Chủ trì hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của ngành công an, với sự hiện diện của chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an nói rằng cần chống thói vô cảm làm tổn hại đến quan hệ công an với dân.
Trong buổi họp được truyền hình đăng tải cho thấy không khí khá nặng nề, ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã chủ trì hội nghị nhằm thực hiện nghị quyết trung ương 4 về phê bình và tự phê bình.
Đây là hội nghị kéo dài 5 ngày, từ 29/8/2012 của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tại Hà Nội, nhằm nhấn mạnh sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với ngành công an trong bối cảnh các vụ án kinh tế – ngân hàng lớn gây xôn xao dư luận.
Ngành công an Việt Nam cũng đang bị phê phán vì các vụ sử dụng bạo lực gây chết dân trong những lần bắt và tạm giữ bình thường nhất.
Lãnh đạo hai bên
Ngoài các công tác chống diễn biến hòa bình, hàm ý phản bác lại xu hướng dân chủ đa nguyên, Đảng còn nhấn mạnh rằng ngành công an còn có nhiệm vụ chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.
Lãnh đạo công an Việt Nam cam kết sẽ "đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng còn tồn đọng".
Thượng tướng Trần Đại Quang, người có vai trò quan trọng trong vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên gần đây, cũng đã nêu ý kiến chỉ đạo các cán bộ cao cấp của ngành công an phải "xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về công tác cán bộ".
Sự có mặt của hai vị lãnh đạo, một bên là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một bên là Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp được đài VTV chiếu hôm 30/8 và nhiều trang mạng xã hội lưu lại, đã gây sự chú ý của dư luận.
"Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật khách quan, toàn diện, không nể nang, né tránh "
VTV1
Bình luận trên một số trang mạng nói "không khí có vẻ căng”, nhất là sau các vụ bắt quan chức và lãnh đạo ngân hàng được cho là có quan hệ thân tín với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Khác với những hội nghị kiểm điểm nội bộ chung chung trước đây, văn bản được truyền thông Việt Nam trích đăng từ Hội nghị lần này nói đến các "báo cáo kiểm điểm của tập thể” và của cả các "cá nhân” trong bộ máy lãnh đạo ngành công an.
Ngoài ra, hội nghị cũng "kết hợp giải trình ý kiến đóng góp đối với tập thể và cá nhân Ban Thường vụ”.
Tuy không nói gì cụ thể về các vụ bạo lực nhiều khi gây tử vong với dân, lãnh đạo ngành công an, qua lời ông Trần Đại Quang nói tới nhu cầu "tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân”.
Lời thuyết minh trên VTV1 nói:
"Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật khách quan, toàn diện, không nể nang, né tránh,"
"Trong công tác, chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; kiên quyết chống tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân."
Công an Việt Nam cũng được yêu cầu phải "khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm làm tổn hại đến mối quan hệ giữa nhân dân với lực lượng công an”.
Chỉ một ngày sau khi diễn ra cuộc họp khai mạc hội nghị đã có thêm một vụ dân bị chết trong đồn công an ở Đông Anh, Hà Nội.
Vụ ông Nguyễn Mậu Thuận, 54 tuổi, 'đột tử' chỉ vài giờ sau khi vào đồn công an tại xã Kim Nỗ hôm 30/8 đã khiến các ông Hoàng Ngọc Tuyên, 32 tuổi, phó công an xã Kim Nỗ và ba công an Đoàn Văn Tuyến, 29 tuổi, Hoàng Ngọc Thức, 24 tuổi và Nguyễn Trọng Kiên, 21 tuổi bị buộc tội 'cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người'.
Cũng trong tháng 7 năm nay, tòa án tại Hà Nội đã y án sơ thẩm chỉ có bốn năm tù giam với một trung tá công an, ông Nguyễn Văn Ninh gây ra cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng hồi đầu 2011.
Trước đó, báo chí Việt Nam cũng đưa tin về vụ thắc mắc tử vong vì 'treo cổ' ở đồn công an Bến Cát, Bình Dương hồi 2011.