§ Hà Long
Quốc hội cộng sản Tàu đã khai mạc phiên họp thường niên vào thứ sáu,
05/3/2010 tại đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh với 3.000 Đại biểu
Nhân dân Toàn quốc, một quốc hội có nhiều đại biểu nhất thế giới được
kéo dài trong 10 ngày.
Trong đại sảnh đường hoành tráng các quan sát viên chỉ thấy một màu
duy nhất: màu máu đỏ tươi. Đỏ, đỏ ở khắp mọi nơi: Ngôi sao sáng trên
trần nhà, thảm nhà, những lá cờ và màn cửa, băng rôn, tấm hoành phi
biểu tượng của thủ đô. Và tiếp theo là các khuôn mặt của 3.000 Đại biểu
nghiêm trang lạ thường.
Bục chủ tọa được trang trí xa hoa, trong hai hàng đầu tiên thuộc bộ
chính trị, đối diện gần 3.000 đại biểu, một nghị viện lớn nhất thế
giới. Hình như họ đang sống trong thời đại đồ đá của chủ nghĩa cộng
sản. Nơi đây những người đại diện nhân dân không được phép đưa tay giơ
lá phiếu quyết định của chính mình nhưng chỉ phải gật đầu, dân gian gọi
là nghị gật. Đúng ra họ chỉ vâng lời gật cho những gì đảng đề ra, hay
nói đúng hơn họ dựa vào những điều thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra bản thảo
trong ngày đầu tiên của phiên họp quốc hội để giơ tay bỏ phiếu.
Quốc hội đặt trọng tâm vào kinh tế và cải tạo các dự án xã hội để
lấy lại cán cân thu nhập trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.
Cơn giông khủng hoảng đã thổi mạnh vào nước Tàu năm 2009, cho dù mức
tăng trưởng tại đây so với thế giới vẫn đứng đầu bảng với 8,7%, nhưng
lầu đầu tiên cộng sản Tàu phải thâm hụt kỷ lục về ngân sách quốc gia
đến 113 tỷ đôla trong năm 2009. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt tiêu đề trong
bài diễn văn: "Đây là năm rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng
hoảng tài chính toàn cầu."
Cộng sản Tàu lo ngại cho mức độ thâm hụt kinh tế cao nhất kể từ ngày
thành lập nước Cộng hòa Nhân dân đã được 60 năm. Thâm hụt ước tính
khoảng 2,8 phần trăm của GDP theo mức độ quốc tế chấp nhận là 3%. Đó là
nỗi lo to lớn của cộng sản Tàu trong đại hội đảng 2010.
Nguyên nhân chính theo Ôn Gia Bảo là thiếu các nguồn thu nhập của
chính phủ do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Lỗi lầm phát
xuất từ các khoản tín dụng do nhà nước phân phát rộng rãi đến các doanh
nghiệp quốc doanh, trong khi các công ty tư nhân không được để ý đến.
Điều này có thể gây ra mất kiểm soát về kinh tế. Ngoài ra nhiều nguồn
vốn đã ngấm ngầm chảy vào lĩnh vực bất động sản và làm cho nhà cửa tăng
giá lên cao vùn vụt.
Gia tăng hỗ trợ nông dân, cải thiện môi trường và xã hội
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra đường lối cải thiện xã hội của người dân
là mục tiêu căn bản của sự phát triển kinh tế. Nâng cao đời sống của
người dân để gia tăng kinh tế và tạo ra ổn định xã hội. Với 1,3 tỷ dân,
hầu hết thuộc diện nghèo và hàng triệu người tha hương lên sinh sống
tại các thành phố với đồng lương rẻ mạc. Đặc biệt trong các vùng nông
thôn không thể được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế nhảy vọt
của những năm gần đây, mà tự nó chỉ nó thể xảy ra một ít nơi như tại
thành phố như Thượng Hải. Một điều hãi hùng cho 230 triệu công nhân di
dân chưa có quyền cư trú, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Theo thống kê của năm 2008 cho biết: Thu nhập bình quân đầu người là
1.717 Euro ở thành phố, và 515 Euro ở nông thôn. Đã có hơn 825.000
người ở Tàu với tài sản riêng hơn 10 triệu nhân dân tệ, và 51.000 người
với hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 10 triệu Euro)! Một số 145.000
triệu phú và đa triệu phú sống tại thủ đô Bắc Kinh. 45% tổng số dân số
sống trong thành phố, và 55% sống ở nông thôn.
