Thứ Ba, 2024-11-05, 8:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 19 » "Dân chủ" đã được đưa lên hàng đầu
11:13 AM
"Dân chủ" đã được đưa lên hàng đầu
Nguyễn Đại

Trước đây, tôi có viết bài "Một số cảm nhận về hai chữ dân chủ” và có nhận được những góp ý quý báu, khẹn chê đủ cả. Cũng có người đặt ra một số câu hỏi mà tôi không biết trả lời như thế nào. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ niềm tin về dân chủ. Và tôi khẳng định một điều "phi dân chủ bất thành phát triển’. Xin bày tỏ một vài quan điểm

1/ Dân chủ là xu thế tất yếu của loài người tiến bộ. Phát huy dân chủ sẽ giúp đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bảo vệ Tổ Quốc. Với xu thế đó, trong lịch sử loài người, từ xưa tới nay, từ Tây sang Đông đã xuất hiện nhiều quan điểm dân chủ khác nhau, nhiều hình thái dân chủ khác nhau. Có quan điểm cho rằng quyền làm chủ của nhân dân là quyền xuất phát từ chính ý nguyện của người dân (do dân), như quan điểm của cách mạng Pháp 1789. Quan điểm khác tin vào thần quyền cho rằng quyền của con người là do ý trời (Nho Giáo) hay do Thượng đế (Thiên Chúa Giáo)…

Trong các quan điểm mà tôi được biết, về lý thuyết, có lẽ quan điểm về dân chủ / dân quyền cao cả nhất, nhân bản nhất là của chủ nghĩa Marx – Engels với xã hội đại đồng, "các tận sở năng, các thủ sở nhu”. Dĩ nhiên, quan điểm càng cao, càng lý tưởng càng khó thực hiện, và thực tế là không tưởng. Ngược lại, nếu mắc thêm bệnh quan liêu, duy ý chí thì "nát như tương tàu” (như các phản ứng phụ trong y học).

Về hình thái, có thứ dân chủ trực tiếp, kiểu các thành bang cổ đại La Hy, với dân số ít, người dân trực tiếp quyết định mọi việc của thành bang. Ngày nay, do dân số đông, có lẽ hình thái này không còn áp dụng cho các quốc gia được nữa. Cùng lắm cũng chỉ có thể áp dụng cho một bang, một thành phố… Ngược lại với hình thái dân chủ trực tiếp là dân chủ gián tiếp, người dân bầu đại diện thay mình quyết định mọi việc. Dân chủ gián tiếp là hình thái được áp dụng trong hầu hết các nền dân chủ hiện nay, kiểu "đại nghị chế” (Anh), kiểu "tổng thống chế” (Mỹ). Ở Việt Nam ta thì "Đảng (Cộng Sản) lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

2/ Trong thực tế, nền dân chủ nào cũng có những hạn chế nhiều hay ít. Hạn chế này là do hoàn cảnh văn hóa, lịch sử, kinh tế, dân chí (ý chí của dân)… Sau mỗi cuộc bầu cử, quyền chính trị thuộc về một đảng, một nhóm, một gia đình nào đó. Ở Anh, khi Đảng Bảo Thủ thắng cử thì suốt nhiều năm, quyền hành thuộc về Đảng này. Ở Mỹ, quyền hành hiện nay nằm trong tay đảng Dân Chủ - mà theo một số thông tin cần kiểm chứng thì không thể tách rời quyền lợi của các tập đoàn tư bản sau lưng nó.

Và một khi còn tồn tại Nhà Nước, có nghĩa là còn tồn tại mâu thuẫn giữa Nhà Nước và công dân, thì không làm gì có dân chủ tuyệt đối cả. Như trên đã nói, dân chủ tuyệt đối là ở chủ nghĩa Marx, nơi không còn Nhà Nước. (1) Do đó, không thể xét "CÓ” hay "KHÔNG CÓ” dân chủ ở một quốc gia. Chỉ có thể xét mức độ dân chủ cao hay thấp giữa các quốc gia với nhau mà thôi. Và "dân chủ hóa” là một quá trình bất tận, không có điểm dừng.

Từ sau đổi mới năm 1986, ngoài phát triển kinh tế, nước ta đã có những bước tiến về mức độ dân chủ. Trước đây, việc nghe đài BBC, đài VOA còn phải lén lút, nay thậm chí ta có cả trang BBC bằng tiếng Việt công khai. Trước, việc nhận quà từ nước ngoài còn rất nhiều thủ tục phiền hà chứ đừng nói đến việc đi nước ngoài dễ dàng như hiện nay. Trước, người dân đi công chứng giấy tờ biết thế nào là vất vả, nay thủ tục đã nhanh hơn, thậm chí có cả công chứng tư. "Dân chủ” cũng là một trong các ba mục tiêu xây dựng xã hội ở nước ta: xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thậm chí mới đây, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên thường trực Hội đồng lý luận trung ương, thì Đại hội XI tới đây, hệ mục tiêu đó không thay đổi, nhưng trật tự có thay đổi khi nhấn mạnh chữ "dân chủ” lên trên. Như vậy, ít nhất về lý thuyết, Đảng Cộng Sản cũng đã phải khẳng định tầm quan trọng của "dân chủ”. Do đó, người dân, nhất là thanh niên, đặc biệt là trí thức, phải có trách nhiệm tham gia vào quá trình dân chủ hóa đất nước.

