Trình Phụng Nguyên
Bức thư đề ngày 29.04.2010 của DB Cao (Dân biểu Ánh „Joseph" Cao),
Hạ nghị sĩ của nước Mỹ từ chối lời đề đạt của TT Sơn (Thứ trưởng Bộ ngoại Giao Việt
Nam Nguyễn Thanh Sơn) với lý do được nêu là vì "tiền đề sai lầm"
không chỉ là sự trục trặc ngoại giao đơn thuần, mà nó còn là một bệnh
án bất bình thường, khó có thể tháo chữa một sớm một chiều -trong tương
lai gần.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn (trái) và nghị sĩ Cao Quang Ánh (phải)
Chuyến đi bán chính thức vào Việt Nam của NS Cao vào hồi tháng giêng
vừa qua từ căn bản hoàn toàn không có mục đích rõ ràng nào, cũng không
có định đề nào khác được công bố trước để thảo luận. Trong suốt chuyến
đi dọc nước Viêt Nam của ông chỉ mang tính chất thăm quan và tìm hiểu.
Ngoại trừ câu nói "Có nhiều nguyện vọng của tôi nhiều lúc
không đi song với đường hướng của chính phủ Việt Nam…", thì hầu
như không có đả động gì về mặt chính trị. Điều này chứng tỏ chuyến đi
của NS Cao chỉ vì sự quan tâm của riêng cá nhân ông đối với đất nước
Việt Nam hôm nay. Ông cũng khẳng định như thế trên báo chí. Ai cũng phải
nhìn nhận tấm lòng cuả ông đang hướng về quê hương.
Lúc đầu đã có lời ra tiếng vào về chuyến đi này của một số người
trong CĐNVNHN (Cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại). Việc này đã
không mấy gì thuận lợi cho NS Cao trên đất Mỹ. Số người này lo sợ DB Cao
chủ trương bắt tay, hòa giải hay thoả hiệp điều gì đó với NNVN (Nhà
nước Việt Nam). Nhưng chuyến đi cuối cùng rồi cũng đã diễn ra trong êm
xuôi. Từ phía Việt Nam chỉ có vài hàng tin -phần nhiều lạc quan về DB
Cao- với đôi ba hình ảnh nằm trong khuôn khổ ngoại giao được báo chí
đăng tải. Ở hải ngoại cũng thế. Cả từ phía DB Cao cũng không có đúc kết
gì sau chuyến đi. Người ta đã gần như đã quên đi câu chuyện này. Tưởng
cũng nên nhắc thêm là trong chuyến đi đã có ít nhất 2 Nghị sĩ khác người
Mỹ tháp tùng, Nghị sĩ Eni Faleomavaega và Nghị sĩ Mike Honda.
Bẵng đi đôi tháng, vào ngày 31.03.2010, từ Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội, TT
Sơn gửi một bức thư đến Washington đề nghị DB Cao hỗ trợ cho Bộ Ngoại
Giao -ở đây là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- gặp gỡ
cộng đồng người Việt Nam và các Tổ chức ở nước ngoài để hội thảo nhằm
xóa đi những „ngộ nhận và hiềm khích" đối với NNVN của CĐNVNHN vì "…còn
thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam và vẫn còn mang tư tưởng hận thù
cùng những lời nói, việc làm chống lại Nhà nước Việt Nam." (nguyên
văn trong bức thư của TT Sơn).
Một tháng sau, ngày 03.05.2010, DB Cao công bố bức thư phúc đáp của
ông (thư đề ngày 29.04.2010) từ chối đề nghị của TT Sơn vì cho rằng: "tiền
đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là THIẾU THÔNG TIN
ĐÚNG ĐẮN là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang
tính cách xây dựng cho việc đối thoại".
Rõ ràng qua bức thư từ Bộ Ngoại Giao, TT Sơn có ý đồ muốn dựa vào
tình yêu Quê hương cùng với "vị trí và uy tín" của DB Cao để
chính thức được chính quyền Mỹ bao bọc, bảo vệ cho những buổi dự định
tuyên truyền công khai của NNVN trên đất Mỹ, rồi đến Canada. Việc này
cho đến hôm nay đã chưa từng xảy ra ở hải ngoại.
Những toan tính này của TT Sơn – qua bức thư - cho thấy ông đã không
thể hiện sự khôn ngoan cần thiết của một Thứ trưởng, của Bộ Ngoại giao.
TT Sơn không khôn ở chỗ là cho dù đã là nhân vật chính của NNVN, chịu
trách nhiệm trực tiếp tiếp xúc với DB Cao trong suốt chuyến công du,
nhưng vẫn không nắm và hiểu được DB Cao đang nói gì, đang thực sự nghĩ
gì về Nhà nước Việt Nam hiện tại. TT Sơn lại còn không ngoan ở chỗ rất
liều lĩnh -đến mức độ hồ đồ trơ trẽn- khẳng định rằng ở hải ngoại thiếu
thông tin đúng đắn về Việt Nam. TT Sơn tưởng bở.
