Thứ Sáu, 2024-04-19, 10:46 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tám » 11 » Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 5)
7:13 AM
Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 5)
Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-08-10

Trong bài trước, một số cựu tù chính trị đã kể về trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu, 63 tuổi nhưng có đến 34 năm 3 tháng sống trong trại giam.

Photo courtesy of vietland.net/J.B Nguyen Huu Vinh

Luật sư Lê Thị Công Nhân, một nhà bất đồng chính kiến bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế. Cô ra khỏi nhà tù vào tháng 3/2010. Trong ảnh: Cô tham dự Thánh lễ vọng Phục sinh 2010 tại Thái Hà.

Theo tuyên bố của Việt Nam, dù Việt Nam sẽ đặc xá từ 25.000 đến 30.000 phạm nhân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng những người tù chính trị như ông Cầu sẽ không được xem xét để đặc xá.

Trong khi đó, dựa trên các thông tin do một số cựu tù chính trị cung cấp, hiện có khá nhiều tù chính trị già yếu, kiệt sức vì bị giam cầm nhiều năm, thậm chí đã có không ít người chết trong tù, Trân Văn sẽ tiếp tục tường trình thêm về vấn đề này… 

Bất đồng chính kiến thì 80 cũng phải "chung đủ”

Cuối tháng 12 năm ngoái, nhân dịp Cục Quản lý trại giam của Bộ Công an Việt Nam được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tờ Công an nhân dân công bố một thống kê, theo đó, từ năm 2000 đến nay, hệ thống trại giam trên toàn Việt Nam đã xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho khoảng 375.000 lượt phạm nhân được cho là "cải tạo tiến bộ”, và đã tổ chức thành công 13 đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho khoảng 100.000 phạm nhân được cho là "cải tạo tốt”.

Những người như anh Đỗ Thanh Nhàn, trên 80 tuổi rồi, án 20 năm gì đó, cũng ở 13, 14 năm rồi… Còn rất là nhiều người lớn tuổi mà án nặng!

Ô. Nguyễn Bắc Truyển


Nếu không kể những trường hợp được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt và liên tục thúc giục trả tự do thì trong số hàng trăm ngàn phạm nhân được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và đặc xá, hoàn toàn không có tù chính trị.

Gần đây, ngoài ông Trương Văn Sương được trại giam Nam Hà tạm tha để điều trị bệnh tật, trong vài tuần qua, việc có thêm một vài người tù chính trị như các ông: Nguyễn Anh Hào, Đinh Quang Hải trở về với gia đình là vì họ mãn hạn tù.

Chúng tôi tiếp tục nêu những vấn đề về nhà tù và tù chính trị với ông Nguyễn Bắc Truyển…  

Trân Văn: Số người bị phạt án cao còn nhiều không anh?

Nguyễn Bắc Truyển: Nhiều lắm anh ơi! Những người này là những người lớn tuổi. Trong đó, tôi có thể kể tên là: anh Nguyễn Hữu Cầu – quá nổi tiếng, chắc là anh biết rồi ha. Anh Nguyễn Tấn Nam, năm nay 74 tuổi, đang bị tai biến, án 19 năm, ở cũng 13, 14 năm rồi. Những người như anh Đỗ Thanh Nhàn, trên 80 tuổi rồi, án 20 năm gì đó, cũng ở 13, 14 năm rồi… Còn rất là nhiều người lớn tuổi mà án nặng!

Trân Văn: Thưa anh Truyển, anh có biết số tù chính trị lớn tuổi và đã chết vì kiệt sức ở Z30A là bao nhiêu người?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi chưa thấy người tù chính trị nào qua đời hết nhưng tôi được nghe anh em nói lại là trong khoảng từ năm 2000 cho đến trước khi tôi về thì có khoảng từ 13 cho đến 15 người đã qua đời trong trại giam Z30A với đủ loại bịnh hết.       

Một âm mưu?

phien-toa-lcdinh-250.jpg
Bốn nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định tại TAND TPHCM hôm 20/1/2010. AFP photo
Ông Nguyễn Bắc Truyển bị đưa về trại Z30A và ở tại đó khoảng hai năm. Liệu những người tù chính trị bị giam giữ lâu hơn tại Z30A có thể cung cấp nhiều thông tin hơn về vấn đề này? Chúng tôi đã hỏi thêm ông Nguyễn Hữu Phu… 

Trân Văn: Ở trại giam Z30A thì có những phân trại nào giam tù chính trị?

Nguyễn Hữu Phu: Tôi ở trong đó từ năm 2000 đến năm 2009 thì có phân trại K3 và K2.

Trân Văn: Cho đến thời điểm anh được trả tự do thì còn khoảng bao nhiêu tù chính trị?

Nguyễn Hữu Phu: Còn khoảng 40 người.

Trân Văn: Thưa anh, những tù chính trị ở lâu nhất trong trại Z30A gồm có những ai?

