Ủy ban Dự thảo Hiến pháp 1992 đã công bố trước Quốc hội Việt Nam nội dung văn bản sau thời gian dài rầm rộ lấy ý kiến người dân.
Dự thảo mới nhất đề nghị giữ nguyên tên nước như hiện nay, giữ điều 4 về chế độ chính trị,và yêu cầu quân đội trung thành với Đảng Cộng sản.
Giới quan sát cho rằng văn bản này, so với dự thảo công bố ban đầu, đã giữ nguyên những vấn đề căn bản nhất mặc dù đã có tranh luận về Hiến pháp.
Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân” do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và người phát ngôn Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội khóa V.
Theo báo Thanh Niên dẫn lời ông Phan Trung Lý phát biểu hôm 20/05/2013, việc giữ nguyên tên nước đảm bảo tính ổn định, "tránh những thế lực lợi dụng xuyên tạc, khẳng định hướng đi chính trị, đồng thời không tạo ra xáo trộn về quốc huy, văn bản hiện nay”.
"Tên gọi này cũng đã sử dụng ổn định từ năm 1976 và quen thuộc với nhân dân ta và quốc tế,” vì vậy Ủy ban soạn thảo đề nghị vẫn giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và không trình phương án đổi tên nước.
Trước đó đã có ý kiến đưa ra một số tên gọi khác, trong đó có lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 và cũng được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, theo Tuổi Trẻ đăng.
Ủy ban soạn thảo cũng đề nghị giữ Điều 4, chương I về chế độ chính trị trong Hiến pháp 1992, về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Vai trò của nhân dân đối với việc xây dựng Hiến pháp được đề nghị "do Quốc hội quyết định” vì quy định này không trái với nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, và là để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.
'Trung thành với Đảng'
"Chủ tịch nước có thể đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ."
Đề nghị của Ủy ban dự thảo Hiến pháp 1992
Văn bản mới nhất chờ Quốc hội thông qua, ghi: "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân...”
Đồng thời dự thảo cũng ghi rõ, lực lượng này có nhiệm vụ "bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Ngoài ra Ủy ban đề nghị Quốc hội việc Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Theo đề nghị trên, việc phong chức, thăng chức hay giáng chức, tước quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang nhân dân, cấp chuẩn đô đốc, phó đô đốc và đô đốc hải quân; cùng với bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng do Chủ tịch nước quyết định.
Bên cạnh đó là các thẩm quyền như đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng và các thành viên khác của chính phủ, chánh và phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án khác viện trưởng và viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Theo truyền thông trong nước, buổi thảo luận tiếp theo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ diễn ra vào ngày 27/05 và Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo này trong hai ngày 03 và 04/06.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 20/05/2013, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp là một trong bốn ưu tiên của kỳ họp, và gọi đây là "sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong toàn dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp”.