Thứ Tư, 2024-12-18, 10:39 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 5 » Đối thoại dân chủ
6:43 AM
Đối thoại dân chủ


Trần Khải


Đối thoại là một nhu cầu cần thiết của con người. Nhu cầu này đặc biệt cần thiết cho các xã hội đang cần bước đi những chặng đường mới. Chỉ có các xã hội như Bắc Hàn mới thiếu vắng đối thoại, và nơi đó triệu người như một, không ai dám thốt lên một lời nghịch ý lãnh đạo. Trường hợp Việt Nam, nhu cầu đối thoại đã được nêu ra không chỉ từ người ở lề trái, mà ngay cả từ những người có quan tâm tới sự ổn định quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Trong những người đặt vấn đề về nhu cầu đối thoại mới nhât trên báo Tuần Việt Nam, có Tiến Sĩ Mai Liêm Trực khi trả lời phỏng vấn báo này qua bài có nhan đề "Vấn đề ‘nhạy cảm’ hay là sự né tránh trách nhiệm?”

Báo này ghi nhận rằng,
"TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông được coi là người mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam.

Mới đây ông đã được CLB Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn là một trong số 10 nhân vật có đóng góp tích cực nhất cho sự phát triển CNTT-TT thập kỷ qua.

Chính ông sớm nhận thức ra xu hướng phát triển Internet, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển, với một quan điểm quản lý mang tính đột phá lúc đó là "Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy quản lý cũ là "quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”...”
(hết trích)

Điều nguy hiểm được Tiến Sĩ Mai Liêm Trực báo động là bản văn kiện soạn thảo cho Đạị hội Đảng sắp tới có đầy tính bảo thủ, khước từ đối thoại với các ý kiến người dân và lộ vẻ muốn "siết lại làm quả bóng nó thêm căng.”

Cụ thể, Tiến Sĩ Mai Liêm Trực nói:


Ô Mai Liêm Trực đòi đối thoại dân chủ khi đã 'nghỉ hưu'
Nguồn: baobinhdinh.com.vn
"...Để các văn kiện tiếp thu được tất cả những tinh hoa và giá trị của toàn dân tộc thì trước hết những người thực hiện phải có năng lực để mà đưa ra những cách thức thu hút người dân tham gia góp ý cho văn kiện. Mặt khác, những người đó cũng phải có năng lực để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Nhưng tôi có cảm giác rằng hình như việc tổ chức soạn thảo các văn kiện hiện nay vẫn là những đội ngũ đã làm nhiều kỳ các văn kiện trước đây và sức tiếp thu những tư duy mới có vẻ hạn chế....
Dân tộc mình đã theo Đảng bao nhiêu năm, Đảng của mình là đảng duy nhất lãnh đạo và xứng đáng với điều ấy. Nhưng đứng về tâm trạng tôi cảm thấy nguy cơ tụt hậu vẫn tiếp tục còn.

Chúng ta đang cố gắng thoát khỏi thân phận một nước nghèo nhưng ngay như bản thân tôi không thể tránh khỏi cảm giác có lỗi khi những ngày gần tết mở cửa ra vẫn thấy những bà mẹ già gánh từng bó rau đi bán, không thể không cảm thấy xấu hổ và sốt ruột khi thấy phụ nữ Việt Nam phải xếp hàng cho đàn ông Hàn Quốc chọn vợ.

Công cuộc Đổi mới của chúng ta có những lúc bị lựng khựng, lúng túng và thường những vấn đề bức xúc cứ để lại nhiệm kỳ sau làm cho sức mạnh của Đảng, của Dân tộc chưa được phát huy hết.

Tôi cho rằng những biện pháp để đất nước phát triển, để bảo vệ chế độ có lẽ nên bằng hình thức xì hơi giải tỏa những bức xúc xã hội, bằng đối thoại dân chủ hơn là siết lại làm cho quả bóng nó thêm căng...”
(hết trích)

Thật là hiếm hoi được nghe tới nhu cầu đối thoạị dân chủ. Nhưng nếu chỉ để "xì hơi giải tỏa những bức xúc xã hội,” thì thực tế nhà nước đã cung cấp cho dân truyền hình, các cuộc thi hoa hậu, ca nhạc hội, quán rượu, spa, sòng bài biên giới... tha hồ để "xì hơi giải tỏa.”

