Li Ti (Songmoi)
- Cầm chắc lỗ, chưa lên được phương án vận chuyển tối ưu, dự án khai
thác bauxite tại Tây Nguyên bán cho nước ngoài đang gặp vô vàn khó khăn.
Theo thông tin được Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đưa ra
mới đây, Nhà máy bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) dự kiến sản xuất 300.000
tấn alumin trong năm 2013, xuất khẩu với giá khoảng 340 USD/tấn.
"Với giá 340 USD/tấn theo kết quả đàm phán mới đây, Vinacomin vẫn chưa
có lãi”, Phó Tổng Giám đốc Trần Văn Chiều cho biết. "Nếu điều kiện thuận
lợi, sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án
than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), hiện Tân Rai chưa chạy hết
công suất (300.000 tấn/năm tương đương với 50% công suất thiết kế) do
chưa có đầu ra nên làm tăng chi phí khấu hao, kéo theo đó tăng lỗ tương
ứng. Ông Sơn tính toán, nếu đạt 100% công suất, giá thành alumin xuất
xưởng tại Tân Rai cũng vẫn xấp xỉ 375 USD/tấn. Có nghĩa bán hết 600.000
tấn thì lỗ khoảng 21 triệu USD/năm. Nếu cộng cả chi phí vận chuyển, bốc
dỡ và thuế xuất khẩu (theo quy định là 20%), con số này có thể tăng gấp
rưỡi.
Công nhân Trung Quốc trên công trường nhà máy bauxite Tân Rai. Ảnh: SGTT
Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 10/2012, Chủ tịch Hội đồng thành
viên Vinacomin Trần Xuân Hòa thổ lộ rằng "chưa thể khẳng định năm nào sẽ
có lãi” vì Tân Rai là dự án bauxite đầu tiên của tập đoàn.
Điều này càng khiến cho người ta phải băn khoăn, bởi nếu không vì lợi
nhuận thì tiến hành dự án khai thác bauxite, bị phản đối kịch liệt từ ý
tưởng do các tác hại khôn lường của nó, để làm gì.
Đáng ngạc nhiên là Vinacomin bắt tay vào một dự án có sự ảnh hưởng lớn
đến cả môi trường và an ninh ở một khu vực quan trọng như Tây Nguyên mà
lại không thể tính toán nổi làm thế nào để có lãi.
Vinacomin vốn nổi tiếng là xúc tài nguyên lên bán mà vẫn lỗ. Năm 2011,
tập đoàn này lỗ 3.000 tỷ đồng vì bán than cho các nhà máy điện thấp hơn
giá thành, còn tháng 8 năm 2012, Vinacomin ước tính lỗ hơn 8.000 tỷ
đồng. Tuy lý do là phải bán dưới giá thành cho các nhà máy điện, nhưng
theo nhiều ý kiến, nguyên nhân chính nhất là chi phí sản xuất than của
Vinacomin quá cao, cho dù vốn đầu tư chỉ là công cụ khai thác và bán bao
nhiêu thu lời bấy nhiêu.
Cũng chính vì thế mà vào tháng 12 năm ngoái, Standard & Poor’s đã hạ
mức tín dụng dài hạn của Vinacomin từ BB- xuống B+, với lo ngại về rủi
ro tài chính bởi tập đoàn này có các kế hoạch đầu tư lớn trong khi lợi
nhuận từ than giảm mạnh. Ước tính của Standard & Poor’s cho thấy,
Vinacomin sẽ sử dụng khoảng 10.000-11.000 tỷ đồng mỗi năm giai đoạn
2012-2014 để hoàn thành các dự án năng lượng, nhôm và khai khoáng…
Trong số này, lớn nhất là hai nhà máy alumin và cảng Kê Gà dùng để vận
chuyển sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà máy alumin thứ nhất là Tân
Rai bị trễ tiến độ hai năm, còn cảng Kê Gà vừa bị Thủ tướng Chính phủ
ra quyết định dừng lại, với lý do địa điểm xây dựng rơi vào "tọa độ
chết” và phương án vận chuyển alumin theo đường này không mang lại hiệu
quả.
Hiện tại, phương án vận chuyển bauxite phù hợp cũng chưa có. Phương án
đang được nghiên cứu là đi qua cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình
Thuận). Có thuận lợi là cảng này dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy
nhiên sẽ cần đầu tư khoảng 2.840 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường từ Lâm
Đồng đến cảng. Còn nếu đi theo con đường hiện nay, từ Lâm Đồng tới cảng
Gò Dầu (Đồng Nai) cũng cần tới 2.000 tỷ đồng nâng cấp đường sá, nhưng
phương án này bị cho là không phù hợp khi sản lượng alumin tăng lên tối
đa.
Trong bối cảnh đó, một số ý kiến đã đề xuất dừng dự án bauxite thứ hai
là nhà máy alumin Nhân Cơ. Ông Nguyễn Thành Sơn khẳng định: "Với sự trầy
trật của Tân Rai, nay thêm cảng Kê Gà phải dừng, thì dự án nhà máy Nhân
Cơ nên đóng cửa hẳn dù đã đầu tư cũng phải chịu”. Theo ông Thành, Viện
CODE thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam mới đây đã khảo
sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên và đưa ra khuyến cáo Vinacomin đề
nghị Chính phủ cho dừng triển khai dự án Nhân Cơ cho đến khi kết thúc
thí điểm nhà máy Tân Rai.
Dừng dự án cảng Kê Gà chắc chắn khiến chủ đầu tư Vinacomin mất một số
tiền lớn vì phải đền bù đất thu hồi trước đây mà không làm gì (dẫu việc
các dự án du lịch bị thu hồi được đền bao nhiêu chưa ai dám chắc). Tuy
nhiên, số thiệt hại này không thể so với việc tiếp tục dự án xây cảng có
tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong bài viết "Đối diện với sự thật” ngày 21/2, báo Thanh Niên đánh giá
quyết định dừng dự án cảng Kê Gà tốn kém mà không hiệu quả "là một
quyết định cực kỳ dũng cảm”, đòi hỏi bản lĩnh của nhà quản lý, của người
lãnh đạo.
Tất nhiên, không phải cứ sai rồi sửa là hay, bởi tiền bạc từ ngân sách
nhà nước là mồ hôi nước mắt của người dân. Nhưng mới chỉ cần thừa nhận
sai lầm thôi đã có thể tránh được thiệt hại lên tới cả tỷ USD. Và liệu
đã có phải là tín hiệu cho thấy bài học Vinashin sẽ không lặp lại ở các
lĩnh vực khác, ít nhất là với alumin và Tây Nguyên?
Theo Thanh Niên, Người lao động
|