Thứ Ba, 2024-11-05, 8:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười » 16 » CÀNG KIÊN ĐỊNH CÀNG NÓI PHÉT
10:10 AM
CÀNG KIÊN ĐỊNH CÀNG NÓI PHÉT

Phạm Trần



Càng gần ngày Đại hội đảng XI bao nhiêu thì càng  có nhiều cán bộ đầu ngành muốn mọi người biết đảng cương quyết kiên định Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng khi nói đi nói lại nhiều qúa thì hóa ra đảng đã "tự chuyển hóa” để tự tan trước mức độ "tự diễn biến” của đảng viên.

Tình trạng này được chứng minh trong Bài viết có tựa đề "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ phát triển mới” của  Lê Hữu Nghĩa, Giáo sư, Tiến sỹ,  Ủy viên Trung ương Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đăng trong Tạp chí Xây dựng  Đảng ngày 27-9-2010.

Điều đáng chú ý là Bài viết có đến 61 lần nhắc đến cụm từ "Chủ nghĩa xã hội” để gắn chủ nghĩa này với "độc lập dân tộc”.

Nghĩa cho rằng việc "nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" "sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận của quá trình cách mạng nước ta, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Ðảng từ khi Ðảng ta ra đời cho đến nay.”

Lập luận như thế là cố tình đem chủ nghĩa xã hội Cộng sản nhét vào mồm nhân dân cho chết nghẹn lè  lưỡi ra chứ khi đấu tranh dành độc lập có mấy ai khờ dại mơ tưởng đến thứ chủ nghĩa ngọai lai chết người này đâu?

Do đó, khi Nghĩa tự vẽ ra chuyện "nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử là một trong những nguyên nhân của thành tựu cách mạng nước ta”  cũng chỉ là chuyện tự biên tự diễn để phô trương thành tích cho đảng và chủ nghĩa Cộng sản mà thôi . Bởi vì điều được gọi là "thành tựu cách mạng” của Việt Minh ngày 19 tháng 8 năm 1945  chẳng qua cũng chỉ do lớp quần chúng khao khát muốn có độc lập  đã a dua theo Việt Minh cướp  chính quyền từ tay Chính phủ non yếu Trần Trọng Kim chứ Việt Minh có đánh đấm ai đâu mà  cách mạng thành công?

Hơn nữa những hình ảnh cũ lưu lại còn ghi dấu đàn ông  Hà Nội lúc bấy giờ mặc Complet , đeo cravate (cà vạt) hay quần áo đẹp, đầu đội mũ "Phớt”, chân đi giầy Tây "tham gia cách mạng” như đi coi xiệc thì đủ hiểu Cuộc Cách mạng ấy "gian khổ” như thế nào?

Vì vậy khi Nghĩa rêu rao rằng : "Tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 cũng là quá trình tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển nhận thức về  chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên  chủ nghĩa xã hội ở nước ta”  là chuyện nói tiều, nói quàng không thuyết phục được ai.

Do đó các khẩu hiệu kêu như thùng rỗng của Cương lĩnh sẽ được chấp thuận tại  Đại hội XI vào tháng 1/2011 như : "Mục tiêu xây dựng  chủ nghĩa xã hội là nhằm xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền  xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới"  đã được đảng nhồi vào tai dân  từ khi Cương lĩnh này ra đời năm 1991 mà đến 20 năm sau dân vẫn còn phải banh tai ra mà nghe thì có chán đời không?  

Vậy mà Nghĩa vẫn nói oang oang như giữa chợ không người rằng : "Như vậy, trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta, độc lập dân tộc và  chủ nghĩa xã hội vẫn là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta. Suốt 80 năm qua, từ khi Ðảng ra đời đến nay, dù trong hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi hay khó khăn, kể cả khi trong tình thế "hiểm nghèo", Ðảng ta vẫn không xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và  chủ nghĩa xã hội. Bởi vì con đường  xã hội chủ nghĩa là con đường đúng đắn phù hợp với quy luật và xu thế phát triển của thời đại. Chỉ có con đường  xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm dân tộc độc lập thật sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Nhưng "độc lập”  đã bảo đảm chưa  khi ngay trên lãnh thổ Việt Nam đã xuất hiện những "vùng đất tự trị” của người Trung Hoa tại các khu nhà máy, kỹ nghệ, hầm mỏ, các khu rừng đầu nguồn thuê dài hạn 50 năm, và quan trọng hơn họ đã chễm chệ ngồi vào hai vùng đất chiến lược ở Lâm Đồng và Đắk Nông để khai thác Bauxite.

Ngoài Biển Đông, Tầu vẫn chiếm đóng Quần đảo Hòang Sa từ tháng 1 năm 1974 và 8 hòn đảo trong Quần đảo Trường Sa từ năm 1988 trong khi  ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên bị Hải quân Tầu tấn công, đánh đập khi đánh cá trên vùng biển của ông cha mình để lại thì những lời rêu rao về  nền độc lập và sự tòan vẹn lãnh thổ của CSVN có bảo đảm hơn tờ giấy lộn không?

