Tô Văn Trường "…Cái khó là chúng ta có một số vấn
đề lớn nan giải về thể chế là căn nguyên của mọi vấn đề: một đảng thì
làm sao kiểm soát độc quyền…”
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang thảo luận sôi nổi
nhiều vấn đề có tính chất thời sự của đất nước. Ngay cả Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng vừa
qua cũng nói nhiều về suy thoái đạo đức lối sống, và an nguy của chế độ.
Người ta đang đặt ra câu hỏi: Do lỗi hệ thống hay đã đến mức hỏng hệ
thống?
Có hai hệ thống trên hành tinh của chúng ta đang sống được con người
đặc biệt quan tâm đó là hệ thống nhân tạo và hệ thống tự nhiên. Hệ thống
nhân tạo muốn nói ở đây là hệ thống kinh tế xã hội do con người tạo
nên.
Có ý kiến cho rằng quy luật tồn tại khách quan, nhất là trong tự
nhiên, nhưng quy luật cũng có biến đổi (phát triển), nhất là trong xã
hội. Quy luật của thế giới tự nhiên dễ thấy và tương đối ổn định hơn,
còn qui luật trong xã hội loài người thì khó phát hiện và hay biến động,
nhất là định danh cái nào là quy luật, cái nào là phạm trù, cái nào là
cái chung – cái riêng, rất khó xác định chân lý vì quy luật còn chịu tác
động của thời gian và không gian, nhất là của hoạt động con người là
trung tâm của xã hội – phát triển. Tuy nhiên, có một quy luật phổ biến
và cơ bản nhất là con người dù thuộc dân tộc, quốc gia nào, quá trình
phát triển, dù có nhanh chậm, tuần tự trước sau nhưng cũng phải có những
bước đi tương đối giống nhau, tuy có thể bước dài, bước ngắn khác nhau
nhưng tuyệt nhiên không ai có thể chưa biết đi mà lại biết chạy.
Tôi được nghe kể một câu chuyện thật, có lần một đồng chí lãnh đạo
cao nhất ngành tư tưởng giảng bài trước lớp học của các lãnh đạo địa
phương nói về đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi được chia đất
không chịu nhận và đòi để làm chung, ăn chung trong hợp tác xã, rồi ông
nhận xét: "Thật tuyệt vời, từ cộng sản nguyên thủy đi thẳng lên cộng sản
văn minh”. Rồi ông còn nói thêm "Thật thi vị hóa”! Đúng là ý tưởng ấy
chỉ để thơ thẩn chơi cùng gió trăng, không thể có trên hành tinh này!
Bởi vì là con người nên không thể khác nhau về bước đi và con đường đi,
mà chỉ có thể trước sau nói theo chữ nghĩa là con đường phát triển. Do
đó, hạnh phúc được hưởng cũng phải như nhau: bình đẳng, bình quyền, tự
do, dân chủ và những quyền cá nhân thiêng liêng bất khả xâm phạm khác mà
tạo hóa ban cho con người như Tuyên ngôn của những nước văn minh mà Bác
Hồ đã tái khẳng định trong phần mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ
của nước ta ngày 2/9/1945.
Sự thật mọi chuyện ở nước ta hiện nay hàng đầu là nguyên nhân của hệ
thống, rồi mới đến con người trong hệ thống. Bởi vì hệ thống này mới đào
tạo, sắp xếp và cấu trúc thành con người, thành thế chế hiện nay. Trong
hệ thống này, cá biệt vẫn còn có những cái đầu tỉnh táo, song hầu như
"mũ ni, che tai”, đứng ngoài hoặc bị loại khỏi hệ thống, hoặc nếu còn
trong hệ thống thì cũng bị vô hiệu hóa. Đương nhiên khi khắc phục yếu
kém thì phải tiếp cận cả hai vế là con người và hệ thống.
