LTCG (06.02.2012)
HẢI PHÒNG 4-2 (NV) -Gặp mặt lãnh đạo tỉnh Hải Phòng, bà đại diện
người dân huyện Tiên Lãng đưa ra bản đề nghị 5 điểm trong đó có đề nghị
truy tố các viên chức huyện Tiên Lãng vì lợi dụng chức vụ, chiếm đoạt và
phá tài sản người dân.
|
Hiện trạng nhà của các ông Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý sau khi bị lực lượng cưỡng chế phá sập. (Hình: Người Lao Ðộng) |
Cuộc gặp mặt được tổ chức để chuẩn bị cho viên chức tỉnh gặp Thủ
Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngày Thứ Hai, Thủ Tướng Dũng sẽ đến Hải Phòng chủ
tọa một cuộc họp có sự hiện diện của 4 bộ và nhà cầm quyền thành phố,
rồi "chỉ đạo giải quyết vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng”.
Tin tức nói cả "VKSND Tối Cao, TAND Tối Cao, ủy ban trung ương MTTQ
Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam” cũng được yêu cầu "chuẩn bị ý kiến tham
dự cuộc họp”.
Vì phải chuẩn bị cho phiên họp, người ta mới thấy ông bí thư thành ủy
Hải Phòng Nguyễn Văn Thành và chủ tịch UBND thành phố, Dương Anh Ðiền,
đi gặp một số nông dân từng là nạn nhân của các vụ cưỡng chế bất công,
trái luật ở huyện Tiên Lãng.
Trên báo Tuổi Trẻ hôm Thứ bảy, ông Nguyễn Văn Thành đi gặp 3 người
trong Liên Chi Hội Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng là Lương
Văn Trong (phó chủ tịch), Vũ Văn Luân (thư ký) và Hoàng Văn Tin (hội
viên).
Theo sự tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, các nạn nhân kêu ca về tính cách
bất hợp pháp của các hành động cưỡng chế và thu hồi của nhà cầm quyền
huyện, không theo đúng quy định của luật pháp. Ông Thành "không đưa ra
kết luận gì” và nói rằng "đây là vấn đề phức tạp, cần thận trọng”.
Tờ Người Lao Ðộng tường thuật cuộc tiếp xúc của ông Dương Anh Ðiền
với 3 nông dân nói trên thì nói các ông Trong, Luân, và Tin đưa ra 5 đề
nghị, trong đó có đề nghị đòi truy tố tất cả những cá nhân, tổ chức
trong hội đồng cưỡng chế của huyện Tiên Lãng tội "lợi dụng chức vụ quyền
hạn, lạm dụng công vụ để chiếm đoạt và hủy hoại tài sản của công dân có
tổ chức”.
Cụ thể, ba người này đề nghị:
* "Thu hồi quyết định cưỡng chế” đối với gia đình ông Vươn;
* "Thu hồi toàn bộ quyết định dừng đầu tư nuôi trồng thủy sản”;
* "Giao lại đất để người dân tiếp tục sản xuất”;
* "Hoàn trả toàn bộ tài sản và bồi thường thiệt hại” cho gia đình ông Vươn;
* "Truy tố tất cả cá nhân, tổ chức của hội đồng cưỡng chế đất ông Ðoàn Văn Vươn của UBND huyện Tiên Lãng.”
Cũng như bí thư thành ủy, chủ tịch UBND Hải Phòng "lắng nghe” rồi nói "cần rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật…”
Theo báo Tuổi Trẻ và báo Pháp Luật Thành Phố ngày 4 tháng 2 năm 2012,
khi nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng ra quyết định số 3756 ngày 17 tháng
10, 2008 về "quy định về việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven
biển vào mục đích nuôi trồng thủy sản” thì đến tháng 12 năm 2009 Sở Tư
Pháp TP. Hải Phòng thành lập đoàn kiểm tra xem xét tính pháp lý của
quyết định này. Kết luận việc kiểm tra do phó giám đốc Sở Tư Pháp Hải
Phòng Ngô Minh Tuấn ký khẳng định: "Văn bản này ban hành không đúng thẩm
quyền, có nhiều nội dung không phù hợp với luật hiện hành”.
