Có thể nói Đảng Cộng Sản đã ảnh hưởng và chi phối toàn
bộ đời sống xã hội, toàn bộ các hoạt động của bộ máy Nhà Nước Việt Nam.
Đó là thực trạng xã hội trong suốt mấy thập kỷ đã qua. Để khẳng định vị
trí độc tôn này, Đảng đã "buộc” Hiến pháp - một văn tự pháp lý cao nhất
của Nhà Nước thừa nhận vai trò lãnh đạo của mình ở điều 4. Thế nhưng
việc "thừa nhận” này đã kéo theo hàng loạt rắc rối cho cơ chế vận hành
của luật pháp. Pháp luật vận hành và phát huy được vai trò khi và chi
khi nó giới hạn và điều chỉnh quyền lực trong khuôn khổ của mình. Khi
quyền lực vượt ra ngoài khuôn khổ của Pháp luật thì Pháp luật chỉ còn
là công cụ cai trị của một thể chế độc tài. Vì lẽ đó có nhiều ý kiến
cho rằng phải xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp để mở đường cho một xã hội dân
chủ phát triển, điều này có thể đúng. Cũng có ý kiến cho rằng xóa điều
4 là tự sát, điều này cũng không hẳn là sai. Nhưng theo tôi, cách đặt
vấn đề xóa hay giữ điều 4 là sai về phương pháp tiếp cận.
Chúng ta cần nhìn lại lịch sử của vấn đề.
Cuộc cách mạng Tư sản Pháp năm 1789, đánh dấu sự ra đời
đầu tiên của một văn tự mà người ta gọi là Hiến Pháp. Mục đích của cuộc
cách mạng là tước đoạt quyền lực của nhà vua để trao về cho nhân dân.
Tiếp theo sau, nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra trên toàn thế giới, chấm
dứt hẳn các triều đại Quân chủ. Thật thiếu sót nếu không nói đến cuộc
cách mạng của người Mỹ chấm dứt sự cai trị của nhà vua Anh. Cuộc cách
mạng này đã khai sinh ra nước Mỹ và một văn tự nổi tiếng tồn tại đến
bây giờ. Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Việt Nam cũng đã chấm dứt chế độ
quân chủ của triều Nguyễn và cho ra đời một văn tự mà mọi người hay gọi
tên là Hiến Pháp 1946. Mục đích của các cuộc cách mạng này là tước đoạt
quyền lực của nhà vua giao về cho nhân dân, thay cơ chế quyền lực
"truyền ngôi thế tập” bằng cơ chế bầu cử phổ thông. Như vậy từ khi ra
đời, Hiến Pháp chỉ có một bản chất duy nhất là: công nhận các giá trị
về quyền con người, thừa nhận nhân dân là quyền lực duy nhất của Nhà
Nước. Các thiết chế Nhà Nước và cơ chế bầu cử phải bảo đảm cho các thừa
nhận này.
Một văn tự thừa nhận sự lãnh đạo của một tổ chức quyền
lực là trái với bản chất của Hiến Pháp và không thể coi văn tự đó là
Hiến Pháp được. Do đó, cách đặt vấn đề xóa hay giữ điều 4 là không cần
thiết, mà phải thấy rằng: Nhà Nước Việt Nam hiện nay không có một văn
tự pháp lý nào có thể được gọi tên là Hiến Pháp. Việc xóa điều 4 chưa
hẳn đã trả lại đúng bản chất của Hiến Pháp vì các thiết chế nhà Nước và
cơ chế bầu cử được ghi nhận tại văn tự này không bảo đảm cho quyền lực
thuộc về nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng được ghi nhận trong điều 4 là lý
do để tồn tại một hệ thống "Nhà Nước song trùng”. Nếu như, ở cấp trung
ương các thiết chế quyền lực Nhà nước có Quốc Hội, Chính Phủ, Tòa Án
Tối Cao v.v thì thiết chế lãnh đạo của Đảng có Bộ Chính Trị, Trung ương
Đảng, các Tỉnh Thành; có UBND, HĐND thì tương ứng là Tỉnh ủy, Thành ủy
v.v... Quận Huyện thì cũng có tương ứng là Quận ủy v.v. Các thiết chế
tương ứng này nhằm duy trì quyền lực và bảo đảm sự lãnh đão của Đảng
đối với Nhà Nước. Nếu để ý sẽ thấy, chỉ có các thiết chế Nhà nước mới
được "luật hóa”, tức là được sự thừa nhận của pháp luật thông qua hệ
thống các quy phạm như luật tổ chức HĐND các cấp, luật tổ chức Tòa Án,
VKS v.v, các nghị định về thành lập các Bộ và các cơ quan ngang Bộ v.v.
Còn lại các thiết chế khác của Đảng không có sự "luật hóa” này. Về mặt
lý luận thì chỉ có các thiết chế được pháp luật thừa nhận mới có quyền
lực. Tuy nhiên, bằng cách lập luận Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo,
các thiết chế tương ứng của Đảng đã chi phối toàn bộ quyền lực của Nhà
Nước. Việc bố trí và bổ nhiệm các chức danh quản lý Nhà nước phải qua
sự kiểm duyệt của Đảng. Các vị trí quản lý then chốt đều phải là Đảng
viên. Đây là biểu hiện rõ nét cho thấy Đảng đã hoàn toàn đứng trên và
chi phối pháp luật.
Giữa thập kỷ 80, trong các văn kiện của Đảng người ta
bắt đầu thấy xuất hiện cụm từ: Nhà Nước Pháp Quyền. Đó là học thuyết
không mới với các nước phương Tây. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà
nước pháp quyền, Đảng đã đưa ra nhiều chính sách, nhiều chương trình
hành động, nhiều giải pháp cải cách bộ máy Nhà Nước. Đầu tiên là cải
cách bộ mấy Hành chính, tiếp theo là cải cách Tư pháp, và nâng cao chất
lượng đại biểu Quốc hội v.v... Tất cả nhưng sự cải cách và thay đổi đó,
chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính chất hô hào, không làm thay
đổi bản chất một nhà nước độc tài. Làm sao thay đổi và cải cách được
khi mà cán bộ công chức vẫn mang nặng tư duy quan liêu, luôn có khuynh
hướng tự biến các nghĩa vụ công bộc của mình thành quyền lực, biến
quyền của người dân thành nghĩa vụ. Làm sao cải cách được khi Đảng luôn
khẳng định quyền lực tối thượng của mình và xem thường tính tối cao của
pháp luật. Khi đề ra mục tiêu xây dựng Nhà Nước pháp quyền của dân, do
dân và vì dân, Đảng phải thấy rằng: một trong những vấn đề cơ bản nhất
của Nhà nước Pháp quyền đó chính là mối quan hệ giữa Quyền lực và Pháp
luật. Phải làm cho quyền lực nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật đó
là điều kiện cần để xây dựng nhà nước pháp quyền. Có hàng trăm sự thay
đổi đi nữa, nhưng nếu quyền lực còn khống chế và chi phối pháp luật thì
còn lâu chúng ta mới thấy được bóng dáng của Nhà nước Pháp quyền.
Đảng phải khép mình trước pháp luật đó là nguyên lý đầu tiên để khởi sự
xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Lê Trần Luật
|