HÀ NỘI (TH)
- Mấy ngày trước trước khi khai mạc khóa họp đầu trong năm, bên lề Quốc
Hội CSVN có nhiều lời tranh cãi, bàn tán về dự án đường xe lửa cao tốc
sắp được đệ trình để xin chấp thuận tiến hành.
Sự
kỳ lạ của việc đệ trình này từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là trình một
dự án tốn kém hơn $55 tỉ đô la (ước tính bây giờ) xin chấp thuận mà
chưa hề có các khảo cứu khả thi gì cả.

Xe lửa cao tốc. (Hình: webshot.com)
Không
những vậy, những ước tính sơ khởi đều thấy đây là một dự án tốn kém vô
cùng lớn, tăng nợ nần mà dân chúng phải gánh phải trả trong khi không
có hiệu quả kinh tế mà ngay như viên chức trách nhiệm của nhà nước cũng
phải công nhận.
Ngày
20 tháng 5, 2010 khi họp ngày đầu tiên, Quốc Hội Hà Nội dự trù bàn về
dự án này. Ba ngày trước, theo bản tin tường thuật của VietnamNet,
trong cuộc họp báo ở Văn Phòng Quốc Hội, ông Ngô Ðức Thịnh, thứ trưởng
Giao Thông Vận Tải, nói "sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì Bộ GTVT
sẽ tính toán hiệu quả kinh tế và phương án huy động vốn.”
Bộ
Trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, trong ngày 20 tháng 5, công nhận với báo chí
là "hiệu quả kinh tế không cao,” một cách nói tránh né sự thất bại tài
chính hay nhìn thấy lỗ vốn. Tuy nhiên, tại sao "không có hiệu quả kinh
tế” mà vẫn lao tới theo cái kiểu cái cày đặt trước con trâu?
Theo "nhiều nhà khoa học về giao thông” mà Vietnamnet viện dẫn, dự án đường xe lửa cao tốc ở Việt Nam
"dựa vào những dự báo sai số hàng chục lần.” Lượng hành khách, khả năng
mua vé của quần chúng, đều dựa vào những tính toán "giả thiết,” tức ước
tính không có thật ở tương lai một hai chục năm tới. Trong khi đó, số
tiền đầu tư cho dự án đã bằng nửa tổng sản lượng quốc gia.
Theo
báo cáo của nhà cầm quyền Hà Nội "tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt
cao tốc là 1,570 km, bắt đầu từ Hà Nội đến ga cuối là Hòa Hưng (TP
HCM), trong đó cầu cạn dài 1,043 km, cầu vượt sông và đường bộ là 46
km, hầm 117 km, còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Có
tất cả 27 ga. Dự kiến thời gian chạy tàu từ Hà Nội-Hòa Hưng là 5 giờ 38
phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Ðà Nẵng, Nha Trang) và 6
giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Dự
án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một đến 2020 đưa vào khai thác
đoạn từ Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-TP HCM và giai đoạn đến 2030 xây
dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh-Ðà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào
2035. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án khoảng 4,170 ha và 9,480
hộ cần tái định cư.”
Sau
nhiều lần chính phủ Nhật đề nghị, thuyết phục, nhà cầm quyền Hà Nội đã
"có phần chắc” sẽ trao cho nhà thầu Nhật xây dựng hệ thống xe lửa cao
tốc Bắc Nam. Ngày 15 tháng 4, 2010, Bộ Trưởng Thương Mại Nhật Soichi
Matsutomo được thông tấn xã AFP thuật lời nói, "chính phủ Việt Nam
đã quyết định sử dụng công nghệ Shinkensen của Nhật trong một phiên họp
nội các.” Theo lời ông này được AFP thuật lại, các công ty xe lửa của
Nhật như Kawasaki, Mitshubishi dự trù sẽ dành được hợp đồng dù có sự
cạnh tranh ráo riết của Nam Hàn và Trung Quốc.
Nếu dự án này được chấp thuận, việc xây dựng sẽ khởi công từ năm 2012 và dự tính hoàn tất vào năm 2020.
Nhận
định về dự án nói trên, ông Phạm Sỹ Liêm, chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng
Việt Nam cho rằng, "Dự báo của chúng ta về hạ tầng nhiều khi bị thực tế
bỏ xa rất nhanh. Nhưng rất nhiều dự án lại dự báo quá mức dẫn đến những
thất bại thê thảm.”
Ông
Nguyễn Xuân Trục, thuộc Hội Khoa Học Cầu Ðường Việt Nam, nói, "Tôi có
thẩm định một số dự án GTVT. Có những dự án như đường Hồ Chí Minh, hệ
số lưu lượng xe dự báo so với thực tế sai số hàng chục lần. Hãy lấy đó
làm bài học.”
Dự
án xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất là một sự thất bại về hiệu quả
kinh tế nhưng chế độ Hà Nội vẫn nhất quyết bắt Quốc Hội thông qua để
tiến hành dù có rất nhiều lời can ngăn của giới khoa học trong khi
nhiều nhà thầu ngoại quốc đã bỏ chạy. Các dự án khai thác bauxite ở Tây
nguyên cũng từng nổi lên một chiến dịch chống đối dữ dội với đủ mọi thứ
nguy hại nhưng chế độ Hà Nội cũng không nghe ai. Dự án xây dựng lò điện
nguyên tử ở Ninh Thuận cũng đã có rất nhiều phản biện, khuyến cáo ngăn
cản, nhưng chế độ Hà Nội vẫn không nghe.
Theo
ý kiến của bà Phạm Chi Lan, một người từng là đại biểu Quốc Hội CSVN,
có rất nhiều rủi ro và thiệt hại trong dự án đường xe lửa cao tốc nhưng
đều "bị gạt ra ngoài.”
Sau
nhiều thúc giục và hứa hẹn của chính phủ Nhật Bản, ngay từ năm ngoái,
ngày 26 tháng 3, 2009, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, đã ra lệnh
"khẩn trương qui hoạch đường sắt cao tốc Bắc Nam.” Năm 2007, ước tính
tốn kém được một nhóm chuyên gia Nhật và Hàn Quốc ước tính khoảng hơn
$32 tỉ USD. Bây giờ ước tính mới là hơn $55 tỉ USD, đến khi bắt đầu
thực hiện và cho tới khi hoàn tất, dự án này sẽ tốn hơn theo đà lạm
phát và giá cả trang thiết bị gia tăng.
Sau khi hụt thầu xây dựng hai lò điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam
(về tay Nga) chính phủ Nhật ráo riết vận động để lấy dự án xây dựng
đường xe lửa cao tốc. Bộ Trưởng Thương Mại Matsumoto nói chính phủ Nhật
có thể cung cấp cho Việt Nam các khoản tín dụng bằng đồng yen nhưng chi tiết ra sao, chưa thấy đề cập. |