QuanlambaoSách của Mạc Ngôn chắc chắn bán chạy hơn ở Nhật sau khi ông giành Giải
Nobel Văn chương năm nay. Nhưng nếu một ứng viên sáng giá khác, nhà văn
Nhật Murakami Haruki, trúng giải, điều tương tự sẽ không xảy ra tại
Trung Quốc. Trong bối cảnh của vụ xung đột Trung – Nhật liên quan đến
chủ quyền tại Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) và Takeshima (Độc Đảo), người
Trung Quốc rầm rộ biểu tình chống Nhật, nói "Không” với hàng Nhật và tẩy
chay cả văn hóa, nghệ thuật Nhật.
Phim Hồng Kông rút khỏi một Liên hoan phim Quốc tế tại Tokyo.
Sách của Murakami bị loại khỏi các nhà sách ở Đại lục.
Ông Lâm Thiểu Hoa (林少华), người đã dịch 33 tác phẩm của Murakami sang
tiếng Trung và góp phần không nhỏ làm nên danh tiếng của nhà văn này tại
Trung Quốc,
tuyên bố trên trang Vi Bác (Weibo) của mình
rằng ông ủng hộ việc đình chỉ lưu hành tác phẩm của nhà văn Nhật, và
tuy điều đó ảnh hưởng đến sở thích văn học của cá nhân ông, nhưng lợi
ích dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Chủ nghĩa dân tộc, mẫu số chung
của những người Trung Quốc khác nhau nhất, dường như là một đại lượng
tinh thần tuyệt đối không cần bàn cãi.
Đối lại với không khí cuồng nộ đó,
1300 văn nghệ sĩ và trí thức Nhật Bản,
trong đó có văn hào Ōe Kenzaburo, Giải Nobel Văn chương 1994, đã lên
tiếng kêu gọi cả hai bên tự kiềm chế. Trong bài tiểu luận đăng trên tờ
Asahi Shimbun ngày 28-9-2012, nhà văn Murakami Haruki đã trực tiếp phát biểu về chủ đề gay cấn này.
Xung đột biển đảo Việt – Trung nằm trong một bối cảnh khác xung đột
Trung – Nhật, không những về lịch sử mà trước hết về những ràng buộc
chính trị hiện tại. Nhưng quan điểm và thái độ của Murakami rất đáng cho
những người Việt quan tâm suy ngẫm.
Giữa thời điểm những cuộc
biểu tình liên quan đến xung đột ở Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) đang
diễn ra một cách dữ dội và căng thẳng thì tin tức về việc các tác phẩm
Nhật Bản đang bị loại khỏi các nhà sách Trung Quốc làm người viết bài
này cảm thấy sửng sốt. Tuy nhiên, hiện nay còn chưa rõ hành động này là
một phần của chính sách cấm vận do chính phủ Trung Quốc đưa ra hay do
các nhà sách tự ý tiến hành. Vì thế tạm thời tôi sẽ không đưa ra ý kiến
của mình về vấn đề này.
Tôi tin rằng trong tất cả những sự phát
triển của châu Á trong những năm gần đây thì sự hình thành và trưởng
thành của cái được biết đến như là "nền văn hóa châu Á” cho đến nay là
thành tựu vĩ đại nhất. Không nghi ngờ gì rằng chất xúc tác cho quá trình
trưởng thành đó chính là sự phát triển đột phá và mạnh mẽ của những
nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Và cùng với sự ổn định kinh
tế, sự trưởng thành và đơm hoa kết trái của quá trình sáng tạo trong
lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, bên cạnh việc thiết lập những tiêu chuẩn
được kì vọng là tối hảo, để mỗi nước có thể tự do trao đổi những sáng
tạo văn hóa có một không hai của mình ra khắp thế giới.
