Ngày
12 tháng 5 vừa qua, tức là ngày 10 tháng 4 năm Tân Mão, các tín đồ Cao
Đài trong nước và ở hải ngoại tổ chức ngày vía Đức Hộ Pháp Phạm Công
Tắc quy tiên.
AFP PHOTO
Các tín đồ Cao Đài trong một lần chờ hành lễ trước đây.
Buổi lễ được cử hành tại Tòa Thánh Tây Ninh do Hội Đồng Chưởng Quản
được nhà nước thành lập, nay đổi là Hội Thánh Tây Ninh phụ trách. Nhiều
phái đoàn Cao Đài Bảo Thủ Chân Truyền, không do chánh quyền chi phối,
từ các địa phương tập trung về Tòa Thánh đã bị ngăn cản, gây khó dễ.
Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.
Không cho cầu nguyện
Ông Hứa Phi, Chánh Trị Sự Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tỉnh Lâm Đồng, một
chức sắc từng bị hành hung, trong một sinh hoạt tôn giáo trước đây kể
lại sự việc đã xảy ra:
"Như thường năm, chúng tôi về Tổ Đình ở Tòa Thánh Tây Ninh, cầu
nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng, ban bố Hồng ân
cho tất cả nhân loại trên hoàn cầu được hưởng thái bình, an cư, lạc
nghiệp. Đồng đạo chúng tôi, về Tòa Thánh Tây Ninh cầu nguyện nhưng đã
bị Hội Đồng Chưởng Quản dùng một số người trong Ban Trật tự không cho
chúng tôi cầu nguyện, giựt máy quay phim của chúng tôi, xô đuổi đồng
đạo một cách thô bạo. Đi chung trong phái đoàn của chúng tôi gồm có
đồng đạo từ Miền Nam ra Miền Trung rất nhiều, là đại diện cho từng
Vùng, cho đồng đạo ở các tỉnh trong nước Việt Nam, công việc này xảy
ra ở ngay nội ô Tòa Thánh Tây Ninh.”
Về số tín hữu từ các địa phương thuộc nhiều tỉnh thành, tập trung về
Tòa Thánh Tây Ninh tham dự buổi lễ, Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng
thuộc Hội Thánh Cao Đài Chân Truyền Vĩnh Long cho biết thêm chi tiết,
đồng thời nói lên nguyện vọng chung của mọi tín hữu Cao Đài chân chính:
Hội Đồng Chưởng Quản dùng một số người trong Ban Trật tự không cho
chúng tôi cầu nguyện, giựt máy quay phim của chúng tôi, xô đuổi đồng
đạo một cách thô bạo.
Ông Hứa Phi
"Khoảng 100 vị trở lại, từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Vĩnh
Long, Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Gò Công, Vũng Tàu, Phan Thiết,
chúng tôi cũng xin gởi đến quý đồng đạo Cao Đài khắp nơi, trong nước và
trên thế giới, quý cấp lãnh đạo tôn giáo, nhân sĩ trí thức nước, yêu
chuộng công lý, hòa bình, yên chuộng nền văn minh, văn hóa của dân tộc
Việt Nam, tranh thủ thời gian cho công cuộc bảo vệ tự do tính ngưỡng,
cùng các quyền tự do khác của mọi con người bị áp bức, bất công, nhất
là dân tộc Việt Nam, trình bày cụ thể cho Liên Hiệp Quốc biết rõ, vì đã
có đủ chứng cứ và đủ tính thuyết phục.”
Bị gây khó khăn, bị cản trở, các tín hữu Cao Đài đã gởi đơn khiếu
nại đến Trụ Sở Tiếp Dân của đảng và nhà nước, số 35 Hồ Ngọc Lãm, thành
phố Hồ Chí Minh để yêu cầu làm sáng tỏ nội vụ, các chức sắc Cao Đài
hiện diện trong đoàn thuật lại với phóng viên RFA, Chánh Trị Sự Nguyễn
Bạch Phụng cho hay:
"Chúng tôi đã đến văn phòng trung ương 2 để đưa đơn tố cáo đó, và
mong rằng vấn đề này được truyền thông quốc tế và dư luận hỗ trợ, giúp
về tinh thần để chúng tôi có được cái quyền tự do, có sự dễ dãi để
chúng tôi đòi hỏi quyền sinh hoạt đạo được thành tựu.”
