Chủ Nhật, 2024-11-24, 11:57 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 25 » Chuyện cảnh sát giao thông “làm luật”
7:16 AM
Chuyện cảnh sát giao thông “làm luật”

Chuyện cảnh sát giao thông ăn hối lộ thì có lẽ bên Việt Nam ai cũng... biết, hoặc nghe kể, hoặc đọc báo, hoặc chứng kiến và không ít người đã từng là "người trong cuộc”. Riêng các bác tài bên Việt Nam thì không gọi là cảnh sát giao thông ăn hối lộ, mà các bác ấy gọi là cảnh sát giao thông họ... "làm luật”!

Chuyện cảnh sát giao thông làm luật thì muôn màu, muôn vẻ và mỗi thời kỳ kinh tế lại có những "biến tấu” khác nhau. Chúng tôi xin góp nhặt một ít chuyện quê rông dài, kể hầu quý vị độc giả, hy vọng quý vị cũng relax được một vài trống canh.



Vào các giờ cao điểm hàng ngày, xe cộ trên nhiều đường phố Sài Gòn cài vào nhau, nhúc nhích từng chút.
Sốt ruột, bực tức, mỏi mệt trong cái nóng nung người và khói bụi, không ít người tìm cách thoát đi dù phải
leo lề, đi ngược chiều, chèn lấn, vượt đèn đỏ hay hướng dẫn của CSGT. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Ðầu tiên, khi kinh tế Việt Nam còn khó khăn, những năm sau 1975 tới cuối những thập niên 1980, xe cộ cũ và ít, lại phải thực hiện chính sách "tem phiếu” về xăng dầu. Lúc này thì cảnh sát giao thông chủ yếu là "ăn”... thuốc lá. Câu slogan lúc này là: "Mai nói nhiều hiểu ít, Sa-mít nói ít hiểu nhiều!” Mai là một loại thuốc đen không có đầu lọc thông dụng hồi đó, còn Sa-mít là loại thuốc có đầu lọc nhập lậu từ Cambodia về. Hồi đó, tôi đi theo một người bạn ra Biên Hòa chơi, người bạn mượn được một chiếc xe Cub 70 loại xe nghĩa địa của Nhật Bản (nhưng lúc đó được coi là hàng quý hiếm). Xe vừa tới dốc Thủ Ðức thì bị cảnh sát giao thông chặn xét bằng lái. Trong khi người bạn tôi còn đang lúng túng móc giấy tờ thì viên cảnh sát giao thông nói luôn: "Thôi, giấy tờ gì nữa, có thuốc cho mấy điếu hút coi!” Người bạn tôi đưa luôn một gói thuốc ba số năm còn nguyên đai, nguyên kiện chưa kịp hút điếu nào. Chiều khi chúng tôi về qua lại dốc Thủ Ðức, mấy người cảnh sát giao thông vẫn còn đó, họ vẫy tay chào hai thằng tôi rất vui vẻ.

Lần khác, vào những năm khó khăn đầu thập niên 90, tôi đi nhậu rượu đế với mấy người bạn, chiều phải ra bến xe về quê, sợ tôi say mấy người bạn "liệng” tôi lên xích-lô sau khi tàn cuộc nhậu, nhờ bác xích-lô đưa ra bến xe. Ðang ngồi mơ mơ, màng màng bỗng bác xích-lô khều tôi rồi chỉ cho tôi thấy cái cảnh ngay tại ngã tư đông người qua lại, hai cô gái đang đưa tiền cho viên cảnh sát giao thông tại chốt đèn đỏ. Bác xích-lô bình luận: "Nước mình còn nghèo, người ta cũng phải kiếm sống chứ hả?!” Nói rồi người xích-lô cất tiếng cười rộ, tiếng cười của người lao động ở đất Sài Gòn rất hào sảng.

