Thứ Ba, 2024-11-05, 8:38 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 14 » Đa đảng có lợi cho ai?
1:46 AM
Đa đảng có lợi cho ai?

Nguồn: Báo Tổ Quốc

Đảng cộng sản Việt Nam từ trước tới bây giờ vẫn "nhất quán” trong việc chống "diễn biến hòa bình”, chống "đa nguyên đa đảng”. Trong tuyên bố với báo giới Ấn Độ mới đây, ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định một lần nữa rằng Việt Nam không chấp nhận đa đảng.

Điều này nói lên điều gì? Đầu tiên, nó phản ánh là sự kém tự tin và sự tụt hậu của đảng cộng sản, một đảng đã ra đời 80 năm và đã có 65 năm cầm quyền, vẫn chưa đủ tự tin để cạnh tranh với các đảng phái khác. Có lẽ "đảng ta” nên chịu khó đem sách vở sang học lại người "học trò cũ”, tức thủ tướng Hun Sen của Campuchia.

Cho dù Campuchia vẫn còn nghèo khó, tham nhũng, bất công nhưng không ai bảo là Campuchia không có dân chủ. Hun Sen là người cộng sản duy nhất trên trái đất này có thể (hay phải) tự đổi mới mình và ông ta đã thành công. Trong bốn nhiệm kỳ, đảng của ông chiếm đa số trong các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương. Ông ta cũng được đánh giá cao về lòng yêu nước qua việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới trước Thái Lan, trong vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear. Trong vụ ông nghị sĩ đối lập Sam Rainsy nhổ cọc biên giới với Việt Nam, ông Hun Sen cũng không hề lên tiếng. Cứ nhìn vào những hành động này, chúng ta không thể không buồn cho sự "yếu hèn” của chính quyền Việt Nam trước người láng giềng Trung Quốc.

Thái Lan và Việt Nam chắc chắn mạnh hơn Campuchia nhiều lần, nhưng Hun Sen đã không hèn yếu và rồi cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều chẳng làm gì được Hun Sen, ngoài vài lời phản đối lấy lệ của người phát ngôn Bộ ngoại giao.

Ngoài tấm gương Campuchia chuyển đổi từ độc tài sang thể chế dân chủ, còn hai tấm gương sáng cần tham khảo đó là trường hợp của Đài Loan và Hàn Quốc. Hai quốc gia này từng phải sống trong chế độ độc tài nhưng các thể chế độc tài cầm quyền đã chủ động chuyển sang thể chế dân chủ và bây giờ đã trở thành những quốc gia phát triển nhất ở Châu Á.

Mỗi đảng viên cộng sản Việt Nam phải thấy xấu hổ trước những câu hỏi như: Tại sao một đảng cầm quyền với 3 triệu đảng viên và 65 năm cầm quyền lại không dám cạnh tranh với các đảng chính trị khác? Tại sao đảng cộng sản có hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ chính trị mà không dám đối thoại công khai với các nhà bất đồng chính kiến? Tại sao đảng cầm quyền lại phải dùng đến những thành phần xã hội đen để chống lại nhân dân, chống lại các tôn giáo như vụ Bát Nhã và Tam Tòa? Tại sao phải dùng tin tặc để đánh phá các trang báo "lề trái”?…

Không có tổ chức chính trị đối lập lương thiện nào (trong cũng như ngoài nước) đòi tiêu diệt hay xóa bỏ đảng cộng sản, họ chỉ đòi hỏi đảng cộng sản phải cạnh tranh một cách "đường đường, chính chính” với các tổ chức chính trị khác. Đây là một đòi hỏi đúng đắn và nghiêm túc. Đất nước là của chung, của toàn thể nhân dân Việt Nam nên nhân dân Việt Nam phải có quyền lựa chọn cho mình người lãnh đạo đất nước. Nếu đảng cộng sản với những cương lĩnh và hành động tiến bộ và nếu nhân dân vẫn tín nhiệm thì đảng cộng sản vẫn tiếp tục cầm quyền. Đơn giản chỉ có vậy.

