Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-08-09
Một
số cựu tù chính trị vừa được trả tự do hồi cuối năm ngoái, hoặc mới
được trả tự do cách nay vài tháng, cùng khẳng định rằng, trong tù, tù
hình sự rất thương yêu, kính trọng tù chính trị và tù tôn giáo.
Photo courtesy of Vietnamville.ca
Anh
Nguyễn Ngọc Quang cùng Thu Trâm Đứng bên giường bệnh khi MS Nguyễn Hồng
Quang thăm bệnh Chị Bích Khương, ảnh chụp tháng 6 năm 2010.
Đồng
thời, các cựu tù chính trị cũng cho biết chính quyền Việt Nam đang áp dụng
chính sách cách ly tù chính trị với tù hình sự.
Những chi tiết này khác biệt hoàn toàn với những gì người ta
từng được biết về nhà tù và tù chính trị tại Việt Nam. Vì sao có sự
khác biệt này, mời quý vị theo dõi tiếp bài thứ ba trong loạt bài "Đặc
tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam"...
Vì sao phải cách ly tù chính trị và tù hình sự?
Trong
các cuộc trò chuyện với một số cựu tù chính trị, cả ba ông: Nguyễn Hữu Phu,
Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Quang cùng đề cập đến một số chi tiết rất đáng
chú ý về quan hệ giữa tù chính trị, tù tôn giáo với tù hình sự trong nhà tù.
Theo đó, tù hình sự rất thương yêu, kính trọng tù chính trị và tù tôn giáo.
Liệu sự thương yêu, kính trọng này có phải là lý do khiến trại giam phải cách
ly hoàn toàn tù chính trị với tù hình sự? Chúng tôi nhờ ông – từng
bị giam ba năm rưỡi vì tội "Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” -
giải đáp…
Người
tù thường phạm bị ảnh hưởng bởi người tù chính trị khi mà ở chung. Họ sẽ bị
thuyết phục bởi việc làm và nhân cách, tinh thần tương trợ cũng như sự kiên cường,
không khuất phục bạo quyền.
Ô. Nguyễn Bắc Truyển
Trân
Văn: Thưa anh Truyển, tại sao cũng là
tù nhưng có sự cách ly giữa tù chính trị với tù thường phạm?
Nguyễn
Bắc Truyển: Vấn đề này, tôi có thể
trình bày như vầy. Người tù hình sự thì luôn luôn mong muốn được giảm án, tha
tù để sớm trở về với gia đình của họ. Do đó, họ luôn luôn e ngại tiếp xúc với
chúng tôi, cũng như là trại giam luôn luôn tìm cách cách ly chúng tôi với tù
thường phạm.
Tôi
có một trải nghiệm khi ở chung với tù thường phạm từ lúc bị tạm giam cho tới
ngày 18/4/2008, trước khi chúng tôi bị đưa vào biệt giam… Tôi thấy rằng người
tù thường phạm bị ảnh hưởng bởi người tù chính trị khi mà ở chung. Họ sẽ bị
thuyết phục bởi việc làm và nhân cách, tinh thần tương trợ cũng như sự kiên
cường, không khuất phục bạo quyền, cũng như là không bao giờ xin khoan hồng hay
nhận tội, chấp nhận hậu quả mà anh em tù thường phạm hay gọi là "chung
đủ” của người tù chính trị.
Ông Nguyễn Bắc Truyển tại trại giam Xuân Lộc trước đây. Photo courtesy of ddcvn.info
Tù
thường phạm thường nói việc làm của người tù chính trị là vì mọi người, vì đất
nước.
Những
ai mà xúc phạm đến tù chính trị thường bị những người đại ca trong buồng nhắc
nhở là không được làm như thế. Nếu không sẽ bị chính những người đại ca đó xử.
Bản
thân tôi nghĩ rằng, những người tù thường phạm cũng là nạn nhân của chế độ
thôi, họ cần được thương yêu, cảm hóa chứ không phải là phân biệt, khinh
rẻ!
