Thứ Tư, 2024-12-04, 1:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 23 » Có Chữ mà không Nghĩa
7:03 AM
Có Chữ mà không Nghĩa

Vũ Đông Hà

Trong một bài viết đã lâu, nhà thơ Lý Đợi, thành viên của nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản vỉa hè Giấy Vụn đã nói rằng có một loại giáo dục trong đó có những người có chữ mà không có nghĩa. Bạn nói chung chung, tôi đọc qua rồi để đó. Cuối tuần, đọc một bài viết trên BBC. Đây này, đúng rồi, chính hắn, đích thị! Người có chữ mà không có nghĩa! Đó là bà có mảnh bằng tiến sĩ ở đại học Yale. Bà này mang tên Việt là Đỗ Ngọc Bích.

Bài viết của bà với nhan đề "Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” dài 4528 chữ. Gom lại chỉ còn: "bất nghĩa”.

*

Bà Bích bắt đầu cách nhìn khác của bà bằng câu: Trong vài năm gần đây, người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại thường lên tiếng bài xích nhà nước cộng sản Việt Nam, bênh vực những blogger dũng cảm đấu tranh vì Hoàng Sa – Trường Sa, rên rỉ rằng nhục quá vì Việt Nam dần dần cứ dâng đất cho Trung Quốc, vv.

  
  
Mới đọc là thấy bà đặt nhan đề cho bài viết của bà cực kỳ chính xác. Cách nhìn khác. Không giống ai. Chỉ có bà mới thấy là chỉ trong vài năm nay người dân trong ngoài mới lên tiếng bài xích nhà nước CSVN. Đặt tựa thì chính xác nhưng người thì mù tối.

Mù và tối thì còn bỏ qua được, nhưng khi viết người dân Việt rên rỉ rằng nhục quá thì không còn mù tối mà là hỗn. Và láo. Bà Bích ngồi ở một nơi chốn an bình, cầm một lọ sơn đỏ made in china đổ bừa lên bức tranh hào hùng của người dân Việt ở quê mẹ của bà. Bức tranh của những công dân kiên cường xuống đường biểu tình, treo biểu ngữ, tọa kháng tại nhà, làm kiến nghị, lập web Bauxite, viết bài lên tiếng phản đối… Nhiều người đã trả giá bằng lao tù, bằng trấn áp, xách nhiễu, bằng đòn thù… Rên rỉ ???!!!

Với mảnh bằng học vị tiến sĩ, bà lấy đinh đóng cột, vác búa đập đầu chắc nịch: Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 ‘ghét’ nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi.

Rõ chỗ nào ? Muốn rõ thì đây này:

Thứ nhất, không riêng gì người Việt ở hải ngoại, chẳng cứ gì phải thuộc chính quyền VNCH mới ‘ghét’ nhà nước CSVN. Muốn biết, bà hỏi thử những người dân oan, giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm, công nhân đình công, nhà báo độc lập, blogger tự do… thử xem. Họ là thiểu số? Vậy muốn rõ nữa bà về VN ra ngồi trước trụ sở Quốc Hội trương biểu ngữ ,yêu cầu đảng CSVN trưng cầu dân ý về Điều bốn của Hiến pháp và Bầu cử tự do như ông Nguyễn Tấn Dũng lên giọng dạy bảo Miến Điện. Thử rồi sẽ biết. Nếu toàn bộ người Việt trong nước đều yêu đảng thì có gì phải hãi.

Thứ hai, không chỉ riêng gì người Việt trong và ngoài nước có những thái độ không thiện cảm với Trung Quốc (chưa nói tới chuyện lãnh hải, lãnh thổ). Bà thử nhìn lại những phong trào chống rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh nổ bùng khắp nơi, nhìn lại phản ứng của công luận thế giới khi nhà nước Trung Quốc tàn sát người dân Tibet, xem lại những báo cáo về tình trạng sản xuất hàng hóa, đồ chơi, thức ăn nguy hại, ăn cắp sản phẩm trí tuệ, những lo ngại của các nước Đông Á về nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh, và mới đây nhất hành động tin tặc của TQ và sự ra đi của Google.

Cần phải xét lại cái bằng học vị tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế của bà Bích.

