Huy Đức
- Chính quyền Hưng Yên nói họ đã không sai khi tổ chức cưỡng chế 70
hecta đất của 160 hộ dân Văn Giang. Chưa có cơ sở để tin rằng Thủ tướng
sẽ nói quyết định này của Hưng Yên là sai như ông đã làm với chính quyền
Hải Phòng. Nhưng, cho dù bên thua trận là nhân dân thì hình ảnh hàng
ngàn cảnh sát chống bạo động, "khiên-giáo” tua tủa, đối đầu với vài trăm
nông dân cuốc xẻng trong tay không chỉ phản ánh mối quan hệ Chính quyền
- Nhân dân hiện nay mà còn có tính dự báo không thể nào xem thường
được.
Làm luật cũng là Chính quyền, giải thích luật cũng là Chính quyền, chỉ
có người dân là thiệt. Kể từ năm 1993, Luật Đất đai theo tinh thần Hiến
pháp 1992 đã được sửa đổi 5 lần. Chỉ riêng các điều khoản thu hồi, nếu
như từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối
và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003.
Điều 27, Luật Đất đai 1993, quy định rằng: "Trong trường hợp thật cần
thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử
dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công
cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Điều Luật tiếp
theo còn đưa ra những điều kiện ràng buộc nhằm tránh sự lạm dụng của
Chính quyền. Luật sửa đổi 1998 gần như giữ nguyên tinh thần này. Nhưng,
đây là thời điểm mà các đại gia bắt đầu phất lên nhờ đất. Tiến trình ban
hành chính sách bắt đầu có sự can dự của các nhóm đặc lợi, đặc quyền.
Luật Đất đai 2003 đã đặt rất nhiều rủi ro lên người dân khi điều chỉnh
mối quan hệ này thành một chương gọi là Mục 3. Trong phần "Thu hồi đất”,
Luật gần như đã đặt những mục tiêu cao cả như "lợi ích quốc gia” ngang
hàng với "lợi ích của các đại gia”. Điều 39 định nghĩa những "lợi ích
quốc gia” chủ yếu là những "dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.
Dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu chiểu theo Luật 2003,
việc nông dân Văn Giang không chịu bị thu hồi nên bị cưỡng chế là hoàn
toàn phù hợp với Điều 39.
Việt Nam không có một tối cao pháp viện để nói rằng Luật 2003 ở những
điều khoản nói trên đã vi Hiến; Việt Nam cũng không có tư pháp độc lập
để nông dân có thể kiện các quyết định của chính quyền. Chỉ vì không có
niềm tin Hệ thống có thể mang công lý đến cho mình mà gia đình anh Đoàn
Văn Vươn, hôm 5-1-2012, và 160 hộ dân Văn Giang, hôm 24-4-2012, phải
chọn hình thức kháng cự chịu nhiều rủi ro như thế.
Cho dù "đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các
quyền của người sử dụng. Nhưng, sở dĩ ai cũng gắn bó với mảnh đất mà
mình đang cắm dùi là bởi: Đất ấy không phải được giao không từ quỹ đất
công như những quan chức có đặc quyền, đặc lợi; Đất ấy họ đã phải mua
bằng tiền; Đất ấy họ phải tạo lập bằng nước mắt, mồ hôi; Đất ấy là của
ông cha để lại.
Không thể nói một thứ có thể quy đổi thành tiền mà không phải là tài
sản. Không thể bỗng dưng một khối tài sản có khi phải đánh đổi cả cuộc
đời lại có thể bị thu hồi. Không thể nhìn đất ấy đang làm lợi cho các
đại gia qua quyết định hành chính của một cấp chính quyền, thường chỉ
là, hàng huyện.
Đất đai của các doanh nghiệp, của nông dân, vì thế, phải được coi là
"tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Trong bài "Ba khâu Đột phá của
Thủ tướng” tôi có đề nghị đa sở hữu hóa đất đai, công nhận quyền sở hữu
đã có trên thực tế của người dân. Nhưng, sau gần một năm, tôi nghĩ là,
những người lạc quan chính trị nhất cũng không còn hy vọng ấy. Cho dù
chưa có những thay đổi về mặt ngôn từ thì việc tuân thủ Hiến pháp 1992
là điều không nên bàn cãi. Điều 18 Hiến pháp 1992, nói: "Nhà nước giao
đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Nghĩa là việc
giao đất cho dân là vô thời hạn. Khi bình luận về các điều khoản quy
định thời hạn giao đất, chính một trong những tác giả chính của Luật Đất
đai 1993, ông Tôn Gia Huyên, cũng cho rằng, Luật đã có "một bước lùi so
với Hiến pháp”.
