Báo
chí Việt Nam cho hay, trong một phiên họp mới đây về cải cách hành
chánh tổ chức tại Hà Nội, nhiều bộ trưởng có mặt đã bày tỏ sự bất lực
của mình đối với nhiều cán bộ, công chức dưới quyền.
Photo courtesy of ngoquyen.gov.vn
Quang
cảnh hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động bản tin "Thông tin cải cách nền
hành chính nhà nước" do Bộ Nội Vụ tổ chức tại quận Ngô Quyền-Hải Phòng
năm 2009
Theo ông Vụ Trưởng Vụ cải cách hành chánh thì các lãnh đạo bộ ngành
thừa nhận, trong cơ quan do mình trách nhiệm chỉ có hơn 30% công chức
thật sự làm việc, 30% gọi là có làm việc, và 30% còn lại không làm gì.
Đề tài vừa được phổ biến trên báo điện tử Vietnameconomy.
Thủ tục rườm rà
Gần đây, chánh phủ Việt Nam cho tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc
cải cách hành chánh. Trong giai đoạn 2007-2010, mục tiêu đặt ra là phải
đơn giản hóa tối thiểu 30% trong tổng số hơn 5700 thủ tục hành chánh.
Số liệu thống kê đưa ra con số hơn 6000 tỷ đồng là tiền mà ngân sách
quốc gia tiết kiệm được, nếu nhà nước đồng ý dỡ bỏ khoảng 256 thủ tục
hành chánh.
Đối với công chức mà có tạo ra được thu nhập chính đáng, thì nó sẽ khích lệ và làm cho công việc có hiệu quả hơn.
Ô. Dương Trung Quốc - ĐBQH Đồng Nai
Chương trình cải tổ nền hành chánh được xây dựng trên các tiêu chuẩn
được xem là chiến lược bao gồm các nguyên tắc đổi mới thể chế, đổi mới
tổ chức, đổi mới nguồn nhân lực, đổi mới hệ thống tài chánh công.
Khi tổng kết thành quả bước đầu sau nhiều năm thực hiện cải cách
hành chánh, ông Đinh Duy Hoà, Vụ Trưởng Vụ Cải cách hành chánh cho
rằng, nền hành chánh công ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp với thể chế kinh
tế ở Việt Nam, vì thế nền hánh chánh công chưa thích ứng với hoàn cảnh
thực tế, là điều dễ hiểu.
Nhân viên chưa làm hết việc
Ông Hoà cũng kể lại là nhiều bộ trưởng thừa nhận trong cơ quan mình
có hơn một phần ba công chức thật sự làm việc, một phần ba xem như có
làm việc, còn phần còn lại không làm gì.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội đơn vị Đồng Nai, cựu quan
chức nhà nước nói lên suy nghĩ của ông về tỷ lệ cho rằng, chỉ một phần
ba công chức ở Việt Nam thật sự làm việc:
" Đưa ra một định lượng như thế thì không biết căn cứ vào đâu. Đối
với công chức thì có một cái khung chung về đào tạo và công việc, nhưng
đương nhiên là có liên quan đến bộ máy, đến hệ thống.
Một cơ quan hành chánh nhà nước tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu. Photo courtesy of tltt.baria-vungtau.gov.vn
Hiện nay ở Việt Nam đang đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến cải cách
hành chánh, nên tính hiệu quả có thể chưa cao, hoặc quản lý công chức
lỏng lẻo, có thể xảy ra nơi này, nơi kia. Nói đến chuyện công chức chỉ
làm việc 30%, định lượng đó là 30% khối lượng công việc hay thời gian
làm việc?
Con số ấy không có căn cứ, tuy nhiên phải nói là trong điều kiện
hiện nay, đồng lương mà công chức được hưởng cũng tạo ra cái tâm lý,
năng suất làm việc của cán bộ, công chức. Đấy là một vấn đề hết sức
quan trọng, khi đặt ngay bên cạnh các doanh nghiệp hay cơ quan tư
nhân, thì ta sẽ thấy ngay ý thức làm việc như thế nào.
Đối với công chức mà có tạo ra được thu nhập chính đáng, thì nó sẽ
khích lệ và làm cho công việc có hiệu quả hơn. Cái tình trạng mà công
chức có thể chưa làm hết bổn phận của mình trong cơ quan, điều đó có
thể xảy ra, nhưng mà đặt ra một cái định lượng thì không thể bình luận
được.”
Một nữ công nhân viên nghỉ hưu, bà Khoa Đỗ từ Saigon cho rằng không
thể nói công chức không làm việc, theo bà thì đội ngũ này chưa làm hết
việc, hết giờ như quy định:
"Hồi nào tới giờ mấy ông bà công chức cứ tà tà, nói vậy chứ người ta
vẫn có đi làm, nhưng không làm việc như người ngoại quốc, giờ là giờ,
công việc là công việc, chứ không có chuyện rảnh rang. Còn công chức
của mình, dù có nói 8 hay 9 giờ vô làm, nhưng lúc ấy mỗi văn phòng chỉ
có một, hai người thôi, còn mấy người kia thì lặn.
Hồi nào tới giờ mấy ông bà công chức cứ tà tà, dù có nói 8
hay 9 giờ vô làm, nhưng lúc ấy mỗi văn phòng chỉ có một, hai người
thôi, còn mấy người kia thì lặn.
Bà Khoa Đỗ - công chức nghỉ hưu
Có khi thì họ bận việc gì, hay là đi ăn hay làm chuyện này, chuyện
kia, nhưng vẫn là làm việc. Xưa tới giờ vẫn vậy, bảy giờ rưỡi vẫn còn
ngoài đường cái, văn phòng 10 người thì có mặt 6 thôi. Nói là công chức
không làm việc thì cũng không đúng đâu.”
Theo dư luận thì đồng lương thấp là một trong nhiều nguyên nhân
chính tạo ra tình trạng thiếu hiệu quả của bộ máy hành chánh Việt Nam.
Việc trả lương xứng đáng cho công chức đã được nghị quyết trung ương
đảng khoá 8, hồi năm 1999 đề cập đến vì nhận định rằng, xét tăng lương
cho công chức là xây dựng đội ngũ công chức có năng lực cao, hầu góp
phần đầu tư mạnh mẽ cho nhu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, khi nhìn vào thực tế, người ta mới thấy
rõ là những kế hoạch và yêu cầu đó đã không mang lại kết quả cụ thể nào.