Tạ Nhất Linh (Danlambao)
- Vào giai đoạn cuối của một chế độ độc tài hay độc đảng, những kẻ cầm
quyền bao giờ cũng có ‘công’ tự tay phá nát hệ thống cai trị của mình.
Đó là quy luật.
Bạn hãy hình dung một chế độ hà khắc kiểu như chế độ CSVN, nhưng ít
nhiều có khả năng tự điều chỉnh, và cứ đến khi dân chúng bị dồn đến thế
cùng, chuẩn bị nổi dậy thì nhà cầm quyền lại điều chỉnh chút-chút, đủ để
nguội bớt lò lửa căm phẫn, và cứ thế kéo dài. Một chế độ như vậy có lẽ
sẽ tồn tại mãi, nhất là khi không có những tác động đủ mạnh từ bên
ngoài.
Nhưng điều đó chỉ có trong tưởng tượng. Trên thực tế, những kẻ có quyền
lực gần như vô hạn bao giờ cũng tự tay làm những việc để kết liễu đời
mình, và kết liễu một cách thảm hại.
Một khi kẻ cầm quyền trị vì đã đủ lâu thì chính quyền lực (cộng với tiền
và gái) sẽ làm y tha hóa. Ngay cả những kẻ ban đầu vốn là gương sáng
cho đời rồi cũng sẽ đổ đốn. Còn với những kẻ ban đầu vốn đã tầm thường,
tìm kiếm chức tước để thỏa mãn dục vọng, thì quyền lực càng làm y tha
hóa nhanh hơn. Nhất là khi tuổi đã cao, sự minh mẫn kém đi, không còn đủ
để nhận ra những mối nguy đang đến, lại bị bao vây bởi những kẻ xu
nịnh, bị lừa bởi những lời tâu sai sự thật và bị xúi giục bởi đám vợ con
tham lam, y sẽ càng hành động như thiêu thân, tự đào huyệt chôn mình.
Đó là quy luật.
Cho dù có ai đó nói thẳng với kẻ cầm quyền đó rằng y làm như vậy là tự
giết mình, y cũng chỉ cho đó là lời nói nhảm nhí. Cho dù y chứng kiến
đồng loại ở nước khác bị nhân dân cắt cổ, y cũng chỉ cho rằng đó là do
kẻ kia không khôn ngoan được bằng y nên mới chịu kết cục như vậy. Thậm
chí khi đã cận kề cái chết, y lại càng hành động điên rồ hơn, và khi đó
mỗi hành động đều làm cho lỗ huyệt rộng thêm, sâu thêm, và làm y gần mép
huyệt hơn.
Nhưng cũng hiếm có một kẻ nhanh hóa điên như thủ tướng Việt gian Nguyễn Tấn Dũng.
Trên thực tế, đây là một con người xảo trá hạng một. Ông ta có thể trở
mặt nhanh như trở bàn tay. Những vụ như PMU-18 (bắt Nguyễn Việt Tiến rồi
lại thả ra và bắt tướng Quắc cùng hai nhà báo), Bauxite Tây Nguyên
(chống rồi lại hối thúc triển khai), Luật biểu tình (đề xuất xây dựng
rồi bắt người đi biểu tình) và không biết bao nhiêu vụ khác minh chứng
cho sự xảo trá vô biên của ông ta.
Tuy nhiên, khi đã cảm thấy quyền lực (gắn với lượng tiền khổng lồ mà ông
ta được quyền chi) gần như vô hạn thì đầu óc của kẻ xảo trá đó đã quay
cuồng, và ông ta bắt đầu hành động trong trạng thái gần như điên ngộ.
Lòng tham đã làm ông ta tin dùng những kẻ cũng tham như ông ta và liên
kết với các nhân vật mafia để phá nát ngân sách nhà nước đem chia nhau.
Lòng tham đã thúc đẩy ông ta bật đèn xanh cho con em và đám đệ tử cướp
đi những miếng ăn cuối cùng của đám dân nghèo, cướp đi cả nhà cửa ruộng
vườn của họ. Lòng tham không cho phép ông ta ‘ăn chia’ công bằng với
những đồng liêu trong cái gọi là ‘bộ chính trị’, thúc đẩy ông ta tìm
cách hãm hại bao nhiêu người chính trực và cả chính các ‘đồng chí’ của
mình.
Những hành động của Nguyễn Tấn Dũng đã làm cho dân chúng oán hận và
chính các ‘đồng chí’ phải dàn trận tấn công. Và ông ta đương nhiên cũng
điên cuồng phản công.
Cuộc chiến giữa các phe nhóm thực chất đã tuyên cáo về sự tiêu vong của
đảng CSVN. ‘Chỉnh đốn đảng’ của Nguyễn Phú Trọng đã không còn mang ý
nghĩa vì sự tồn vong của đảng nữa.
Trước mắt sẽ là những năm tháng đầy khó khăn đối với các tầng lớp nhân
dân. Xã hội sẽ hỗn loạn và vô chính phủ, cho dù một chính phủ trên danh
nghĩa vẫn còn tồn tại thêm một thời gian nữa.
Nhưng thà như vậy, rồi sau đó xã hội sẽ buộc phải ổn định dần và đi theo
con đường mới, còn hơn là nhân dân phải sống mãi dưới sự cai trị của
một tập đoàn đốn mạt!
Và trong tiến trình đó có công của Nguyễn Tấn Dũng và ‘bộ sậu’ của ông ta.
Chỉ có điều, công đó không được tính để tha tội cho ông ta, vì nó không bao giờ đủ để đền tội.
|