Lý Thái Hùng
Năm
1989 khi cuộc cách mạng Nhung xảy ra tại Tiệp Khắc và lan rộng khắp các
quốc gia Cộng sản trong khối Đông Âu, hầu như mọi người Việt Nam đều
mong muốn làn sóng dân chủ đó sẽ tràn tới Việt Nam. Tức là tại Việt Nam
sẽ có những cuộc biểu tình, những cuộc xuống đường đòi cơm áo, đòi tự
do và dân chủ của hàng ngàn người dân sau nhiều năm sống trong áp bức.
Nhưng kết quả cho thấy là cơn địa chấn dân chủ chỉ ập đến và dừng lại
tại Liên Xô vào năm 1991; còn tại Việt Nam và Trung Quốc, tuy có vài
cuộc biểu tình và kêu gọi đấu tranh, nhưng đã không có những biến động
mạnh để xoay chuyển tình thế, và cả hai dân tộc vẫn tiếp tục chìm đắm
trong bóng tối độc tài cho đến ngày hôm nay.
Hơn
20 năm sau, một lần nữa cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra tại Tunisia, xứ
du lịch thơ mộng nằm bên bờ Địa Trung Hải vùng Bắc Phi, với sự vùng dậy
của hàng trăm ngàn quần chúng sau cái chết bi thảm của sinh viên
Mohamed Bouazizi, đã đẩy sập ách độc tài của tổng thống Ben Ali vào
ngày 14 tháng 1 năm 2011, sau 4 tuần lễ biến động. Cuộc cách mạng Hoa
Lài đã nhanh chóng lan rộng đến các quốc gia trong khối Á Rập, đặc biệt
là đã kích động giới trẻ Ai Cập xuống đường đấu tranh và đã đẩy sập ách
độc tài của chính quyền Mubarak sau 18 ngày biến động từ ngày 25 tháng
1 tới ngày 11 tháng 2 năm 2011.
Trước thành quả ngoạn mục của
cuộc cách mạng dân chủ tại Tunisia, Ai Cập và nhất là đang làm lung lay
hàng loạt chế độ độc tài tại Lybia, Bahrain, Yemen… vùng Cận Đông, một
lần nữa hầu như mọi người Việt Nam đều mong muốn làn sóng dân chủ đó sẽ
tràn tới Việt Nam. Đã có nhiều nhóm thanh niên sinh viên, công nhân và
nhiều đoàn thể, đảng phái đấu tranh đã đưa ra những lời kêu gọi – tuy
cách diễn tả có khác nhau – nhưng đều chuyên chở một thông điệp là kêu
gọi người Việt ở trong nước hãy can đảm đứng lên, cùng nhau xuống đường
đòi cơm áo, đòi công ăn việc làm, đòi công lý và dân chủ.
Xét
cho cùng, những lời kêu gọi đứng lên đấu tranh tại Việt Nam đã không
khác gì những lời kêu gọi tâm huyết của sinh viên đấu tranh tại
Tunisia, Ai Cập, Yemen hay Lybia. Vấn đề là tại sao Tusinia bùng nổ
cuộc cách mạng và lan tỏa khắp nơi mà Việt Nam, Trung Quốc thì chưa?
Liệu người Việt ở trong nước đã sẵn sàng đáp ứng hay không?
Tất
cả mọi biến động chính trị trên thế giới đều được lập lại một khi nó có
cùng hoàn cảnh tương ứng hay nói khác đi, là khi nó có điều kiện chín
muồi để bùng nổ. Quan sát những nguyên nhân đưa đến các biến động chính
trị tại Tunisia, Ai Cập, Iran, Bahrain, Lybia… vừa rồi, tuy diễn biến
mỗi nước có khác nhau, nhưng đều có chung một số điểm đáng cho chúng ta
học hỏi.
Thứ nhất là phải có một xã hội dân sự đủ phổ cập trong
xã hội làm nền tảng trong các hoạt động tự chủ của người dân, tạo sự
liên đới với nhau, nhất là dám vượt qua sự sợ hãi và đến với nhau trong
cùng một hành động nào đó khi đã chia xẻ với nhau một thông điệp. Thông
điệp tại Tunisia lúc khởi đầu là "Bánh Mì, Công Việc, Nhân Phẩm”. Thông
điệp tại Ai Cập lúc khởi đầu là "Mubarak: Hãy Ra Đi”. Vào lúc xảy ra
cuộc chính biến, Tunisia có hơn 10 ngàn đoàn thể quần chúng và Ai Cập
đã có hơn 17 ngàn đoàn thể quần chúng góp phần tạo dựng một nền tảng xã
hội dân sự khá mạnh. So sánh với hiện tình Việt Nam, người ta ước tính
là hiện chỉ mới có non 3000 đoàn thể quần chúng được hình thành từ năm
2001 cho đến nay, nên sinh hoạt của xã hội dân sự còn rất yếu kém.
Thứ
hai là phải có một mạng thông tin độc lập và đủ khả năng chống lại
những loại tuyên truyền xám của chế độ nhằm đánh lạc hướng đấu tranh
hay làm hoảng loạn người tham gia biểu tình. Đây là thủ đoạn thâm độc
của mọi chế độc tài nhằm ngăn chận mọi luồng thông tin để biến đám đông
biểu tình thành nhóm ô hợp như rắn mất đầu, bên cạnh sự trấn áp của lực
lượng công an. Giới trẻ Tunisia và Ai Cập đã không chỉ khai dụng
Facebook và Twitter làm phưong tiện phổ biến thông tin mà còn biến nó
thành "tổng hành dinh” để đưa ra những mệnh lệnh cho đám đông thi hành
mà công an đã không biết ai là người chủ chốt cầm đầu. Vào lúc bùng nổ
cuộc chính biến, số người sử dụng Facebook, Twitter, SMS tại Tunisia
chiếm 31% dân số. Còn tại Ai Cập lên đến hơn 40% dân số. Tại Việt Nam,
số người sử dụng Internet lên đến 31% dân số; nhưng số người dùng
Facebook, Twitter, Blog mới chỉ đạt khoảng 2,5% dân số.