Hiến pháp đã cho "chuyển quyền sử dụng” có nghĩa là công nhận quyền ấy
như một tài sản của người dân. Nghĩa là, thay vì "thu hồi đất” như các
quy định trong Luật Đất đai, "trong trường hợp thật cần thiết vì lý do
quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”, Nhà nước nên chiểu theo
Điều 23 của Hiến pháp mà "trưng mua, trưng dụng”. Luật trưng mua - trưng
dụng cũng nên định nghĩa minh bạch "lợi ích quốc gia” để phân biệt với
"lợi ích của các đại gia”. Và khi trưng mua thì nên lấy giá giao dịch
trên thực tế chứ không phải là giá hành chánh được nghĩ ra trong các
phòng máy lạnh.
Với những dự án lớn, đụng chạm xã hội, như Ecopark, cho dù là tư nhân
đầu tư, thì cũng nên đòi phải minh bạch trong từng bước đi. Phải buộc
kiểm toán để thấy rằng, đất đai của nông dân chiếm bao nhiêu phần trăm
trong tổng vốn đầu tư và mời nông dân tham gia bằng cách góp vốn và chia
lãi theo tỉ lệ vốn bằng quyền sử dụng đất.
Vì sao trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia
mà Hiến pháp vẫn yêu cầu phải trưng mua theo giá thị trường? Vì sao các
nhà nước của dân vẫn đền bù thỏa đáng cho các trường hợp rủi ro ví dụ
như bồi thường cho ai đó đang đi dưới hè đường bị một cành cây rơi
trúng. Cái cành cây ấy, mọc ở ven đường, mang lại phúc lợi bóng mát cho
hàng vạn con người nên khi nó gãy không thể để một người chịu thiệt.
Người dân Văn Giang không chống lại dự án Ecopark, người dân chỉ không
đồng ý với giá và cách mà Chính quyền đền bù. Nếu con số 90% nông dân
Văn Giang đã nhận đền bù là đúng thì cũng không thể coi 10% phản ứng là
sai. Trước anh Đoàn Văn Vươn đã có những người cam chịu lệnh thu hồi đất
của chính quyền Tiên Lãng.
Đừng nghĩ những người chân lấm tay bùn không biết tính toán. Đừng nghĩ
nông dân không biết xót xa khi nhận chưa tới 150 nghìn đồng/ m2 rồi nhìn
đất của họ được đem bán với giá hàng chục triệu đồng. Chính quyền nói,
"chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là phần
chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển
giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh”. Tất nhiên phải có phần hạ
tầng và cây xanh này thì người ta mới đến Ecopark mua nhà. Nhưng, cho dù
nó thực sự là phúc lợi thì cũng không thể đòi hỏi 1.500 hộ dân ở Văn
Giang phải chịu thiệt cho các đại gia đến hưởng.
Sáng 17-4-2009, khi bị cưỡng chế thu hồi đất, chính người thân của Thủ
tướng đương nhiệm cũng đã kháng cự. Cho dù 185 hecta đất cao su mà những
người này có được ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nhẹ nhàng hơn cách
mà thường dân có được vài nghìn mét ruộng nương. Đất ấy họ được địa
phương bán với giá bình quân 50 triệu/ hecta và sau đó khi thu hồi lại,
Bình Dương đã đền bù mỗi hecta gần một tỉ. Tôi nhắc lại điều này chi để
đề nghị tất cả ai quan tâm nên đặt mình trong vị trí của người dân Văn
Giang. Từ các quan chức ra lệnh cho đến những cảnh sát đã đánh vào đầu
dân đều phải nghĩ đến ngày đất đai của nhà mình bị Chính quyền cưỡng
chế.
Đừng nghĩ Đoàn Văn Vươn hay Văn Giang là đơn lẻ. Không nên coi một chính
sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt
hơn 20 năm qua là không có gì sai. Cho dù quyết tâm cưỡng chế 160 hộ dân
ở Văn Giang có thể chỉ vì lợi ích của một số cá nhân; có thể sau thất
bại trong vụ Đoàn Văn Vươn, Chính quyền muốn cứng rắn để dập tắt khát
vọng đòi đất của những nông dân muốn noi gương anh Vươn. Thì, hình ảnh
cuộc cưỡng chế hôm 24-4-2012 đã trở thành một vết nhơ trong lịch sử.
Một chế độ luôn lo sợ mất ổn định không nên nuôi dưỡng quá nhiều những
mầm mống đang làm mất ổn định. Một chế độ rất sợ các thế lực thù địch
không nên tạo quá nhiều thù địch ngay chính trong lòng mình. Đất nước
này tao loạn quá nhiều rồi, hơn ai hết người dân cũng cần ổn định.