Chủ Nhật, 2024-11-24, 10:40 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 8 » Đất nước tôi khổ thật!
8:23 AM
Đất nước tôi khổ thật!


Bỉ Dân

"…Tôi nghĩ mỗi nước cũng có cái khổ riêng, được tạo ra bởi đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước ấy. Nhưng đất nước tôi khổ thật! Không biết sao lại vậy!…”

Tôi không đủ năng lực ngôn ngữ, tri thức và kiến văn để viết những trang chính luận hùng văn lập thuyết về những vấn đề của đất nước. Bằng cảm nhận và diễn đạt của mình cùng với những so sánh giả định, tôi thấy đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi được xây dựng và phát triển theo các chủ nghĩa và học thuyết gắn với tên riêng của một số người, được phát biểu công khai, nhấn mạnh và được ghi vào các văn kiện quan trọng của quốc gia. Chuyện ấy làm khổ trí nhọc lòng những người lãnh đạo đất nước. Cứ 5 năm, mười năm một lần họ phải họp nhau lại nhiều ngày để tranh luận, bàn thảo cách phát biểu nội dung này. Lời phát biểu có khi dài, phân biệt từng chữ, từng vị trí thứ tự của nội dung, chẳng hạn "chủ nghĩa ông Mỗ X, tư tưởng ông Mỗ Y, đường lối ông Mỗ Z, chính sách ông Mỗ A”. Sau khi công bố lời phát biểu đã được đồng thuận là cả một sự vận hành của các cơ quan tư tưởng, văn hoá, tuyên truyền, cơ quan xây dựng chương trình giáo dục cho các trường đại học, các trường phổ thông, các cơ quan tuyên giáo với không biết bao nhiêu lớp học tập, bồi dưỡng, tập huấn, triển khai nghị quyết và tốn cũng không biết bao nhiêu tiền, tạo thu nhập cho không biết bao nhiêu người. Tôi không biết tác dụng của lời phát biểu đó đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và cũng không biết có bao nhiêu nước giống nước tôi. Nếu có những nước không cần việc ấy mà vẫn phát triển thì đúng là đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi có một sự nghiệp thi đua hùng vĩ, đã trải qua mấy chục năm, đủ quy mô và kinh nghiệm để có luật thi đua. Điều hành thi đua của đất nước là cả một hội đồng do người có cương vị cao nhất của chính phủ phụ trách, mỗi năm họp nhiều lần. Dưới sự điều hành đó, người người thi đua, ngành ngành thi đua, các địa phương thi đua với nhau, các cụm liên cơ quan, liên địa phương, các top thi đua với nhau. Quanh năm cả nước dấy lên mấy chục phong trào, mấy chục đợt thi đua, mấy chục cuộc vận động thi đua với hàng chục vạn khẩu hiệu thi đua treo khắp nơi. Việc thi đua phải đăng ký, được kiểm tra thường xuyên với quy mô của toàn bộ mạng lưới đó (chẳng hạn top 10 tỉnh phát triển nhất thi đua với nhau và nửa năm một lần lại mời nhau mỗi tỉnh hàng chục người đến một địa điểm vui tươi nào đó để kiểm tra nhau). Kết quả là mỗi năm có hàng triệu chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến, giáo viên dạy giỏi, hàng vạn người được phong các danh hiệu ưu tú, nhân dân, hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng huân huy chương. Số tiền để chi cho bộ máy thi đua, cho các giải thưởng và cho những ngành sản xuất, dịch vụ liên quan không phải là nhỏ. Tôi không thể đo được tác dụng của sự nghiệp này đến hiện thực phát triển của đất nước, chỉ thấy với chừng ấy giáo viên dạy giỏi, nhà giáo, thầy thuốc và nghệ sĩ ưu tú, nhân dân nhưng nền giáo dục, y tế và văn hoá nghệ thuật thì không giống ai, bị cả nhân dân và các nhà lãnh đạo chê trách, vẫn ì ạch và lắm lỗi; học sinh sinh viên không học được nhiều ở các vị có danh hiệu đó nên hàng vạn em có điều kiện là đi học nước ngoài, trong đó có con của các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Nếu