Khoảng giữa những năm 90, tôi ra Vũng Tàu bằng chiếc xe Honda 90 mượn của người bạn. Trên đường về tôi bị chốt của cảnh sát giao thông Long Thành (thuộc tỉnh Ðồng Nai) chặn xét bằng lái. Vì xe đi mượn và không có bằng lái nên tôi bị biên giấy phạt 20 ngàn đồng kèm theo lời khuyến cáo phải đi học lấy bằng lái xe. Bữa đó cũng khá đông người bị phạt, hai cô cậu kia đứng gần tôi, chàng trai nói lí nhí với viên cảnh sát giao thông: "Anh ơi! Em hết tiền rồi, còn có 10 ngàn, anh lấy đỡ giùm nha!” Viên cảnh sát nạt: "Ðây không phải là cái chợ, đừng có mà trả giá!” Cũng xin nói thêm là thời gian này giá xăng chỉ có 1 ngàn 800 đồng một lít. Vì thời gian này tôi hay ra Vũng tàu bằng xe khách và thấy lần nào cũng vậy, khi xe qua trạm kiểm soát lưu động của công an giao thông Long Thành, viên phụ xế (lơ xe) đều nhanh nhẹn nhảy xuống trình giấy, dĩ nhiên giấy tờ đều có kẹp tiền "làm luật” cho cảnh sát giao thông. Hỏi thăm thì viên phụ xế và cả tài xế đều nói đây là luật bất thành văn mà không xe nào dám chống lại, vì thà nộp tiền "mãi lộ” còn hơn bị kiếm chuyện vì vô vàn lý do mà chỉ có... Trời biết!

Về chuyện "làm luật” hầu hết các tài xế tuyến đường dài đều nằm lòng và họ cũng không thiếu gì những kinh nghiệm thương đau. Một tài xế xe đò tuyến miền Tây kể chuyện, hễ cứ qua trạm, cố định hay lưu động gì không cần biết, cảnh sát giao thông ra hiệu dừng là tài xế tự động xuống xe móc tiền "làm luật”, ai sao mình vậy, mỗi tuyến đường đều có khung giá, không dại gì mà tranh cãi với công an. Nhưng lần đó thật hết sức cắc cớ, thay gì lầm lì im lặng nhận tiền mãi lộ như mọi lần, viên cảnh sát lại hất hàm hỏi: "Biết phạm lỗi gì không?” Tay tài xế nhỏ nhẹ: "Dạ thưa, em không biết!” Viên cảnh sát giao thông cho biết là xe phạm lỗi chạy quá tốc độ. Viên tài xế thấy vô lý quá liền cãi: "Nếu phạt lỗi quá tốc độ thì phải phạt mấy chiếc xe lấn đường qua mặt xe tôi vù vù kìa, chứ sao lại phạt tôi?” Viên cảnh sát hầm hầm, ra lệnh: "Thôi được, không phạt lỗi tốc độ nữa, lên xe mở máy coi!” Tài xế vội lên xe mở máy, viên cảnh sát đứng kế tài xế phán ngay: "Xe này xả nhiều khói vượt quá quy định, không đảm bảo kỹ thuật, phải đem về trạm kiểm tra lại rồi... tính sau!” Nghe nói, tài xế hết hồn, giam xe mươi bữa, nửa tháng thì còn làm ăn gì nữa, đành xuống nước năn nỉ và chịu tiền làm luật gấp đôi mọi khi, cuối cùng hú hồn hú vía cũng được đi. Nghe kể chuyện, bạn tôi hỏi người tài xế, nếu bây giờ có tờ báo nào đứng ra lên án vụ làm luật này thì người tài xế kia có chịu đứng ra làm chứng không? Người tài xế cười ầm lên: "Thôi! Cho em xin! Em còn nuôi vợ, nuôi con. Làm ra lẽ thì người ta có thể mất chức, hoặc bị chuyển đi chỗ khác, nhưng anh em, đồng đội họ còn ở đây, chắc chắn họ sẽ ‘chơi’ mình cho đến phải bán xe, bỏ đường mới thôi!” Ðem chuyện này kể lại với mấy tài xế, họ đều ngao ngán thở dài xác nhận và thú nhận là không dại gì đụng tới mấy ông "kẹ” đó, vì trên thực tế đã có chủ xe "tàn đời” vì tội dám vác đơn đi thưa kiện cảnh sát giao thông tuyến đường mà xe vẫn chạy hàng ngày, dù có chuyển qua tuyến đường khác cũng... không thoát!

Nhưng đó là chuyện... đời xưa, thời của những thập niên 90 chưa có máy bắn tốc độ, chứ thời bây giờ muốn phạt người ta phải đưa bằng chứng ra. Kết quả là công an giao thông lúc sau này đều thành... "anh hùng Núp” hết! Vì nếu cảnh sát giao thông đứng trạm hoặc đứng ngay ngoài lộ, tất cả xe qua lại đều chạy "êm ru” đúng luật, lấy gì mà ăn? Ðành phải kiếm bụi lùm, hoặc chỗ khuất núp vô, thấy xe phạm luật thì xông ra làm luật. Các xe vi phạm đều vui vẻ chi tiền để khỏi bị kéo về trạm... rách việc! Và công nghệ chận xe cũng có nhiều "cải tiến” không thổi lẻ tẻ, lẻ mẻ nữa mà thành system hẳn hoi. Như hai xe mô-tô chặn hai đầu đề phòng những xe cả gan vượt trạm, một cảnh sát đứng giữa đường "ngoắc” xe vô, hai cảnh sát đứng trong lề vừa xét giấy vừa thu tiền.

