Võ Văn Tạo/Ba Sàm News
– Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) được giới chuyên gia kinh tế và hàng hải
đánh giá có lợi thế hiếm có để xây dựng cảng nước sâu (22-30m), không bị
bồi lấp, gần trục hàng hải Đông Tây, thuận lợi cho việc xây dựng cảng
trung chuyển quốc tế như Singapore. Thậm chí, nếu kế hoạch đào kênh Kra ở
miền Nam Thái Lan được triển khai, tàu bè sẽ chọn vào Vân Phong để
trung chuyển hàng, không phải đi vòng xuống phía Nam để qua Singapore
(vừa tốn kém, vừa nguy hiểm do nạn cướp biển).
Vì vậy, ngành hàng hải VN đã nghiên cứu
xây dựng ở vịnh Vân Phong cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (CTCQTVP).
Trong quy hoạch hệ thống cảng biển VN đến 2020, Vân Phong là CTCQT duy
nhất của VN. Quy hoạch này đã được các bộ ngành thống nhất, Chính phủ đã
phê duyệt cách nay hơn chục năm. Nếu cảng này thành công, sẽ mang lại
nguồn lợi lớn, tạo bước bứt phá về kinh tế cho VN.
Sau nhiều chậm trễ không đáng có, theo
kế hoạch, ngày 25-1-2008, khởi công CTCQTVP. Bỗng ngày 15-1-2008, VPCP
có công văn thông báo ý kiến Thủ tướng, yêu cầu "dừng khởi công Dự án CTCQTVP để làm rõ một số vấn đề có liên quan".
Sự kiện bất thường này lập tức thu hút
báo chí. Qua tìm hiểu, báo giới biết nguyên nhân của "trục trặc” này là
Posco – Hàn Quốc (tập đoàn thép lớn thứ 3 thế giới) muốn "nẫng tay trên”
vịnh nước sâu Vân Phong. Trước đó, đã có 2 vị Tổng bí thư, 2 vị Thủ
tướng VN sang Hàn, thăm Posco (lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi vào
công cán Khánh Hòa). Khi Thủ tướng Phan Văn Khải còn tại vị, Khánh Hòa
là "lãnh địa” của bà Tư Hường (Cty Hoàn Cầu). Lúc ông Khải gần hết nhiệm
kỳ, bà Hường "rủ” bà Hai Tâm (chị ruột phó thủ tướng NT Dũng) từ SG ra
Khánh Hòa "lập nghiệp”. Ban đầu 2 bà làm ăn chung. Sau đó, 2 con hổ cái
giành ăn, cắn nhau chí tử, tố cáo nhau lên cả Bộ Chính trị. Khánh Hòa
nghiêng phía bà Hường – ông Khải. Phó thủ tướng Dũng giận Khánh Hòa từ
đó. Ông Dũng lên Thủ tướng, Khánh Hòa nhiều lần mời vào thăm, ông không
vào.
Cuối 2007, nhân kỳ họp trung ương, Bí
thư Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự ngỏ ý mời cơm Thủ tướng để làm hòa. Nhân bữa
cơm "thân mật”, ông Dũng gợi ý Posco muốn làm tổ hợp sản xuất thép và
nhiệt điện cực lớn ở Vân Phong. Ông Tự oke cái rụp, vừa đẹp lòng ông
Dũng, vừa mơ có thêm nhà đầu tư làm dự án, cung phụng lãnh đạo tỉnh như
nhà máy Hyundai
– Vinashin vẫn cung phụng. Kế hoạch hất cẳng CTCQTVP ra khỏi vịnh nước
sâu độc nhất vô nhị của VN khởi sự sau bữa cơm ấy, bất chấp nhiều bộ,
ngành (Xây Dựng, TNMT…) không đồng tình, do quan ngại phá vỡ quy hoạch
đã có và tác động xấu đến môi trường lý tưởng ở Vân Phong. Posco liên
tiếp mời hàng chục đoàn ở trung ương và Khánh Hòa sàng Hàn "tham quan”,
tặng quà…
Một chiến dịch báo chí phản biện đòi
Posco "cuốn gói” được một số nhà báo ở Khánh Hòa khởi sự. Có nhà báo kêu
gọi đồng nghiệp cả nước vào cuộc. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Nông
Thôn Ngày Nay, Tiền Phong, Vietnamnet, Sài Gòn GP, Kinh Tế SG, Nhân Dân,
Lao Động, VTV… lần lượt nhập cuộc. Hàng chục chuyên gia, nhà quản lý
tên tuổi trong và ngoài nước lên tiếng. Riêng Tuổi Trẻ "chơi” loạt "đại
bác” 10 bài, kết thúc bằng bài "Của để dành cho con cháu chúng ta” của
Võ Văn Kiệt.
Ròng rã nhiều tháng, hàng trăm bài báo
cùng ủng hộ cảng, phản đối thép. Một số cựu quan chức hàng hải như tiến
sĩ Chu Quang Thứ – quyền Cục trưởng HH, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng – Trưởng
ban hạ tầng cơ sở cảng biển Cục HH, đương kim Trưởng ban hạ tầng cơ sở
cảng biển Dương Tiến Dũng cũng quyết liệt bảo vệ cảng. Hàng chục bài báo
được đặt lên bàn Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (vốn là Trưởng
Ban kinh tế TW), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trực
tiếp báo cáo với các vị Trương Tấn Sang, Đỗ Mười.
…
Rốt cuộc, Posco phải cuốn gói.
Nhưng đáng buồn thay, dự án tầm quốc gia
hết sức quan trọng này lại được Chính phủ giao cho "con tàu rách nát
sắp chìm” Vinalines làm chủ đầu tư.
Sáng 31-10-2009, lễ khởi công giai đoạn
khởi động CTCQTVP được tổ chức hoành tráng tại Vân Phong, với sự tham
gia của Thủ tướng NT Dũng, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, cùng đông đảo
lãnh đạo quan chức bộ ngành, địa phương… Đêm hôm trước (30-10-2009), tại
khách sạn Yasaka – Sài Gòn – Nha Trang, nhóm 5 người tâm huyết với
CTCQTVP trầm ngâm nhấp rượu than vãn: "Giao cho ai chẳng giao, lại giao
vào tay Dương Chí Dũng (Vinalines) bất tài, đang khánh kiệt. Làm ăn kiểu
này thì Vân Phong mãi mãi vẫn là tiềm năng”.
Tâm trạng ấy hôm nay đã được minh chứng. Vinalines chìm nghỉm, Dương Chí Dũng truy nã lao lý, CTCQTVP "trôi” về đâu?
V.V.T.

Ảnh: Ông Dương Chí Dũng (bên phải Thủ tướng) trong buổi khởi công Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (ảnh V.Tạo).
Võ Văn Tạo/Ba Sàm News
|