Trung thành
với những giá trị và luật lệ được mọi người chia sẻ, hiện nay chúng ta
có thể hoạt động mà không ăn cắp bản quyền đến mức làm người ta phải
kinh ngạc như đã từng xảy ra trước đây (hay ít nhất cũng đã giảm được
ảnh hưởng của nó!). Khái niệm trả bản quyền và "ứng trước” cho công việc
sáng tạo đã được mọi người ở châu Á công nhận, và ở nước nào chúng ta
cũng có thể tự do trao đổi theo lối tiền-hàng một cách hợp pháp và công
bằng.
Từ kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này mà nói, đấy là một
đoạn đường dài và phải mất khá nhiều thời gian chúng ta mới đến được vị
trí như ngày nay. "Thị trường Đông Á”, như chúng ta gọi hiện nay, đã
trải qua giai đoạn thụ thai, thai nghén và trưởng thành khá dài. Không
muốn đổ thêm dầu vào lửa (có nguy cơ gây thêm khó chịu, trong khi căng
thẳng đã quá cao rồi!) tôi sẽ tránh nhắc tới những ví dụ quá cụ thể,
nhưng cái thị trường mà chúng ta, những người Đông Á, đang cùng nhau
sống trong đó, là một thực thể hoàn toàn khác so với hai mươi năm trước
đây và đã được cải thiện khá nhiều. Nó đã ổn định hơn rất nhiều. Vẫn còn
một số vấn đề nhỏ, nhưng hầu như mọi người đều có thể xem, đọc hầu hết
các bộ phim, tác phẩm văn học, nhạc và chương trình truyền hình một cách
tự do và hợp pháp.
Đấy đúng là một thành tựu tuyệt vời mà chúng ta đã đạt được cho chính mình.
Xin lấy mức độ phổ biến không thể tin nổi của các chương trình truyền
hình Hàn Quốc làm ví dụ, thông qua phương tiện thông tin đại chúng này,
người dân Nhật Bản càng ngày càng trở nên quen thuộc với dân tộc lân
bang và thái độ đối với đất nước đó cũng thay đổi rất nhiều; nói ngắn,
Hàn Quốc không còn quá xa lạ như trước đây nữa. Hơn thế nữa, nhờ tình
cảm thân mật mới hình thành với đất nước này mà trong thời gian gần đây
số người Nhật học tiếng Hàn cũng gia tăng vùn vụt. Trong khi đó, người
Hàn Quốc cũng quen dần với cách suy nghĩ của chúng ta và hiện nay họ
cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều hình thức của văn hóa và phương
tiện truyền thông Nhật Bản hơn là trước đây.
Trong thời gian làm
việc ở một trường đại học Mĩ, tôi được gặp nhiều sinh viên Trung Quốc và
Hàn Quốc, nhiều người trong số họ nói rằng đã làm quen với tác phẩm của
tôi. Những thanh niên này thường đến văn phòng của tôi, và nhờ những
trải nghiệm mà chúng tôi cùng chia sẻ trong lĩnh vực văn học, chưa lần
nào chúng tôi phải đánh nhau để thảo luận. Bất chấp những đường biên
giới quốc gia và rào cản ngôn ngữ, vẫn có tình bằng hữu và sự tin cậy.
Việc thiết lập được môi trường văn hóa tự do giao lưu như thế ở châu Á
là kết quả của nhiều năm hay công sức của biết bao nhiêu người, trong đó
có tôi, những người đã dành hết trái tim và khối óc của mình cho công
việc sáng tạo. Mặc dù có nhiều việc chưa thể làm, tôi vẫn kiên trì. Sau
khi đã có những thành quả như thế – tạo ra môi trường, trong đó văn hóa
và tư tưởng có thể được trao đổi một cách tự do – cùng với sự tôn trọng
và hiểu biết lẫn nhau, tôi tin rằng những vấn đề xảy ra gần đây giữa các
nước chúng ta sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng.