Vì làm theo lối công nghệ nên mới có chuyện "tiếu lâm” là hai thằng ma cà-bông con cái nhà dân đen sớn sác bị thổi, viên cảnh sát đứng trong lề thấy đi hai tên tưởng là đi hai xe, nên đồng ý cho chúng nó về nhà lấy giấy với điều kiện là bỏ một xe lại, thế là hai thằng xơ-mướp mừng húm vội leo lên xe... chuồn thẳng.

Nhưng công nghệ nào cũng không bằng công nghệ bảo kê cho xe của những chủ hàng lớn. Vì giới hạn tải trọng xe, cũng như quy định về giờ giấc lưu thông rất ảnh hưởng tới công việc kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh gay gắt về lợi nhuận. Thế là các xe đã được chủ "đóng hụi chết” cho cảnh sát giao thông ngang nhiên qua trạm với trọng tải gấp đôi, thậm chí gấp ba quy định mà không hề hấn gì, các xe này phân biệt với các xe khác bởi một ký hiệu riêng gắn ở kiếng trước xe. Nhìn thấy dấu hiệu này thì cảnh sát các trạm hay cảnh sát tuần tra giao thông biết ngay là "bồ tèo” với nhau nên không bao giờ chận xét. Vì dư luận ồn ào về chuyện "xe vua”, "xe bảo kê” nên có hai cô nhà báo đi "phục kích” chụp hình làm phóng sự điều tra. Chẳng may trong lúc tác nghiệp họ bị cảnh sát giao thông phát hiện và rượt đuổi chạy tuốt vô rừng, cũng may là trời tối lại bị lọt xuống hố, cảnh sát tìm không ra. Sau đó họ dùng điện thoại di động gọi bạn bè tới cứu...



CSGT viết giấy phạt. (Hình: VietnamNet)

Khi thực hiện bài viết này, biết là chụp hình cảnh sát giao thông đang "làm luật” là rất khó và cũng rất nguy hiểm. Nhưng chúng tôi cũng quyết định thử "vận may” bằng cách ra "phục” tại một ngã tư vùng ven thuộc quận 12 - là cửa ngõ có nhiều xe tải ra vô thành phố. Khoảng hơn chín giờ sáng, hai viên cảnh sát đi mô-tô tới đậu tại ngã tư, chúng tôi hồi hộp chờ đợi và cũng kiếm góc khuất để tiện chụp hình mà không sợ bị phát hiện.

Khi đoàn xe tải xuất hiện, viên cảnh sát cầm dùi cui ra hiệu, có ba chiếc xe tải ngoan ngoãn tấp vô lề. Chúng tôi hồi hộp tới vã mồ hôi nhưng cũng cố zoom máy để chụp cận cảnh. Trong khi mấy tài xế mở cửa xe, nhẩy xuống đi về phía hai viên cảnh sát để trình diện thì đột nhiên viên cảnh sát lớn tuổi hơn (có lẽ là chỉ huy) ghé tai viên cảnh sát trẻ hơn nói gì đó, cả hai vội vàng leo lên mô-tô cảnh sát rồ ga rồi phóng thẳng trước sự ngỡ ngàng đến sửng sốt của mấy bác tài xế xe tải...

Chuyện cảnh sát thời này, thời kia, nước này nước kia ăn hối lộ ở những cấp độ khác nhau, chúng tôi không có ý định "quơ đũa cả nắm” vì cảnh sát giao thông Việt Nam cũng có người bắt cướp, hay nhặt được của rơi trả lại. Chúng tôi chỉ nêu ra những sự việc mà chúng tôi từng chứng kiến, còn bình luận đánh giá là quyền của độc giả. Như có lần ngồi trên xe Bus tôi đã tình cờ chứng kiến cảnh người bận áo xanh của lực lượng dịch vụ công ích đang chăm chú điều khiển - hướng dẫn giao thông, thì viên cảnh sát giao thông bận cảnh phục nghiêm chỉnh đứng gần đó chẳng ngó ngàng gì tới trật tự giao thông mà lo chặn một thanh niên chạy lạc đường, khi người thanh niên này rút ra tờ giấy một trăm ngàn thì người cảnh sát vui vẻ chỉ đường cho đi.