Tôi tin rằng nếu có bầu cử dân chủ thì có thể đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể thắng cử và tiếp tục cầm quyền. Đại hội XI của đảng cộng sản sắp diễn ra, đảng lại kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến cho đảng. Đảng phải thay đổi, nhưng thay đổi cái gì và thay đổi thế nào là vấn đề cần bàn. Thay đổi đầu tiên và căn bản nhất, nếu đảng thật lòng muốn thay đổi và muốn tốt cho chính bản thân đảng và cho nhân dân thì đó phải là quyết tâm chuyển đổi từ thể chế độc đảng sang thể chế dân chủ. Nếu đảng vẫn không chấp nhận sự thay đổi này thì mọi thay đổi nếu có cũng chỉ là dầu bôi ngoài da cho căn bệnh đã ung thư.

Đảng cộng sản đang độc quyền lãnh đạo đất nước nên rất thuận lợi trong việc chuyển đổi sang hướng dân chủ, nếu thực hiện có lộ trình. Lộ trình đầu tiên là chấp nhận những tổ chức chính trị đối lập ôn hòa và xây dựng. Hoặc cho phép tách đảng ra thành hai đảng như đề nghị của cụ Trần Lâm (Hải Phòng). Cho phép những tờ báo của các tổ chức ôn hòa này hoạt động độc lập với thỏa thuận là các tờ báo này phản biện các vấn đề một cách nhẹ nhàng và mang tính xây dựng. Tăng cường việc trao đổi, đối thoại giữa các nhà lý luận của đảng với các nhà bất đồng chính kiến (hay đối lập) một cách cởi mở trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phi chính trị hóa các chương trình giáo dục, từ phổ thông đến đại học. Cho phép báo chí tư nhân hoạt động, không can thiệp vào xã hội dân sự mà chỉ nên hỗ trợ trong bước ban đầu.

Đảng cần phải chấp nhận các nhà đối lập và bất đồng chính kiến, lắng nghe và hợp tác với họ thay vì bỏ tù họ. Những thành phần này và các tổ chức chính trị đối lập là tấm đệm để ngăn chặn các cuộc cách mạng đường phố và sự đổ vỡ khi có chính biến. Không khó khăn gì để đảng cộng sản nhận ra lực lượng chính trị đối lập nào là yêu nước, là mang tính xây dựng. Đảng phải chủ động đối thoại và trao đổi với các thành phần này để đi đến các thỏa hiệp chính trị.

Khi đại hội đảng XI tới đây đã đồng thuận thay đổi sang thể chế dân chủ thì lộ trình tiếp theo sẽ là trao Quốc hội cho nhân dân bằng cách tách ra thành hai viện:

Thượng nghị viện chỉ có ở cấp trung ương. Mỗi vùng có một số thượng nghị sĩ bằng nhau do cử tri toàn vùng trực tiếp bầu ra. Thượng nghị viện có vai trò: bảo đảm sự thống nhất và hòa hợp quốc gia qua các vùng, đề nghị các dự luật, phúc thẩm, nếu cần, các đạo luật do quốc hội biểu quyết, khuyến cáo và đề nghị với chính phủ về các chính sách và về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Thượng nghị viện có quyền đòi các viên chức chính quyền mọi cấp ra điều trần.

Hạ nghị viện gồm các dân biểu mà đại đa số sẽ được bầu theo lối đầu phiếu đơn danh và một vòng, số còn lại được bầu theo tỷ lệ. Trong một nước Việt Nam với dân số 86 triệu, quốc hội có thể gồm khoảng 500 dân biểu, trong đó khoảng 450 được bầu theo thể thức đơn danh và một vòng, số còn lại bầu theo tỷ lệ trên cả nước. Việc đa số được bầu theo thể thức đơn danh và một vòng bảo đảm rằng sẽ không có tình trạng lạm phát chính đảng và sẽ có một đa số (của một đảng hay do liên minh của một vài đảng cùng khuynh hướng) để thành lập một chính phủ. Thiểu số bầu theo tỷ lệ cho phép mọi đảng phái có mặt trong quốc hội và cũng cho phép những người lãnh đạo các chính đảng có tầm vóc quốc gia khỏi phải tranh cử tại địa phương và để tập trung cố gắng cho những vấn đề của cả nước.

Trong giai đoạn đầu, có thể Thượng nghị viện sẽ do đảng cộng sản nắm giữ toàn bộ; nhưng Hạ nghị viện phải thuộc về toàn dân, nghĩa là bất cứ công dân nào cũng được quyền ra ứng cử hay tranh cử vào các chức vụ dân cử. Sau đó, tất cả mọi các chức vụ dân cử: nghị sĩ (thượng viện), dân biểu (hạ viện) nghị viên (hội đồng vùng và tỉnh) đều phải qua tuyển cử tự do. Cử tri tự do chọn lựa ứng cử viên nào cảm thấy xứng đáng nhất.