Kế đó, một chức sắc Cao Đài khác là Chánh Trị Sự Nguyễn Ca, từ Bình Định vào Tây Ninh, nhân ngày Vía Đức Hộ Pháp kể tiếp:
"Người ta cũng nhận đơn rồi chuyển về tỉnh Tây Ninh giải quyết,
nhưng tôi nhận thấy, hình như bây giờ Nội ô Toà Thánh Tây Ninh, chuyện
an ninh, trật tự bỏ ngỏ, Đầu Sư Nguyễn Thành Tám bỏ ngỏ, ai muốn làm gì
thì làm. Chúng tôi đến cầu nguyện cho sự phục quyền Hội Thánh, có những
người mặc đồ thường dân, không mang phù hiệu, mang brassard (băng đeo ở
cánh tay) khi chúng tôi tập trung hàng ngũ, quay phim, chụp hình, mấy
ông ngang nhiên xong tới giựt điện thoại, đập máy quay phim.
Các tín đồ Cao Đài trong một lần hành lễ trước đây. AFP PHOTO.
Những người mặc áo dài trắng (đồng phục của tín đồ Cao Đài) có mang
brassard cũng hùa vô, xua đuổi không cho chúng tôi cầu nguyện. Tòa
Thánh Tây Ninh là của ông cố, ông nội, ông cha chúng tôi đã góp công,
xây dựng nên chứ không của riêng gì ông Nguyễn Thành Tám, bây giờ chúng
tôi dến cầu nguyện ngoài sân cỏ mà vẫn bị xua đuổi.”
Chính quyền không giải thích
Mọi liên lạc về cấp lãnh đạo Hội Đồng Chưởng Quản Toà Thánh Tây
Ninh đều bất thành, tuy nhiên khi nói chuyện với ông Võ Thành Công, Phó
Ban Tôn Giáo, Sở Nội Vụ, tỉnh Tây Ninh thì được ông giải thích rằng,
không có chuyện cấm cản như một số chức sắc Cao Đài thuật lại, trả lời
câu hỏi của phóng viên Ban Việt Ngữ, ông giải thích:
Không có chuyện đó, chúng tôi cũng không gặp ai đến, anh em ở cơ
quan cũng nói không có ai đến hết, thông tin như ông nói không có thật.
Ô. Võ Thành Công
"Không có chuyện đó, chúng tôi cũng không gặp ai đến, anh em ở cơ
quan cũng nói không có ai đến hết, thông tin như ông nói không có thật.
Bây giờ không còn gọi Hội Đồng Chưởng Quản, nay là Hội Thánh Tây Ninh,
ông có về Tây Ninh bao giờ chưa? Các ông ở hải ngoại, nên về thăm quê
nhà để thấy được cách sinh hoạt tôn giáo trong nước, có nhiều thông tin
thiết thực hơn, chứ bây giờ, lâu ngày bà con đi xa, ít có thông tin có
khi nghe chỗ này, chỗ kia, nói không được chính xác lắm. Việt Nam mở
cửa rộng rãi, các hoạt động tôn giáo trong nước cũng vậy, chúng tôi
được nhà nước giao việc hướng dẫn các hoạt động tôn giáo cho đúng theo
quy định của nhà nước, chúng tôi thấy rằng hoạt động của Cao Đài rất
thuận lợi.”
Lập luận của quan chức Ban Tôn giáo Tây Ninh cũng tương tự như phát
ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, thường khẳng định ở Việt Nam không có
tù nhân tôn giáo, chỉ có tù hình sự bị kêu án vì vi phạm pháp luật.
Nếu Việt Nam thật sự có tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng được
tôn trọng đều khắp thì tại sao nhiều chánh phủ Tây Phương, cộng đồng
người Việt hải ngoại, Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cùng
nhiều tổ chức nhân quyền, truyền thông quốc tế thường yêu cầu bộ Ngoại
giao Mỹ đưa Hà Nội trở lại danh sách CPC tức là danh sách các quốc gia
cần đặc biệt quan tâm về sinh hoạt tôn giáo?