‘Rõ’ rồi cái nhận xét của bà về cái "ghét’ riêng của người Việt hải ngoại xong, bà quay qua đặt câu hỏi cho nguyên nhân của cái ‘ghét’ đó: Trung quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ‘đánh bại’ người Mỹ và ‘lật đổ’ chính thể Việt Nam cộng hòa. Vì vậy không rõ là họ bài xích Việt Nam và Trung quốc là do sự thù hằn nội chiến đó, hay là thực sự muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đau xót uất hận khi thấy Việt Nam "mất đất”?

Bà Bích hiện đang giảng dạy Việt học theo như lời giới thiệu của BBC mà hỏi một câu như thế thì … tội nghiệp cho học trò Mỹ của bà hoặc nghi ngờ chuyện bà là tiến sĩ, giáo sư. Hoặc chỉ là một loại hỏi giả vờ, hỏi ởm ờ, hỏi để thóa mạ người Việt sống ở nước ngoài chỉ biết thù hằn chứ chẳng yêu nước gì tất.

Bên cạnh đó, đây là điều sơ đẳng nhất mà bà Bích nên biết: Có sự tách bạch, khác biệt rõ ràng giữa Việt Nam/đất nước Việt Nam/dân tộc Việt Nam  và đảng CSVN/nhà nước Việt Nam. Không có một công dân Việt Nam nào (phần bà Bích thì khác) bài xích đất nước, dân tộc của họ. Họ chỉ bài xích những kẻ độc tài, tự giao cho mình cái quyền cai trị đất nước, bám chặc cái quyền đó bằng hệ thống công an, hiến pháp , luật lệ tự đặt mà lại khúm núm, quỵ lụy trước họa xâm lăng.

*

Đó là đối với thành phần người Việt sống ở nước ngoài. Sang đến người dân tại Việt Nam thì bà viết:

Song những người dân có tri thức ở trong nước, những blogger gần đây gặp vấn đề về chính trị mà phần đông là những thanh niên đầy tâm huyết và lý tưởng thì có lẽ khác.

Họ có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Cộng, chỉ đơn giản là yêu nước thôi. Thế mới có chuyện đáng bàn.

Hai câu này lộ rõ cái gian manh hỏi ởm ờ của bà Bích khi nói về người Việt nước ngoài. Nó cho thấy việc bà hỏi ở trên chỉ có dụng tâm chửi xéo. Và chửi láo: chỉ người dân trong nước có tri thức (còn anh công nhân, bác nông dân, chị bán hàng… thì không !) mới đầy tâm huyết và lý tưởng, chỉ đơn giản yêu nước thôi. Còn đám người Việt hải ngoại là chỉ thù hận quá khứ.

Nhưng với người phụ nữ mang tên Việt Nam này thì chuyện người Việt nước ngoài cũng chẳng là chuyện đáng để bà bàn sau khi ởm ở, xách mé vài điều. Chuyện đáng bàn là đám bloggers trong nước. Đám đang làm cho đảng và nhà nước CSVN điên đầu, phải ngày đêm làm chó săn canh gác trước nhà, lò mò theo uống cà phê, rình rập trên blog của họ như loài gián và dựng kịch đóng tuồng để tống vài mạng vào tù.

Bà Bích viết: Những thanh niên này hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc ‘hơi nhiều.’

Năm 1979 bà Bích ở đâu ? Nếu đang yên bình mài đủng quần ở trường lớp nào đó thì đây, mời bà vào wikipedia.org đọc vài dữ kiện: hơn 50.000 binh sĩ Việt Nam tử trận. Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Những con số lạnh lùng hy vọng cũng giúp cho một người "sách vở” biết được chút chút. Những với những thanh niên lớn lên vào những năm tháng này thì đây không chỉ là những con số vô tri. Nó là một biến cố của đời họ: chiến trường thay thế lớp học, người phơi thây trên trận mạc biên giới, kẻ trở về tàn phế cụt chân cụt tay, cha khóc con, vợ khóc chồng…

Vì thế dân tộc này không cần đến một "chủ nghĩa dân tộc có điều khiển” của một đám người nào đó mới tự mình có được cảm xúc của lòng ái quốc. Khi ngoại bang xâm lấn, khi làng mạc, thành phố bị tàn phá tan hoang, khi lớp lớp người con Việt phơi thây ngoài chiến trường để bảo vệ ngoại xâm thì người dân bùng lên lòng ái quốc từ chính con tim của họ. Dân tộc Việt nam từ bác nông dân thất học cho đến những bậc sĩ phu, tri thức…trong mọi thời đại, đều đứng lên vì đau lòng trước thảm kịch của quê hương, giống nòi. Cần gì phải chịu ảnh hưởng cái "chủ nghĩa dân tộc có điều khiển” của ai đó đưa ra.

