Tối
qua đài truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự dành hết thời gian
chiếu về hoạt động của Đảng CSVN nhằm chuẩn bị cho đại hội sắp tới,
trong đó có những dự thảo.
Đặc biệt trong mớ từ ngữ chung chung
quen thuộc đến mức không cần xem người ta cũng đoán chắc là có như phát
triển kinh tế bền vững, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng
cường cảnh giác trước âm mưu của thế lực thù địch, xây dựng đảng vững
mạnh xứng đáng là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân.. có một
đoạn rất rõ ràng.
Đoạn rõ ràng nhất trong văn kiện được đưa ra đó là việc thực hiện đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Cũng như việc khai thác bau- xit, sau nhiều tranh cãi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấm dứt tất cả mọi tranh luận bằng câu
- Đây là chủ trương lớn của Đảng.
90%
ông nghị trong quốc hội là đảng viên, mà điều lệ đã quy định, đảng viên
phải tuyệt đối chấp hành chủ trương, đường lối của ĐCSVN. Cho nên việc
cho Trung Quốc khai thác Bau - Xít là việc đã rồi, thêm cái phần quốc
hội nhấn nút biểu quyết chỉ là một thủ tục.
Vậy là dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã đi vào văn kiện, vào chủ trương của Đảng lãnh đạo duy nhất và toàn diện.
Nói đến dự án này làm có nên hay không thì có nhiều khía cạnh.
Việt
Nam là một đất nước có chiều dài, với hình thù địa lý như vậy làm đường
cao tốc là nên làm. Việc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước là chủ
trương đúng của Đảng, như dân gian thường bảo '' nói như đúng rồi''
vậy, vì đương nhiên chẳng ai dám chủ trương lạc hậu hóa, thô sơ hóa đất
nước cả. Với hệ thống đường sắt lạc hậu, những con tàu sắt TN già nua
kẽo kẹt hay nhanh hơn tí là tàu SE không giải quyết được nhu cầu đi
lại của người dân. Nói đến hàng không thì cảng hàng không cách xa Hà
Nội vài chục cây, khách đi sớm vì lo tắc đường, đến nơi chờ đợi làm thủ
tục, chờ đợi bảo dưỡng máy bay, chờ máy bay trễ giờ...so với tàu cao
tốc nếu có thì thời gian đến một nơi nào đó như Huế , có khi đi tàu cao
tốc còn nhanh hơn cả máy bay. Còn đường bộ thì thôi rồi, đi đường 1A cũ
là cả một nỗi kinh hoàng, đi đường HCM lỡ hỏng xe, xịt lốp, hết xăng,
gặp cướp...cũng nản lòng người.
Vậy làm đường cao tốc Bắc - Nam
là đúng với nhu cầu giao thông của người dân, đúng với chủ trương hiện
đại hóa đất nước. Đúng như đúng rồi mà dân đen hay nói vậy.
Nhưng
có điều số tiền để làm đường cao tốc Bắc- Nam lớn quá, những 56 tỷ đô
la. Chúng ta không có sẵn từ tiềm lực của mình mà là đi vay. Đó mới là
chuyện đáng nói. Tham nhũng ai cũng biết là quốc nạn ở đất nước ta, dù
công cuộc chống tham nhũng được Đảng kêu gọi mấy năm nay nhưng kết quả
đến đâu thì ai cũng thấy rõ. Giờ đi vay số tiền khổng lồ về khi mà tham
nhũng tràn lan, lại không có những người cán bộ có tâm có tài quản lý.
Khi đội ngũ nhà quản lý mà tài năng lẫn đạo đức như Đào Đình Bình,
Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Phạm Thanh Bình còn đầy nhan nhản
trong bộ máy nhà nước. Khó lòng mà trấn an là đâu chỉ có những người
như thế, còn đầy những người có đức có tài mà. Tất nhiên là có những
người như vậy, nhưng vay từng ấy tiền về làm thì không thể biện minh
theo kiểu mạo hiểm là cũng có người tài đức kiểu như xã hội cũng có mặt
này, mặt kia, người này, người kia. Tiền bạc là chuyện bỏ ra phải chắc
chắn tuyệt đối, không thể mạo hiểm nhất là khi tiền thay mặt dân, thay
mặt đất nước tự đi vay chứ không phải tiền của cá nhân, tổ chức nào có
được bỏ ra.
Chỉ cần thấy ý kiến của các ông lớn ủng hộ dự án này
như '' nước nào có IQ cao thì làm cao tốc'' '' có đường cao tốc đại
biểu sáng đi họp, chiều về tắm biển Sầm Sơn'' cho thấy tư duy, kiến
thức được đến đâu. Một dự án 56 tỷ đô la mà nói như chơi thế,, dân nào
tin được các ông quản lý, điều hành đến nơi, đến chốn được.
