Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-09-11
Nguyên đại sứ Nguyễn Trung đã có nhận định rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải tự diễn biến hòa bình trong nội bộ đảng".
AFP photo
Công nhân chuẩn bị hoa cho Ngày Quốc Khánh 02/9/2012 tại Hà Nội. Ảnh minh họa.
Nhận thức này phá vỡ thành kiến cho rằng cụm từ "diễn biến hòa bình"
luôn mang ý nghĩa phá hoại từ bên ngoài mang vào với mục tiêu lật đổ chế
độ một cách êm thấm. Mặc Lâm phỏng vấn ông đại sứ Nguyễn Trung để biết
thêm chi tiết.
Cần nhìn thẳng vào sự thật
Mặc Lâm: Thưa ông Nghị quyết TW 4 khẳng định "cần nhìn
thẳng vào sự thật" trong mục tiêu chỉnh đốn đảng...thời gian đã qua khá
lâu nhưng dư luận cho thấy vẫn chưa hoàn toàn đặt niềm tim vào cách mà
đảng gọi là "nhìn thẳng vào sự thật". Theo ông dư luận có cái lý của nó
hay không?
Đại sứ Nguyễn Trung: Theo tôi đấy là một thái độ lúc nào cũng
cần thiết chứ còn nhìn thẳng vào sự thật bao nhiêu thì tôi nghĩ rằng
cũng chưa được nhiều. Gần đây nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói
gần sự thật hơn một chút tức là ông ấy cũng thừa nhận tình hình đã đến
mức có những thách thức đến đảng, đến chế độ. Đó là thái độ nhìn thẳng
vào sự thật và tôi nghĩ việc nhìn thẳng vào sự thật lúc nào cũng rất cần
thiết.
Mặc Lâm: Mới đây ông có bài viết bàn về cụm từ "diễn biến
hòa bình" nhưng không phải để chống nó như thường thấy mà lại cho rằng
nó là biện pháp cần thiết để thay đổi trong nội bộ đảng Cộng sản Việt
Nam, xin ông giải thích thêm về lập luận này.
Đại sứ Nguyễn Trung: Tôi chỉ lưu ý một chuyện thôi, trước hết
tôi phải nói thế này: đó là lâu nay trong nước vẫn có cách sử dụng khái
niệm "diễn biến hòa bình" với một ý nghĩa rất tiêu cực. Thật ra tôi cho
rằng "diễn biến hòa bình" nó là sự phát triển tất nhiên. Sự vật thường
diễn biến theo hai cách, một là diễn biến hòa bình, hai là diễn biến
không hòa bình. Bản thân nó chỉ là một sự vận động chứ không có màu sắc
gì cả. Còn nội dung nó như thế nào thì đó là vấn đề quan trọng.
Thứ hai, lâu nay người ta vẫn dùng khái niệm "diễn biến hòa bình" để
chỉ những cái gì mà họ cho là phía bên ngoài, phía thù địch họ đưa vào
để thay đổi đường lối hay cách nghĩ của đảng của dân. Trên báo chí của
đảng, của chính phủ người ta thường dùng cụm từ này để ám chỉ những gì
mà họ thấy rằng không phù hợp với đường lối của đảng, của chính phủ thì
họ gọi là "diễn biến hòa bình". Tôi thấy nói như thế nó một chiều quá.
Tôi đã dùng lại khái niệm đó và kêu gọi đảng phải quan tâm những
"diễn biến hòa bình" của chính mình. Cụ thể ở đây là quá trình tha hóa
càng ngày càng trầm trọng mà đảng không nói tới như một sự cần thiết.
Cho đến bây giờ ông Tổng bí thư mới nhận định rằng sự tha hóa này nó đã
nguy hiểm đến mức đe dọa sự tồn vong của đảng của chế độ. Tôi thấy ông
Tổng bí thư đã nêu ra được điều đó thì chính là một cách "diễn biến hòa
bình" trong đảng.
