Song Chi/Người Việt
Báo
chí trong nước mấy ngày qua có đưa tin, bài về chuyện lùm sùm quanh vụ
một hành khách của Vietnam Airlines bị nhân viên an ninh hành hung. Ðó
là ông Lê Minh Khương, HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam, trên
chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đêm 18 tháng 4.
Từ một nguyên
nhân rất nhỏ lúc đầu là ông Khương muốn đòi lại cuống vé máy bay mà
tiếp viên đã giữ trước đó để về thanh toán lại với cơ quan nhưng không
đòi được.
Hai bên lời qua tiếng lại sau đó tiếp viên trưởng báo
với phi công gọi an ninh hàng không đến và ông Khương bị khống chế, rời
máy bay.
Phía ông Khương khẳng định ông đã bị nhân viên an ninh
hành hung, bẻ tay, dùng dùi cui điện. Trong khi phía hàng không Vietnam
Airlines (VNA) lại cho rằng không có chuyện hành hung và chính ông
Khương mới là người đã gây rối, vi phạm an toàn bay.
Võ sư Lê Minh Khương. (Hình: Dân Việt)
Rồi
Cục Hàng Không đã yêu cầu cảng vụ hàng không miền Trung ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính ông Lê Minh Khương. Thậm chí là đưa ông
Khương vào "danh sách đen” - từ chối vận chuyển trên các chuyến bay của
mình.
Ông Khương tiếp tục khẳng định mình không sai và yêu cầu
một lời xin lỗi công khai từ phía Vietnam Airlines. VNA cũng tiếp tục
cho rằng nhân viên an ninh, tiếp viên "không có lỗi” nên cương quyết
không xin lỗi. Và chuyển vụ việc qua thanh tra hành không xử lý. Còn
ông Khương bức xúc cũng quyết định sẽ khởi kiện.
Nghĩa là chỉ từ một sự việc "nhỏ như con thỏ” đã trở thành lớn chuyện một cách không đáng.
Người dân nhìn thấy gì qua chuyện này?
Khoan
nói đến chuyện đúng sai, xét tương quan giữa hai bên thì Vietnam
Airlines là một hãng lớn, với đầy đủ "sức mạnh” trong tay trong khi ông
Khương chỉ là một cá nhân, một hành khách. Thế nhưng thái độ đổ hết lỗi
cho hành khách ngay từ đầu, cũng như sự cứng rắn đến cùng của Vietnam
Airlines cho thấy họ đã dựa trên thế mạnh và chỉ nghĩ đến "bộ mặt” của
mình mà không thật sự vì khách hàng.
Ở Việt Nam từ lâu nay có
một thực tế đó là việc nhận lỗi về phía mình, từ các nhân viên, cán bộ
nhà nước, các công ty cho tới các quan chức... trong cách hành xử với
khách hàng, với người dân là vô cùng... hiếm hoi!
Dư luận vẫn
còn nhớ câu chuyện cô Lượm được phát trong chương trình Người xây tổ ấm
ngày 25 tháng 1, 2011 của đài truyền hình VTV bị phát hiện là hoàn toàn
sai sự thật, và thái độ của những người có trách nhiệm sau đó.
Nếu
những người thực hiện chương trình cũng như người chịu trách nhiệm lớn
nhất là biên tập viên Kim Ngân chân thành nhận lỗi về phía mình và có
một lời xin lỗi khán giả ngay từ đầu thì có lẽ khán giả sẽ thông cảm và
cho qua ngay. Nhưng, những người nhà đài, cụ thể là biên tập viên Kim
Ngân đã không làm như vậy. Phản ứng tức thì là tức giận, đổ toàn bộ lỗi cho "Cô Lượm giả” Trần Thị Thùy Dương, có những lời lẽ nặng nề dành cho cô này, đòi đưa vụ việc ra pháp luật xử lý.
Cuối
cùng trước sức ép của dư luận, mãi đến hơn 2 tháng sau, tối 29 tháng 3
biên tập viên Kim Ngân mới nói lời xin lỗi muộn màng. Mọi người cho
rằng cũng chẳng phải vì thật tâm, mà vì "nhận được mệnh lệnh” từ phía
Bộ Thông Tin và Truyền Thông.
Nếu ở một quốc gia khác, như Nhật
Bản chẳng hạn, chúng ta tin rằng không phải chỉ cô Kim Ngân này phải
lập tức xin lỗi vì nghiệp vụ báo chí non kém, để mất lòng tin của khán
giả mà cả ông tổng giám đốc đài cũng sẽ lên truyền hình cúi gập người
xin lỗi. Sau đó, nhẹ nhất thì cô Kim Ngân và cả ê-kíp thực hiện chương
trình phải chuyển công tác! Nhưng đó là ở xứ người, "còn ta thì khác”.
Một
loạt những sự cố gần đây của nhà đài VTV cũng thế. Từ scandal Vàng
Anh-Hoàng Thùy Linh, ông nhà báo MC Lại Văn Sâm chỉ biết lơ mơ tiếng
Anh nhưng dám dịch ẩu, "phóng tác” nội dung phát biểu của diễn viên Ngô
Ngạn Tổ tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất tháng 10 năm
2010... Hay mới đây nhất, bộ phim truyền hình nhiều tập "Anh chàng vượt
thời gian” quá tệ, bị khán giả phản ứng, phải tạm dừng phát sóng... Tất
cả đều không có được một lời xin lỗi từ phía nhà đài dành cho khán
giả-những người đã bỏ tiền và mất thời gian chịu đựng những chuyện như
vậy!
