họ hồn nhiên, thoải mái dòn tan, yêu đời.
Không tin quý cụ cứ mở TV ra mà coi, show nào cũng cười vui nhộn, có
khán giả thiệt cũng cười mà không có khán giả thì họ vặn "máy cười.". Sô
nào chọc cười nhiều nhất là ăn khách nhất. Hồi thập niên 80 hai sô ăn
khách nhất là Bill Crosby của NBC và Three's Company của ABC, rồi buổi
tối có Johny Carson. Bây giờ thì có Jay Leno và David Letterman là những
vua chọc cười hái ra bạc. Ngoài TV, các phim cười cũng ăn khách với số
thu ngoài sức tưởng tượng."]
Trên VTV4 cũng có mục cười như Gala Cười, Gặp Nhau Cuối Tuần (nay chỉ
còn Gặp Nhau Cuối Năm với chương trình Táo Quân) nhưng, theo tôi, đa số
cười chưa thoải mái, nếu không muốn dùng chữ cười ra nước mắt, sêm sêm
với Cười XHCN vậy.
Cười coi vậy mà có rất nhiều kiểu: [3]
Kẻ vũ phu thô lỗ thì "cười tồ tồ"
Kẻ tiểu nhân đắc chí thì "cười hi hí"
Kẻ chuyên môn nâng bi thì "cười cầu tài"
Kẻ độc ác nhiều hận thù thì "cười khẩy, cười gằn"
Kẻ vô duyên hay tán tỉnh thì "cười nham nhở, cười đểu"
Kẻ anh hùng hảo hán thì "cười khanh khách"
Kẻ đang đau khổ thì "cười chua chát"
Kẻ hay xỏ lá thì "cười khinh khỉnh, khinh khi"
Kẻ muốn làm duyên thì "cười mím chi"
Những người bình thường thì "cười dòn tan, cười hả hê, cười khằng khặc,
cười nắc nẻ, cười khúc khích, cười vang, cười rộ, cười khì..."
Nhưng đâu có phải lúc nào chúng ta cũng cười. Ðôi khi vui quá lại khóc
ròng, như trường hợp một anh chàng nọ nghèo rớt mồng tơi, khi không
trúng lô độc đắc, thế là sung sướng quá, cứ ôm tấm vé số khóc ròng suốt
một ngày.
Trái lại có đôi khi người ta buồn quá vì chán nản cuộc sống tha phương
cầu thực, bạn bè lắm thằng xỏ lá ba que, người tình lừa đảo lưu manh bợ
hết cả tiền lương, ngồi buồn gãi háng kiểu cụ Trần Văn Hương, nói chuyện
với đầu gối mà nó cóc trả lời, rồi đâm ra tức quá buột miệng "cười
khan".
Tố Hữu bàn về cái cười: ["Người ta cười cái xấu: cái xấu gắn chặt với cái sai. Cái xấu là nguồn gốc của cái hài. Không ai cười cái đẹp, cái tốt bao giờ. Nhất
là khi xấu mà lại không biết mình xấu, lại tô vẽ thành đẹp, muốn khoác
vào mình một bộ áo thật sang, thì cái xấu càng thành đối tượng của tiếng
cười. Thời đại đã đổi thay, kẻ thù giai cấp không còn là vua, quan, địa
chủ, tư sản nữa, nhưng tư tưởng ăn trên ngồi trốc, tư tưởng ăn bám, tệ
quan liêu, tệ tham nhũng, bệnh tự tư tự lợi, lười lao động, nịnh hót,
hàng trăm thói hư tật xấu khác, những tệ tục lạc hậu trong cưới xin, ma
chay, hội hè... vẫn còn. Cái thói tham ô, móc ngoặc, quan liêu, độc
đoán, chuyên quyền cần phải lên án mạnh mẽ. Văn nghệ ta nên có tiếng
cười nói châm biếm sâu cay, quất cho mạnh những hiện tượng tiêu cực này.
Nên có những "vai hề" mới để chỉ trích những loại người tiêu cực hiện
nay trên sân khấu của chúng ta."] (phát
biểu của Tố Hữu ngày 16/11/1977, theo Lời nói đầu trong "Tiếng cười dân
gian VN" của Trương Chính và Phong Châu, in lần thứ 2, Nxb KHXH - Hà
Nội 1986, trang 9-10)
Khóc
Trái lại với nụ cười là tiếng khóc. Tiếng khóc diễn tả nỗi đau khổ. Nếu
Cười có sơ sơ 161 [2] kiểu thì Khóc cũng có cỡ 99 kiểu khóc. Nào khóc
thảm thiết, khóc nức nở, khóc nỉ non, khóc rưng rức, khóc nghẹn ngào,
khóc thút thít, khóc ấm ức; rồi khóc ròng, khóc oà, khóc thét, khóc
thầm, khóc hận, khóc tủi...; qua khóc bù lu, khóc sụt sùi, khóc như
ri...
Ðôi lúc ta thấy 2 người cùng khóc, nước mắt nhỏ đồm độp như "hạt mưa
trên lá", nhưng chúng ta chớ có vội kết luận là họ đều đau khổ như nhau
mà "bé cái lầm". Có một anh rể quý nghe tin bà mẹ vợ giầu sụ, có chôn
rất nhiều vàng sau vườn vừa ngỏm củ ty, vội cùng bà vợ lăn đùng ra khóc.
