Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tải xuống - download
Khát vọng dân chủ trong góp ý sửa đổi Hiến pháp như trăm hoa đua nở,
nhưng đã bị hai nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Quốc hội khoanh vùng
diễn biến hòa bình chống Đảng và Nhà nước.
Hô hào và đe doạ
Ngày 27/2 làm việc với các nhà lãnh đạo TP. Hà Nội Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo về điều gọi là đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối
việc lợi dụng góp ý vào dự thảo để tuyên truyền, vận động người dân phá
hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống Đảng và Nhà nước. Báo Điện tử
Cộng sản và báo Hà Nội Mới cùng đưa tin này.
Ông Nguyễn Sinh Hùng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp
1992, phát biểu của ông làm rõ thêm nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng hôm 25/2 tại Vĩnh Phúc khi phê phán những luồng ý kiến đa nguyên
đa đảng bầu cử tự do là suy thoái chính trị, tư tưởng đạo đức.
Những lời đe dọa kiểu như thế là ngược lại
hoàn toàn với những lời hô hào của chính họ. Phải nói thực là tôi không
hiểu các ông ấy ăn nói theo kiểu gì nữa. TS Nguyễn Quang A
Tuy không đề cập trực tiếp tới Bản đại kiến nghị 7 nội dung do 72
nhân sĩ trí thức ký tên ban đầu và cập nhật hơn 6 ngàn chữ ký điện tử,
nay quen gọi là Kiến nghị 72, nhưng mọi người đều hiểu rằng hai nhân vật
chóp bu của chế độ là ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng muốn ám
chỉ những luồng ý kiến nào. Bản Kiến nghị 72 đã góp ý Việt Nam cần tổ
chức bầu cử tự do, chấp nhận đa nguyên đa đảng, đa sở hữu đất đai và
nhất là phi chính trị hóa quân đội.
Trả lời Nam Nguyên tối 28/2, TS Nguyễn Quang A người đầu tiên ký tên trong Kiến nghị 72 phát biểu:
" Cả hai ông như thế đã bứt cái lá nho cuối cùng xuống. Người ta
cũng hiểu việc góp ý nói chung là rất ít kết quả và người ta góp ý là cố
gắng để cho chính các ông ấy và những người đương chức đương quyền cũng
có thể học thêm hiểu thêm điều gì đó, rồi người dân, giới trẻ học thêm
hiểu thêm thì có thể thay đổi được điều gì đó. Nhưng mà những lời đe dọa
kiểu như thế là ngược lại hoàn toàn với những lời hô hào của chính họ.
Phải nói thực là tôi không hiểu các ông ấy ăn nói theo kiểu gì nữa.”
Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội. AFP
Linh mục Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý Hòa bình Hội đồng
Giám mục Việt Nam, là người ký tên thứ 57 trong Kiến nghị 72 với danh
nghĩa là một linh mục thuộc Giáo phận Saigon. Trả lời Nam Nguyên Linh
mục Lê Quốc Thăng nhận định:
"Những ý kiến của nhóm 72 nói chung hay của cá nhân mình khi ký
tên tham gia bản kiến nghị đó thì cũng chỉ làm với tất cả lương tâm của
một người công dân Việt Nam yêu nước thương nòi muốn đất nước này phát
triển, chứ hoàn toàn không nhằm mục đích lật đổ đảng Cộng sản lãnh đạo
hay lật đổ Chính quyền …v..v…
Tự thân khi đọc 7 kiến nghị đó thì chúng ta đều thấy rõ là không
câu nào, chữ nào lên án hay tìm mọi cách lôi kéo để lật đổ Chính quyền
hay Đảng Cộng sản hiện nay trong vai trò lãnh đạo của họ. Cho nên đó là ý
kiến riêng của ông Tổng Bí thư, của ông Chủ tịch Quốc hội, đối với tôi
thì tôi không quan tâm chuyện đó. Điều chúng tôi quan tâm, đây là cơ hội
để cho toàn thể dân tộc toàn thể đất nước thấy ra được những điểm cần
thiết để cho đất nước mình phát triển, để cho đất nước mình có khả năng
tự cường chống trả lại mưu đồ xâm lăng của những thế lực, những nước đen
tối khác, vì lương tâm của một người công dân bắt buộc phải làm như
thế.”
Nỗi sợ hãi của kẻ yếu
Tại buổi làm việc ngày 27/2 ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt
nhấn mạnh, Bản lấy ý kiến là bản của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp công bố,
trên cơ sở tiếp thu thảo luận của Quốc hội. Theo lời ông, đây là bản duy
nhất để góp ý, còn ai tự tổ chức lấy ý kiến khác là không được.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp Hội
Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, là một trong số 72 người ký tên đầu tiên vào
Bản Kiến nghị 7 nội dung góp ý sửa đổi hiến pháp, từ Hà Nội nói rằng
phản ứng của giới chức lãnh đạo Đảng và Quốc hội là điều có thể hiểu
được nhưng không phải là điều ông mong đợi, vì bản kiến nghị đó mang
tinh thần xây dựng và không hề đòi lật đổ ai cả. PGS.TS Hồ Uy Liêm nhấn
mạnh:
Tôi nghĩ rằng, đòi hỏi tự do dân chủ là
một đòi hỏi bức xúc của cả xã hội. Thế nên kiểu gì rồi cũng phải có sự
thay đổi, nếu mà thay đổi đến nhanh thì đất nước được lợi. TS Hồ Uy Liêm
"Có sự mâu thuẫn một bên nói là không có vùng cấm, một bên lại
phản ứng khá là mạnh trong câu chuyện ấy…đã là góp ý kiến thì phải có
rất nhiều ý kiến khác nhau, không nên dựa vào một văn bản chuẩn bị sẵn.
