Thứ Hai, 2025-01-20, 10:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 27 » Cái gì giúp loài người tiến bộ?
11:13 AM
Cái gì giúp loài người tiến bộ?

Ngô Nhân Dụng



Loài người rõ ràng tiến bộ hơn loài khỉ. So sánh với một chủng loại giống chúng ta nhất, là những "người neandertal” thì hiển nhiên là chúng ta đã qua mặt họ, vì giống người neanderthal này, dù còn đông đảo mặt trên trái đất trước đây 30,000 năm, nay đã hoàn toàn tuyệt chủng. (Tên giống "người người neandertal” là do năm 1856 lần đầu tiên được xác định khác với loài người chúng ta, căn cứ vào bộ xương sọ tìm thấy ở thung lũng Neander, nước Ðức).

Yếu tố nào giúp cho loài người tiến bộ hơn các sinh vật khác? Trước đây, người ta hay đi tìm câu trả lời trong bộ óc. Óc loài người to hơn, hoạt động phức tạp hơn, vân vân. Nhưng giống người neandertal có bộ óc còn to hơn tổ tiên chúng ta; cho nên lối giải thích như vậy không ổn. Có những giả thuyết khác coi tiếng nói, khả năng bắt chước, vân vân, là động lực tạo ra văn minh nhân loại.

Sau cùng, phải tìm câu trả lời ở bên ngoài bộ óc. Loài người là giống động vật "duy nhất” biết chế ra khí cụ để gia tăng khả năng của tay chân mình (gần đây người ta đã thí nghiệm, thấy nhiều giống vật cũng biết sử dụng khí cụ để kiếm thức ăn). Nhưng loài người đã chế ra dụng cụ từ 300,000 năm trước đây, và có thể từ hàng triệu năm; nhưng trong hơn nửa triệu năm trời các dụng cụ không thay đổi. Sự tiến bộ khiến loài người vượt lên trên hàng cầm thú mới bắt đầu từ 50 ngàn năm, khi các dụng cụ được cải thiện, càng ngày càng có những thứ "hữu dụng” hơn. Cho nên việc sáng chế ra dụng cụ không phải là yếu tố quan trọng nhất đưa tới tiến bộ (Tuy vậy, ý tưởng thô sơ này đã đưa ông Karl Marx đến lý thuyết cho rằng "khí cụ sản xuất quyết định lịch sử nhân loại” mà nhiều người bây giờ vẫn còn tin theo, chưa tỉnh ngộ).

Khí cụ không phải là yếu tố quyết định, nhưng sự phát minh, sự cải thiện các khí cụ, giúp cho loài người tiến bộ! Con người phát minh như thế nào? Một cuốn sách xuất bản năm ngoái của Brian Arthur, tên là Bản chất của Kỹ thuật (The Nature of Technology) cho thấy những phát minh, sáng chế đem lại cho loài người các dụng cụ mới, từ cái bóng đèn, máy nổ, cho tới Internet, không phải là do các thiên tài đột nhiên nghĩ ra. Mọi sáng chế đều dựa trên các sáng chế có từ trước đó. Ông Arthur, người đặt nền tảng cho Lý thuyết Phức hợp (Complexity theory) và sáng lập Santa Fe Institute nhận xét. Thí dụ, cái máy tìm đường GPS khi quý vị lái xe, là tổng hợp của việc sáng chế máy vi tính, với kỹ thuật phóng vệ tinh viễn thông, cái đồng hồ điện tử, hệ thống phát luồng sóng và máy nhận sóng, vân vân. Người ta phát minh (innovation) và sáng chế (invention) vì đã có những phát minh và sáng chế trước đó. Số phát minh, sáng chế sẽ càng ngày càng nhiều vì chúng ta thừa hưởng một gia tài bao gồm các phát minh, sáng chế có sẵn ngày càng lớn hơn.

Tiến bộ, là một hiện tượng tập thể, do nhiều người đóng góp qua nhiều thế hệ. Nhưng không phải khi nào loài người tụ tập đông hơn thì số dụng cụ và kỹ thuật phải gia tăng, và tinh xảo hơn. Từ thế kỷ 17, nước Trung Hoa đã đông dân nhất thế giới; nền văn minh của họ cao bậc nhất, nhưng sau đó đã ngưng trệ suốt ba, bốn thế kỷ trong khi các nước Âu Châu đi những bước nhanh vọt lên phía trước.

Tới đây, chúng ta đoán được yếu tố nào đã tạo nên sự tiến bộ, tạo ra nền văn minh của nhân loại. Nhà động vật học Matt Ridley mới in một cuốn sách mới, "The Rational Optimist: How Prosperity Evolves” (Người Lạc quan Thuần lý: Sự Thịnh vượng Tiến hóa ra sao) giới thiệu yếu tố quan trọng nhất đưa tới sự tiến bộ của loài người, mà kết quả là đời sống kinh tế ngày càng phồn thịnh hơn. Theo Ridley chúng ta tiến bộ là nhờ trao đổi, thương mại.

Hiện tượng trao đổi dẫn tới sự phân công. Từ trăm ngàn năm trước, loài người ở Phi Châu đã bắt đầu chế độ phân công: đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm, sau đó chia sẻ ăn chung. Rồi các phẩm vật trao đổi ngày càng gia tăng. Nhờ thế, nhiều người chuyên làm một thứ để trao đổi lấy mọi món khác mình cần dùng. Phân công đẻ ra hiện tượng chuyên môn hóa. Nếu ai cũng đẽo đá làm rìu cho mình dùng, thì còn lâu mới sáng chế ra một khí cụ mới. Nếu một người chỉ lo làm rìu thôi thì hắn sẽ đủ thời tìm cách cải thiện cái rìu cho hữu hiệu hơn, đem đổi được nhiều khoai hay thịt để ăn hơn. Loài Neandertal có sáng chế các dụng cụ, nhưng cho tới nay chưa ai thấy di tích những dụng cụ của họ được đưa tới các vùng xa xôi. Chắc là họ không có trao đổi, do đó không tiến bộ được.