Anh chồng khóc ầm ĩ, thảm thiết hơn chị vợ nhiều, nhưng nếu có máy chụp
laser chiếu vào tim đen thì sáng tỏ mười mươi anh chàng này đang mở cờ
trong bụng, vì đời sắp lên hương vàng son chói lói, chẳng những thôi nhé
từ nay hết bị mè nheo mà còn kè được ít tiền hồi môn béo bở. Chị vợ mất
mẹ nên khóc thật. Dĩ nhiên, không cần nói ra nhưng mẹ chồng "đai" thì
chắc ai cũng rứa rứa.
Quý vị nào đã đọc sách, xem phim "Số Ðỏ" của Vũ Trọng Phụng hẳn thấy
người ta thuê người khóc mướn trong những đám tang nữa kìa. Ðám tang nào
khóc to nhất, nhiều người khóc nhất, nhiều đội kèn nhất là nhà ấy sẽ
nổi tiếng sang và oai nhất. Ðám tang chưa xong, tiếng kèn hãy còn ò, ý, e
ngoài ngõ mà trong nhà anh em đã í oẳng cãi nhau đòi chia gia tài.
Còn một trường hợp éo le nữa là hầu hết cô dâu nào sắp lên xe bông về
nhà chồng đều khóc ơi là khóc. Cái khóc này mới là kỳ dị, kỳ duyên, kỳ
nhông, kỳ cục:
Khóc như thiếu nữ vu quy,
Cười như anh khoá hỏng thi về làng.
Cô dâu đang sướng tê, sướng ran người, nhưng chả nhẽ lại nhăn răng ra
cười tồ tồ, sợ mang tiếng bất hiếu, nên hình như cô dâu nào, cô dâu nấy
cũng "bôi ít dầu xanh con ó hay dầu nhị thiên đường vào khăn mùi xoa rồi
lấy khăn lau mắt..." ôi, tha hồ mà khóc, kiểu đào Kim Cương đóng kịch
ngày xưa, như Như Quỳnh khóc (dùm Châu Đình An) khi chôn dầu trên Pa-rí
bái nai mấy năm trước.
Ngoài ra, cũng cần phải nói qua loa kiểu khóc lạ lùng có tầm lịch sử, ở đây chỉ đơn cử:
1. Kiểu Tàu:
* Giết xong ân nhân là Bá Xa, Tào Tháo khóc híc híc. Chém xong mưu sĩ
của mình là Dương Tu, Tào Tháo khóc hu hu. Lụi xong tên cận vệ, Tào Tháo
khóc hê hê.
* Khổng Minh chọc chết Chu Du, sang phúng điếu, khóc tồ tồ. Bêu đầu tướng Mã Tốc rồi, Khổng Minh khóc tì tì.
* Mượn tay Mao Trạch Đông trừ xong Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu khóc toe toét.
Được tin Lâm Bưu tử nạn khi chạy trốn mình, Mao khóc hừ hừ.
* Mao chết, Giang Thanh khóc miểng chai.
2. Kiểu Việt:
* Phóng tay phát động chính sách Cải Cách Ruộng Đất, đến nửa chừng thấy khủng khiếp quá, ông Hồ xin lỗi, khóc khục khục.
* Ông Hồ chết, Lê Duẩn khóc khằng khặc khi đọc điếu văn. Lê Duẩn chết, Trường Chinh khóc như thiếu nữ vu quy v.v... và v.v…
* Riêng vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Xét lại chống đảng, Thảm sát Mậu Thân
1968… qua Chiến dịch đổi tiền, Đánh tư sản mại bản, Kinh tế mới, Đốt
sách, Tập trung cải tạo, Thuyền nhân tị nạn... sau 1975 ở Miền Nam; rồi
mươi năm trở lại đây, nào cưỡng cướp đất đai, đình đám như mấy vụ Tiên
Lãng, Văn Giang…, nào Vinashin, Vinalines… là chưa đầy tớ nào chịu đại
diện đứng ra chọn một kiểu khóc, ngoại trừ nạn nhân là chủ nhân đen -
mất hay còn - khóc tức tưởi... Vậy mà bổng dưng hôm qua (15/10/2012) lại
có một người cực quan Trọng khóc nghẹn trên Tivi, thế mới kỳ:
Nói cho thật gọn, Hội Nghị Trương Ương 6 đã «100% thành công rực rỡ» như
những tiền lệ xa cũng như gần thì theo lẽ phải cười hể hả, cười rú lên
mới bõ công «làm việc khẩn trương nghiêm túc» 15 ngày ròng rã, chứ sao lại nghẹn ngào nước mắt lưng tròng?
*Vậy không nhất thiết vui là cười và buồn mới khóc, có khi còn ngược lại:
Ngồi buồn trách lẫn ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Chẳng lẽ sự "thành công rực rỡ" của Hội Nghị Trung Ương 6 lại không có người cười? Nếu có thì người ấy là ai? Hay là:
Trải qua một cuộc vật, vần,
Vũ Như Cẫn, Nguyễn Y Vân… cười hề!
|