Thứ Sáu, 2024-04-19, 0:29 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 4 » Đảng Cộng sản và tương lai Việt Nam
8:03 AM
Đảng Cộng sản và tương lai Việt Nam

Bill Hayton –  Đinh Từ Thức dịch

Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gian này, ông cũng viết cho các báo The Times, Finantial Times, và Bangkok Post. Mới đây, Yale University Press đã xuất bản cuốn Vietnam Rising Dragon của Bill Hayton, với những nhận xét rất sắc bén của ông về tình hình Việt Nam.

Trong khi đang có cuộc thảo luận về "Trước thềm Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam”, xin mời quý độc giả đọc dưới đây bản dịch bài "Epilogue” (Lời kết) trong cuốn Vietnam Rising Dragon.



Không có điều gì không thể xảy ra kế tiếp tại Việt Nam. Xứ sở này phát triển hay trì trệ, sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn chính yếu của Đảng Cộng sản. Các thành tố cho sự thành công của quốc gia đã sẵn sàng. Vài thứ có thể đo lường được dễ dàng: một dân tộc trẻ trung, số đông có trình độ giáo dục căn bản, và đầu tư ngoại quốc tràn ngập. Những thứ khác kém cụ thể hơn, đặc biệt về tính lạc quan và khả năng tiếp thụ của dân chúng. Nhưng những thành tố này có thể dễ dàng bị hoang phí hay hư hao. Đất nước đang tích trữ những khó khăn – sự vững mạnh của thành phần tinh hoa mới, sự sa sút của nhà nước, việc lạm dụng môi sinh, bất bình đẳng sắc tộc và những điều khác đã trình bày. Tất cả những vấn đề này đều có thể giải quyết được, nhưng càng để lâu, càng trở thành tệ hại. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo Đảng có ý chí để giải quyết chúng kịp thời.

Tôi không tin rằng Đảng đang trên đường tiến tới tự do dân chủ, ngay cả hướng về "dân chủ điều khiển”. Cả hai thuật ngữ này đều hàm ý về chủ quyền đối với người dân và không phải là lối suy nghĩ của Đảng. Đảng chuẩn bị cho sự tham dự rộng rãi hơn trong việc quản trị đất nước, đặc biệt ở cấp xã, nhưng không chuẩn bị cho người dân cai trị. Tất cả bằng chứng cho thấy Đảng chú tâm nắm giữ quyền làm chính sách. Công dân có quyền báo động về những lạm dụng hay kém hiệu quả, nhưng không được quy trách các nhà lãnh đạo Đảng hay những người được che chở về việc làm hay vị thế vĩnh viễn của họ. Những nguyên nhân chính của các vấn đề như tham nhũng, ô nhiễm hay tài chính bất ổn thì cứ để mặc cho đến khi chúng trở thành khủng hoảng.

Từ khi được độc lập, Đảng đã duy trì sự kiểm soát trên cả nước qua hệ thống theo dõi và vận dụng. Nhưng khi đất nước trở thành giàu có hơn, hệ thống này trở thành khó duy trì hơn. Lương cao sẽ khiến việc duy trì hệ thống bảo đảm công việc cho mọi người không thể kham nổi và những công dân có lợi tức độc lập có nhiều khả năng hơn để coi thường [hệ thống kiểm soát của Đảng]. Thế hệ dân chúng trẻ hơn, hấp thụ hàng ngàn thứ giải trí hấp dẫn của cuộc sống thành thị, không dễ dàng bị vận dụng bởi các chỉ thị của Đảng. Thiếu các nghĩa vụ truyền thống về theo dõi và vận dụng, Đảng bộ địa phương sẽ sa sút và thẩm quyền bị tàn tạ. Đảng sẽ cần cơ chế mới để giúp quản trị xã hội mới. Đã có một đồng minh chủ yếu trong xã hội Việt Nam trọng truyền thống là nghĩa vụ đối với gia đình và cộng đồng nhưng bù lại phải có nhiều tự trị hơn cho họ.

Trong vài thập niên qua, Đảng đã đạt được sự trung thành bằng cách phát triển kinh tế và tạo việc làm. Sản phảm nông nghiệp, công nghệ và kỹ nghệ sản xuất đã bùng phát nhưng đã phải trả giá về môi sinh. Ngư nghiệp bị tàn phá, sông ngòi bị chết vì chất độc phế thải và thành phố bị nghẹt thở vì ô nhiễm. Bây giờ người dân phải trả giá. Cách phát triển hiện tại nói thẳng ra là không thể kham nổi. Nếu những vùng quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những đô thị kỹ nghệ lớn thì chúng cần có những biện pháp bảo vệ môi sinh chặt chẽ hơn, hay rất giản dị, chúng sẽ trở thành những nơi không thể sinh sống được.