Nhìn lại quá trình phát triển, chúng ta đã tự mò mẫm đưa ra lý luận
"kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ngay cả những người
thường đi rao giảng cũng thấy mơ hồ, thơ thẩn chẳng hiểu bản chất của
nó là gì? Trong thực tế cái đầu ‘kinh tế thị trường” là động lực tư
bản/capital có chủ sở hữu bị mang cái đuôi dùng sở hữu vô chủ để tiêu
diệt cái đầu dẫn đến tình trạng pháp luật hết khả thi, cường hào ác bá
mới nổi lên, cái này gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa!
Nhiều người có trí tuệ, tâm huyết với đất nước biết rõ các nguyên
nhân bất cập của "lỗi hệ thống” mà muốn "gỡ” lại tháo chưa ra. Đúng ra
là không dám và cũng không đủ sức. Nói "lỗi hệ thống” nghe thời thượng
nhưng thiếu nội dung. Bởi cái hệ thống ta đặt ra hồi nào đến giờ có ai
thiết kế và vận hành nó thành công đâu mà nói có lỗi chỗ này, chỗ kia,
nghĩa là nhân loại chưa trải qua, như trong toán học chưa có phương
trình dù là nhiều ẩn số để đi tìm cách giải. Một thời cả hệ thống xã hội
chủ nghĩa hùng mạnh do Liên Xô đứng đầu, nhiều người ngộ nhận cứ tưởng
là sẽ có con đường thứ hai song hành với con đường tư bản chủ nghĩa nên
ta đã cố sức làm để mạnh hơn và phủ định con đường tư bản chủ nghĩa.
Thực tế, ngày nay đã chứng minh chỉ còn Trung Quốc xã hội chủ nghĩa mang
màu sắc Trung Quốc và Việt Nam "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
nhưng về thực chất cả hai đều là tư bản chủ nghĩa của thế kỷ 19, trong
khi nhân loại đã sang thế kỷ 21 với một hệ thống tư bản chủ nghĩa tham
lam ích kỷ tàn bạo, và cũng vì đang mắc những cái lỗi cố hữu ấy mà tàn
tạ, và cũng đang có nhu cầu khẩn cấp, sống còn là phải "tái cấu trúc” hệ
thống. Nợ công và phong trào chiếm lấy Phố Wall là phần nổi của tảng
băng. Cái thắt nút chính là ở chỗ này. Xã hội Việt Nam và Trung Quốc đều
rất giống nhau như hình với bóng về tất cả tồn tại xã hội, kể cả mầm an
nguy của chế độ.
Trên thế giới cũng đã có bài học kinh nghiệm về lỗi hệ thống nhưng
lãnh đạo không chịu sửa, bỏ mặc dẫn đến bị hỏng cả hệ thống và hậu quả
đất nước bị mất ổn định, nhiều người dân lương thiện phải hy sinh, trả
giá bằng chính mạng sống của mình. Lãnh đạo cần có chữ "tín” làm đầu.
Nhưng khi chữ "tín” lặn mất tăm, mất dạng, làm sao mà hệ thống đứng vững
được? Làm sao mà hệ thống vận hành được? Những nỗ lực dù gọi là mạnh
tay đến mấy cũng bị biến thành những "phần mềm” lạc hậu, quá đát, hết
giá trị. Đã có khái niệm mới là "hacker chính trị”, mà chính những
phương pháp chính trị, quản trị, có khi cả thống trị đã sản sinh ra loại
"hacker” này. Nó phá ngang bất kỳ lúc nào. Những lời [giáo] huấn dạy về
đạo đức đã bị chai lỳ, mất tác dụng, không thấm vào đâu. Đây là sự cố
tình trong hệ thống nhằm mục đích vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, tự hạ nhân
cách, coi thường pháp luật và bất chấp cả chân lý, bất cần đến cộng đồng
xã hội, bất cần cả tồn vong của loài người. Họ vì lòng tham cái gì cũng
chỉ thấy cái lợi trước mắt. Đó cũng là hậu họa sinh ra từ thực trạng
thiếu văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo, làm suy thoái "văn hóa lãnh đạo”,
dẫn tới mất nhân tính, loại trừ nhân văn, biến tướng nhân cách. Cho nên,
chính những con người đã ở cương vị lãnh đạo mà vì lòng tham lam vô độ,
vì ngu dốt và vô học đã tự mình làm hỏng hệ thống.