Ridley giả thiết nhờ trao đổi thương mại cho nên mới đưa tới sự phát triển nông nghiệp. Như ở tại các hòn đảo Hy Lạp trước đây 9,000 năm; nông dân mua khí cụ từ các nơi khác mang tới, và họ xuất cảng nông phẩm.

Nhưng khi loài người bắt đầu việc thương mại, người ta không phải chỉ trao đổi các sản phẩm, vật dụng. Ðối với sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại thì thứ quan trọng nhất được trao đổi với nhau là các Ý Tưởng. Các cuộc gặp gỡ đưa tới sự giao thoa giữa các ý kiến. Con người có dịp so sánh, chọn lựa và học hỏi các tư tưởng mới, lạ, các phát minh, sáng chế. Các ý tưởng gặp nhau sinh ra những ý tưởng mới, như sự tiến bộ về kỹ thuật đã đưa tới kinh tế phồn thịnh. Matt Ridley thấy trong nền văn minh nhân loại, thương mại có vai trò như giống như tính dục trong sinh học. Qua tính dục, các sinh vật trong mỗi loài pha giống, tạo ra sự tiến hóa tập thể và di truyền tới các thế hệ sau. Trong nền văn minh cũng có hiện tượng mà Ridley gọi là "các ý tưởng giao hợp với nhau” (ideas having sex). Loài người tiến bộ vì sử dụng được những "bộ não tập thể” (collective brains) được cấu thành.

Chúng ta học lịch sử Á Ðông thì biết cuối đời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc ở Trung Hoa nền thương mại phát triển, các thương gia làm giầu xuyên qua biên giới các "nước chư hầu;” đồng thời các trào lưu tư tưởng khác nhau cũng bộc phát với cả một phong trào những người đi "du thuyết.” Chế độ trung ương tập quyền của Tần Thủy Hoàng, rồi các triều đại sau của nước Tàu theo khuôn mẫu đó suốt hai ngàn năm, đã giết chết động lực tiến bộ xuất hiện trong thời Chiến Quốc. Người Trung Hoa kính trọng những người học chữ, tức là đề cao giới thư lại, ngồi bàn giấy; mà lại khinh miệt các thương gia. Xã hội trở thành khô cứng, giết chết dần dần óc phát minh, sáng kiến. Các ý tưởng không có dịp gặp nhau để phối hợp sinh ra các ý tưởng mới. Nước Trung Hoa bỏ lỡ cơ hội, chậm chân mất năm, bảy thế kỷ. Ðó là một bài học đáng suy nghĩ cho người Việt Nam bây giờ.

Hiện nay nền văn minh nhân loại hứa hẹn sẽ tiến bộ nhanh hơn và đa dạng hơn nữa, nhờ các phương tiện trao đổi tốt hơn. Ridley nêu thí dụ: Internet, các dịch vụ tìm tòi (search engine như của Google, của Baidu bành trướng bộ não tập thể, cho nhiều người có thể dùng được), các máy điện thoại di động. Nhờ thông tin tự do, các Ý Tưởng sẽ có cơ hội gặp gỡ và giao thoa với nhau hơn, sẽ sinh sản nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn. Loài người sẽ có cơ hội lựa chọn những sáng chế, phát minh mới. Thứ nào tốt nhất, thích hợp nhất để giải quyết các nhu cầu của nhân loại, sẽ được chọn, cho tới khi có những thứ khác ra đời thay thế. Những xã hội nào không tham dự vào "bộ não tập thể của loài người” sẽ bị tụt lại đằng sau.

Ðứng trước viễn tượng đó, chúng ta phải lo lắng cho tương lai nước mình. Chế độ độc đảng và chuyên chế đã và đang ngăn cản việc trao đổi tư tưởng và ý kiến. Sau khi "đổi mới” để trở về như đời xưa, chịu "mở cửa” cho hàng hóa và dịch vụ được trao đổi tự do hơn, đảng Cộng Sản vẫn khép chặt không cho người dân được tự do thông tin, trao đổi ý kiến, tư tưởng. Báo chí, đài phát thanh, đều bị kiểm soát chặt chẽ. Các hoạt động trên mạng lưới bị ngăn cản, Mạng Bô Xít, XCafe, vân vân, bị phá nhiều lần. Một viên tướng công an còn khoe đã phá được hàng trăm mạng, coi đó là một thành tích vẻ vang để "dâng lên Ðảng.”

Ðảng Cộng Sản đang ngăn cản không cho người Việt Nam được bước chân vào sống trong "bộ não tập thể của nhân loại.” Trong khi đó, các nước Á Ðông khác, từ Hàn Quốc đến Singapore đang đẩy con em của họ hòa mình vào "bộ não tập thể” của thế kỷ 21. Cứ tiếp tục như thế, dân Việt sẽ lại lụp ngụp đi sau chân các nước láng giềng không biết bao giờ mới đuổi theo kịp. Chắc chắn là dân tộc Việt Nam không chấp nhận như vậy.

 
Category: Chính trị | Views: 621 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0