Cuộc
giải cứu những người thợ mỏ ở Chi-lê đã gây xúc động trên toàn thế
giới. Người thân của những người thợ mỏ, người dân Chi-lê và cả nhân
loại reo mừng như chính mình được cứu sống. Niềm tin và lương tri con
người đã chiến thắng thần chết. Vượt lên trên mọi nổ lực của cuộc giải
cứu đó là lương tâm, là trách nhiệm của chính quyền Chi-lê đối với sinh
mạng người dân nước mình. Chính quyền Chi–lê đã làm tất cả những gì có
thể làm được để dành lấy sự sống cho người dân của mình, dù hy vọng
sống sót của những người này gần như bằng không. Hình ảnh Tổng thống
Chi-lê có mặt trực tiếp trong cuộc giải cứu và ôm hôn từng người thấy
thân thương và gần gũi làm sao!
Nguyên thủ quốc gia của các nước dân chủ trên thế giới thường hủy bỏ
các cuộc "công cán”ở nước ngoài để trở về nước khi người dân của họ gặp
thiên tai hay những tai nạn nghiêm trọng. Họ chỉ đạo trực tiếp các công
tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, điều tra truy
cứu những người chịu trách nhiệm và chia sẻ những đau thương mất mát
của dân chúng. Những hành động cụ thể đó làm cho công chúng thêm tin
yêu chính quyền và tin rằng chính quyền thật sự đã vì dân, ít nhất là
trong nghĩa hẹp như vậy.
Nhìn người lại nghĩ đến ta, đất nước Việt nam chúng ta đi đâu cũng
thấy tràn ngập những ba-nô, biểu ngữ " Chính quyền của dân, do dân và
vì dân”. Do vị trí địa lý và cấu trúc địa hình, có thể nói đất nước
chúng ta là một trong những quốc gia thường xuyên đối diện với thiên
tai, nhất là bão tố và mưa lũ. Những vụ tai nạn thảm khốc do con người
gây ra cũng rất nhiều. Nhưng chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một lãnh
đạo tối cao nào của nhà nước có mặt cùng công chúng trong giờ phút nguy
nan nhất. Đôi khi, sau tai nạn họ đi thăm vài nơi, cho ít quà và tự xem
đó là hành động "vì dân”. Có thể nói hình ảnh Bộ trưởng bộ NN và PTNN
Lê Huy Ngọ đã sát cánh cùng dân chúng trong đợt mưa lũ năm nào, đó là
điểm lóe sáng duy nhất của chính quyền hiện tại.
Ngược về quá khứ, những năm đầu thập niên 80, nhà nước thực hiện
chính sách gọi là kinh tế mới. Để thực hiện chính sách đó, nhà nước đưa
hàng triệu người dân Việt nam đến các vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh.
Không đèn điện, không đường xá, không nhà cửa, chỉ có con người với sức
mạnh của thiên nhiên. Không biết lúc đó chính sách này mang lại những
hiệu quả kinh tế nào hay không, chỉ thấy sao nó dã man và tàn bạo quá.
Những năm 90 của thời "mở cửa”, hàng trăm ngàn người dân Việt nam
không phải kẹt trong hầm mỏ, mà bị kẹt trong các quy hoạch treo. Trong
các khu quy hoach, nhà cửa không được xây cất, hay sửa chữa . Cấm tất
cả các giao dịch mua bán sang nhượng, cầm cố, thế chấp. Người dân kêu
gào thảm thiết, mong nhà nước nếu quy hoạch thì tiến hành sớm sớm để
người dân ổn định chổ ở và làm ăn sinh sống, còn không thì "dở bỏ” quy
hoạch để "giải thoát” cho người dân. Chính quyền im lặng đến vô cảm.
Nếu người dân bức xúc quá thì có thể bị tù đày mà quy hoạch khu công
nghệ cao ở Thủ đức là một ví dụ điển hình.
Cách đây vài năm, nhớ lại vụ cháy tòa nhà ICT ở Sài gòn, có thể nói
đó là một tai nạn thảm khốc đối với dân chúng, nhưng không lầm thì khi
đó một trong những lãnh đạo tối cao của Việt nam đang ở Pa-ri tráng lệ
để nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh. Huân chương bắc đẩu bội tinh còn
ý nghĩa gì khi mà dân chúng của mình chết phơi xác trên đường phố!
Cũng cách đây vài năm, cơn bão lịch sử đã đổ vào miền trung, cướp đi
hàng trăm sinh mạng của người dân, có thấy chính quyền hành động gì
đâu. Sau cơn bão chỉ có lời giải thích trơ trẻn: "Do dự báo thời tiết
sai”, vậy thôi.
Trận lũ kinh hoàng năm ngoái ở Hà nội, không bàn đến những thiệt hại
và mất mát mà dân chúng Thủ đô phải gánh chịu, chỉ nghe câu nói của một
vị lãnh đạo Hà nội là đủ hiểu bản chất của chính quyền này. Ông ta nói
đơn giản đến mức ai cũng hiểu được: "Dân chúng bây giờ hay ỷ lại nhà
nước”. Nhớ lại, khi bị kẹt dưới lòng đất, ngày thứ 17, Tổng thống
Chi-lê nhận được thông tin những người thợ mỏ còn sống, ông đã huy động
toàn bộ sức lực, kể cả kêu gọi sự hỗ trợ của các nước trên thế giới để
bằng mọi giá cứu sống người dân của mình.
Năm ngoái, dù không còn là tổng thống Mỹ nữa nhưng ông Bill Clinton
đã thân chinh đến Bắc hàn xa xôi, cô lập với thế giới bên ngoài, để đưa
hai công dân của mình về nước an toàn. Trong khi đó hàng trăm ngư dân
của Việt nam bị tàu của Trung quốc bắt cóc, đánh đập, chẳng thấy chính
quyền hành động gì, đã thế còn đánh lừa dân chúng là do "tàu lạ”.
Không phải bây giờ người ta mới nói đến sự vô cảm của chính quyền
hiện tại, mà đã từ lâu ai ai cũng thấy điều này. Có điều căn bệnh này
có dấu hiệu càng lúc càng trầm trọng hơn, và lây lan ra nhiều mặt trong
đời sống xã hội. Nhiều cái chết thương tâm của dân chúng chẳng thấy ai
lên tiếng chịu trách nhiệm. Hằng ngày vẫn thường nghe nhiều cái chết từ
điện giật, đến sụp hố ga, đến bị công an đánh chết thấy sao sinh mạng
người Việt nam rẻ rúm quá!
Không phải là lạc quan, nhưng chúng ta tin rằng một ngày gần đây
người dân Việt nam sẽ thật sự có một chính quyền đầy lương tâm và trách
nhiệm cho riêng mình.