Muốn chia
sẻ và cảm nhận văn hóa của nhau, đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta
phải công nhận sự kiện là tất cả chúng ta đều là con người. Và dù nói
bằng ngôn ngữ nào đi nữa, tất cả chúng ta đều trải nghiệm và được thúc
đẩy bởi cùng những tình cảm như nhau. Những tình cảm đó là cái tạo ra và
định hình chính chúng ta. Mục tiêu của chúng ta – thông qua trao đổi
văn hóa – là thúc đẩy khái niệm này. Việc trao đổi giữa những nền văn
hóa của chúng ta cũng giống như gửi tâm hồn của chúng ta qua biên giới
và biển cả để người dân các quốc gia khác có thể trải nghiệm và tìm hiểu
văn hóa của chúng ta, cũng như chúng ta có thể tìm hiểu văn hóa của họ
vậy.
Là một người Nhật, đồng thời cũng là một nhà văn, tôi sợ rằng
những tranh cãi gần đây về quần đảo Điếu Ngư và thậm chí những rắc rối
liên quan tới Quần đảo Takeshima (Độc Đảo), sẽ phá hủy cái thế giới văn
hóa mà tất cả chúng ta phải vất vả bao nhiêu năm trời mới tạo dựng được,
và sẽ đào tung cái con đường mà chúng ta đã xây dần dần, bằng từng viên
gạch một.
Đáng tiếc là, trong khi cái gọi là biên giới quốc gia
vẫn còn tồn tại, những vấn đề và những cuộc tranh chấp về lãnh thổ và
quyền sở hữu có lẽ là không thể tránh khỏi. Đấy là những vấn đề thực tế
mà chúng ta phải đối mặt. Những vấn đề đó đòi hỏi và phải được giải
quyết bằng những giải pháp thực tế và không bao giờ được nghĩ khác. Khi
những vấn đề như thế xuất hiện, bản chất của vấn đề rất dễ bị bỏ qua và
niềm tự hào dân tộc thường bị dính líu vào. Những vết thương cũ dễ bị
moi ra và tình cảm bị tổn thương, nhưng nếu những luận cứ như thế được
đưa ra thì chúng ta sẽ thấy mình đã lạc vào khu vực nguy hiểm, không dễ
tìm được đường ra.
Những tranh cãi được bơm bằng nộ khí kiểu này có
khác gì say bằng những loại rượu rẻ tiền – chúng ta sẽ bị ngộ độc rất
nhanh, giọng của chúng ta sẽ to lên, còn ngôn ngữ thì khó nghe hơn. Hành
vi của chúng ta có thể trở thành bạo lực, còn tư duy của chúng ta, mặc
dù thường là bình tĩnh và đầy lí trí, trở thành đơn giản và chỉ còn dựa
vào bản năng thấp hèn mà thôi. Chúng ta bắt đầu tập trung vào những tình
cảm và ước muốn thầm kín nhất, lặp đi lặp lại chính mình và không còn
chỗ cho tư duy logic nữa.
Nhưng khi những vụ nổi loạn chấm dứt và tiếng hò hét lặng đi thì còn lại với chúng ta chỉ là cơn liệt rượu hoành hành.
Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ mình, không để các chính khách kích động.
Chúng ta cũng phải cảnh giác như thế khi gặp những anh chàng cứ muốn
chuốc cho chúng ta những loại rượu rẻ tiền, những kẻ luôn mồm hò hét và
khuyến khích chúng ta làm những việc như họ, chúng ta phải giữ vững lí
trí và không để người khác kích động. Trong suốt những chiến dịch trong
những năm 1930, trong khi tranh luận về kết quả cuối cùng, Adolf Hitler,
mang theo thông điệp rằng cơ sở hành động của đảng của ông ta là giành
lại những vùng lãnh thổ đã mất trong Thế chiến I và trở lại với địa vị
vinh quang, xứng đáng trước kia. Và tất cả chúng ta đã biết kết cục của
chuyện đó như thế nào… Cuộc tranh cãi hiện nay về Quần đảo Senkaku phải
được tiến hành một cách bình tĩnh và bằng một cái đầu sáng suốt, chúng
ta phải xem xét một cách thận trọng mình đã rơi vào tình huống này như
thế nào, vì sao mà chúng ta đã để cho tình hình trở thành không kiểm
soát được như thế.