Và thế nào là ‘hơi nhiều‘. Chữ hơi nhiều trong ngoặc đơn này, nếu bà thông hiểu văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam thì bà sẽ biết nó là một loại mỉa mai hay chưởi xéo bình dân của dân Việt. Ăn ‘hơi nhiều’ à nghe. Nói ‘hơi nhiều’ à nghe. Nói bậy, viết bậy ‘hơi nhiều’ rồi nghe.

Mỉa mai thế hệ 7x, 8x bị ảnh hưởng chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của đảng và nhà nước chưa đủ, bà phán tiếp: Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975).

Ở đây có 2 điều cần nói:

Thứ nhất: khi nói nhận ra được rằng … thì cái gì theo sau phải là một chân lý hay ít ra là một điều phổ quát được đại đa số chấp nhận. Thí dụ như nói với một bà nào đó: bà phải nhận ra 1+1=2; bà phải nhận ra Việt Nam và Trung Quốc là hai đất nước, dân tộc khác nhau; bà phải nhận ra có chữ mà không có nghĩa là người bỏ đi… Bà Bích đã lên giọng theo thói cô giáo lên lớp học trò để phán với thanh niên Việt Nam: Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, các em phải nhận ra được điều đó. Không có cô giáo nói cho điều này các em không nhận ra được. Thì ra đây là cái nhìn "khác” của cô giáo Bích về tinh thần dân tộc: Việt Nam là của Trung Quốc.

Thứ hai, với chân lý "một phần da thịt” đó, với việc nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc, bà Bích nói câu sau để bắt cầu với câu trước bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc ‘hơi nhiều’ nhằm chưởi xéo một lần nữa: thanh niên nước ta là những kẻ bất nghĩa và vô ơn, đang bài xích mẫu quốc mà Việt Nam chỉ là một phần da thịt, đang lên án kẻ đã từng ban ơn.

Sợ có người không hiểu mình đang chửi xéo, bà Bích cẩn thận viết thêm: Cho dù Trung quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà ‘mình nên nhớ’. Câu "yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng.

Chẳng đúng chỗ nào cả. Trung Quốc không giúp Việt Nam. Chỉ có đảng cộng sản Trung Quốc giúp đảng CSVN trong tham vọng bành trướng chủ nghĩa của cộng sản thế giới thời chiến tranh lạnh. Nếu coi đó là ân huệ, là điều nên nhớ, là yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng… thì đó là chuyện của đảng CSVN. Biết ơn hay bạc nghĩa với nhau là chuyện giữa các đồng chí cộng sản thế giới. Ngày hôm nay, đảng CSVN đã và đang làm rất tốt theo ý của bà.  Và họ làm tốt bằng máu thịt của mẹ Việt Nam.

Còn về phía người dân Việt Nam ? Nếu không có những người thanh niên không nhận ra Việt Nam là một phần da thịt của Trung Quốc để ngăn cản những kẻ biết ơn Trung Quốc đang cầm quyền thì một ngày không xa Việt Nam sẽ là da thịt Trung Quốc chứ chẳng phải chỉ một phần như bà mong đợi.

Để khoe luôn mớ kiến thức về Quốc tế học của mình, bà Bích liên tưởng: Điều này làm tôi liên tưởng tới hàng vạn người Trung Quốc trong những năm 1990 đã là nạn nhân của cái gọi là "state-controlled nationalism” (chủ nghĩa dân tộc có sự điều khiển) khi họ đấu tranh lên án Nhật vì những điều đã xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ II, đòi công bằng và chủ quyền với Nhật Bản.