Việc
làm được cao tốc đúng như kiểu cách đây 30 năm một nhà dân mơ ước có xe
máy, hay người dân thường bây giờ mơ có ô tô. Rồi thì 30 năm cũng có xe
máy đi, cũng có nhiều nhà có ô tô. Nhưng nếu ở thời điểm đó mà bỏ xe
đạp Hoàn Kiếm, Thống Nhất để thế chấp nhà mua xe máy sử dụng đi làm
công nhân nhà máy dệt 8-3, nhà máy Cao su sao vàng,thuốc lá Thăng Long
thì quả là khôi hài nếu, như giải thích là sau này nhà nào cũng sẽ có
xe máy, đằng nào cũng mua thì mua luôn bây giờ. Trong khi đó giá trị
một chiếc xe máy đến cả chục lượng vàng để dùng vào nhu cầu đi làm công
nhân, đi đến cửa hàng mậu dịch kiếm chỗ xếp hàng nhanh hơn chăng, còn
bây giờ giá của chiếc xe máy tốt chỉ nửa lượng vàng, ngoài nhu cầu đi
làm còn nhiều nhu cầu khác nữa xuất hiện, việc mua xe máy sử dụng là
nhu cầu hợp lý đến mức ai không có mới là chuyện đáng bàn.
Thế
nên việc mua sắm tương ứng với nhu cầu trong khoảng thời gian thực tế
sắp tới mới là chuyện để nói, chứ không thể vin vào đó mà nói chuyện
nhu cầu của 30 năm sau. Như thế là ngụy biện để che đậy mục đích khác
thì đúng hơn.
Ai từng xuôi ngược Nam Bắc trên mọi phương tiện
thì thấy rõ. Xe đò đường bộ dù xập xệ, nhiễu nhương cơm tù, bán khách,
thời gian lê thê, thất thường nhưng vẫn luôn đầy ắp người vì giá rẻ. Vì
người công nhân về quê đồng lương chỉ cho phép anh ta chọn xe đò, bà mẹ
đi thăm con trọ học thành phố mang theo dăm chục ký gạo, can nước mắm
tất phải đắn đo chọn đi cách gì cho rẻ, những người buôn thúng, bán
bưng nữa rất nhiều và rất nhiều những người dân chọn cách di chuyển như
vậy. Làm đường sắt cao tốc cho những người này đi chăng, ai dám khẳng
định mươi năm nữa khi đường cao tốc làm xong họ có điều kiện đi. Cái
này khác với 30 năm trước, vì 30 năm trước con người chưa được giải
phóng về mặt sản xuất kinh doanh, đất nước chưa bị cạn kiệt tài nguyên,
nợ nước ngoài không là mối lo, và tham nhũng hồi đó chưa phải là quốc
nạn. Lúc đó con người, xã hội, đất nước còn tiềm năng , còn sức bật cho
nên lúc mở cửa, đổi mới xã hội có bước tiến nhanh mạnh mà đảng ta gọi
là thành công của mình. Giờ xã hội sau thời kỳ cùng nhau tiến lên đã có
những phân hóa, phần đông người dân đã thấy sự cải thiện đời sống tăng
chậm dần, chỉ có một nhóm người có thế lực, quan hệ, có cơ hội là tiếp
tục tích lũy tài sản với mức độ chóng mặt. Nhìn GDP tăng trưởng nhưng
không phải sự tăng trưởng đồng đều bởi có những đại gia hàng chục nghìn
tỷ và có những công nhân còm cõi đồng lương hơn 1 triệu 1 tháng.
Chon
nên cơ hội phần đông dân nghèo cải thiên tăng thu nhập trong tương lai
sẽ không giống như cách đây 30 năm tăng mạnh đến nay và từ nay đến 30
năm về sau sẽ tăng như vậy. Và câu chuyện chiếc xe máy với tàu cao tốc
với họ cũng tương ứng như vậy.
Một Vinashin tập trung bao ưu ái,
dùng bao nhiêu tiền của để rồi thảm hại bởi những nguyên nhân phần lớn
là do yếu tố con người. 86 ngìn tỷ là con số lớn, là gánh nặng lớn cho
đất nước. Như người lính trên trận tuyến cơ số đạn dược đã khan hiếm
lại bắn vào mục tiêu trống, như nông dân nghèo đã ít đất lại còn trồng
loại cây không ra cây trái, như nhà đầu tư sản xuất sai lầm trong định
hướng kinh doanh. Nếu vay 56 tỷ đô la nữa mà trình độ quản lý, tư duy,
kiến thức, đạo đức kém, lại chọn lựa đầu tư vào dự án thiếu thực tế e
rằng sau đó là một thảm họa cho đất nước, nhân dân.