Tại mỗi vùng, phần nghị viên được bầu theo tỷ lệ có thể cao hơn, các nghị viên có thể được bầu một nửa theo phương thức đơn danh một vòng, một nửa theo tỷ lệ. Để giới hạn con số các chính đảng, cần đặt một mức tối thiểu để có thể hiện diện trong quốc hội hay nghị viện vùng qua lối bầu tỷ lệ, thí dụ 5%. Hiến pháp Việt Nam sẽ được sửa đổi sau khi được sự đồng thuận của hai viện quốc hội. Như vậy tiếng nói của đảng vẫn còn nguyên giá trị trong khi tiếng nói người dân cũng được lắng nghe. Thủ tướng sẽ do quốc hội bầu ra và có trách nhiệm cao nhất.

Đây là lộ trình thay đổi lý tưởng nhất cho Việt Nam, lộ trình thay đổi chủ động từ trên xuống. Và đảng cộng sản hoàn toàn có thể làm được điều này nếu họ muốn. Như vậy tương lai của họ và con cháu họ hoàn toàn được đảm bảo, sẽ không có cuộc cách mạng nào xảy ra và họ vẫn có thể đồng hành cùng dân tộc.

Những người lãnh đạo đảng cộng sản chưa quen với sự cạnh tranh nên họ hay nghi ngại, nhưng thật ra "cạnh tranh” trong chính trị cũng không phải là gì quá ghê gớm hay quá khó, tất cả rồi sẽ quen đi và khi đã quen với sự cạnh tranh, nhất là lại chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh đó thì họ sẽ thấy tự hào và sung sướng thật sự. Cái chính là họ sẽ có cảm giác thanh thản, tự tin thay vì lo lắng và bất lực như bây giờ. Thật lòng chúng ta thấy buồn và tội nghiệp cho các vị quan chức của Việt Nam khi xuất hiện và phát ngôn trước công chúng. Nói đâu sai đấy, và chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Lỗi không hoàn toàn phải tại họ mà tại cơ chế độc đảng. Phải có sự cọ xát, sự cạnh tranh mới làm cho quan chức Việt Nam khôn ngoan, thông minh và tự tin hơn.

Để trở thành một chính trị gia thật sự thì điều đầu tiên phải chịu được đó là "chấp nhận” sự chỉ trích. Có những chỉ trích đúng, có những chỉ trích sai nhưng nếu không chịu được sự chỉ trích của thiên hạ thì không thể nào trở thành người lãnh đạo tốt. Không một ai tin rằng chế độ độc đảng lãnh đạo sẽ trường tồn, nó phải chấm dứt một ngày gần đây. Không hiểu các vị lãnh đạo Việt Nam có khi nào đặt tự đặt cho mình câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi đó? Con cái họ sẽ như thế nào? Thanh danh của họ sẽ ra sao? Nếu có câu trả lời thành tâm và nếu còn nghĩ đến hậu sinh thì những người này phải dứt khoát chọn con đường dân chủ hóa đất nước.

Dưới cơ chế độc đảng như hiện nay thì không những toàn thể nhân dân mất tự do mà ngay cả những cấp lãnh đạo cao nhất cũng không có tự do. Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh ông Phan Văn Khải cầm giấy đọc trước mặt tổng thống Bush ở Nhà Trắng. Chúng ta cũng không quên được câu nói của ông Nguyễn Minh Triết khi trả lời sư ông Nhất Hạnh rằng "chúng nó (đảng cộng sản) sẽ đập tui chết” qua lời kể của sư cô Chân Không trên đài RFA, khi sư ông Nhất Hạnh đề nghị lập bia tưởng nhớ những người đã chết khi vượt biển tìm tự do.