Nhớ lại trong một lần trò chuyện với ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn
Kiệt), chính nhờ tâm hồn rộng mở, biết lắng nghe, không có "vùng cấm”
của ông, tôi đã mạnh dạn trải lòng mình, phản ánh ý kiến chung của nhiều
trí thức trăn trở lo âu về vận nước. Suy cho cùng là con người đâu cũng
vậy, có lòng tham, sân, si. Vấn đề là phải có một hệ thống pháp luật
thực sự để thiết chế cho nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội dân sự,
không bất kỳ tổ chức cá nhân nào được đứng trên Hiến pháp và pháp luật.
Một công ty, doanh nghiệp mà Hội đồng Quản trị cứ can thiệp vào việc của
Ban Giám đốc, hay làm thay, quyết thay cho Ban Giám đốc mà không có sự
giám sát nào thì sẽ ra sao? Một trận đấu thể thao mà cả trọng tài, giám
sát, tổ chức trận đấu đều là một thì thế nào? Một chính quyền địa phương
hay một đất nước mà người lãnh đạo tham gia điều hành trưc tiếp, có
quyền lực tuyệt đối, không ai được phép giám sát, hiệu chỉnh sửa đổi, họ
vừa chủ trương vừa ban hành luật lệ, vừa quản lý điều hành mọi công
việc, vừa tự đánh giá hiệu quả việc mình làm và tự trả lương bổng, khen
thưởng cho mình luôn thì có khách quan? Cái khó là chúng ta có một số
vấn đề lớn nan giải về thể chế là căn nguyên của mọi vấn đề: một đảng
thì làm sao kiểm soát độc quyền (đây là vấn đề được xem là nhạy cảm, khó
nói, dễ bị "chụp mũ” là chống phá, làm mất chế độ); quyền lực có xu
hướng tham nhũng mà quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn tới tham nhũng
lớn mà không ai được phép tiết chế? Các nhóm lợi ích sẽ chắc chắn nổi
lên thao túng trong sự mất kiểm soát vì thiếu pháp luật dân sự trong hệ
thống. Về đất đai, không đa dạng hóa quyền sử dụng, nếu ai nắm pháp luật
trong tay cũng có thể "thu hồi” và cưỡng chế lấy đất của người khác và
giao đất cho người thân, người nhà mình thì xã hội sẽ ra sao? Vấn đề
doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo: tại sao ta cứ khăng khăng một điều mà
thực tế khách quan chưa chứng minh được? Nếu quản lý kinh tế là khoa học
quản lý, thì việc khẳng định một điều chưa có tiền lệ đúng, chưa bao
giờ thành công một cách khách quan trong lịch sử trước giờ trên thế
giới, vậy thì dựa vào lý do gì để đặt doanh nghiệp nhà nước lên vai trò
chủ đạo trong nền kinh tế? Nếu chưa có thực tiễn thì lý luận có giá trị
nào? Nếu vậy đây chỉ mới là giả thiết chứ không phải cơ sở khoa học!!!
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: đây cũng tương tự như
"ước mơ” bay bổng hay sự suy tưởng, lý tưởng tương tự "Doanh nghiệp nhà
nước là chủ đạo trong nền kinh tế” chứ chưa có tiền lệ lịch sử hay luận
chứng khoa học nào. Nếu ai đó đã từng học đại học đều bị hỏi: phương
pháp luận là gì? Cơ sở dữ liệu nào, thực tế ở đâu để xác quyết điều
này??? Nếu không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trên, thì lòng
tham sân si của cá nhân và các nhóm lợi ích đang thắng thế, chắc chắn sẽ
có cơ hội và mảnh đất sống màu mỡ, được dịp ký sinh trên lưng của 90
triệu người dân đất nước ta. Sẽ còn thấy nhiều Vinashin nữa trong tương
lai mà người dân sẽ không ai ngạc nhiên và sẽ còn nhiều vụ Tiên Lãng
khác mà không có gì ngăn cản nổi!!!