Cựu
tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang - từng bị giam ba năm vì tội "Tuyên truyền chống
nhà nước CHXHCN Việt Nam” - tiết lộ: Trước đây, họ tưởng rằng
có thể dùng anh em giang hồ để khủng bố tù nhân chính trị cho nên người ta nhốt
chung nhưng không ngờ rằng, khí phách của những người tù chính trị đã thu phục
được tù thường phạm và từ đó có những cuộc nổi loạn.
Tù
chính trị được tù thường phạm rất là yêu thương. Cho nên sau này, người ta tách
rời tù chính trị khỏi tù thường phạm. Tôi nghe nói khoảng 1984-1985 là bắt đầu
tách riêng rồi. Tách riêng rất lâu rồi vì họ biết được tù chính trị có sức
thuyết phục rất mạnh đối với tù thường phạm. Vì vậy cho nên họ không nhốt
chung.
Cuộc
phản kháng năm 2007
Như
vậy là sự thương yêu, kính trọng mà tù hình sự dành cho tù chính trị có thể dẫn
đến tình huống, tù chính trị tác động, chi phối tù hình sự? Việc trại giam phải
cách ly hoàn toàn tù chính trị với tù hình sự chính là nhằm ngăn ngừa những
cuộc phản kháng tập thể? Chúng tôi tiếp tục nêu ra các thắc mắc với ông Nguyễn
Hữu Phu - từng bị giam 10 năm vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân”…
Trân
Văn: Thưa anh, trong thực tế, đã có
một số nơi, tù hình sự được dùng như một phương tiện để cải tạo tù chính trị.
Thế thì tại sao ở Z30A lại có chuyện cách ly giữa tù chính trị với tù hình sự?
Ông Nguyễn Hữu Phu. Photo courtesy of thongtinberlin.de
Nguyễn
Hữu Phu: Vấn đề cách ly giữa tù
chính trị với tù hình sự ở Z30A là vì tù chính trị có ảnh hưởng lớn với tù hình
sự.
Trân
Văn: Anh có thể cho một hoặc một số
dẫn chứng về ảnmh hưởng của tù chính trị với tù hình sự không?
Nguyễn
Hữu Phu: Tất cả những quy chế trại
giam mà nhà trại không thực hiện thì tù chính trị đều đấu tranh để bảo vệ quyền
lợi sống riêng và chung trong trại giam và bảo vệ được quyền lợi của người tù
hình sự cho nên người tù hình sự rất là mong muốn được người tù chính trị bảo
vệ.
Trân
Văn: Trên thực tế, tại trại Z30A, đã
có bao giờ người tù chính trị và người tù hình sự cùng lên tiếng để đòi hỏi
quyền lợi chính đáng cho mình không? Nếu có thì sự kiện đó là sự kiện gì, xảy
ra vào thời điểm nào?
Nguyễn
Hữu Phu: Tôi không nhớ cụ thể về
thời gian nhưng khoảng năm 2007, trong một buổi họp đầu tuần tại K3, tù chính
trị và tù hình sự đã cùng nhau đòi hỏi nhà trại, buộc nhà trại phải thỏa mãn
những yêu sách chính đáng.
Nhà
trại đã trấn áp tù hình sự và tất cả tù chính trị, tù hình sự đã ruýt vào hội
trường, đòi gặp giám thị trại giam là Nguyễn Trung Vinh.
Trân
Văn: Thưa anh, sự kiện đó kéo dài
trong bao lâu và kết quả cuối cùng là như thế nào?
Nguyễn
Hữu Phu: Sự kiện đó kéo dài trong
một buổi sáng. Sau đó, ông NguyễnTrung Vinh vào và có hứa hẹn nhưng mà không giải
quyết, không đáp ứng hoàn toàn, hứa hẹn nhưng rồi không đáp ứng. Họ đã đưa một
số tù chính trị, tù hình sự đứng dậy đấu tranh, cách ly ra các trại giam khác
xa hơn.