Trong lĩnh vực báo chí cũng chả khá gì hơn. Lâu lâu lại thấy báo chí làm ăn cẩu thả vụ gì đó. Như bài báo có nhan đề "Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất Châu Á” đăng trên báo Pháp luật Việt Nam ngày 11 tháng 1 năm 2011 hay bài "Quốc ca VN hào hùng nhất thế giới” đăng trên báo Thanh Niên ngày 16 tháng 4, 2011 chẳng hạn.
Khi
bị dư luận phát giác, các báo liền lặng lẽ rút bài xuống, không hề có
đính chính hoặc xin lỗi đọc giả theo luật báo chí Việt Nam hiện hành.
Còn những chuyện như đưa tin, đăng bài thiếu khách quan với mục đích
câu khách, xúc phạm đến đời tư, nhất là giới văn nghệ sĩ; hoặc với mục
đích bôi nhọ, hạ thấp uy tín... đặc biệt là đối với những người bất
đồng chính kiến, những người hoạt động dân chủ... thì đầy rẫy. Người bị
xúc phạm đi kiện ư? Có mà mút mùa!
Rõ là một lời xin lỗi của
những người làm công việc phục vụ cho nhân dân trong tất cả mọi lĩnh
vực từ thấp đến cao ở Việt Nam sao mà khó thế!
Người dân trong
nước từ lâu đã có thừa kinh nghiệm về điều này. Từ chuyện đi ra công an
phường làm giấy tờ, vào các cơ quan hành chính làm thủ tục, đi khám
bệnh ở các bệnh viện nhà nước, đi khai thuế hay gặp bộ phận hải quan ở
phi trường... Bất cứ nơi đâu, người dân cũng có cảm giác mình đang phải
nhờ vả, cầu cạnh "các cán bộ nhà nước”. Rất hiếm hoi nhận được một nụ
cười, cung cách nhẹ nhàng lịch sự, lại càng hiếm có lời xin lỗi nếu
"cán bộ” làm sai. Còn nếu có chuyện đụng đến luật pháp hay giới công an
thì... miễn bàn.
Nguyên nhân cũng bởi cái cơ chế còn nhiều độc quyền và tâm lý coi thường người dân mà ra.
Từ
Vietnam Airline cho tới VTV và nhiều "ông lớn” độc quyền trong các lĩnh
vực khác nhau đều có tâm lý dân cần mình chứ mình chẳng cần... ai.
Cái tâm lý đó, nhìn rộng hơn, ở cấp độ mối quan hệ giữa "quan” và dân cũng thế.
Miệng
thì nói cán bộ là đầy tớ của dân, chính quyền là "của dân, do dân và vì
dân” nhưng lại luôn luôn ứng xử theo kiểu đảng là cha mẹ, "quan” là cha
mẹ, dân là con cái.
Cho nên mới có chuyện ông thủ tướng ký những
quyết định làm hại dân hại nước như cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên,
hay ra nghị định cấm công dân khiếu kiện tập thể trái với hiến pháp và
pháp luật.
Nhưng khi công dân Cù Huy Hà Vũ đi kiện thì tòa án lại không thụ lý.
Hoặc
thủ tướng và cả dàn lãnh đạo điều hành quản lý đất nước ra làm sao mà
kinh tế cứ càng ngày càng ảm đạm. Hết tập đoàn Vinashin đến công ty cho
thuê tài chính 2 (ALCII), Tập Ðoàn Ðiện Lực VN (EVN), Tổng Công Ty Xăng
Dầu Việt Nam (Ptrolimex), Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV)... vỡ
nợ, làm ăn thua lỗ hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng Việt Nam.
Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp
nhà nước khác cũng đã và đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Vậy mà
ông thủ tướng ấy không xin lỗi, không từ chức cũng chẳng bị làm sao,
lại có khả năng tiếp tục ngồi thêm 5 năm nữa!
Nếu ở một quốc gia nào khác... Nhưng mà, "ta thì khác”!
Bởi, bao giờ còn cái cơ chế độc quyền, độc tài thì những chuyện như vậy vẫn còn xảy ra dài dài.
Cái gì cũng vậy, có cạnh tranh, minh bạch rõ ràng, có dân chủ thì sẽ khác.
Một
ví dụ nhỏ để dễ thấy hơn sự khác nhau giữa chuyện độc quyền và việc có
sự cạnh tranh. Nhớ hồi bao cấp, phải xếp hàng đi mua thực phẩm theo
tem, phiếu, ăn uống cũng chỉ có hệ thống cửa hàng quốc doanh. Các cô
mậu dịch viên quốc doanh rõ ràng là coi khách hàng như rác, còn người
dân thì nhà nước cho mua gì, ăn gì... biết cái đó, khỏi có chọn lựa,
phàn nàn. Ðến thời kinh tế thị trường thì khác ngay. Cửa hàng này, nhà
hàng này phục vụ không tốt, mặt hàng này không chất lượng, khách hàng
sẽ tìm đến cửa hàng khác, mặt hàng khác.
Chính trị cũng vậy
thôi, chỉ có một đảng độc quyền lãnh đạo nên muốn làm gì thì làm, đối
xử với nhân dân ra sao tùy ý, muốn lèo lái đất nước này đi về... vực
thẳm nào cũng được là vậy!
http://www.nguoi-viet.com/
|