có nước khác không thi đua như vậy mà vẫn phát triển thì đúng là đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi có một lãnh tụ để nhân dân kính yêu và biết ơn. Đó là chuyện tốt và thường tình. Song ở đây sự kính trọng và biết ơn thể hiện ở một các hết sức đặc biệt là tìm cách lưu giữ vĩnh viễn thi hài của Người và biến các lời nói trước tác của Người thành hệ thống tư tưởng có tính điển kệ. Thế là phải xây dựng nơi lưu giữ, thuê các nhà khoa học hàng năm bảo quản, duy trì cả mội sư đoàn quân đội bảo vệ 24/24 trong một đất nước rất ổn định và an ninh, không như Tần Thuỷ Hoàng chỉ dùng lính đất sét. Việc ấy chắc cũng tốn nhiều tiền. Thế là hàng chục năm cả nước học tập hết tư tưởng (không tổng kết) đến học và làm theo tấm gương đạo đức. Các lớp học mở đến tận thôn bản (như Chỉ thị của trung ương) kéo theo sự lãng phí thời gian và ngân sách, làm giàu cho đội ngũ giảng viên và báo cáo viên chính trị. Tâm trạng của người học giống như chấp hành một sư thị uy trấn áp tinh thần chứ chẳng nghe gì, thậm chí phải ngủ trộm hoặc làm việc riêng (chẳng trách được vì đại biểu họp quốc hội còn ngủ mà). Nếu những nước khác không có cách biểu tượng hoá đó mà vẫn phát triển thì đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi có nhiều lễ hội; tính ra hàng năm có đến trên 9000 lễ hội lớn nhỏ nhiều cấp tổ chức. Con số đó có được do nhu cầu nhân dân và điều kiện phát triển đất nước vài thập kỷ gần đây, chứ thời kinh tế bao cấp và xây dựng văn hoá vô sản thì ít hơn nhiều. Con số lễ hội đó tính bình quân mỗi ngày là 30 và có thể còn thêm. Rất nhiều trong số đó có sự tham gia tổ chức của nhà nước và địa phương nào cũng muốn nâng cấp lễ hội của mình lên để có đầu tư và làm dịch vụ du lịch. Song số lượng nhiều quá e rằng sẽ tốn kém thời gian tổ chức và kinh phí hành lễ, diễn hội. Tôi nhớ đến Azis Nessin với chuyện một phóng viên nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ để phỏng vấn ông bộ trưởng văn hoá nhưng suốt năm không gặp được vì ông phải đi dự các lễ hội. Nếu có quốc gia ít lễ hội mà vẫn phát triển lành mạnh, hài hoà, nhân dân có dân trí và văn hoá cao thì đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi có một hệ thống chính trị hùng mạnh, chia thành 4 cấp và các đoàn thể chính trị xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự cũng được phiên chế tương đương; trong hệ thống đó có một chính đảng duy nhất lãnh đạo, được thừa nhận bằng Hiến pháp được Quốc hội với đại biểu đa số 99% là đảng viên của chính đảng bỏ phiếu thông qua. Nhờ hệ thống chặt chẽ đó nên tôn ti cấp bậc được xem trọng. Trên diễn đàn hội họp, việc kính thưa và giới thiệu đại biểu mất đến vài ba mươi phút, với một trật tự hết sức chặt chẽ. Ở cấp trung ương, thứ tự đó thường bắt đầu bằng Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội (chức danh này tuy được gọi là đứng đầu cơ quan quyền lực nhân dân cao nhất, đại diện của tám mưới mấy triệu người nhưng vẫn phải sau người đứng đầu của cơ quan do mình "phê chuẩn”), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc… Tính chất chặt chẽ và nghi thức nhưng có ý nghĩa chính trị đó chi phối cả các tổ chức xã hội, chẳng hạn có ông chủ tịch hội người mù trung ương về thăm hội người mù của tỉnh thì việc thưa gởi cũng trịnh trọng như vậy, mặc dù mức độ thị lực và thâm niên mù của ông trung ương cũng chẳng có gì hơn ông cấp tỉnh. Không biết các nước khác thế nào, song nếu không có cái ấy mà đất nước vẫn phát triển thì đất nước tôi khổ thật!