Kết luận của Sở Tư Pháp Hải Phòng đã nêu ra 6 điểm sai, từ sai với
Luật Ðất Ðai, vừa (cấp huyện) không có thẩm quyền ra quyết định như vậy.
Nhưng nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng vẫn căn cứ trên cái "quyết định”
sai trái đó để cướp không tài sản của người dân.
Trên báo Dân Việt ngày 3 tháng 2 năm 2012, ông Ðặng Hùng Võ, nguyên
thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, cũng nêu ý kiến về hành động cưỡng
chế của huyện Tiên Lãng (được hiểu ngầm là có sự hậu thuẫn của các quan ở
Hải Phòng vì huyện trình báo lên thành phố) là trái luật.
"Tôi cho rằng, từ trước đến nay, pháp luật của nước ta chưa bao giờ
cho phép cấp huyện tự định ra thời hạn sử dụng đất và hạn mức diện tích
sử dụng đất. Như vậy, huyện Tiên Lãng tự làm việc này, chắc chắn đã làm
chuyện sai phạm pháp luật rất lớn. Từ trước đến nay, thời hạn và hạn mức
diện tích sử dụng đất được quy định trong luật khung, tức là luật đã
được Quốc Hội thông qua. Cũng có một số trường hợp giao cho cấp tỉnh có
thể định chứ không bao giờ cấp huyện có thẩm quyền làm việc này.” Ông
Ðặng Hùng Võ nói trên tờ Dân Việt.
Ngày 4 tháng 2 năm 2012, ông Nguyễn Cẩm, chủ nhiệm luật sư đoàn Hải
Phòng cũng đưa ra nhiều điều luật để chứng minh việc ra quyết định thu
hồi tài sản của anh em ông Ðoàn Văn Vươn rồi tiến hành cưỡng chế là trái
luật.
"Thu hồi đất của ông Vươn không bồi thường là trái luật.” Ông Cẩm
nói. Còn việc đập phá nhà của người dân không nằm trong khu vực bị cưỡng
chế, ông cho rằng "Theo tôi cơ quan của Hải Phòng phải tiến hành khởi
tố ngay vụ án ‘Hủy hoại tài sản công dân’ để điều tra, làm rõ và tiến
hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo tinh thần thượng tôn pháp luật.”
Nhà cầm huyện Tiên Lãng hồi đầu nhìn nhận đã san bằng nhà hai tầng
của ông Ðoàn Văn Quý và đốt nhà một tầng của ông Ðoàn Văn Vươn, sau lại
chối. Ông phó chủ tịch UBND Hải Phòng lúc đầu nói "người dân bức xúc”
phá, nhưng sau thấy bị đả kích thì cũng chối.
Tin tức cho hay về cuộc họp báo của ông Vũ Ðức Ðam, chủ nhiệm Văn
Phòng Chính Phủ, nói về phiên họp của ông Nguyễn Tấn Dũng ở Hải Phòng
ngày Thứ Hai 6 tháng 2, 2012 thì cho thấy, đây là cuộc họp kín của những
kẻ cầm quyền từ trung ương tới địa phương, báo chí chỉ được thông báo
tin tức phần nào sau đó về "chỉ đạo” của ông Nguyễn Tấn Dũng chứ không
được ngồi nghe để viết tường thuật.
Dư luận khắp nơi sẽ bám sát để xem từ ông Nguyễn Tấn Dũng đến các
quan chức địa phương, vừa đóng vai nhà nước, vừa lại là "đại biểu nhân
dân” sẽ "xử lý” vụ việc thế nào. Các ông đứng về phía người dân thấp cổ
bé miệng hay lại giải quyết theo kiểu "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
Nguồn: Người Việt Online