Sự liên tưởng của bà là muốn nói lên một điều: người dân đất nước tôi ngày hôm nay chống Trung Quốc là vì ảnh hưởng của chính sách bài Trung của đảng CSVN sau cuộc chiến Việt Trung. Chính vì thế nên bà mới viết tiếp:

Những blogger của Việt Nam bị bắt giữ gần đây cũng vậy. Họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái "anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung quốc hay bài Trung) của những năm 1980.

Đây phải nói là một phán xét cần có nhiều tỉnh từ theo sau: dốt, hồ đồ, và trịch thượng.

Thứ nhất, đảng CSVN có rất nhiều loại "chủ nghĩa bài”. Bài Mỹ, Bài Trung, Bài Nguỵ, Bài Việt kiều, Bài tham nhũng… tùy theo nhu cầu và giai đoạn. Bài kiểu nào thì bài, người dân Việt vẫn mackeno. Cho đến khi đảng và nhà nước CSVN dâng cho đảng CSTQ 720 km2,11 ngàn km2 lãnh hải lẫn Ải Nam Quan và thác Bản Giốc thì thanh niên xuống đường biểu tình; khi mở cửa cho Tàu khựa vào xả bùn Cao Nguyên thì Bauxite Việt Nam phất cờ phản đối kéo theo cả triệu người hưởng ứng, khi gần 300 ngàn ha rừng đầu nguồn, trong đó có 264 ngàn ha thuộc 10 tỉnh biên giới xung yếu chia cắt cho người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê dài hạn 50 năm thì chính những đảng viên, tướng lãnh CSVN kỳ cựu lên tiếng và mở đầu cho một làn sóng phẫn nộ. Đó là lý do cho tỉnh từ dốt.

Thứ hai, ngày hôm nay Việt Nam không có cái gọi là "state-controlled nationalism” để điều khiển người dân VN chống Trung Quốc gì tất. Không và ngược lại. Không: chính lòng yêu nước và tinh thần bảo toàn lãnh thổ từ  mỗi con tim của từng người đã tạo ra những làn sóng đấu tranh ngày hôm nay. Ngược lại: họ không những chống Trung Quốc mà còn phản đối và lên án thái độ nhu nhược của đảng và chính phủ Việt Nam. Trong khi đó bà lại "ban ơn” một cách sai sự thật khi gián tiếp cho rằng nhà cầm quyền CSVN đang vận động người dân chống Trung Quốc. Người dân Việt đã biểu tình, phản đối, vào tù ra khám vì chống tham vọng bành trướng TQ cả mấy năm nay. Ông Nguyễn Tấn Dũng, bị sức ép dư luận, chỉ mới xì hơi cho báo chí lên tiếng về chủ quyền có mấy tháng. Nhưng "tàu lạ” vẫn là tàu lạ, bà Nguyễn Phương Nga vẫn miệng lưỡi không xương. Đó là lý do cho tỉnh từ hồ đồ.

Thứ ba, bà đã dùng sự liên tưởng dốt và hồ đồ để chụp mũ những con người yêu nước đầy lý tưởng là nạn nhân của "chủ nghĩa dân tộc có sự điều khiển”. Bà lấy mảnh bằng tiến sĩ để phê phán những bloggers Việt Nam đang bị tù đày chỉ vì họ không thích nghi theo kịp môi trường ngoại giao. Đó là lý do cho tỉnh từ trịch thượng.

*

Xong chuyện phê phán, bà tiến sĩ tự đặt câu hỏi để tự phân tích: "Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”. Bà Bích đang sống ở Mỹ mà suy nghĩ như đang sống ở … Bắc Hàn. Tại sao trí thức Việt Nam có tư tưởng phê phán! Trí thức mà không có tư tưởng phê phán thì trí thức cái … củ gì!!!. Trí thức mà không sẵn sàng nghi ngờ thì ngày hôm nay văn minh thế giới chắc vẫn còn ở thời đồ đá. Bà thử viết một bài tiếng Anh gửi cho Nhật báo của đại học Yale (Yale Daily News) bằng cách thay thế chữ Việt Nam bằng Hoa Kỳ là biết liền. Dễ mà. Thử xem.