Sự nhu nhược của đảng trước đe dọa trắng trợn và hành động ngang ngược của Trung Hoa trên đất liền và ngòai Biển Đông từ  11 năm, kể từ khi hai nước ký các  Hiệp ước về biên giới trên đất liền (năm 1999) và Hiệp định phân định  Vịnh Bắc Bộ  (năm 2000)  đã chứng minh đảng không nói thật.  

Nhưng sự suy yếu của đảng không chỉ có bằng ấy chuyện. Hãy nghe Lê Hữu Nghĩa tự thú : "Ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Ðảng và nhân dân ta giành được trong gần 25 năm đổi mới thì đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" kết hợp gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng  chủ nghĩa xã hội.

Trước tình hình đó, các thế lực cơ hội chính trị và một số người muốn phủ nhận con đường  xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản - đại diện cho con đường  xã hội chủ nghĩa.  Họ cho rằng  "chủ nghĩa xã hội là con đường không có tương lai", "đi vào ngõ cụt", "đã bị lịch sử phủ định"; "lựa chọn con đường  xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Ðảng" hoặc "chủ nghĩa nào chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu nước mạnh"... Quan điểm đó là sai lầm, không phù hợp với thực tế lịch sử Việt Nam.”


Nghĩa còn nói rằng : "Việc chúng ta lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa không phải là do ý muốn chủ quan của Ðảng mà đây là tổng hợp điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc.”

Khát vọng của dân tộc nào trong số 54 sắc dân sống trên lãnh  thồ Việt Nam hay Nghĩa đã bịa ra theo lối đem  "khát vọng của đảng” gán cho dân đề nhập nhằng tuyên truyền?

TỰ DIỄN BIẾN

Nhưng "thực tế lịch sử Việt Nam”  hiện nay là gì?  Đó là thực tế của  một nước Việt Nam bị  đảng Cộng sản độc quyền và độc tài cai trị.  Do đó người dân không  còn là chủ nhân của đất nước nữa mà là kẻ nộ lệ.  Quyền tự do và các quyền căn bản khác của người dân ghi trong Hiến pháp 1992 đã bị tước bỏ.  Nền dân chủ mà đảng đã phô trương chỉ dành cho những ai chịu nghe và làm theo  đảng theo chế độ "xin cho” chứ không phải ai muốn dân chủ cũng được.

Bây giờ, trước ngày Đại  hội đảng XI, đảng lại phô trương, cổ võ thực hiện điều được gọi là "dân chủ trong đảng” để cho đảng viên trực tiếp bầu  các cấp lãnh đạo, kể cả chức Tổng Bí thư đảng thay vì bầu người đã định sẵn như trước đây. Tuy nhiên không ai có thể bảo đảm được sự minh bạch của những lá phiếu trong các cuộc bầu cử này.

Nhưng để bảo vệ cho lập luận cho rằng dân tộc Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Cộng sản, Lê Hữu Nghĩa tự an ủi trước sau gì Chủ nghĩa Tư bản cũng sẽ bị lọai bỏ.

Nghĩa viết : "Chủ nghĩa tư bản hiện đại về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn nan giải của mình, muốn giải quyết phải thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, nhân đạo hơn là  chủ nghĩa xã hội (đổi mới). Ðúng như Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển đã khẳng định, chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”

Viết đến đây thì Nghĩa dừng lại, không dám vung tay qúa trán để khẳng dịnh vô căn cứ  như Cương lĩnh cho rằng : "Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc.  Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Nhưng vì đảng đã suy luận hàm hồ như thế, nên Lê Hữu Nghĩa cũng hùa theo khi nói rằng : "Con đường tư bản chủ nghĩa là con đường đầy rẫy khuyết tật, là con đường đầy máu và nước mắt nên chúng ta không thể lựa chọn con đường đó. Ðảng Cộng sản Việt Nam là một Ðảng Mác - Lênin chân chính, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn gắn bó với nhân dân, dày dạn trong đấu tranh cách mạng, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, hoàn toàn có khả năng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công  chủ nghĩa xã hội.”

Lập luận chủ quan, tự may áo gấm mặc cho mình còn được Nghĩa rào đón kiểu ba phải : "Tuy nhiên, xây dựng  chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong gần 25 năm đổi mới, nhận thức về  chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên  chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, đòi hỏi Ðảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, khắc phục sự lạc hậu, sự bất cập của lý luận để có thể giải đáp được những vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng  xã hội chủ nghĩa, làm cho con đường  xã hội chủ nghĩa không chỉ là định hướng mà ngày càng định hình vững chắc trong đời sống xã hội của đất nước.”

Dân tộc Việt Nam đã bị đảng và nhà nước cho ăn đủ loại bánh vẽ  80 năm rồi. Nay Nghĩa lại vẽ thêm đường cho hươu chạy đến giữa Thế kỷ 21 mà đất nước vẫn còn phải nương theo "định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đi thì bao nhiêu năm nữa người dân mới hết còn phải nghe đảng nói phét?

Hơn nữa đảng làm gì còn  tư duy  mà đổi với chác ? Cái đầu của đảng đã khô ran, cái óc của đảng  đã teo lại và con mắt của đảng cũng đã mờ rồi thì còn nhìn thấy gì nữa đâu mà "định hình vững chắc” ?

Phạm Trần
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 511 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 459
Khách: 459
Thành Viên: 0