Liệu
có thể tìm thêm thông tin về cuộc phản kháng năm 2007 của tù chính trị và tù
hình sự tại trại giam Z30A? Chúng tôi quay trở lại với ông Nguyễn Bắc Truyển…
Trân
Văn: Anh có nói đến tác động của tù
chính trị, theo như tôi được biết, năm 2007, hình như là do tác động của tù
chính trị, mà tù nhân tại trại Z30A đã từng chiếm hội trường của một phân trại
trong trại giam này?
Nguyễn
Bắc Truyển: Thưa anh, tôi biết rõ
việc này là bởi vì tôi đã được nghe những anh em tham gia cuộc đấu tranh đó kể
lại khi tôi vào phân trại số 1. Chuyện đó xảy ra ở phân trại số 3. Khi tôi vào
phân trại số 1 thì tôi gặp anh Trần Hoàng Giang và anh Nguyễn Văn Phương. Hai
anh này có kể tôi nghe về sự kiện xảy ra ở phân trại số 3. Sau đó những người
tù chính trị tham gia cuộc đấu tranh đó với anh em tù thường phạm đều bị thuyên
chuyển hết. Chuyển qua các phân trại khác, đi biệt giam, hoặc như anh Trần
Hoàng Giang, anh Nguyễn Văn Phương thì bị chuyển ra phân trại số 1.
Tù chính trị được tù thường phạm rất là yêu thương. Cho nên sau này,
người ta tách rời tù chính trị khỏi tù thường phạm.
Ô. Nguyễn Ngọc Quang
Trân
Văn: Lý do tại sao có sự phản kháng,
diễn biến của sự phản kháng và kết cục của sự phản kháng đó như thế nào?
Nguyễn
Bắc Truyển: Anh em kể lại như vầy
anh! Hôm đó, tù thường phạm bị chèn ép, bị áp đặt, bị cưỡng bức lao động quá
mức nên phản kháng lại bằng cách lên hội trường, không đi lao động. Họ biết
rằng là chắc chắn họ sẽ bị đàn áp nên họ mới kêu những người tù chính trị ở
phân trại số 3 hỗ trợ cho họ.
Anh
biết rồi, tù chính trị ở phân trại số 3 cũng bị giam riêng. Do đó, để ra được,
anh em phải leo hàng rào. Khi đến nơi thì những người cán bộ trại giam đã bắt
đầu đàn áp những người tù thường phạm rồi. Khi có mặt những người tù chính trị,
những người cán bộ trại giam đã ngừng đàn áp và rút về một phía. Bên kia là anh
em tù thường phạm và tù chính trị.
Anh
em tù thường phạm và tù chính trị mới bao vây khu vực hội trường và đóng cửa
hội trường lại. Nghĩa là "nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho cảnh sát
trại giam vào thêm nữa và cũng không để cảnh sát trại giam trong hội trường
bước ra.
Hai
bên nói chuyện với nhau trong hội trường thì diễn tiến rất là căng thẳng… Sau
đó thì ông giám thị trại giam khi ấy là ông Nguyễn Trung Vinh phải vào và phải
hứa hẹn giải quyết các yêu cầu của những anh em tù thường phạm…
Sau
đó, anh biết rồi, luôn luôn "đánh nguội”, những người tù thường phạm và tù
chính trị chỉ huy bị thuyên chuyển qua các trại giam khác hoặc đi xa hơn, hoặc
đi về các phân trại khác thuộc trại giam Xuân Lộc… Đó là những điều mà tôi
biết.
Đến
lúc này, các cuộc trò chuyện với ba cựu tù chính trị cùng hướng vào một nhân
chứng, người được cho là nắm giữ nhiều bí mật về tương quan giữa nhà tù với tù
chính trị. Nhân chứng này đã từng được công luận nhắc đến, song câu chuyện về
ông vẫn còn nhiều tình tiết khiến người ta ngỡ ngàng và đó sẽ là nội dung bài
thứ tư. Mời quý vị đón theo dõi.
|