Nguyễn Hữu Phu: Gồm có anh Nguyễn Hữu Cầu, anh Lê Văn Tính, bị kết án 20 năm và anh ở từ năm 1996. Anh Trương Công Duy, chung thân. Anh Lê Văn Thân, chung thân. Anh Nguyễn Kim Hùng, chung thân. Anh Trần Long Đức, 20 năm. Còn án 19, 18 năm tù thì cũng nhiều đấy anh ạ. Anh Bùi Đăng Thúy, 19 năm. Anh Nguyễn Tuấn Nam, 18 năm. Đa số, trở lui là 15, 16, 17 năm tù thì tôi không nhớ hết anh ạ vì số lượng đó cũng đông.

Trân Văn: Thưa anh, số tù chính trị chết trong trại giam có nhiều không?

Nguyễn Hữu Phu: Tổng số tù chính trị chết trong trại giam từ năm 2000 cho đến năm 2009 là 13 người.

Trân Văn: Anh còn nhớ được tên những người đó không?

Nguyễn Hữu Phu: Nhớ không hết, không nhớ được họ anh ạ! Còn tên thì có thể nhớ gần hết. Bác Năm Tân, Năm Căn. Ông Trước ở Đà Lạt. Anh Nguyễn Văn Dũng. Anh Lê Văn Xuân. Anh Nguyễn Sĩ Bằng. Anh Lê Văn Thân đầu bạc. Anh Ngô Anh Tuấn. Anh Trần Văn Tuấn. Anh Bình, không biết họ. Anh Thanh, không biết họ… Anh cứ ghi cho rõ là 13 người.

Trân Văn: Thưa anh Phu, những người tù chính trị đã chết thì vì sao họ chết?

Nguyễn Hữu Phu: Thứ nhất, họ ở tù quá lâu và điều kiện sống của giai đoạn trước 2005 rất thấp kém.

Trân Văn: Họ chết do kiệt sức?

Tôi không phải trong ngành y cho nên tôi không xác định được bệnh trạng để nói rõ nhưng mà trong số người chết, có thể đặt vấn đề là có thể lây nhiễm HIV để chết ngay trong tù.

Ô. Nguyễn Hữu Phu


Nguyễn Hữu Phu: Do kiệt sức. Rồi trong đó có một điều mà chúng tôi thường lên án là từ năm 2000 cho đến 2005, nhà trại không cho người tù chính trị dùng dao cạo riêng mà buộc phải dùng chung dao cạo khi hớt tóc, cho nên có những người trẻ vẫn chết vì lây nhiễm SIDA.

Trân Văn: Nhiễm SIDA từ tù hình sự?

Nguyễn Hữu Phu: Cái này không biết từ đâu nhưng mà có những người già vào ở tù một vài năm cũng bị lây và chết. Chúng tôi đã đấu tranh liên tục từ năm 2000 cho đến năm 2005 nhà trại mới cho chúng tôi mua lưỡi lam và cạo riêng.

Tôi không phải trong ngành y cho nên tôi không xác định được bệnh trạng để nói rõ nhưng mà trong số người chết, có thể đặt vấn đề là có thể lây nhiễm HIV để chết ngay trong tù.

Trân Văn: Xin hỏi thêm một câu, đó là những người tù đã chết thì xác của họ sẽ được chôn ở trong trại hay trả lại cho thân nhân?

Nguyễn Hữu Phu: Thường là chôn ba năm mới cho thân nhân đến nhận.  

Trân Văn: Như vậy là có một nghĩa trang riêng của tù nhân?

Nguyễn Hữu Phu: Dạ, có một nghĩa trang riêng của tù nhân.

Trân Văn: Thưa anh, hiện nay, những người tù lớn tuổi nhất thì là bao nhiêu?

Tôi chỉ nói với các anh như thế này, nếu như trại K2, Z30A mà tình trạng kéo dài như thế thì chắc là những người già không chịu nổi đâu.

Ô. Nguyễn Hữu Phu 

Nguyễn Hữu Phu: Đa số là gần 80, có người đã 78, 79 tuổi rồi anh.

Trân Văn: Người trẻ nhất khoảng bao nhiêu?

Nguyễn Hữu Phu: Thời gian tôi còn ở trong đó, trẻ nhất là Trương Quốc Huy, 26, 28 tuổi.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Hữu Phu nhấn mạnh: "Tôi chỉ nói với các anh như thế này, nếu như trại K2, Z30A mà tình trạng kéo dài như thế thì chắc là những người già không chịu nổi đâu". 

Tin mới nhất từ các cựu tù chính trị cho biết, ông Trần Văn Thiêng, một người tù chính trị 75 tuổi, bị kết án 19 năm tù, sau khi lâm trọng bệnh, sức khỏe suy kiệt, hồi giữa tháng 6 đã được gia đình bảo lãnh đưa ra chữa chạy ở bên ngoài dưới sự giám sát của trại giam, và cách nay hai tuần vừa bị đưa trở lại Z30A, bất kể điều đó đe dọa tính mạng của ông. Vào lúc này, gia đình ông đang cầu cứu khắp nơi.

Những người tù chính trị cần gì và mọi người có thể làm gì cho họ? Đó sẽ là nội dung bài cuối cùng của loạt bài này. Mời quý vị đón xem.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 559 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0