Các viên chức chính phủ và những nhà bình luận
chính trị rất có tài trong việc đưa ra những bài diễn văn có tính chất
xúi giục và cảm động, những lời bình luận đánh trúng vào tình cảm của
nhân dân, nhưng trên thực tế, họ không bao giờ phải chịu rủi ro. Chính
chúng ta, chính nhân dân mới là những người phải đi vào những nơi có
xung đột và cuối cùng là phải chịu đau khổ.
Trong cuốn tiểu thuyết
Biên niên kí chim vặn dây cót của tôi, tôi đã dựa vào những sự kiện có
thật trong thời kì Nhật chiếm đóng Mãn Châu trong Thế chiến II. Những
trận đánh ở đây, dù tương đối ngắn nhưng rất tàn bạo, đã làm chết hơn 20
ngàn người Nhật, người Nga và người Mông Cổ. Tất cả chỉ vì biên giới và
lãnh thổ.
Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết, tôi đã đến những
khu vực xảy ra chiến trận để tự mình nhìn thấy vùng đất đó. Đứng giữa
hoang mạc cằn cỗi và rộng lớn đó, nơi vẫn còn vương vãi vỏ đạn, thùng
đựng đạn dược và đồ dùng của binh sĩ, tôi cảm thấy mình thật là yếu
đuối. Một ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi: "Vì sao lại có
nhiều người đến cái vùng đất hoang vu, chẳng có gì như thế này và giết
nhau một cách vô tâm đến như thế?”
Như tôi đã nói ngay từ đầu bài
viết, tôi không định bình luận về việc sách Nhật bị loại khỏi các nhà
sách ở Trung Quốc. Đấy là vấn đề mà người Trung Quốc phải tự giải quyết,
và sẽ là như vậy cho đến khi mọi chuyện kết thúc. Nhưng là một nhà văn,
dĩ nhiên là tôi cảm thấy rất buồn, nhưng tôi chẳng thể làm được gì.
Điều tôi có thể nói là tôi xin mỗi người trong các bạn hãy tự kiềm chế,
và đừng tham gia vào bất kì hành động trả đũa nào. Ngay khi chúng ta trả
đũa hay chuẩn bị có hành động như thế là chúng ta tự làm hại chính
mình. Khi chúng ta hành động một cách vội vã là chúng ta gây ra vấn đề
cho chính mình và chính chúng ta sẽ phải giải quyết hậu quả.
Nhưng
nếu chúng ta tỏ ra kiềm chế và thể hiện một cách điềm tĩnh rằng chúng ta
đánh giá cao, chúng ta tôn trọng và tiếp tục yêu mến những gì chúng ta
đã đạt được sau nhiều năm lao động cần cù thì chắc chắn là cuối cùng
chúng ta sẽ được tưởng thưởng. Điều này, thưa các quý bà và quý ông, là
hoàn toàn trái ngược với say bằng loại rượu rẻ tiền.
Say xỉn vẫn
xảy ra. Nhưng chúng ta không được ngăn chặn việc trao đổi tâm hồn, tức
là giao lưu văn hóa. Chúng ta không được phá hủy những con đường mà biết
bao người đã bỏ nhiều công sức mới xây dựng được. Từ nay trở đi, dù có
bị thương tổn đến mức nào, chúng ta cũng phải tìm cách giữ lấy con đường
này và tiếp tục để cho nó mãi phong quang.
Nguồn: Dịch theo
bản tiếng Anh của Philip Kendall Phạm Nguyên Trường dịch