Nếu làm theo văn bản ấy thì tình hình thay đổi không nhiều, thực chất nó
vẫn như cũ thôi.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi là với phạm vi cấm quá rõ rệt mà các nhà
lãnh đạo chóp bu vừa lên tiếng răn đe, vậy thì việc sửa đổi Hiến pháp
lần này cũng vẫn chỉ mang tính chất giai đoạn với các nội dung sửa đổi
chỉ nhằm củng cố vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam
trong giai đoạn mới? PGS.TS Hồ Uy Liêm nhận định:
" Tôi nghĩ rằng, đòi hỏi tự do dân chủ là một đòi hỏi bức xúc của
cả xã hội. Thế nên kiểu gì rồi cũng phải có sự thay đổi, nếu mà thay đổi
đến nhanh thì đất nước được lợi, chứ còn thay đổi theo kiểu cứ chần chừ
hoặc là vừa mới có những ý kiến khác khác một tí mà phản ứng thế này
thì chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. "
Cùng với câu hỏi là các nội dung sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp
được Ủy ban soạn thảo đưa ra thực chất chỉ giúp cho Đảng Cộng sản tiếp
tục vai trò lãnh đạo độc tôn của mình. TS Nguyễn Quang A phân tích:
" Bản dự thảo Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến thì có rất nhiều
điểm cốt lõi là tồi tệ hơn bản thân Hiến pháp hiện hành đang cần phải
sửa đổi. Một số qui định, thí dụ từ trước đến nay Hiến pháp Việt Nam
chưa bao giờ đặt vấn đề là quân đội trung thành với Đảng Cộng sản Việt
Nam cả. Bây giờ hợp hiến hóa việc ấy, tôi nghĩ rất là nguy hiểm, hoặc về
đất đai hợp hiến hóa việc gọi là Nhà nước có quyền thu hồi đất cho mục
đích các dự án kinh tế chẳng hạn, thì đấy lại là hợp hiến hóa một chuyện
từ trước đến nay chưa từng có và như thế còn tồi hơn bản Hiến pháp hiện
hành.
Một bức tranh cổ động kêu gọi trung thành với Đảng. File photo.
Cái dân chủ mà người ta muốn nói vạn lần dân chủ hơn các dân chủ
khác thì tôi nghĩ sẽ đi ngược lại hoàn toàn. Và chính vì thế người dân
phải nêu chính kiến của mình. Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về
những chuyện đó, tôi nghĩ rằng phải tranh luận với nhau chứ không phải
là đe dọa, không phải là dùng công an quân đội để đàn áp những người có
chính kiến như vậy trong một nền văn minh như thế này.”
Đáp câu hỏi phải chăng Đảng Cộng sản sợ hãi mất quyền lãnh đạo nên sợ
hãi đa nguyên chính trị không dám chấp nhận chế độ đa đảng. TS Nguyễn
Quang A nhận định:
" Tôi nghĩ chỉ có thể có một lý giải, đó là người ta đang ở trong
thế rất yếu thì mới phải thế. Nếu người ta đang rất mạnh, rất đường
hoàng, có chính nghĩa, có đủ mọi thứ mà thuyết phục được người dân bằng
kết quả, được người dân chấp nhận bằng lá phiếu của mình một cách rất là
sòng phẳng, công khai minh bạch trong bầu phiếu thực sự tự do, thì
đương nhiên cái tổ chức tự cho mình là đỉnh cao, mạnh và được nhân dân
ủng hộ thì tại sao lại còn sợ cái gì. Tôi thực sự không thể hiểu được,
chỉ có thể suy ra là tại vì họ lo, rất lo. Tại sao phải lo, chỉ yếu mới
phải lo thôi.”
Khi phát động phong trào nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp, ông Phan
Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội kiểm Trưởng ban biên tập
dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định trong cuộc họp báo ngày 29/12/2012
tại Hà Nội rằng: "không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến
pháp”. Chúng tôi đã truy cập lại bản tin VietnamNet đưa lên mạng cùng
ngày, ông Lý còn nhấn mạnh: "Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân
dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa
đổi Hiến pháp.”
Thế nhưng chỉ chưa đầy 90 ngày mà sự thật được thể hiện hoàn toàn
khác, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng nói ngược lại những gì ông Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý
đã khẳng định.
Có những lập luận ác miệng còn cho rằng, ba tháng trước mở đường cho ý
kiến dân chủ trăm hoa đua nở, ba tháng sau bắt đầu xử lý đối phó những
đóa hoa nở sớm đó. Chẳng hạn như kỷ luật buộc thôi việc nhà báo Nguyễn
Đắc Kiên vừa qua.
|