Từ một đảng làm nhiệm vụ phục vụ tổ quốc bây giờ chuyển sang một đảng
có nhiều sự tha hóa như vậy thì đảng rất cần tự diễn biến chính mình, ý
tôi nói là như vậy.
Mặc Lâm: Cũng trong cụm từ đảng viên tha hóa như ông vừa
nêu, gần đây xuất hiện một bài viết của tác giả Phóng Viên Quốc Doanh
thẳng thắn nhận xét: "Bây giờ, khó tìm thấy tình đồng chí trong sáng và
đẹp đẽ, từ cấp lãnh đạo cao nhất. Ngược lại, thấy rất nhiều sự lợi dụng
nhau, hại nhau, ở cả lãnh đạo Đảng CSVN đương chức và đã nghỉ hưu, chẳng
có được mấy tấm gương cho đảng viên trẻ noi theo" Ông có đồng tình với
nhận xét này hay không?
Đại sứ Nguyễn Trung: Tôi không nói cụ thể như thế được vì như
anh biết tôi đã nghỉ hưu lâu rồi không tiếp xúc với ai nữa, nhưng tôi
tán thành cái nhận định chung nhất, tức là căn cứ những gì đang diễn
biến trong xã hội, đời sống kinh tế, cuối cùng là sự xác nhận của ông
Tổng bí thư như vậy thì tôi phải nói rằng sự tha hóa như vậy rất đáng lo
ngại.
Chất lượng đảng viên sa sút
Ông Phạm Thanh Bình, Cựu Chủ Tịch tập đoàn Vinashin tại Tòa án Nhân dân Hải Phòng hôm 30/3/2012. RFA photo
Mặc Lâm: Theo ông người đảng viên hiện nay được quần
chúng đánh giá ra sao, họ có còn được nhìn bằng đôi mắt của mươi mười
lăm năm về trước hay không?
Đại sứ Nguyễn Trung: Tôi nghĩ rằng người đảng viên thì phải
luôn luôn làm đúng nhiệm vụ của mình nếu không anh ta không còn tư chất
một đảng viên như là điều lệ của đảng đã viết, hay là những gì mà anh ta
đã tuyên thệ khi anh ta vào đảng, ví dụ như vậy. Khi người đảng viên mà
không đủ phẩm chất thì tôi nghĩ nó sẽ rất vô cùng nguy hiểm.
Mặc Lâm: Ông từng nhận xét rằng sau mỗi lần đại hội Đảng là
một lần chất lượng đảng viên lại sa sút. Kỳ đại hội sau kém hơn đại hội
trước, nói tóm lại là tư cách đảng viên mỗi ngày một xuống. Ông đưa ra
hình ảnh là các vụ khiếu kiện gia tăng, đảng viên mất phẩm cách trong
các vụ kiện thưa nhiều hơn...những nhận xét này sau một thời gian vẫn tỏ
ra chính xác trong hiện tình xã hội ngày nay, ông có bổ túc gì thêm cho
ý kiến này?
Đại sứ Nguyễn Trung: Tôi nhận xét là sau mỗi đại hội thì đảng
một yếu đi thì đấy là quan sát của tôi và tôi cũng thẳng thắn nói cái
quan sát đó của mình trong nội bộ đảng cũng như là trên báo chí bởi vì
tôi thấy cái gì thì luôn luôn tôi nói thẳng. Cái thứ hai tức là bây giờ
lấy gì mà xem xét? thì cứ nhìn vào đời sống thật của đất nước. Trong
kinh tế, trong chính trị, trong xã hội thì rõ ràng hiện nay những hiện
tượng tham nhũng tha hóa của khóa Đại hội X rõ ràng nó nguy hiểm hơn
khóa Đại hội IX. Bây giờ khóa XI mới bắt đầu thôi nhưng những vụ việc
phải đem ra pháp luật xử lý rất cực kỳ nghiêm trọng. Vì vậy nên tôi rất
lo cho tình trạng tha hóa, sa sút như vậy nó còn đang tiếp diễn chứ chưa
phải là nó đã được chặn lại.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Đại sứ Nguyễn Trung.
|