Điều chúng ta tin rằng Tiến Sĩ Mai Liêm Trực muốn nói tới nhu cầu khác hơn, phải là một suy tư về cơ nguy sinh tử của dân tộc – thí dụ như Biển Đông, như rừng biên giới, như Bô Xít Tây Nguyên. Có thể là lời chưa nói hết? Hay vì chưa tiện công khai lên mặt báo? Nhưng thâý rõ là, Tiến Sĩ Mai Liêm Trực quan tâm về dấu mốc đạị hội Đảng CSVN, nơi có thể có hướng đi tích cực hơn.

Nhà văn ký tên "Người Buôn Gió” trên blog của ông, được trang Bô Xít VN (www.boxitvn.net) đăng lại, đã nêu lên vấn đề nhu cầu phát triển trường kỳ bị bỏ quên bởi các lãnh đạo trong bài viết nhan đề "Phát triển kinh tế hay tư duy nhiệm kỳ?” đã tìm cách đối thoại dân chủ bằng cách nêu rõ các quan tâm về mỏ, về rừng. Trích như sau:

"Dự án khai thác quặng nhôm trên Tây Nguyên của Chính phủ gặp nhiều ý kiến phản đối trong mọi giai tầng nhân dân. Nhưng vì sự thống nhất từ Bộ Chính trị mà dự án này đột nhiên được thông báo là tiếp tục triển khai vì lợi ích kinh tế khu vực Tây Nguyên và được sự đồng thuận cao trong nhân dân?
Mới đây người ta vừa được biết có hơn 300 ngàn ha rừng đầu nguồn đã được cho Trung Quốc thuê với thời gian đến nửa thế kỷ.

Lý do đưa ra vẫn muôn thuở – phát triển kinh tế khu vực.

Một dự án bô xít Tây Nguyên mà dư âm phản đối còn chưa lắng đọng, lại tiếp thêm 300 nghìn ha rừng đầu nguồn.

Phát triển kinh tế khu vực hay tư duy nhiệm kỳ?

Có lẽ cụm từ "tư duy nhiệm kỳ” nhẹ nhàng và có phần sát với thực tế hơn là kết luận "bán nước”.
Ở nhiệm kỳ của mình, vị lãnh đạo nào cũng muốn thể hiện được việc gì đó rõ ràng mang ích lợi về cho địa phận mình quản lý. Ở tình trạng dân chúng làm ăn tư duy manh mún, chụp giật, cán bộ dưới quyền quan liêu , năng lực yếu, bộ máy hành chính cồng kềnh những vận hành trì trệ, không ăn khớp… để giải quyết hạ tầng năng lực, tư duy ở một địa phương như vậy, nhà lãnh đạo cần bao nhiêu năm? Giải quyết vấn đề phi vật thể như vậy, công sức bỏ ra nhiều, thời gian cũng nhiều mà kết quả không thể đánh giá được ngay. Người lãnh đạo cầu toàn thường hay chọn cho mình phương án tối ưu nhất trong thời gian mình lãnh đạo địa phương. Và cách thu được tiền bạc nhanh nhất là cho thuê đất, đào tài nguyên đem bán lấy tiền? Nhất là không thể không nói đến những khoản hoa hồng cho người đặt bút ký.

Nhiệm kỳ 10 năm làm vậy, thì các lãnh đạo khác của 40 năm sau này còn gì để thuê, còn gì để khai thác. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ thêm vài nhiệm kỳ nữa, con người Việt Nam còn chưa chắc thuộc về mình chứ đừng nói đến đất đai, tài nguyên, chủ quyền, văn hóa…”
(hết trích)

Từ trong nước đã nói như thế. Từ chỗ nói nhẹ nhàng như Tiến Sĩ Mai Liêm Trực, tới chỗ nói thẳng mục tiêu như Người Buôn Gió. Nếu Đảng CSVN muốn đối thoại dân chủ, tất có nhiều bàn họp nên được mở ra để cung thỉnh người góp ý.