Bà Bích muốn thanh niên trí thức phê phán chính hiểu biết của họ về lịch sử Việt Nam. Và đây, hiểu biết về sử Việt của bà giáo Việt học trường Yale: Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở,” thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc. Cứ tưởng tượng lúc Nguyễn Trãi gióng lên lời hịch Bình Ngô Đại Cáo chống quân Minh, lúc Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập Hội Nghị Diên Hồng hỏi ý người dân nên hòa hay chiến thì có một bà mang tên Đỗ Ngọc Bích lạc quẻ xướng lên rằng "dạ muôn tâu bệ hạ, Đại Việt ta vẫn luôn là một phần của Đại Hán, chống làm chi”!.

Ngày hôm nay giả dụ nước Anh chiếm đóng Hoa Kỳ thì công dân Hoa Kỳ mang tên Việt này cũng sẽ từ căn phòng kín bưng của đại học Yale viết lên rằng: "Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v…” bằng cách thay những chữ Việt Nam thành Hoa Kỳ, Trung Quốc thành Anh Quốc và Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh thành Washington, Jefferson…

Một người với một kiến thức và tầm nhìn về lịch sử ngang lai quần như thế đã lớn lối dạy đời blogger Việt Nam bằng những câu hỏi: "Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không? Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa? Họ tin rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam trên cơ sở nào, hay chỉ biết thế từ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và từ các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành từ sau năm 1975?"

Tới đây thì thôi bỏ qua, khỏi bàn thêm về những thái độ trịch thượng đến mức láo lếu đã trở thành nhàm chán của người phụ nữ gốc Việt có bằng tiến sĩ Mỹ này. Bỏ luôn chuyện biết ai đọc sử, sử nào, nguyên bản hay dị bản, biết để làm gì v.vv.. Bỏ luôn lý luận cao siêu trên trời của trí thức trường Yale. Câu nói bậy bạ của Mao Trạch Đông "trí thức không bằng cục phân” có vẻ thích hợp lúc này.

Một cách bình dân: có anh thư nào trong đoàn nữ tướng của Hai Bà Trưng, có hào kiệt nào trong đoàn quân của Lê Lợi đọc một trang sử nào khi hy sinh trên giòng sông Hát, khi hào hùng tiến vào thành Thăng Long ? Có người ngư dân nào chạy vào thư viện mở sử ra xem vùng biển mà hết thế hệ này đến thế hệ khác của họ đã ra khơi có phải là của Việt Nam hay Trung Quốc trước khi chạy về nhà mua hòm và may khăn tang và lễ táng cho chồng bị tàu "lạ” giết chết ? Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, còn cái lai quần cũng đánh. Chính sử được sống và viết bằng xương bằng máu của những người dân bình thường. Loại sử đó, những người như bà Bích chưa bao giờ đọc.

*

Bà Bích đi vào phần kết. Và đây là lúc bà tự lộ ý đồ sau cái mác tiến sĩ, sau cái tên tiếng Việt của bà. Khỏi phải cần lý luận nhiều, bạn chỉ cần xem phần tiếp như một Karaoke theo nhạc điệu 16 chữ vàng:

Đỗ Ngọc Bích: Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì: Chúng mày coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?

Đỗ Ngọc Bích & Dương Khiết Trì: Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochinchina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị An-nam và Ton-kin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không?

Đỗ Ngọc Bích: "Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?”

Dương Khiết Trì: Hảo, hảo, hạo la, hạo la…

Đỗ Ngọc Bích & Dương Khiết Trì: "Chỉ biết là bắt đầu từ đầu thập niên 1970, khi giá trị của dầu mỏ trở nên rõ ràng, khi thông tin về trữ lượng dầu ở mấy đảo đó được xác nhận, và người ta nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sân bay, điểm cất cánh trung chuyển và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, thì một loạt 6, 7 nước cùng xông vào nhận nó là của mình với những "bằng chứng lịch sử” đáng ngờ.”

Đỗ Ngọc Bích: "Lịch sử là vậy, đất đai dân cư di dời, sở hữu chuyển đổi, do thỏa thuận cũng như do xâm lấn. Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy.”

Màn trình diễn chấm dứt. Khán giả gồm có Mạnh, Dũng, Triết, Phú, Vịnh đứng dậy hoan hô.

© 2010 Vũ Đông Hà

http://vudongha.wordpress.com

 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 550 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 4
Khách: 4
Thành Viên: 0