Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-08-13
Các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đang trở lại là điểm
nóng dư luận. Chúng vẫn là mối đe dọa về môi trường, không bảo đảm hiệu
quả kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.
Photo courtesy of soctrang.gov.vn
Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Đe dọa của lao động TQ
Có lẽ độ nóng của những cuộc biểu tình của người dân Việt Nam phản
kháng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Biển Đông đã làm dư luận chú tâm trở
lại về vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên. Sự hiện diện bất hợp pháp
của hàng ngàn lao động Trung Quốc ở các dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc
làm tổng thầu từ Bắc chí Nam càng làm người dân bức xúc.
Nếu về phương diện an ninh được trấn an như lời Chủ tịch Trương Tấn
Sang tuyên bố tại quận 4 TP.HCM hôm 11/8 là không có chủ trương cho
Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên. Sự hiện diện của nhiều người
Trung Quốc là vì các nhà thầu nước này trúng thầu xây dựng các nhà máy
thuộc hai dự án Lâm Đồng và Đăk Nông do Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt
Nam TKV là chủ đầu tư.
Vốn đâu để xây đường vận chuyển
Công trường khai thác bauxite ở Nhân Cơ - Tây. Photo courtesy of 3s-vn.com.
Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam là một trong những nơi đã
có nhiều phản biện cho thấy là, chưa nên vội vã khai thác bauxite Tây
Nguyên vì an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Trước thông tin
vào tháng 10 sắp tới, TKV sẽ vận chuyển sản phẩm alumin nguyên liệu chế
tạo nhôm từ Lâm Đồng về Đồng Nai để khai thác thương mại, Phó giáo sư
tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học
Kỹ thuật Việt Nam từ Hà Nội phát biểu:
"Chúng tôi không tập trung nhiều về vấn đề đánh giá lại tác động
của việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên mà chỉ nói là những điều hiện
nay đang xảy ra là hoàn toàn đúng như dự đoán của các nhà khoa học chúng
tôi trước kia. Nếu vận chuyển bauxite qua ngả Đồng Nai thì chắc chắn nó
sẽ phá hết tuyến đường, như vậy tiền để khôi phục những con đường ấy
phải tính vào chi phí làm ra alumin tức là chi phí sản xuất, nếu nhà
nước bù vào thì không thể chấp nhận được.”
Với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng cho hai dự án Tân Rai và
Nhân Cơ, TKV dự kiến thu hồi vốn trong 12 năm nhưng giá thành để tính
toán lại không bao gồm vốn đầu tư 2 tỷ USD để thiết lập đường sắt vận
chuyển alumin từ Tây Nguyên về Cảng Kê Gà ở Bình Thuận, hoặc khoảng
1.340 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường bộ và xây dựng mới một tuyến song
song để chở alumin từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu Đồng Nai, cũng như một số
dự án nhiệt điện khác.
... như vậy tiền để khôi phục những con đường ấy phải tính vào chi phí
làm ra alumin tức là chi phí sản xuất, nếu nhà nước bù vào thì không
thể chấp nhận được.
Phó GSTS Hồ Uy Liêm
Đảng cộng sản Việt Nam muốn thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc khai
thác trữ lượng 3,4 tỷ tấn quặng bauxite ở Đak Nông và gần 1 tỷ tấn ở Lâm
Đồng. Mỗi năm hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ sản xuất khoảng 1.200.000
tấn alumin từ quặng bauxite, alumin là nguyên liệu để chế tạo nhôm. Nhà
máy Nhân Cơ đang trong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động vào cuối
năm 2012, còn nhà máy Tân Rai đã khai thác quặng bauxite từ tháng 3/2011
dự kiến đến tháng 10 bắt đầu vận chuyển alumin bằng tuyến đường bộ từ
Lâm Đồng về Đồng Nai.
Ngày 4/8 ông Phan Bội Lợi, Giám đốc Ban quản lý dự án Bauxite nhôm
Lâm Đồng nói với báo chí là việc thi công hồ chứa bùn đỏ vẫn tiếp tục bị
chậm tiến độ vì thời tiết. Nhưng điều viên chức này lo ngại nhiều hơn
lại là việc tuyến đường vận chuyển alumin duy nhất về Đồng Nai là quốc
lộ 20 đang bị quá tải và đang xuống cấp nghiêm trọng. Dự án nâng cấp
tuyến đường vận chuyển và xây dựng mới thì hiện chưa có nguồn vốn.
Lợi không thấy chỉ thấy lỗ
Bùn đỏ tràn vào khu vực dân cư ở Cao Bằng hôm 5 tháng 11 năm 2010. Photo courtesy of sgtt.
GSTS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từng có khuyến cáo mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị:
"Quan điểm của chúng tôi là hãy chờ đợi tương lai, chờ đợi những
công nghệ sạch, chờ đợi các thế hệ sau có thể khai thác và tận thu nhiều
hơn, cái lợi sẽ nhiều hơn trong lúc này. Chúng tôi cũng thấy rằng lúc
này không khai thác bauxite thì cũng không làm cho Việt Nam có thất
thiệt gì trong quá trình phát triển, mà cái hại là cái nhìn thấy trước
mắt, nhất là những vấn đề về môi trường, về xã hội và cân nhắc về kinh
tế thì các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu mà tính toán đầy đủ cả
đầu vào lẫn đầu ra thì khả năng lãi là không có, mà sẽ dẫn tới lỗ, riêng
nói về phần kinh tế.”
... và cân nhắc về kinh tế
thì các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu mà tính toán đầy đủ cả đầu
vào lẫn đầu ra thì khả năng lãi là không có, mà sẽ dẫn tới lỗ, ...
GSTS Đặng Hùng Võ
Dự kiến năm 2011, nhà máy Tân Rai sẽ sản xuất khoảng 400 ngàn tấn
alumin, TKV vận chuyển alumin qua chặng đường 210km từ nhà máy đến thị
xã Bảo Lộc rồi theo quốc lộ 20 về ngã ba Dầu Giây. Từ đây những xe tải
khổng lồ đi theo Tỉnh lộ 769 và Quốc lộ 51 xuống Cảng Gò Dầu Đồng Nai.
Xe tải của TKV có rờ moóc nặng 15 tấn, chở 25 tấn alumin nên tổng tải
trọng là 40 tấn và cứ 10 phút xuất bến 1 xe. Trong khi đó lãnh đạo tỉnh
Đồng Nai khẳng định cầu đường trên địa bàn mà xe chở alumin đi qua chỉ
chịu tải trọng tối đa là 30 tấn và sẽ xử lý mọi trường hợp quá tải. Có
thể nhìn thấy trước một tuyến đường đã xuống cấp và quá tải sẽ bị phá
nát nghiêm trọng. Tiền sửa đường làm cầu chắc là được bao cấp lấy từ
tiền đóng thuế của dân.
Nhà nước Việt Nam quyết tâm khai thác bauxite với công nghệ lạc hậu,
khó bảo đảm an toàn môi trường vì lượng bùn đỏ không thể phân hủy thải
ra trong quá trình tuyển quặng là rất lớn. Trong sản xuất việc tuyển rửa
quặng sử dụng rất nhiều nước và điện. Hiệu quả kinh tế lại chẳng có gì
đảm bảo khi tính đúng tính đủ chi phí. Bài học lũ bùn đỏ Hungary còn đó
cùng với sự bức xúc của công luận.
|