3/ Để có thể tham gia một cách hiệu quả vào xây dựng dân chủ, theo tôi, cần không ngừng học tập, không ngừng nâng cao khả năng "đọc” và "viết”:

- Tìm hiểu các quan điểm dân chủ, các nền dân chủ đã xuất hiện trên thế giới và trong lịch sử nước ta, phân tích đánh giá để thấy được các ưu, khuyết điểm, trên tinh thần là mỗi dân tộc có hoàn cảnh riêng, truyền thống riêng nên chỉ có một nền dân chủ riêng mới phù hợp. Không có một mẫu dân chủ phổ quát có thể áp đặt cho mọi dân tộc. Ta chỉ có thể học tập mặt nào đấy ở mỗi nền dân chủ, và áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta.

- Bằng các phương tiện công khai, trao đổi với những người cùng quan tâm tới dân chủ để cùng học tập lẫn nhau, rút ra những bài học tốt nhất. Không hạn chế trao đổi, dù là bình dân hay bậc trí giả, thường dân hay cán bộ, Đảng viên hay chưa là Đảng viên, trong nước hay Việt kiều… Việc trao đổi này hoàn toàn không có ý nghĩa lập các tổ chức chống đối Nhà Nước mà chỉ để học hỏi, chia sẻ.

- Bày tỏ ý kiến, nêu quan điểm một cách chân thành, một lòng góp ý xây dựng, nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về dân chủ và ý thức dân chủ trong toàn dân. Nhân tiện cũng xin góp ý rằng, để người dân trao đổi và bày tỏ ý kiến công khai, Nhà Nước nên mở rộng tự do ngôn luận, ví dụ như cho phép báo tư nhân hoạt động chẳng hạn. Nhà Nước vừa thu thuế, vừa dễ quản lý. Báo tư nhân trong nước dù sao vẫn dễ quản lý hơn các trang web có server đặt ở nước ngoài. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Mác.

4/ Một số diễn biến xảy ra trên thế giới vừa qua có thể gây hiểu nhầm rằng "dân chủ gây bạo loạn”. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy, với những lý lẽ sau đây:

- Nếu dân chủ gây bạo loạn thì giải thích thế nào về việc hàng trăm quốc gia dân chủ vẫn đang phát triển rực rỡ như Thụy Điển, Na Uy, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức…

- Chính vì vẫn chưa hoàn toàn mất dân chủ mà ở Thái Lan, hàng trăm ngàn người biểu tình vẫn không dẫn tới đổ máu. Chúng ta so sánh cuộc biểu tình ở Thái Lan với cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 sẽ hiểu vấn đề. Nói văn hoa, thì nền dân chủ Thái Lan quá yếu đã dẫn tới biểu tình nhưng lại đủ mạnh để người dân được quyền biểu tình.

- Ở Ukraina, không có một sự thất bại nào của "cách mạng cam” cả. Nếu hiểu "cách mạng cam” là cuộc cách mạng đem lại quyền tự do dân chủ cho nhân dân Ukraina thì nó đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời. Tuyệt vời ở chỗ ông Tymoshenko, khi không còn được dân chúng ủng hộ thì phải nhường chỗ cho Yanukovich. Dân chủ là chỗ đó – cho dù là cha đẻ cách mạng cam thì vẫn bước vào cuộc bầu cử như bao ứng cử viên khác.

5/ Với mục đích xây dựng xã hội dân chủ một cách vững chắc, trong khi bày tỏ quan điểm trong khuôn khổ pháp luật, tôi có vài ý kiến xin chia sẻ:

- Chúng ta cổ vũ cho tinh thần dân chủ chứ không chống đối, sách động, không hô hào, không có âm mưu bạo loạn, lật đổ. Vì những việc đó vừa phạm pháp, vừa không được nhân dân đồng tình, và chẳng thể thực hiện được.

- Dân tộc đã đau khổ quá nhiều khi trải qua hàng loạt cuộc chiến trong suốt mấy mươi năm, cần được sống yên ổn để xây dựng đất nước. Bình ổn để phát triển, là điều kiện tiên quyết. (2) Kinh nghiệm của những nước có bạo động cho thấy đó không phải là con đường nên theo. Chúng ta góp phần dân chủ hóa là để đánh đổ bọn quan lại cửa quyền, nạn tham nhũng, hối lộ, tệ quan liêu…

- Trong khi cổ vũ cho tinh thần dân chủ, luôn tự hỏi "ta muốn gì?”. Trước sau câu trả lời phải nhất quán: "chẳng muốn gì cho cá nhân cả, chỉ muốn đất nước dân chủ để phát triển về mọi mặt”. Tuyệt đối không có tham vọng cá nhân, không tranh giành quyền lực.

LỜI KẾT

1. "Dân chủ” là một trong các mục tiêu của Nhà Nước Việt Nam ta. Điều này đã chính thức được đưa vào văn kiện. Và 2 chữ "dân chủ” phải được bình thường hóa, không còn mang tính nhạy cảm, lại càng không đáng sợ. Lý lẽ "dân chủ gây bạo loạn” là không đáng tin cậy.

2. Là hệ quả của kết luận 1, người nào cản trở quá trình dân chủ hóa đất nước, đó mới chính là phản động.

3. Tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước phải là nhiệm vụ của toàn dân, nhất là thanh niên trí thức.

Nguyễn Đại – 8 tháng 5 năm 2010

_____________________

Ghi chú

(1) Nhưng lúc đó thì không còn mâu thuẫn, nghĩa là không còn động lực phát triển, cả xã hội loài người "đứng lại”! Bài viết này không có ý phân tích Chủ Nghĩa Mác nên không đi vào chi tiết.

(2) Tuy nhiên, bình ổn không có nghĩa là câm lặng, không có nghĩa là "tĩnh”, mà trong bình ổn, vẫn luôn có tính "động”. Bình ổn là chấp nhận mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn một cách khoa học, hợp quy luật.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 708 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 156
Khách: 156
Thành Viên: 0