Một quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam vừa "xông đất" truyền thông trong nước bằng việc ví những trở lực trong việc thay sửa bản Hiến pháp hiện hành ở Việt Nam với các từ ngữ như "mai rùa" và "vòng kim cô."
Trả lời tờ VietnamNet trong bài báo hôm 18/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói:
"Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai."
Về vấn đề quyền hạn hay vai trò của dân trong việc phúc quyết Hiến pháp, ông Dũng nói với tờ báo:
"Theo tôi, ở đây người dân không chỉ có vai trò, mà lớn hơn rất nhiều là có chủ quyền."
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, chủ quyền của người dân trước hết thể hiện ở quyền lập hiến của họ.
Ông nói:
"Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia'"
"Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước."
Nhìn lại các lần sửa đổi Hiến pháp Việt Nam từ trước, ông Dũng cho rằng các lần đó "người dân đều được tham gia góp ý kiến," và các cơ quan soạn thảo và các ủy ban sửa đổi hiến pháp cũng đã "cố gắng tiếp thu ý kiến của nhân dân."
Nhưng ông nhấn mạnh: "Tuy nhiên, vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân chưa bao giờ được đặt ra mạnh mẽ như lần này. Tôi cho rằng chủ nghĩa lập hiến và tư tưởng pháp quyền đã có bước phát triển rất vượt bậc trong đời sống của xã hội chúng ta."
Phủ nhận 'quyền dân'?
"Yêu cầu ông Nguyễn Đình Lộc thực hiện đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 38"
Ông Phan Trung Lý
Trong một diễn biến liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp, hôm 7/2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội kiêm Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý đã phúc đáp bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp do một nhóm nhân sỹ, trí thức chủ trương và gửi Quốc hội.
Công văn do ông Lý ký, gửi cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trưởng đoàn đại diện nhóm nhân sỹ, trí thức trao kiến nghị, bác bỏ bản dự thảo của nhóm kiến nghị khi cho rằng ý kiến đề nghị Ủy ban công bố dự thảo Hiến pháp khác mà ông Lộc và một số công dân đề xuất là "không đúng với quy định" của Nghị quyết số 38 của Quốc hội.
Công văn phúc đáp của ông Phan Trung Lý yêu cầu ông Lộc "thực hiện đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 38" của Quốc hội khi tham gia đóng góp cho quá trình sửa đổi Hiến pháp.
Đáp lại ý kiến của công văn do ông Phan Trung Lý ký, hôm thứ Hai, 18/2, nhóm soạn thảo và ký kiến nghị của ông Lộc đã ra thông báo cho rằng công văn trả lời của ông Lý, dựa trên Nghị quyết 38 của Quốc hội trên tinh thần chưa sửa đổi của Hiến pháp hiện hành vốn coi "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp," là "phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân."
Bản thông báo trên trang Bauxite Việt Nam nhấn mạnh:
"Đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp."
Nhóm kiến nghị còn yêu cầu Ủy ban "tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực" các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận.
"Đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam," thông báo của nhóm viết.
Hiện tại bản kiến nghị của nhóm trí thức, nhân sỹ và các công dân, được biết tới với tên gọi 'Kiến nghị 72' đã thu được chữ ký của hơn 4.000 người ủng hộ.