Đất nước tôi được lãnh đạo bằng bộ máy các cơ quan chính đảng và hệ thống các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị. Bộ máy cơ quan đảng có cấu trúc cũng cồng kềnh và mạnh tương đương như khối nhà nước và được trả lương bằng ngân sách. Các cơ quan đó ngoài hoạt động đảng vụ, còn theo dõi, giám sát, uốn nắn, cho ý kiến, xử lý công việc hàng ngày của khối chính quyền và ra các nghị quyết. Mỗi năm cấp trung ương có năm bảy nghị quyết, chỉ thị; các cấp dưới cũng vậy. Sau khi công bố các nghị quyết là một quá trình quán triệt, truyền đạt rầm rộ. Tất cả công chức, viên chức, cán bộ quân dân chính các cấp, chủ doanh nghiệp, người đứng đầu các đoàn thể, tổ chức xã hội, chức sắc tôn giáo… đều phải học (từ ngữ chính thống là được học). Tình hình học tập cũng như đã nói ở trên. Nếu có quốc gia không có hoạt động đó mà vẫn phát triển thì chắc mọi việc sẽ nhẹ nhàng, quan hệ xã hội và sức khoẻ tâm thần của nhân dân sẽ tốt hơn. Còn nước tôi thì vậy, rõ khổ!

Đất nước tôi đã có nền dân chủ cộng hoà cách đây 55 năm, dẫn đầu khu vực; có quốc hội được bầu với hình thức phổ thông đầu phiếu sau đó 1 năm, với những công dân đã giác ngộ chính trị và tham gia phong trào yêu nước ngay từ tuổi 12. Ấy vậy mà sau 55 năm, dân trí vẫn chưa đủ tầm để trao đầy đủ các quyền dân chủ; và quốc hội, vốn bản chất là con đẻ của nền dân chủ , là biểu tượng của nền dân chủ trong một quốc gia thì theo phát biểu của hai vị chủ tịch, một người vào năm 2000, một người vừa mới đây ở Ấn Độ, rằng "ngày càng dân chủ hơn”. Thử hỏi có nước nào chậm chạp như vậy không? Khổ thật!

Đất nước tôi luôn có quá nhiều kẻ thù. Những năm trước đây, những người lãnh đạo nước tôi cũng rất khổ sở, cứ 5 năm lại phải họp nhau, tranh luận nảy lửa để gọi tên từng loại kẻ thù, xếp thứ tự kẻ thù. Đó là những kẻ thù tiềm năng gây chiến tranh nóng. Rồi ngày nay lại những kẻ thù dùng hoà bình làm chiến tranh. Dân tôi, suy từ bụng ta, nghĩ một cách tự nhiên (tức là không gồm kẻ lăm le xâm chiếm lãnh thổ) rằng người ta chỉ thù ghét bọn cao đạo, giàu có, giả dối v.v. Nước tôi có vậy đâu mà lại nhiều kẻ thù đến thế/ Khổ thật!

Đất nước tôi có tiếng nói cực kỳ hay và phong phú, có khả năng diễn đạt sâu sắc cả tư duy hình tượng và trừu tượng. Tuy nhiên, do thói quen tập nhiễm qua lịch sử, có nhiều cách nói của người lớn rối rắm, khó hiểu và không khoa học, gây trở ngại cho việc giải thích đối với trẻ em. Chẳng hạn, người lớn chúng ta có tuyên ngữ "Kính thưa đồng chí và đồng bào”. Nếu hiểu và giải thích cho con em học sinh rằng đồng bào là tất cả người Việt Nam cùng nguồn gốc từ một bọc (bào thai, bụng mẹ hoặc bọc trăm trứng) thì đồng bào bao gồm cả đồng chí. Cách gọi phân biệt đó vi phạm logic và tạo cảm quan không tốt. Trường hợp tương tự là những cách nói "cán bộ, đảng viên và nhân dân” (nghĩa là cán bộ, đảng viên không phải nhân dân), "nhà nước và nhân dân cùng làm” (nghĩa là nhà nước tồn tại độc lập, ngoài nhân dân). Nên chăng cách nói có mục đích phân loại, thành phần hoá nhân dân, dân tộc như vậy? Cũng là một chuyện khổ!

Nhiều khổ quá!

Tôi nghĩ mỗi nước cũng có cái khổ riêng, được tạo ra bởi đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước ấy. Nhưng đất nước tôi khổ thật! Không biết sao lại vậy!

Bỉ Dân

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 483 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 12
Khách: 12
Thành Viên: 0