Ngay cả những người đang thời đắc ý thì khi hết thời, mất chức, con
cháu họ vẫn phải tiếp tục sống trong cái hệ thống mà họ đã góp phần dựng
nên? Và tới lúc chính cái hệ thống thể chế đó, giờ tới thời của người
khác, nhóm lợi ích khác sẽ quay lại đè bẹp, lấy mất các thành quả hay
lợi ích mà họ kiếm được trong thời vượng thế đắc ý. Hôm nay, anh có thể
dùng thế lực để lấy đất của anh Vươn, ở Tiên Lãng, có chắc là anh giữ
được nó cho con cháu anh khi anh hết thời sau này? Quyền lực và tiền bạc
nhiều như Ghadafi ở Lybia kết cục ra sao ai cũng biết?
Nếu đi nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ thấy cán bộ cấp xã, huyện, thậm chí
cả cấp tỉnh nhiều nơi bây giờ rất kém về trình độ chung, rất thô thiển
trong giao tiếp với nhân dân, hầu như không có kỹ năng quản lý chứ đừng
nói đến trình độ lãnh đạo. Những người có năng lực ở những vùng xa
thường tìm cách rời bỏ quê hương đi kiếm sống khi có cơ hội. Người có
năng lực trong hàng ngũ đảng viên tại chỗ cũng không muốn phải mệt mỏi
đứng mũi chịu sào mà tìm mọi cách vào được những vị trí có "cửa”. Đến
những nơi đồng bào nghèo ở miền núi càng thấy rõ là việc mưu sinh của họ
bị bỏ mặc, có một số dự án giúp họ định cư thì có rất nhiều dấu hiệu là
vốn đầu tư bị rút ruột qua nhiều chỗ nghẽn, hoặc chỉ làm cho có một cái
báo cáo xong là thôi. Không khí làng xã ở những vùng xa mặt trời này
thường là u ám, dân sợ xã hội đen và sợ cả chính quyền, rất hiếm thấy ai
hiểu rằng chính quyền là giúp họ, hoặc công an là để bảo vệ họ mà chỉ
thấy cảm giác là người dân bị áp chế nặng nề quá làm họ sống trong sợ
hãi!
Dù sao, chúng ta cũng may mắn hơn người dân Bắc Triều Tiên, hay Tân
Cương, Nội Mông, Tây Tạng vì đất nước đã mở cửa. Các tương tác với quốc
tế, người dân có cơ hội học tập, hiểu biết sẽ là yếu tố tất yếu dẫn tới
thay đổi sớm hay muộn, vì con người ở đâu cũng có nhu cầu như nhau, ước
mơ phù hợp quy luật như nhau. Không thể chúng ta cứ là "ốc đảo dị
thường” mãi?
Xã hội ta đang loạn trị và không biết cách trị loạn. Cái gốc sinh
loạn không trị, lại đi bênh che cho cái lối "hớt ngọn” để mầm loạn có
thêm "kích thích tố” mọc mầm, đẻ nhánh ngày càng nhanh, thậm chí nguy
đến sự tồn vong của chế độ.
Trước đây, thành quả đổi mới của chúng còn hạn chế vì chỉ đổi mới từ
dưới lên trên điển hình như Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Cuộc sống ngày nay
và vận nước đòi hỏi phải đổi mới từ trên xuống dưới. Nếu lãnh đạo mạnh
dạn đổi mới sớm hệ thống còn rất nhiều bất cập, dám hy sinh lợi ích
nhóm, vượt lên chính mình, thoát khỏi "vòng kim cô” ý thức hệ thì đất
nước sẽ tiến nhanh. Không tư nhân hóa, thị trường hóa, xây dựng nhà nước
pháp quyền và xã hội dân sự sớm thì sẽ kiềm chế năng lực phát triển của
đất nước. Đất nước sẽ vinh danh các nhà lãnh đạo dám đổi mới, cải cách,
làm cách mạng mới, dám hy sinh lợi ích cá nhân phục vụ tổ quốc, đưa đất
nước thoát khỏi vòng lẩn quẩn, lạc hậu, đói nghèo.
Tô Văn Trường
Nguồn: nguoilotgach.blogspot.com