Phát triển đem lại lợi lộc cho các thành phố nhiều hơn cho các vùng nông thôn, và cho người Kinh nhiều hơn các sắc tộc. Vì các vùng xa bị bỏ lại phía sau, và bất bình đẳng sắc tộc gia tăng, các nhóm thiểu số cảm thấy bị tách biệt nhiều hơn. Những khiếu kiện về kinh tế có thể trở thành khiếu kiện về sắc tộc. Tình trạng tại vùng Trung Nguyên đã đáng ngại và có thể sẽ tệ hơn. Tình trạng của các nhóm thiểu số khác, như người Khmer ở Đồng bằng Cửu Long, hay như các nhóm sống ở miền tây Bắc Cao nguyên và miền ven biển nam-trung, trong khi chưa đến nỗi tệ, vẫn có thể dễ dàng trở thành vấn đề chính trị.

Cho đến nay, Đảng đã quản trị đất nước trải qua thời kỳ chuyển tiếp tương đối tốt. Việt Nam đã đi từ chủ nghĩa Stalin sang kinh tế thị trường mà không trải qua tình trạng sát huynh đệ như Yugoslavia hay "sốc trị” (shock therapy) như tại Đông Âu. Nhưng mỗi ngày xã hội trở thành phiền toái thêm và những vấn đề của nó rắc rối hơn. Đảng không thể giải quyết chúng một mình. Gia tăng đương đầu với những vấn đề, như thêm bất bình đẳng và tham nhũng địa phương, thì không phải là kỹ thuật mà là chính trị, và giải quyết chúng cần phải đối phó với thành phần tinh hoa mới. Trong vài năm gần đây, Đảng đã có thể cầm cương giới đặc lợi khi họ đe dọa ổn định an ninh quốc gia nhưng khả năng làm như vậy đang suy yếu. Thành viên của Đảng nhiều dân thành thị hơn, nhiều tiểu tư sản hơn. Các đại gia và xếp lớn địa phương tạo ra những hệ thống bao che biến họ thành những người không thể đụng tới. Giới đặc lợi đang nắm quyền.

Qua trên 70 năm biến đổi, Đảng Cộng sản đã kiến tạo được một đặc tính mạnh mẽ về lãnh đạo quốc gia và trách nhiệm tập thể. Nó đã duy trì được kỷ luật trong hàng ngũ chọn lọc và giữ được sự khác biệt trong phạm vi cân xứng có thể cầm chừng được. Nền dân chủ nội bộ của nó đã cho phép những mối quan tâm khác biệt trong xã hội được thảo luận và tìm ra vài đồng thuận. Câu hỏi lớn nhất đối diện đất nước là liệu Đảng có thể tiếp tục đóng vai trò đó khi xã hội trở thành giàu có hơn và phân chia hơn. Nếu Đảng trở thành công cụ của thành phần kinh doanh chọn lọc rồi các nhóm khác, đặc biệt là công nhân, có thể chọn cách hành động bên ngoài hệ thống Đảng. Hơn nữa, nhiều thế lực mới xuất hiện trong xã hội, bên ngoài Đảng. Nếu Đảng không tìm cách để bao gồm họ trong việc hoạch định đường lối, họ có thể trở thành bất kham.

Không có vấn đề nào vừa kể sẽ được giải quyết trừ khi có áp lực phải làm như vậy, nhưng hệ thống ảnh hưởng dễ dãi lại cản trở sự phân tích nghiêm túc về chúng. Phải chăng số phận của Việt Nam là trở thành một nước khác tại Đông Nam Á bị cai trị bởi một băng đảng độc tài (oligarchy)? Rõ rệt là có thể như vậy nhưng không bắt buộc phải như vậy. Từ lâu Đảng đã hạn chế tự do ngôn luận để khỏi phải đương đầu về quyền cai trị của mình. Nhưng, lâu dần quyền phát biểu đã bị giới hạn vì lợi ích cá nhân của  người ở địa vị cao. Lợi ích cá nhân của họ đã được ưu tiên hơn lợi ích quốc gia. Những ai vẫn còn coi lợi ích quốc gia là ưu tiên cần sự giúp đỡ. Họ cần giới truyền thông có thể tìm ra những sự thật khó chịu, họ cần những con người của công chúng để phổ biến những khiếu kiện và họ cần có thể vận dụng áp lực trên giới lãnh đạo. Để Việt Nam có thể gia nhập hàng ngũ các con hổ kinh tế, nó cần phải được tháo xiềng xích về tự do phát biểu. Nó có thể gây rắc rối trong ngắn hạn nhưng cuối cùng nó sẽ tránh được nhiều gấp bội.

Nguồn: Bill Hayton, Vietnam Rising Dragon, "Epilogue”, Yale University Press, 2010. Trang: 226-8.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 644 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0