Thứ ba
là phải nắm vững quy luật của đấu tranh bất bạo động. Trên bề nổi,
người ta có ấn tượng rằng những cuộc xuống đường của quần chúng tại
Tunisia, Ai Cập và cả ở Bahrain, Lybia hoàn toàn tự phát, không có tổ
chức. Thực tế cho thấy là các đoàn thể trẻ và những lực lượng chống đối
đã là Lực Đầu Tàu, đứng đàng sau những cuộc biểu tình và đã điều hướng
thế tiến thoái của quần chúng bằng những quy luật của đấu tranh bất bạo
động. Ví dụ không tấn công vào một tập thể lãnh đạo của chế độ mà chỉ
nhắm vào một vài cá nhân đang bị dư luận lên án. Không tấn công lại
những nhóm quá khích của đối phương, hầu không cho chế độ độc tài tạo
lý cớ đàn áp hay dẹp cuộc biểu tình. Chính nhờ nắm vững một số quy luật
của đấu tranh bất bạo động, các lực lượng đối kháng đã huy động được số
đông tham gia và kéo dài liên tục trong nhiều tuần, đẩy các nhà lãnh
đạo Tusinia, Ai Cập, Bahrain phải tự động rút lui hay chấp nhận những
cải tổ.
Ngoài ba yếu tố nói trên, cuộc cách mạng tại Tunisia và
Ai Cập còn có những yếu tố quan trọng khác tác động, giúp đẩy nhanh sự
thành công như quân đội đã án binh bất động, không đàn áp người biểu
tình; thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ đã lên tiếng hỗ trợ cuộc đấu tranh
của người dân tại những quốc gia này một cách tích cực, nên phần nào
làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân đội và những cán bộ đang phục
vụ trong guồng máy độc tài.
Chúng ta tin rằng, sớm muốn gì Việt
Nam cũng sẽ xảy ra cuộc cách mạng dân chủ như các quốc gia Bắc Phi và
Cận Động khi những điều kiện xã hội chín muồi. Sau nhiều thập niên sống
trong áp bức bất công của chế độ Hà Nội, không chỉ có đại đa số người
dân mà ngay những người đã từng phục vụ trong guồng máy đảng Cộng sản
Việt Nam đều đã nhìn thấy chế độ này phải thay thế bằng một chế độ dân
chủ và văn minh hơn.
Nếu tình trạng kinh tế khó khăn, sinh viên
ra trường không có công ăn việc làm đã là một trong những động lượng
lớn thúc đẩy người dân xuống đường biểu tình, đòi việc làm, đòi công lý
tạo nên cuộc cách mạng dân chủ tại Tusinia, Ai Cập, Bahrain, thì tình
trạng lạm phát và đời sống kinh tế khó khăn tại Việt Nam hiện nay có
thể coi là một yếu tố quan trọng để biến những bất mãn đang có thành
hành động.
Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là mạng xã hội dân sự
chưa phát triển rộng, đồng thời những luồng thông tin độc lập của quần
chúng chưa đủ mạnh để phá vỡ bộ máy kềm kẹp và bưng bít của chế độ Hà
Nội. Do đó, để không bỏ mất cơ hội như 30 năm trước của biến cố Đông Âu
và khai dụng kịp thời sự phấn chấn của người dân, đặc biệt là giới trẻ
ở trong nước về sự lan tỏa của cuộc cách mạng Hoa Lài, chúng ta phải nỗ
lực hợp tác để:
Thứ nhất là hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân ở
trong nước mạnh dạn tham gia hay tự mình hình thành những mạng xã hội
(Social Network) để đẩy nhanh hơn nữa sự ra đời của xã hội dân sự.
Chính những đoàn thể quần chúng dưới mọi hình thức như ái hữu, thể
thao, âm nhạc, đá bóng… sẽ là chất keo nối kết và khuyến khích mọi
người xuống đường bày tỏ nguyện vọng chung.
Thứ hai là góp phần
mở rộng hệ thống thông tin độc lập dưới nhiều hình thức, đặc biệt là
gia tăng số người sử dụng Facebook, Twitter tại Việt Nam.
Thứ ba
là truyền đạt những nội dung và kinh nghiệm của phương thức đấu tranh
bất động để giúp cho người dân trong nước nhìn ra phương cách phản
kháng đồng bộ.
Không có cuộc tập hợp nào, dù ít người hay đông
đảo mà không có những chuẩn bị từ tinh thần cho đến kỹ thuật vận động,
để thúc đẩy sự tham gia của nhiều người. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội
như 20 năm về trước, nhưng cũng không chỉ phấn khởi nhập cuộc hô hào
suông mà phải rút tỉa những bài học của người, để áp dụng linh động và
hữu hiệu cho tình huống của mình thì mới mong khai dụng được vận hội
mới ngày hôm nay và đưa công cuộc đấu tranh đến thành công.
Lý Thái Hùng Ngày 2/3/2011
|