Để giải quyết các khoảng cách chênh lệch giàu nghèo to lớn này ông
Ôn Gia Bảo đề ra kế hoạch tăng cường chi tiêu cho khu vực nông thôn và
các dự án xã hội nhiều hơn ngân sách quốc phòng năm 2010. Ông Bảo tuyên
bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nông nghiệp, nông dân và các
vùng nông thôn" bằng cách hỗ trợ 10 tỷ Euro cho giới nông dân, nghĩa là
tăng 12,8%. Đầu tư vào việc cải thiện môi trường tăng 23% với 15,2 tỷ
Euro. Chi tiêu cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội, việc làm, nhà ở cho
người nghèo tăng 8,8% với 87 tỷ Euro. So với ngân sách quốc phòng được
tăng lên 7,5% cho 2,3 triệu bộ đội với 53 tỷ Euro, tuy nhiên cộng sản
Tàu vẫn bị chỉ trích về ngân sách quốc phòng không được minh bạch, theo
các chuyên gia quốc tế thì bên trong con số chi tiêu cho quốc phòng vẫn
vượt lên cao hơn dự định.
Trải dài của lời phát biểu với 36 trang giấy của ông Ôn Gia Bảo
người ta nhận ra văn bản của các tuyên bố chính sách dành cho năm
ngoái, hầu như các từ ngữ gần giống nhau - một dấu hiệu cho thấy các ưu
tiên của Bắc Kinh không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, kinh phí về giáo
dục, cho lương hưu trí và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng vùng với sự
ưu đãi cho dân số nông thôn sẽ được tăng lên. "Sự phát triển của mạng
lưới an sinh xã hội tốt hơn, mà sẽ cung cấp cho người dân tốc độ, an
toàn cơ bản và giảm lo lắng của họ", ông Ôn Gia Bảo nói.
Kết thúc ông Ôn Gia Bảo thú nhận: Nền kinh tế Tàu đang đứng trước
nguy hiểm, mặc dù có tốc độ tăng trưởng 8,7% cao so với thế giới. Cộng
sản tàu không thể chỉ dựa vào sức mạnh xuất khẩu được làm ra từ hàng
triệu công nhân sống bằng đồng lương rẻ mạc và dựa vào chính sách đầu
tư ồ ạt ra nước ngoài. Ngoài ra ông còn nhắc đến cuộc chiến chống tham
nhũng và các thu nhập to lớn của các cán bộ nhà nước chưa được rõ ràng
công khai.
10 ngày họp đại biểu quốc hội, các đại biểu phải tập trung nghe báo
cáo về ngân sách, các duyệt trình của chính phủ và các cơ quan tư pháp
và sau đó đồng loạt gật đầu biểu quyết như một mệnh lệnh.
Hệ thống an ninh kiểm soát rất nghiêm ngặt cho những ngày hội tại
Bắc Kinh. Theo tập quán theo dõi gắt gao, hàng chục nhà hoạt động nhân
quyền và bất đồng chính kiến được đặt trong vòng kiểm soát của công an,
tạm gọi là quản thúc tại gia. Nhân vật nổi danh, ông Qi Zhiyong cho
biết từ thứ hai 01/3/2010 vừa qua ông không thể rời khỏi căn nhà của
ông. Quanh nhà ông công an canh gác ngày đêm. Ông nói: "Nếu tôi muốn ra
ngoài, thì phải đi xe của cảnh sát." Ngoài ra, bà Zeng Jinyan, vợ của
nhà bất đồng chính kiến Hu Jia đang bị giam tù, cũng bị theo dõi nghiêm
ngặt tại nhà.
Hà Long
|