Ngay bây giờ, không ai biết những quan chức lớn nhỏ của chế độ cộng sản Việt Nam sướng hay khổ? Tôi nghĩ là khổ. Chỉ riêng việc ăn nhậu ngày mấy bữa cũng đã là cực hình. Có những quan chức Việt Nam kể rằng cả tháng họ chỉ ăn cơm nhà một vài bữa, số còn lại là ăn nhậu ở các nhà hàng. Họ than rằng "trốn” được bữa nào là may bữa đó vì không còn cảm thấy ngon miệng trong ẩm thực nữa. Có lẽ vì thế mà các nhà hàng phải nghĩ ra đủ mọi cách để tìm món ăn mới lạ để phục vụ cho quan chức Việt Nam. Các loại động vật quí hiếm ở Việt Nam bị diệt chủng là lẽ đương nhiên và một điều đương nhiên nữa là những người suốt ngày ăn nhậu này không chết sớm mới là chuyện lạ.

Trong công việc cũng vậy, sự đấu đá, kèn cựa tranh giành lẫn nhau diễn ra hàng ngày, hàng giờ giữa các nhân viên trong cùng cơ quan, trong cùng một công sở. Mỗi người đều phải tìm mọi cách lấy lòng cấp trên bằng những việc làm đôi khi trái với đạo đức và rồi họ sẽ trút giận vào nhân viên và cấp dưới. Chưa kể đến việc những kẻ cơ hội và vô học trèo lên các địa vị lãnh đạo bằng đầu gối. Những kẻ này thật sự là tai họa cho nhân viên dưới quyền và làm mất uy tín nghiêm trọng cho đảng cầm quyền.

Cũng chính do cơ chế độc quyền lãnh đạo mà "cái ghế” mới là chính, còn người ngồi trên cái ghế đó chỉ là phụ, là thứ yếu. Cũng là con người đang "oai phong lẫm liệt” ngồi trên "ghế cao”, nhưng chỉ cần rời khỏi "cái ghế” đang ngồi thì ngay lập tức "con người đó” không còn là ai cả, không còn ai nhớ và biết đến ông ta nữa. Người ta chỉ sợ "cái ghế” chứ không phục "người ngồi trên ghế”. Đây là nỗi nhục, nỗi xấu hổ, niềm cay đắng cho bất cứ ai đã phải trải qua tình cảnh này. Ví dụ mới nhất là trường hợp ông cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Châu đăng trên báo Tiền Phong, ngày 05/04/2010.

Để loại bỏ những tai họa này thì chỉ có một thuốc chữa duy nhất là dân chủ và minh bạch. Minh bạch không thể có được nếu không có dân chủ và dân chủ thì không thể có được trong các thể chế độc tài. Như vậy gốc của mọi vấn đề là "dân chủ chính trị” mà thể hiện phải có của nó là sự đa đảng.

Chỉ khi có đa đảng thì lãnh đạo các đảng mới "uốn nắn” được đảng viên của mình. Câu thần chú khi đó thật đơn giản: "Nếu anh hành xử tồi tệ như vậy thì không những anh mất chức mà "đảng ta” cũng mất quyền lãnh đạo”. Đòi hỏi mỗi con người có tính tự giác là điều vô cũng khó khăn vì bản tính của con người khi sinh ra là đã có sự tham lam, sự xấu xa. Chỉ có sự chế tài thật mạnh, như việc "mất ghế” chẳng hạn, mới làm cho quan chức lo sợ.

Cũng chỉ dưới thể chế đa đảng thì mỗi quan chức nhà nước mới có thể tránh cho mình những sức ép không đáng có từ người thân, vợ con, làng xóm, đàn em… Khi có đa đảng thì mọi đảng đều phải tuân thủ pháp luật và như vậy quan chức không thể bao che, dung túng cho những hành vi sai lạc của người thân mình. Bộ phim truyền hình nổi tiếng "Chạy án” đã phản ánh nổi bất hạnh của ông bố Cẩm đầy quyền chức trước vợ con mình. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn chừng nào Việt Nam chưa có đa đảng, tức là chưa có cạnh tranh chính trị.

Như vậy, đa đảng đâu chỉ có lợi cho người dân? Vậy hà cớ gì mà những người cộng sản lại sợ đa đảng? Tại sao họ không dám cởi trói cho chính bản thân mình và con cháu mình?

Những câu hỏi trên dành cho những người lãnh đạo đảng cộng sản và cho cả người thân lẫn con cháu của họ. Cái gì thuận theo tự nhiên sẽ tiếp tục phát triển, cái ngược lại ắt phải đào thải. Đấy là chân lý tự nhiên của muôn đời…

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 682 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 364
Khách: 364
Thành Viên: 0