Từ hải ngoại, một tiếng nói khác cũng nêu lên nỗi lo ‒ thực sự, tác giả Bùi Tín viết là hiểm họa, chứ không phảỉ nỗi lo. Bài viết nhan đề "Hai lão tướng chỉ ra hiểm họa” trên trang Bùi Tín Blog ở Đàỉ VOA (www.voanews.com/vietnamese) nêu lên lời của hai vị tướng báo nguy, trích:

"Lại cũng cần thưa thêm với độc giả trong và ngoài nước rõ, từ năm 2004, 2 tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh cũng có lập trường chung tố cáo mạnh mẽ, công khai vụ án siêu nghiêm trọng Tổng Cục II và T4, vụ án đã được Trung ương đảng khoá IX cử ra Ban Kiểm tra Liên ngành điều tra và kết luận, Ban này đã hoàn thành báo cáo, nhưng Bộ chính trị do ông Nông Ðức Mạnh cầm đầu đã ngang nhiên ‘khoanh lại’ để ỉm đi một cách vô nguyên tắc, nhằm bảo vệ uy tín, che dấu trọng tội của 2 ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. 2 ông này đã được gần như toàn xã hội và đa số đảng viên nhận diện như là ‘bạn tốt’ nhất, ‘đồng chí tốt’ nhất của thế lực bành trướng Bắc Kinh.

Trong bài viết mới này, 2 ông tướng yêu nước, thương dân đã báo động khẩn cấp việc cấp uỷ đảng cùng chính quyền ở 10 tỉnh đã ký kết những thỏa thuận với 10 doanh nghiệp Trung Quốc đóng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, cho phép họ thuê đất và rừng để kinh doanh trong một thời gian rất dài. Các tỉnh đó là: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Diện tích cho thuê tổng cộng là 264.000 hec-ta rừng phần lớn ở đầu nguồn, các tỉnh biên giới (theo báo cáo kín của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Các thoả thuận đều có hiệu lực giá trị trong thời gian 50 năm,và có thể sẽ được gia hạn thêm sau đó.

Hai viên lão tướng chỉ rõ hiểm họa cực lớn cho đất nước, cho cuộc sống và an ninh của nước ta, cho nền quốc phòng của quốc gia. Tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh năm 1923, nay 87 tuổi. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916, nay 94 tuổi. Hai ông báo động: Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tha hồ chặt phá cây rừng từ đầu nguồn, hồ sẽ cạn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ chết, môi trường sẽ bị huỷ hoại. Hai ông kết luận: đây là một cuộc tự sát của quê hương đất nước...”
(hết trích)

Lời của nhà báo Bùi Tín mạnh bạo hơn. Từ lời nhắc nhẹ nhàng của Tiến Sĩ Mai Liêm Trực về nhu cầu đối thoại dân chủ, cho tới lời quan ngại của Người Buôn Gió về viễn ảnh 40 năm sau Việt Nam chẳng còn gì, cho tới lời cụ thể của nhà báo Bùi Tín khi diễn lạị lời của 2 vị tướng là "một cuộc tự sát của quê hương đất nước...”

Nói thống thiết như thế, mà nhà nước có nghe chăng? Hay là, chính phủ không cần đối thoại?
Một bản tin trên đài BBC sáng Thứ Hai 1-3-2010 cho biết:

"Gia đình luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân cho hay chị sẽ mãn hạn tù và trở về nhà vào thứ Bảy tới (06/03).

Hôm 11/05/2007, Lê Thị Công Nhân bị Tòa án TP Hà Nội xử 4 năm tù giam và 3 năm quản chế vì vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên sau đó án phạt này đã được giảm 1 năm, còn 3 tù giam và 3 năm quản chế tại phiên phúc thẩm 27/11/2007.”
(hết trích)

Cần nhắc rằng, luật sư Lê Thị Công Nhân là người nhiều năm trước đã bày tỏ một khát vọng đối thoại, và đã trực tiếp nêu lên nhu cầu đối thoại dân chủ. Và lúc đó, Đảng CSVN đã trả lời cho lời đòi hỏi đối thoại này bằng một bản án tù.


Bình thản trước bạo lực.

Không có bao nhiêu người dám trả giá cho đòi hỏi đối thoại dân chủ như luật sư Lê Thị Công Nhân. Những dòng chữ nơi đây xin được đón mừng luật sư họ Lê ra tù, và xin nêu lên ước mơ rằng khát vọng đối thoại dân chủ vẫn cháy bỏng trong tim của Lê Thị Công Nhân và của hàng chục triệu người dân.



Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 629 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 20
Khách: 20
Thành Viên: 0