Đã có dịp đi trong lòng đất mẹ, trở lại Mỹ sau chuyến về thăm Quê
Hương, DB Cao "đã tận mắt chứng kiến và thực sự cảm nhận qua chuyến
về Việt Nam vừa rồi" (lời của TT Sơn), hiển nhiên ông phải có những
suy nghĩ cho thấu đáo, cùng những trăn trở cụ thể về hiện tình của Đất
nước.
Trả lời TT Sơn, song song với căn nguyên của sự từ chối vì sự sai
quấy ngay từ tiền đề, DB Cao liền phản ứng nêu lên trong bức thư của
mình những điều "tận mắt chứng kiến" (cũng lời của TT Sơn) về
sự thống trị hà khắc của Nhà nước Việt Nam hiện tại. Đang nổi cộm được
nhắc đến là những vụ trấn áp các tôn giáo, xách nhiễu và giam cầm những
người bất đồng chính kiến,chiếm đoạt tài sản tư hữu v.v… Chung qui rất
rõ ràng là những vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Có một số cá nhân cho rằng nên lợi dụng vào cơ hội này tạo nên những
buổi hội thảo rộng rãi nhằm mục đích cải hóa hàng ngũ lãnh đạo của NNVN.
Nhưng DB Cao thì không có hy vọng như thế. Ông đã quyết định ngược lại.
Nguyên tắc căn bản của một cuộc hội thảo là:
- Cả hai (các) bên đều phải có khả năng nhận thức và thay đổi quan
điểm theo hướng hợp lý (logic), và
- Sự trao đổi tư tưởng mà cả hai (các) bên phải có sự hợp tác trong sự
thành thật, dựa trên cái đúng để sửa cái sai, cùng tìm đến lẽ phải
(Ngày nay, thế giới -con người- định nghĩa lẽ phải qua nhân quyền).
DB Cao đã trình bày quan điểm của ông trong chuyến công du: "Mặc
dù đôi khi bất đồng ý kiến về một số vấn đề nào đó, nhưng mục đích cuối
cùng mà chúng ta cùng hướng đến là càng ngày Việt Nam càng mạnh và người
dân được phát triển. Mặc dù bước tiến mà chúng ta đi đến đích nhiều khi
không song hành với nhau, ngay cả như tôi và hai người bạn nghị sĩ ở
đây nhiều khi không đồng ý, bất đồng với nhau nhưng vẫn cùng nhau làm
việc để có thể tìm kiếm sự thống nhất, nhằm có được bước đi tốt đẹp hơn
cho nước Mỹ. Vì vậy, tôi hi vọng dù nhiều khi chưa đồng ý về một số vấn
đề nào đó, nhưng chúng ta sẽ hợp tác và cùng nói chuyện để nước Việt Nam
được phát triển”.
Từ bức thư khởi đầu của TT Sơn (và có lẽ đã ngay từ trong chuyến công
du), DB Cao đã nhận thức ra được là TT Sơn đã không có thiện chí trong
căn bản thảo luận. TT Sơn luôn khư giữ tiền ý của mình, không muốn lắng
nghe ý kiến đối lập mà chỉ muốn đơn phương tuyên truyền với luận điệu
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như trong bức thư, TT Sơn viết: " …
Những cá nhân, những tổ chức ..vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những
lời nói, việc làm chống lại Nhà nước Việt Nam". Lập luận (tiền đề)
hoàn toàn cứng ngắc và mang bản chất ùn đẩy. Như thế sẽ không có thảo
luận xảy ra, việc đối thoại sẽ chỉ từ một chiều -điều này được gọi là
tuyên truyền-. Nó sẽ không đem đến kết quả đích thực mà chỉ hao tốn thời
gian, thậm chí còn gây ra xung đột.
DB Cao có lý ở đây, cuối văn thư ông nhấn mạnh thêm: "Tôi nhất
thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn
đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới có
thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt
chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn
đề trọng yếu về lợi ích chung.
Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ
nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với
cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận.
Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam
giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê
hương."
Những lời nói này chứng tỏ DB Cao không chỉ yêu Việt Nam nhiều lắm,
ông ta đang sẵn lòng với quê hương. Nhưng không vì thế mà TT Sơn có thể
xum xoe dụ dỗ, tưởng DB Cao là củ khoai lang bở, đào là được.
Nhà nước Việt Nam và báo chí "lề phải" rồi đây - nếu có nói đến- sẽ
cao giọng như thông lệ rằng NS Cao là thành phần phản động, là thế lực
thù địch ngoan cố, âm mưu diễn biến hòa bình, âm mưu lật đổ chính quyền
nhân dân, không tích cực hòa hợp hoà giải v.v….
Đây là một căn bệnh trẩm kha, căn bệnh tâm thần của con nhà quyền thế
mà tự chữa là phương pháp tốt nhất!
Chẳng lạ gì, hãy để yên mà coi!