Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tám » 15 » Đạo đức lãnh đạo
10:36 AM
Đạo đức lãnh đạo

Hà Văn Thịnh



Sự kiện ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình lái ô tô đâm hai người phụ nữ và một đứa trẻ bị thương rồi bỏ chạy đã làm dư luận phải bàng hoàng, vì không ai có thể hình dung nổi một người có cương vị cao như thế, hiểu biết về luật pháp đủ đầy như thế, lại hành xử như một kẻ vô học, vô nhân tâm!

Điều làm cho chúng ta phẫn nộ là một con người, dù có cương vị hay không, thấy người khác bị hoạn nạn, đều phải ra tay cứu giúp. Đó là đạo đức tối thiểu mà chỉ những kẻ táng tận lương tâm mới khước từ. Đã giữ chức vụ cao nhất trong ngành tư pháp của một địa phương, chắc hẳn ông Viện trưởng biết rõ Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ quy định: gây tai nạn không cứu chữa người bị hại, thay đổi hiện trường (lái xe bỏ chạy), lái xe trong tình trạng say xỉn, gây thương tích cố ý quá 11% (vì say mà lái xe là cố ý chứ không thể là vô ý) – tổng hợp mức án cho bốn tội này là bao nhiêu năm tù? Nếu tính đúng, kê đủ thì không thể ít hơn 10 năm, thưa ông Viện trưởng Viện Kiểm sát của Nhân dân! Đến đây, dư luận buộc phải tự hỏi rằng phải chăng luật pháp nước ta đang tồn tại nhiều "thứ” luật, nhiều cấp độ hành xử khác nhau? Cái sai không thể chấp nhận của ông Viện trưởng đã đủ tình tiết để cấu thành tội phạm tức là đủ để truy tố.

Vậy, tại sao cho đến lúc này các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình vẫn im lặng? Đây là sự im lặng vượt xa hơn cả sự khó hiểu bởi lẽ không thể nào cho rằng vì "có uống mấy ly bia” nên không làm chủ được bản thân (?). Ai cũng biết rõ là ông Viện trưởng sau khi gây tai nạn đã cố tình bỏ chạy để phi tang nhân chứng, vật chứng. Giả sử nếu người dân không phát hiện và báo số xe in rõ trên biển kiểm soát thì liệu ông Viện trưởng có nhận tội không? Hơn nữa, nếu dùng quyền lực và tiền bạc để đổi trắng thay đen, bồi thường cho gia đình các nạn nhân để thoát tội thì luật pháp có còn mang đủ sức nặng và tính công bằng nữa hay không? Cách đây mấy năm, có ông lãnh đạo sở của Hà Tây cũ cũng lái xe đâm chết người rồi đổ tội cho cậu đánh máy - lái xe! Một sĩ quan cảnh sát đã từng ngông nghênh múa kiếm ngay giữa sân bay Đà Nẵng bất chấp kỷ cương, phép nước. Rồi chuyện CSGT đánh chết người, CSGT "hóa trang” bắn vỡ đùi một cô gái (Thái Nguyên, 12.8.2010) [mà những người này chỉ có một lý do duy nhất là không đội mũ bảo hiểm - nhắc nhở người ta để bảo vệ tính mạng cho người ta mà làm người ta mất mạng hoặc trở thành thương tật vĩnh viễn luôn, chỉ có cảnh sát của cái Nhà nước nhân đạo của chúng ta mới sát nhân như vậy; trông chó thì biết chủ dữ hay hiền, trông cảnh sát thì biết Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng... là như thế nào – BVN chú thêm], chuyện ông Chủ tịch tỉnh mua dâm… là cả một lô một lốc những sỉ nhục đối với cả nền hành chánh nước ta. Ông Tô chủ tịch "nổi tiếng” đến mức hôm nay ở TP HCM, thay vì vào quán phở gọi một "tô đặc biệt” thì người ta sẽ nói là "cho một tô chủ tịch” (!). Nói như thế để thấy cái đạo đức thời nay của lãnh đạo nó đau đớn và ê chề đến mức nào.

Nếu ai đó cho rằng gây tai nạn là điều không ai muốn, là sự rủi ro; rằng do uống vài ly bia nên không thể làm chủ được hành vi đạo đức thì xin thưa rằng đó chỉ là sự ngụy biện để tiếp tay, dung túng cho sự tha hóa đạo đức của hàng ngàn hàng vạn con sâu thời đại… đồ đểu (từ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng)!

Đã đến lúc người dân không thể chấp nhận những hành vi vô đạo đức không hề mang tính hiện tượng của các vị lãnh đạo nữa. Mọi sai phạm phải được xử lý nghiêm minh. Nếu xã hội chúng ta luôn nhân danh sự công bằng, bình đẳng thì không thể cho phép tồn tại thứ pháp luật nhiều tầng nấc. Ai mà không nhớ chuyện 3 nông dân ở Lâm Đồng bắt 2 con vịt về nhậu, dù đã bồi thường 1,5 triệu đồng vẫn bị xử tù ở 13 năm. Ba con người yếu đuối bị thương ngã vật ra giữa đường có giá trị hơn hai con vịt hay không? Xin trả lời là giá trị hơn… một chút!

Quả thật, người dân chỉ cần luật pháp thời nay và cách hành xử luật pháp thời nay đối xử với con người hơn con vịt một chút là đủ, là thỏa mãn lắm rồi! Có lẽ, người dân còn muốn đòi hỏi nhiều hơn, nhưng trong trường hợp cụ thể này, chỉ cần thế là được. Mọi sai phạm và tội ác phải nghiêm trị bất kể nhân thân, ô dù, chức vụ của người đó lớn đến mức nào. Đó là cơ sở, là sự bắt đầu của niềm tin của một chính quyền tốt đấy, xin thưa cùng quý vị lãnh đạo. Nếu quý vị cứ bao che cho nhau, không thể làm như đòi hỏi tất nhiên của công lý thì biết đến bao giờ người dân mới có thể tin vào Đảng, tin vào chính quyền của dân, do dân, vì dân? Xin thú thực rằng: Là những người đọc và nghe khá nhiều, giới trí thức chúng tôi đã quá sức mệt mỏi, quá sức chán nản cho cái thứ đạo đức vô cảm, bất nhân, ích kỷ và ngu xuẩn của không ít lãnh đạo thời nay! Nếu không thay đổi thì dân tộc, giống nòi sẽ đi về đâu và, các vị còn tác oai, tác quái đến bao giờ?

HVT
Huế, 12.8.2010
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1592 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0