Luật CSVN cho phép phạt tiền tại chỗ nhưng thông thường, người dân "đề nghị” ông CSGT "làm luật” để tránh phải đóng tiền phạt nhiều hơn.
Ðiều đình số tiền "làm luật” nhiều ít là chuyện "thường ngày ở huyện”. (Hình: Báo Dân Trí)

Ðiều vô lý là lực lượng áo xanh, trước kia là lực lượng thanh niên xung phong, nay chuyển qua là công ty dịch vụ công ích, hay đứng trợ giúp công an giao thông tại các tuyến đường nội thành đông xe qua lại, lực lượng này chỉ có chức năng hướng dẫn, giải thích cho người đi đường mà không có quyền chặn xe hay phạt người vi phạm. Trong khi lực lượng áo xanh không kể mưa nắng sát cánh cùng công an giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt thì lực lượng cảnh sát giao thông lại rảnh tay không lo nhiệm vụ chính mà quay qua... ăn hối lộ.

Sách xưa có câu: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người giữ gìn kỷ cương luật pháp lại trắng trợn vi phạm luật pháp dẫn tới việc dân chúng không phục. Ðã xẩy ra mấy vụ đụng độ của dân chúng với cảnh sát giao thông. Như mấy năm trước vì bênh vực hai thanh niên đi đường chạy xe vượt trạm bị cảnh sát giao thông đuổi theo hành hung, dân chúng khu vực đường Ðề Thám-Sài Gòn đã lật úp mấy xe của cảnh sát giao thông rồi nổi lửa đốt. Hay như mới đây dân chúng huyện Kỳ Anh (Nghệ Tĩnh) cũng đã đốt xe của cảnh sát gia thông vì cho rằng tại cảnh sát giao thông rượt người mà người thanh niên phạm luật kia mới đâm đầu vào xe tải chết.

Chuyện mới đây, khi hai người bạn tôi chạy xe Honda trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn từ quận 7 hướng ra chợ đầu mối Bình Ðiền thuộc Bình Chánh. Vì giao lộ khá rộng, đèn xanh ở giai đoạn cuối, chạy ra tới đầu đường bên kia thì bị đèn đỏ, anh bạn tôi thú nhận là khu này anh không rành đường, hệ thống đèn giao thông khá phức tạp nên anh có bị lung túng khi xử lý. Lúc bị cảnh sát giao thông chặn lại, anh cũng đồng ý là mình có lỗi, nhưng cùng trình bày tình cảnh thật của mình và có nói thêm là già như anh thì còn sức đâu mà đua xe hay vượt đèn đỏ? Người cảnh sát giao thông cho biết theo luật thì anh sẽ bị giam xe một tháng, người bạn đi cùng hoảng quá vội móc ra một trăm ngàn đồng, xin bỏ qua cho người bạn. Viên cảnh sát hỏi, khi bị nhét tiền vào tay: "Cái gì đây? Cái gì đây?”, nhưng rồi cũng nhận và cho đi.

Lần khác, tôi cũng ngồi trên xe Bus, khi người tiếp viên lấy tiền mà không xé vé cho một anh chàng kia. Con gái anh ta chừng hơn 4 tuổi, lên tiếng: "Ba ơi! Sao cô không xé vé cho Ba?” Anh chàng cười xoa đầu con gái, nựng: "Người ta cũng phải kiếm thêm chứ con?” Thấy tôi chăm chú nhìn hai cha con, anh chàng quay qua tôi kể: "Bữa trước, quên đem giấy tờ xe, bị cảnh sát thổi, tôi móc tiền ra tính đưa thì con bé nó hỏi - Ba ơi! Sao Ba lại đưa tiền cho chú công an? Mình nghe chưng hửng, chưa biết trả lời sao thì tay công an kêu cất tiền đi rồi cho hai cha con đi”.

Luật Việt Nam quy định người nhận hối lộ có tội, người đưa hối lộ cũng có tội. Và trước kia để chống tham nhũng, hối lộ trong lực lượng cảnh sát giao thông, ngành này quy định là khi cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ thì không được mang theo tiền cá nhân trên một trăm ngàn. Như vậy thanh tra hay đội kiểm tra của ngành dễ dàng "bắt quả tó”. Kể từ ngày 20 tháng 5, quy định là người nào đưa hối lộ cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng Việt Nam và tước giấy phép lái xe 60 ngày...

Chúng tôi chỉ hy vọng là sau này những người cha, người mẹ ở Việt Nam không phải trả lời những câu hỏi ngây thơ, trong sáng của những đứa con bé bỏng: "Tại sao Ba... Tại sao Mẹ, lại phải đưa tiền cho mấy chú công an?!”
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 637 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0